Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã an toạ, Ngài được chào đón cho cuộc trò chuyện trực tuyến hôm nay bởi Tiến sĩ Anupam Sibe, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Toàn cầu Ấn Độ (GAPIO) và Tiến sĩ Akshay Anand, Giáo sư, PGIMER, Chandigarh, đại diện cho Hiệp hội Yoga Ấn Độ. Bác sĩ Sibe cho rằng do sự căng thẳng của những người chữa trị cho đại dịch hiện nay, cho nên cần phải có lòng từ bi. Bác sĩ Anand nói thêm rằng nhiều người làm việc trong lĩnh vực y tế trên khắp thế giới sẽ tham gia buổi nói chuyện trực tuyến này.
Ngài trả lời, Cảm ơn quý vị! Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi khi được tham gia các cuộc thảo luận với các học giả và các chuyên gia như quý vị. Tôi học được rất nhiều từ những buổi trao đổi như thế này. Một học giả nổi tiếng của Tây Tạng đã từng nói rằng, cho đến khi đạt được Phật quả, mỗi chúng ta đều là một học trò sẵn sàng học một điều gì đó mới mẻ.
Hiện nay, quan tâm đến vấn đề sức khỏe, nó không chỉ liên quan đến cơ thể chúng ta, mà còn liên quan đến tâm thức và cảm xúc của ta nữa. Việc thực hành tâm từ bi và lòng vị tha sẽ mang đến cho chúng ta sự an lạc trong tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với những sự cố rắc rối, hoặc có ai đó chỉ trích về những điều mà chúng ta đã nói hoặc đã làm - thì lòng từ bi vẫn cho phép chúng ta cảm thấy biết ơn họ. Từ bi là biện pháp đối phó tốt nhất đối với sự tức giận, lo lắng và vân vân.
Về mặt thể chất, việc tập luyện yoga và hơi thở có thể giúp chúng ta làm lắng dịu nhịp tim của mình. Có những sự thực hành đơn giản như hơi thở chín vòng, tôi vẫn thường thực hiện và có tác dụng làm lắng dịu. Những sự thực hành này được mô tả trong các bản kinh văn về tâm linh Ấn Độ, nhưng chúng ta có thể áp dụng chúng theo cách khách quan của thế gian để làm giảm bớt sự lo lắng và cải thiện sức khỏe thể chất của chúng ta.
Trong vài thập kỷ qua, tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với các nhà khoa học, chủ yếu là từ phương Tây. Họ rất quan tâm đến việc nghiên cứu về vật chất, tuy nhiên họ cũng ngày càng đánh giá cao kiến thức Ấn Độ cổ đại về phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Cho đến cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học chỉ tập trung vào vấn đề não bộ mà rất ít quan tâm đến lĩnh vực tâm thức và thế giới nội tâm của chúng ta. Hiện nay, với sự phát hiện ra chất dẻo đàn hồi của thần kinh đã khiến cho điều này bắt đầu thay đổi (các nhà khoa học bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực tâm thức).
Trước đây, chúng ta đã học cách giữ gìn vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khỏe thể chất của mình. Ngày nay, chúng ta cần phải học cách giữ gìn sự an lạc nội tâm, cần phải áp dụng các nguyên tắc vệ sinh cảm xúc. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng sẽ có rất nhiều lợi ích trong việc kết hợp sự giáo dục hiện đại với kiến thức Ấn Độ cổ đại.
Ngài đã lưu ý rằng, mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc trong một thế giới hòa bình, nhưng đồng thời, chúng ta lại phải đối mặt với rất nhiều vấn đề rắc rối do chính chúng ta gây ra. Làm giảm thiểu những rắc rối ấy là tùy thuộc vào chúng ta. Ngài nhấn mạnh, điều quan trọng chính là sự giáo dục - đặc biệt là về cách trưởng dưỡng sự an lạc nội tâm.
Ở quốc gia này, chúng ta đã có những truyền thống cổ xưa về ‘ahimsa’ (bất bạo động), và ‘karuna’ (tâm từ bi) - xuất phát từ những sự thực hành để phát triển một tâm thức định tĩnh, sự tập trung và trí tuệ. Kiến thức Ấn Độ cổ đại cũng cho chúng ta biết rằng, xử lý được những cảm xúc tiêu cực của mình là điều vô cùng hữu ích.
Vào thế kỷ 20, Mahatma Gandhi đã thúc đẩy việc thực hành bất bạo động như là một phần của cuộc đấu tranh chính trị. Ông đã gây ấn tượng và ảnh hưởng đến nhiều người thuộc thế hệ hậu bối của mình, như Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu, Nelson Mandela và Martin Luther King. Một phương diện khác của truyền thống này là, trau dồi lòng từ bi chính là cách để phát triển sự bình yên trong tâm hồn, điều này không nhất thiết là một mục tiêu tâm linh mà là một phần của việc rèn luyện tâm thức trong cuộc sống đời thường. Đôi khi tôi tự hỏi - giá mà Ngài Mahatma Gandhi có thể lưu ý hơn một chút nữa về vấn đề này và sự phát triển của một nền giáo dục hoàn thiện hơn.
