Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào phòng sáng nay, Ngài nhìn kỹ những khuôn mặt trên màn hình phía trước, nhận ra một vài người trong số họ, vẫy tay chào với họ, mỉm cười và an toạ.
Suresh Jindal - người điều hành chương trình sáng nay - đã thay mặt cho Tăng đoàn Ấn Độ, kính chúc Ngài một buổi sáng tốt lành. Ông cũng cảm ơn Ngài đã chấp nhận lời thỉnh cầu của họ mà ban cho buổi thuyết Pháp này.
Ngài bắt đầu: “Mặc dù ở độ tuổi 85 như tôi, nhưng tình trạng thể chất của tôi rất tốt. Sở dĩ được như thế, chủ yếu là nhờ tâm trí của tôi rất an bình. Tôi không lo lắng gì cả, và tôi lấy cảm hứng từ những câu thơ của Ngài Tịch Thiên:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian.”
"Cũng giống như trái đất và hư không,
Và tất cả những đại thành phần khác,
Đối với vô lượng vô số chúng sinh,
Nguyện tôi luôn là tảng nền của sự sống,
Là nguồn mạng mạch vô tận nuôi dưỡng thân tâm."
Để có thể phụng sự cho tha nhân, không những chỉ về sức khoẻ thể chất, mà còn cần cả về sự an lạc của tinh thần, tôi quyết tâm sống thêm 15 hoặc 20 năm nữa.
Hôm nay, quý vị đã yêu cầu tôi giải thích về “Nhập Trung Quán Luận”. Tôi đã được thọ nhận sự giải thích về luận giải này từ Ngài Ling Rinpoche, vị Viện Chủ của tôi, người đã truyền Giới Tỳ Kheo cho tôi. Tôi đã học thuộc lòng Bộ Luận này cùng với ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’, bắt đầu khi tôi khoảng bảy tuổi và tôi rất ít quan tâm đến nó. Tuy nhiên, dần dần, tôi thấy rằng bản văn này, cũng như rất nhiều luận giải khác của các Luận Sư Nalanda vô cùng hữu ích. Khi chúng ta gặp khó khăn thì những gì mà chúng ta được đọc ở đây sẽ cho ta lòng can đảm và sự tự tin vào chính mình.
Tôi muốn cho quý vị biết lý do vì sao bộ luận này là quan trọng. Ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy về Tứ Diệu Đế - nền tảng của Phật pháp. Vì không có chúng sinh nào muốn đương đầu với đau khổ cả, cho nên Ngài đã dạy về đau khổ trước. Sau đó, Ngài giải thích về nguồn gốc của sự đau khổ ấy. Tiếp theo, Ngài tiết lộ về sự thật thứ ba, rằng đau khổ có thể được chấm dứt, bằng cách phải đoạn trừ hoàn toàn nguyên nhân của đau khổ. Cuối cùng, sự thật thứ tư liên quan đến con đường Đạo Lộ.
Điều quan trọng là phân tích sự chấm dứt đau khổ, điều tra nghiên cứu sự chấm dứt của những cảm xúc tiêu cực - nguyên nhân của sự đau khổ. Chúng ta phải hỏi liệu chúng ta có thể đoạn trừ được những phiền não này không. Nói ngắn gọn về khả năng đoạn trừ, Đức Phật đã đề cập đến 37 yếu tố giác ngộ, đầu tiên trong số đó là bốn nền tảng của sự chánh niệm. Chúng bao gồm chánh niệm về thân, thọ, tâm và pháp.
Thông thường chúng ta bị phân tâm bởi những trải nghiệm cảm giác của mình, nhưng những điều này thực sự phụ thuộc vào ý thức tinh thần của ta, đây là điều mà chúng ta thường không nhận ra. Vì vậy, ta cần phải phát triển một sự chánh niệm đối với tâm thức của mình. Điều này đòi hỏi ta phải phớt lờ đi năm ý thức của năm giác quan và chỉ chú ý đến tâm thức mà thôi. Chúng ta cần phải thực hành thiền định, và quyết tâm chỉ tập trung vào tâm thức (ý thức), để có được cảm giác về nó. Lúc đầu nó có vẻ như một điều gì đó rất trống trải, nhưng sau đó, sự rõ ràng sẽ xuất hiện. Để bắt đầu, chúng ta có thể tập trung vào nó chỉ trong vài giây thôi, sau đó duy trì trong vài phút, và cứ thế… Theo thời gian chúng ta sẽ có được kinh nghiệm sâu sắc hơn.
Một khía cạnh của bản chất của tâm thức là sự rõ ràng, trong sáng. Chính bản chất này đã cho phép chúng ta phát triển sự tập trung, một tâm thức định tĩnh, có thể lần lượt được áp dụng để phân tích và phát khởi trí tuệ sâu sắc. Cũng giống như các nhà khoa học phân tích về vật chất, chúng ta có thể sử dụng những sự nghiên cứu về tinh thần để phân tích tâm thức của mình. Đây là một phương pháp thực sự để thay đổi tâm thức của chúng ta. Ta cần cả hai phương pháp - thiền chỉ và thiền quán.
Ngài nhận xét rằng những người theo truyền thống Pali thực hiện việc phân tích hay suy tư nhiều về triết học. Họ có niềm tin vào những điều Phật dạy và thực hành theo những lời dạy ấy. Tuy nhiên, những người theo truyền thống Nalanda thì chọn phương pháp logic lý luận. Họ làm theo lời khuyên của Đức Phật là để cho các đệ tử của mình phải hoài nghi:
"Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!"
Ngài tuyên bố rằng các Đạo sư Nalanda như Ngài Long Thọ; không những chỉ là những tu sĩ giỏi, mà còn là những học giả vĩ đại. Họ đã sử dụng phương pháp logic một cách rộng rãi. Họ đã xác định rằng, nếu tìm thấy sự mâu thuẫn trong lời Đức Phật dạy, họ có thể không chấp nhận lời dạy ấy. Do đó, họ phân loại kinh sách ra thành loại xác tín và loại cần được giải thích.
Ngài tiếp tục, Đức Long Thọ giống như một vị Phật thứ hai. Tác phẩm chủ yếu của Ngài là “Căn bản Trung quán Luận”, một cuốn sách thật tuyệt vời mà tôi thường xuyên đọc. Đệ tử chính của Ngài là Thánh Thiên, người đã viết ‘400 Bài Kệ’. Trong “Căn bản Trung quán Luận” Ngài Long thọ đã tuyên bố:
"Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không."
Chúng ta bị quay cuồng trong vòng sanh tử luân hồi bởi vì những hành động xấu ác, những nghiệp lực tiêu cực của mình; sự giải thoát chỉ có thể đạt được bằng cách đoạn trừ cảm xúc tiêu cực và những phiền não nghiệp chướng của chính ta. Sự phiền muộn của tâm thức bắt nguồn từ vô minh, tin rằng mọi thứ đều tồn tại như sự xuất hiện của nó. Ngài Long Thọ đã viết rằng, những phiền não trong tâm nảy sinh từ những tư tưởng khái niệm phát khởi từ những phóng tưởng cường điệu của tâm thức. Quan điểm sai lầm như vậy chỉ có thể được đoạn trừ bằng sự hiểu biết về thực tại, không phải thông qua sự cầu nguyện hoặc đức tin. Khi vật lý lượng tử nói rằng mọi thứ dường như tồn tại một cách khách quan, nhưng chính người quan sát đã góp phần tạo ra cách nhìn như thế, điều này tương ứng với tư tưởng của Ngài Long Thọ.
Một trong những bài Kệ của Ngài Thánh Thiên cũng đề cập đến điều này:
"Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể,
Thì xáo trộn hiện diện, khiến não phiền;
Khéo chế ngự hỗn loạn này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh bình yên."
Bằng cách khắc phục những nhầm lẫn và sự vô minh, tất cả các phiền não có thể được đoạn trừ. Căn nguyên của vấn đề là có những quan niệm sai lầm về sự tồn tại thực sự của “pháp” và “ngã”. Ngài Thánh Thiên đã chỉ ra thêm:
"Khi Duyên Khởi được nhận ra,
Thì vô minh không xảy đến,
Mọi nỗ lực được thực hiện,
Để giải thích kỹ Lý Duyên Sinh."
Vì đau khổ bắt nguồn từ vô minh, cho nên chúng ta cần phải phát triển trí tuệ hiểu biết về vô ngã, nó không phải chỉ đơn thuần là một ý tưởng triết học, mà là nguồn gốc của sự trợ lực thực hành. Khi quý vị có thể nhìn thấy được rằng, các pháp không tồn tại như nó là, thì những cảm xúc phiền não cũng sẽ chấm dứt. Đây là lý do tại sao Ngài Thánh Thiên tuyên bố rằng Lý Duyên Khởi nên được giảng dạy ngay từ lúc bắt đầu.