Ngài nhận xét rằng, nhà vật lý hạt nhân Ấn Độ - Raja Ramanna đã từng đề cập với Ngài rằng, vật lý lượng tử là vấn đề còn mới mẻ đối với phương Tây. Tuy nhiên, tư tưởng tiềm ẩn của nó rất tương đồng với những điều mà Ngài Long Thọ đã viết cách đây nhiều thế kỷ. Ngài Long Thọ là bậc tiên phong của Truyền thống Nalanda, là tiêu biểu của tinh thần tìm tòi nghiên cứu cẩn thận trên cơ sở của logic lý luận.
Trưởng dưỡng sự an lạc nội tâm nên là một phần trong phương pháp của chúng ta dành cho vấn đề sức khoẻ. Bác sĩ và y tá cũng đều cần đến nó. Nó rất quan trọng đối với việc tạo cho bệnh nhân vào một tâm trạng thoải mái. Bất cứ khi nào đi khám bệnh, tôi cũng đều để ý rằng, mình cảm thấy thoải mái hơn nhiều nếu các bác sĩ và y tá chăm sóc tôi, đối xử với tôi bằng tình cảm ấm áp và tươi cười vui vẻ.
Ngài mời các thành viên của khán giả đặt câu hỏi; và câu hỏi đầu tiên đó chính là về cách làm thế nào để giúp đỡ những người đã từ bỏ niềm hy vọng của mình.
Ngài trả lời, tôi nghĩ rằng nếu như người có những ham muốn quá mức và có một cái nhìn thiển cận, thì người ấy có thể sẽ mất hy vọng. Tuy nhiên, tâm thức loài người của chúng ta cho phép ta có một cái nhìn toàn diện hơn về những gì đang xảy ra với mình. Trong bối cảnh vũ trụ rộng lớn hơn, chúng ta biết rằng toàn bộ các dãy thiên hà cuối cùng rồi cũng sẽ biến mất. Là con người, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, nhưng vì có trí thông minh cho nên chúng ta có thể tìm ra cách để khắc phục những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
Nếu ta nhìn vấn đề và tập trung vào nó một cách hạn hẹp thì ta có thể sẽ đánh mất đi niềm hy vọng, nhưng nếu quý vị nhìn nó từ một góc độ rộng thoáng hơn, thì nó sẽ dễ dàng trở nên tích cực hơn. Trong cuộc sống của riêng tôi, tình hình ở Tây Tạng đã trở nên thực sự khó khăn vào đầu năm 1959. Vào ngày 17 tháng 3, khi tôi quyết định trốn thoát, chúng tôi không biết liệu mình có còn được sống sót vào ngày hôm sau hay không - nhưng tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng. Giữ vững quyết tâm của mình là điều vô cùng quan trọng, vì vậy khi mặt trời ló dạng vào ngày 18 tháng 3, tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều.
Một câu hỏi đã được đề cập đến về thị trường động vật, chăn nuôi công nghiệp và sức khỏe con người. Ngài trả lời rằng, nếu quý vị để ý quan sát kỹ về móng tay và răng của con người, thì dường như con người phù hợp với việc ăn chay hơn; cũng giống như loài hươu vậy. Ngược lại, sư tử và hổ có cấu tạo về hàm răng và móng vuốt rất sắc nhọn như được trang bị cần thiết cho việc ăn thịt sống.
Tuy nhiên, có những nơi giống như vùng cao nguyên mênh mông ở phía bắc Tây Tạng, nơi đó không hề có rau củ hoặc trái cây gì cả; và thực phẩm duy nhất có sẵn ở đó chỉ là thịt và các sản phẩm được chế biến từ sữa.
Ở đất nước này, có nhiều người ăn chay; và món chay của Ấn Độ thật là tuyệt vời. Mặc dù vậy, khi tôi mới đến đây, hầu như không có ngành chăn nuôi gia cầm. Bây giờ thì có rất nhiều. Ta thường nhìn thấy những chuồng lồng chật cứng gà ở các khu chợ và bên ngoài các nhà hàng đang chờ để giết mổ. Nếu chúng ta cải thiện bằng cách cung cấp rau củ và trái cây thì sẽ tốt biết dường nào! Các nhà khoa học nói rằng, việc chăn nuôi bò và nuôi thịt - nói chung - đang gây hại cho hệ sinh thái của Trái đất.
Một vấn đề khác - đó chính là Cá. Nhiều người dường như nghĩ rằng cá không có cảm giác khoái cảm hay đau đớn. Họ phụ thuộc vào việc đánh bắt cá để kiếm sống, nhưng họ coi con cá họ đánh bắt không khác nhiều so với rau quả. Ngoại trừ trường hợp không thể làm gì khác, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải sử dụng thịt. Bằng không - nếu có thể - chúng ta nên cố gắng giảm bớt việc chăn nuôi và tiêu thụ thịt.