Bản “Nhập Trung Quán Luận” này và bản tự luận của nó rất quan trọng; bởi vì nó tóm tắt “Trí tuệ cơ bản”, “400 Bài Kệ”, “Phật Hộ”, v.v. Ngài Long Thọ có nhiều đệ tử, nhưng người có thể giải thích tư tưởng của Ngài một cách chính xác nhất - đó chính là Nguyệt Xứng.
Ngài chỉ ra rằng những người theo truyền thống Trung quán Y Tự Khởi (Svatantrika Madhyamaka) thì bày tỏ về một hình thức tồn tại khách quan. Họ cho rằng đối tượng của sự phủ định có một chế độ tồn tại duy nhất từ phía của nó mà không phụ thuộc vào hiện lượng:
"Nếu đặc tính vốn dĩ của các pháp là phụ thuộc duyên khởi,
Thì các pháp sẽ bị triệt tiêu bằng cách chúng bị chối từ
Và tánh không là nguyên nhân huỷ diệt của vạn pháp,
Nhưng điều này là phi lý, nên thực thể vốn không hề tồn tại."
Ngài Nguyệt Xứng tiếp tục (6.34- 6.38) giải thích rằng, các pháp có sự tồn tại khách quan sẽ kéo theo bốn lối ngụy biện logic sau: Sự quán tưởng lúc thiền định của một Hiền giả tan biến vào tánh không sẽ trở thành kẻ huỷ diệt các pháp hiện tượng; sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp hiện tượng không có sự tồn tại tối hậu; sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể trái ngược với sự phân tích tối hậu về bản chất của các pháp, và sẽ không thể khẳng định rằng các pháp hiện tượng đều rỗng không trong chính nó và của chính nó.
Khi chúng ta phân tích một đối tượng, chia nó ra thành các phần nhỏ hơn, thì đối tượng ấy không thể được tìm thấy. Vì vậy, ý thức mà chúng ta suy nghĩ cũng là một tiến trình liên tục. Quá khứ đã trôi qua, tương lai vẫn chưa đến, và hiện tại thì không thể xác định chính xác. Ngài Nguyệt Xứng đã minh họa về cách mà các pháp không thể được tìm thấy - bằng sự phân tích bảy lần của một cỗ xe:
"Một cỗ xe không thể được cho rằng là khác với các bộ phận của nó;
Cũng không đồng nhất với các bộ phận, cũng không sở hữu các bộ phận;
Nó không nằm trong các bộ phận, các bộ phận cũng không tồn tại trong nó;
Nó không đơn thuần là tổng thể, cũng chẳng phải là dáng hình.
Vì nếu là một tổng thể cấu thành một cỗ xe,
Thì cỗ xe sẽ tồn tại ngay cả khi các bộ phận không được lắp ráp;
Vì không thể có bộ phận nào mà không có thành phần chứa đựng nó;
Cho nên nếu chỉ có hình dạng là cỗ xe - thì điều này cũng vô cùng phi lý."
Các pháp đều không thể được tìm thấy theo cách phân tích bảy lần này, nhưng chúng có sự tồn tại theo cách thông thường. Những người theo quan điểm của Ứng Thành Phái (Prasangikas) thì cho rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu, mà chỉ tồn tại qua sự định danh mà thôi.
Ngài tiếp tục, khi chúng ta nói rằng “các pháp không tồn tại như nó xuất hiện”, điều đó có nghĩa rằng, nó vẫn tồn tại nhưng bằng cách phụ thuộc vào các yếu tố khác. Nó làm phát sinh ra những kết quả. Choné Lama Rinpoche cho biết, Duyên khởi không phủ nhận Như thị; Duyên khởi không phủ nhận quy ước thế gian. Đức Phật dạy về Duyên khởi và Nhị Đế. Các pháp tồn tại, đó là sự thật thông thường. Sự thật tối hậu chính là cách tồn tại của chúng.
Khi Đức Phật dạy Tứ Diệu Đế, trước tiên Ngài giải thích bản chất của chúng, và sau đó là chức năng của chúng. Nhưng về khía cạnh tối hậu, Ngài giải thích rằng - mặc dù đau khổ cần phải được hiểu rõ, nhưng chẳng có gì để hiểu. Mặc dù nguồn gốc của khổ đau cần phải được loại bỏ, nhưng chẳng có gì để loại bỏ, và cứ thế, điều này đã cho ta thấy về hai sự thật (Nhị Đế). Tương tự như vậy, mặc dù sự đoạn diệt cần phải đạt được, nhưng chẳng có gì để đạt được; và mặc dù con đường Đạo lộ cần phải được tu tập, những chẳng có gì để tu tập cả!
Diệt Đế được dạy kỹ hơn như là một phần của Bát Nhã Ba La Mật. ‘Bát Nhã Tâm Kinh' có đề cập đến bốn biểu thức của tánh không:
Sắc tức là Không - Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác Không - Không chẳng khác Sắc.
“Chư Phật ba đời chứng đắc được quả vị toàn giác cũng dựa trên cơ sở của sự liễu ngộ tánh Không này.”
Ngài đã lưu ý rằng, Đức Phật đã dạy về Tứ Diệu Đế trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên; và Ngài đã tiết lộ rằng có sự chấm dứt thực sự (Đạo Đế). Trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai, Ngài tiết lộ rằng, tất cả các pháp hiện tượng đều không có sự tồn tại cố hữu. Trong lần thứ ba - lần chuyển Pháp Luân cuối , bao gồm “Giải Thâm Mật Kinh”; sự khác biệt được rút ra giữa các pháp tự tánh và pháp chỉ định - pháp không có tự tánh của chính nó. Ngài đã chuyển sang những bài Kệ của “Nhập Trung Quán Luận”, bắt đầu bằng cách lưu ý rằng, nguyên nhân chính của quả vị Phật - chính là tâm từ bi, thương yêu người khác hơn chính bản thân mình. Bồ Đề Tâm có nguồn gốc phát khởi từ Tâm từ bi. Vì vậy, lòng từ bi được ca ngợi ngay từ lúc bắt đầu.
Ngài nói rằng bảy tỷ người đang sống trên trái đất này đều được duy trì bởi lòng yêu thương và tình thân mến. Mọi người đều cần lòng từ bi, đó chính là cội nguồn của hạnh phúc. Chúng ta nói rất nhiều về hòa bình thế giới, nhưng nó phải được xuất phát từ những cá nhân đang trưởng dưỡng sự an lạc nội tâm. Và nguồn gốc của điều đó chính là lòng từ bi.
Cảm xúc phiền não phát sinh trên cơ sở những quan niệm sai lầm về sự tồn tại thực sự. Ngài Nguyệt Xứng đã đưa ra quan điểm trong cuốn tự luận của Ngài rằng, nếu không có trí tuệ liễu ngộ về Pháp vô ngã thì sẽ không thể hiểu hết được về Nhân vô ngã.
Ngài tiết lộ rằng, 50 năm trước, Ngài đã đọc luận giải của Ngài Jé Tsongkhapa về “Nhập Trung Quán Luận”, và khi đọc đến chỗ nói rằng, con người không phải là một với các uẩn thuộc vật lý và tâm lý; cũng không phải là khác với các uẩn, mà nó chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Đọc đến đây bỗng nhiên Ngài cảm thấy toàn thân rúng động như bị sét đánh. Sau đó, Ngài có thể thấy được rằng bản thân mình và những người khác đều giống như ảo ảnh, rồi sau đó nhận ra rằng Ngài đã có được một trí tuệ sâu sắc liễu ngộ được sự vô ngã ở dạng thức thô. Đức Long Thọ đã đề cập đến sự vô ngã này trong “Vòng Châu Báu” của mình:
"Con người không phải là đất, không là nước,
Không là lửa, không là gió, chẳng là không gian,
Không phải ý thức, và không phải là tất cả trong số đó.
Vậy con người là gì khác hơn ngoài những thứ này?"
Sau đó, Ngài trả lời một số câu hỏi từ khán trực tuyến. Để phân biệt giữa nhu cầu từ bi đối với bản thân và từ bi đối với người khác, Ngài khuyên mọi người nên trau dồi một sự hiểu biết dựa trên sự lắng nghe (văn), phân tích và suy ngẫm về những gì mình đã hiểu (tư) và thiền định về lòng tin xác quyết vào kết quả ấy. Để có được sự kinh nghiệm, đòi hỏi chúng ta phải có công đức và trí tuệ thì mới mang lại sự chuyển hoá. Khi quý vị có một tâm thức từ bi, thì quý vị sẽ giúp đỡ cho chính mình và cho cả tha nhân. Ngài nói rằng đây là kinh nghiệm của chính bản thân Ngài.