Vào năm 1964, tôi quyết định ăn chay. Không lâu sau, khi tôi đến thăm Nhật Bản, anh trai tôi đã trêu chọc tôi về điều đó. Sau khoảng 20 tháng, tôi bị bệnh và bị vàng da. Sau đó, các bác sĩ của tôi đã khuyên tôi nên bổ sung một ít thịt vào chế độ ăn uống của mình để trợ sức và giúp cho việc chữa trị bình phục.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể giải thích đức tin và tôn giáo cho trẻ em, Ngài nói rằng, mặc dù quan điểm triết lý khác nhau, nhưng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều truyền tải cùng một thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi, tâm khoan dung và sự tha thứ. Ngài nói, cho dù cá nhân của quý vị có chấp nhận tôn giáo hay không đi chăng nữa, thì bản chất của việc giảng dạy về tôn giáo đều có liên quan đến thế giới ngày nay.
Hãy hỏi những cháu bé xem chúng thích nụ cười của mẹ hay khuôn mặt cau có của mẹ? Đương nhiên là các cháu sẽ nói rằng chúng thích nụ cười của mẹ. Người thầy đầu tiên của tôi về lòng từ bi - chính là mẹ của tôi; và một trong những điều về bà - là bà luôn cho chúng tôi thấy một khuôn mặt nhân từ phúc hậu. Hỏi các cháu xem chúng có cảm thấy thoải mái hơn khi các thầy cô giáo tươi cười hay lúc họ nghiêm khắc. Các cháu sẽ nói với quý vị rằng chúng cảm thấy một người thầy mỉm cười thì luôn dành sự quan tâm thực sự đối với phúc lợi của các cháu.
Nếu trẻ em chỉ mài giũa bộ não ở trường, thì không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ không gây ra rắc rối. Để cân bằng cho bộ não sắc bén của chúng, các cháu cần một trái tim ấm áp. Càng học hỏi được nhiều về lòng từ bi, thì các cháu sẽ càng có khả năng để trở thành nhiều thành viên hữu ích trong xã hội.
Được mời để tư vấn cho các nhân viên y tế bị tổn thương, Ngài bắt đầu bằng cách bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với các bác sĩ và y tá - những người đã điều trị cho các bệnh nhân covid-19.
Ngài tiếp tục, họ đã cho thấy được sự can đảm đến như thế! và thậm chí một số người đã hy sinh cả mạng sống của mình. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ. Căn bệnh này thực sự rất đáng tiếc, nhưng tôi luôn cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm toàn diện hơn. Kinh điển Ấn Độ cổ đại đã ghi lại rằng, cuối cùng, nhân loại rồi cũng sẽ biến mất khi chúng ta trải qua các thời kỳ bạo lực, bệnh tật và đói khát.
Ở thế kỷ trước, chiến tranh hoành hành khắp nơi. Quá nhiều người nghĩ rằng việc sử dụng vũ khí là một nguồn sức mạnh. Nhưng đây là lối suy nghĩ có thể được bắt nguồn từ thái độ phong kiến và đã không còn thích hợp nữa. Việc sử dụng vũ lực trong một thế giới dân chủ là hoàn toàn lỗi thời. Do đó, chúng ta thực sự phải nỗ lực để biến thế kỷ này thành thế kỷ của sự đối thoại, là lúc mà chúng ta cần phải tìm ra giải pháp đồng thuận lẫn nhau bằng cách nói chuyện với các đối thủ của mình.
Có những bác sĩ và y tá, những người bất chấp hiểm nguy, quyết tâm giúp đỡ những bệnh nhân đau khổ trong đại dịch này. Họ nhiệt tình và đầy sự quan tâm dành cho bệnh nhân của họ. Tôi tin rằng sức mạnh nội tâm sẽ có đủ khả năng để bảo vệ họ. Điều quan trọng là họ cần giữ vững tinh thần dũng cảm và lòng tự tin. Tương tự như thế, các nhà khoa học - những người đang tiến hành công trình nghiên cứu - cần phải duy trì cho được sự kiên cường khi họ sử dụng các kỹ năng chuyên môn của mình.
Tôi đã nhận được nguồn cảm hứng rất lớn từ lời khuyên của một bậc thầy Phật giáo Ấn Độ vào thế kỷ thứ tám, Ngài đã khuyên rằng, bất kể trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên cố gắng nhìn mọi việc một cách rõ ràng. Nếu có một vấn đề rắc rối, chúng ta cần quan sát tìm hiểu xem liệu nó có thể được khắc phục hay không; và nếu có thể, thì chúng ta nên thực hiện để khắc phục nó. Trong trường hợp nếu không thể khắc phục được, thì việc lo lắng về điều đó cũng sẽ chẳng có ích lợi gì cả!