Ngài nói với một phụ nữ trẻ ở Ladakh rằng một tâm thức từ bi được sử dụng để phụng sự mang lại lợi ích cho tha nhân. Tâm từ bi tập trung vào chúng sinh. Tâm trí tuệ dành cho mục đích giác ngộ. Chúng ta cần cả từ bi và trí tuệ.
Một chàng trai trẻ ở Srinagar muốn biết liệu các khía cạnh của trí tuệ và phương tiện thiện xảo có thể được giảng dạy trong bối cảnh của hai sự thật (Nhị Đế) mà không chạm đến lối suy nghĩ tôn giáo hay không. Ngài đã trả lời rằng khi chúng ta nói về hai sự thật, thì những gì xuất hiện đối với chúng ta - đó là sự thật thông thường; còn quán sát sâu hơn vào thực tại thì sẽ cho ta thấy được sự thật tối hậu. Nếu chúng ta có một trái tim chân thành có ý định giúp đỡ người khác, thì chúng ta cũng cần phải có trí thông minh. Chúng ta cần phải thấy rằng giúp người khác thoát khỏi khổ đau là điều có thể khả thi.
Ngài nói rằng, ngày nay, vì đại dịch, cho nên đã có rất nhiều người đang đau khổ. Chúng ta cần có lòng từ bi kết hợp với trí tuệ hiểu biết rằng, mối đe dọa của đại dịch có thể được khắc phục bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Một sinh viên tại Viện biện chứng Phật giáo đã lưu ý rằng, tâm thức phân tích về bản chất tối hậu của con người đã phủ nhận về việc con người tồn tại khách quan. Cậu ta hỏi, nhưng tại sao nó cũng không phủ nhận người đó? Ngài đã đề cập đến một bài Kệ trong bản văn:
"Các bộ phận, phẩm chất, sự gắn kết, đặc tính xác định, nhiên liệu, v.v.,
Tổng thể, thành phần mang chất lượng, đối tượng của sự gắn kết, đặc trưng, lửa v.v.,
Chẳng yếu tố nào trong số này tồn tại khi được phân tích theo lối cổ xe bảy lần.
Tuy nhiên, chúng tồn tại theo một cách khác, thông qua các quy ước hàng ngày của thế gian."
Ngài giải thích rõ: Một mặt - dưới sự phân tích thì chẳng có gì được tìm thấy cả - nhưng mọi thứ vẫn tồn tại theo quy ước của thế gian. Ngài trích dẫn theo sự quan sát của Dromtönpa, rằng theo sự phân tích, không thể tìm thấy lửa và cũng chẳng thể tìm ra bàn tay của bạn, nhưng nếu bạn đặt tay vào lửa thì nó sẽ bị đốt cháy.
Một giáo sư ở Delhi đã hỏi làm thế nào mà ta biết được đối tượng phủ nhận của Nhân vô ngã là đúng. Ngài đề cập đến kinh nghiệm của bản thân rằng, cái ngã của mình không tách rời khỏi các uẩn, nhưng có thể phủ nhận một cái ngã tồn tại một cách có thực thể. Ngài nhớ lại rằng, Đức Long Thọ đã nói rằng, bao lâu mà ta còn có một quan niệm sai lầm về các uẩn, thì ta vẫn sẽ có một quan niệm sai lầm về cái ngã. Để nhận biết được rằng cái “ngã” không hề có sự tồn tại cố hữu, thì cần phải thấy được rằng các uẩn vốn không hề có sự tồn tại cố hữu. “Ngã” chỉ là một sự định danh mà thôi.
Khi buổi giảng kết thúc, Suresh Jindal đã thay mặt cho tất cả những người đã tham dự dâng lời cảm ơn lên Ngài.
Ngài nói với họ rằng: Tôi đã suy ngẫm về những điều này trong một thời gian dài; về tánh Không khoảng 60 năm và về Bồ Đề Tâm trong khoảng 50 năm. Để hiểu được những điều đó cần phải có thời gian, tuy nhiên quý vị cần phải duy trì sự phân tích của mình. Đoạn trừ những cảm xúc tiêu cực là điều có thể khả thi. Nó không dễ dàng, nhưng nếu quý vị nỗ lực thì có thể dần dần tạo nên sự thay đổi, điều này sẽ mang đến sự bình yên trong tâm hồn.
Tất cả chúng ta đều có hạt giống của quả vị Phật trong chính mình. Tánh Không trong tâm của Đức Phật và trong tâm của chúng sinh là như nhau.
"Hẹn gặp lại!.”