Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lại một lần nữa an toạ vào chỗ của mình trước máy quay và màn hình, những thứ không thể thiếu để thực hiện buổi thuyết Pháp trực tuyến này. Chư Tăng Thái Lan đã tiến hành tụng những vần Kệ từ kinh Hạnh Phúc ‘Mangala Sutta’. Khi họ kết thúc, thì một nhóm Tăng ni Việt Nam đã tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ theo phong cách đặc trưng của Việt Nam, với âm điệu nhịp nhàng của tiếng mõ được làm bằng gỗ khắc hình con cá.
Ngài bắt đầu: “Hôm nay là ngày thứ hai trong đợt thuyết giảng của chúng ta. Tôi là một hành giả Phật giáo, một đệ tử của Đức Phật, một Tăng sĩ theo truyền thống Căn bản Nhứt thiết Hữu bộ do bậc Đạo Sư vĩ đại Tịch Hộ thiết lập ở Tây Tạng. Có nhiều Giới luật, hoặc kỷ luật thiền môn, dòng truyền thừa khác nhau. Ở Trung Quốc thì trì Giới theo truyền thống Tứ Phần Luật. Có những khác biệt nhỏ giữa các truyền thống này, nhưng các giới chính đều giống nhau.
“Sự giới thiệu này là một phần trong công việc phụng sự của tôi đối với Giáo lý của Đức Phật. Mục đích của những lời dạy như thế là để điều phục tâm phóng túng. Chúng ta cần phải thay đổi cách suy nghĩ của mình; các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta sẽ đưa ra những phương pháp khác nhau để thực hiện điều này. Ở Ấn Độ, trước thời Đức Phật, từ nỗ lực khám phá tâm thức và cảm xúc, tinh thần bất bạo động đã nổi lên như một khuôn mẫu mô phạm trong ứng xử. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi lòng từ bi.
“Đức Phật đã giảng dạy cho các đệ tử của Ngài tùy theo căn cơ, sở thích và năng lực của họ. Điều này đã đưa đến sự ra đời của Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát Thừa. Sự giảng dạy của Ngài có rất nhiều phương pháp chi tiết để thuần hóa tâm thức. Tôi tuân theo Truyền thống Nalanda - chú trọng vào việc sử dụng lý luận và logic. Chuyển hoả tâm thức đòi hỏi chúng ta phải sử dụng khả năng quan trọng chính yếu của mình - đó chính là trí thông minh của chúng ta.
“Tôi không cố gắng cải Đạo bất cứ ai sang Phật giáo. Nhiều Vị trong số thính giả của quý Vị đang lắng nghe hôm nay - là đến từ các quốc gia theo truyền thống Phật giáo, tuy nhiên - những Vị khác có thể sống ở những nơi mà các truyền thống tôn giáo khác đang thịnh hành. Điều rất quan trọng là các truyền thống tôn giáo của chúng ta cần phải sống hòa hợp với nhau; và tôi không nghĩ rằng sự cải Đạo sẽ góp phần vào việc này. Cũng như việc chiến đấu và giết chóc nhân danh tôn giáo là một điều rất đáng buồn, việc sử dụng tôn giáo làm nền tảng hoặc phương tiện để đánh bại người khác là điều không thích hợp.
“Tôi rất vui khi được giảng dạy cho những người chủ yếu có nguồn gốc Phật giáo truyền thống. Tôi sẽ giải thích về ‘37 Pháp Hành’và ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’, nhưng trước tiên tôi sẽ giới thiệu sơ cho quý Vị.
“Hầu hết chúng ta theo Truyền thống Phạn ngữ là đều tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’. Trong đó, Đức Quán Thế Âm đã nói với Ngài Xá Lợi Phất rằng: ‘Bất kỳ thiện Nam tử hay Thiện Nữ nhơn quý tộc nào khát khao thực hành Bát Nhã Ba La Mật vi diệu này… thì nên quán chiếu một cách thấu đáo rằng ngay cả năm uẩn cũng không hề có sự tồn tại cố hữu.’ Từ “ngay cả” (even) đôi khi được dịch là “cũng” ‘also’, từ này không có trong bản dịch tiếng Hoa và những bản dịch khác được dịch từ tiếng Hoa. Tôi đã kiểm tra và biết được rằng nó có trong ấn bản tiếng Phạn.
“Trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã giải thích về “Nhân vô ngã”. Trong lần thứ hai, Ngài giải thích rõ rằng - năm uẩn tâm lý-vật lý, cơ sở nền tảng để định danh về con người - cũng ‘trống rỗng’ về sự tồn tại cố hữu. Do vậy, “Vô Ngã” không chỉ áp dụng cho con người (Nhân), mà còn áp dụng cho cả hiện tượng (Pháp) - “Pháp Vô Ngã”.
“Mặc dù kinh sách của chúng ta sử dụng các thuật ngữ “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa”, nhưng tôi thích dùng từ “truyền thống Pali” và “truyền thống Sanskrit” để tránh bất kỳ giọng điệu xúc phạm nào mà thuật ngữ “Tiểu Thừa” có thể bị vướng vào.
“Sự giải thích ban đầu về bốn chân lý cao cả (Tứ Thánh Đế) đã giới thiệu ý tưởng về sự chấm dứt thực sự (Diệt Đế); và trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai - điều này đã được khám phá triệt để hơn dưới ánh sáng của lý luận. Đây là một khía cạnh về tầm quan trọng của giáo lý Bát Nhã Ba La Mật. Thêm vào đó, trong tác phẩm ‘Tương Tục Tối Thượng’, Đức Di Lặc đã tiết lộ về Phật tính bên trong chúng ta. Vì vậy, trong khi những quan điểm phóng đại của chúng ta là đầy tham vọng và có thể bị loại bỏ, thì chúng ta có thể phát triển những phẩm chất bẩm sinh của một vị Phật (Phật tánh) mà chúng ta đã có sẵn bên trong nội tâm của chính mình.
“Những điều cản trở đối với trí tuệ toàn tri của chúng ta - đó chính là “sở tri chướng” - những che chướng đối với sự nhận thức. Đây là những sức mạnh tiềm ẩn do cảm xúc phiền não để lại. Chúng ta có thể thực hiện các biện pháp đối trị. Như ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ có đề cập: "Tam Thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố đắc A Nâu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (chư Phật trong ba đời đều nương vào pháp hành “Trí Tuệ Ba La Mật” này mà chứng đắc được quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) - trí tuệ hiểu biết về tánh không.
“Trong tiếng Tây Tạng, chúng tôi đề cập đến ‘mười bảy Mẫu và Tử’, sáu bản kinh “mẫu” và mười một bản kinh “tử”, điều này ngụ ý cho biết bộ sưu tập bao gồm những Kinh về “Bát Nhã Ba La Mật” đã được dịch sang tiếng Tây Tạng. Trong số sáu bản kink “mẫu” có Bát Nhã Ba La Mật trong 100.000, 25.000 và 8000 khổ thơ. Mười một bản kinh “tử” hay “cúng dường” bao gồm “Bát Nhã Ba La Mật” trong 700 khổ thơ, “Năng Đoạn Kim Cang”, “Bát Nhã Tâm Kinh” và ký tự đơn ‘A’. Mở rộng nhất là bản “Bát Nhã Ba La Mật” trong 100.000 khổ Thơ. Ngắn nhất là ký tự đơn ‘A’, là một phân tử âm ngụ ý rằng bất cứ thứ gì xuất hiện với chúng ta đều không tồn tại theo cách mà nó xuất hiện.
“Vì vậy, trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã giới thiệu về bốn chân lý cao quý (Tứ Thánh Đế) và ba mươi bảy yếu tố của sự giác ngộ (37 phẩm Trợ Đạo). Trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai, Ngài giải thích chi tiết về sự chấm dứt thực sự (Diệt Đế) và con đường thực sự (Đạo Đế). Trong lần thứ ba, Ngài tiết lộ rằng bản chất của tâm thức là trong sáng và tỉnh giác. Trong Bát Nhã Ba La Mật - lần Chuyển Pháp Luân thứ hai, Ngài thảo luận về ánh quang minh khách quan - tính không; trong lần chuyển Pháp luân thứ ba, Ngài tiết lộ về ánh quang minh chủ quan của tâm thức.
“Có thể thấy được sự tiến triển của giáo lý như thế nào; và cách phát giác ra ánh quang minh chủ quan của tâm thức chuẩn bị cho người đệ tử để đến với Mật Tông. Đây là một số cách khác nhau để giải thích về những gì mà Đức Phật đã dạy. Điều quan trọng là phải học một cách toàn diện vì những lời dạy này có nghĩa là phải được thực hành. Cố gắng thiền định mà không nghiên cứu và suy ngẫm sẽ giống như một người không có tay mà cố gắng leo lên một vách đá vậy”.
Ngài cảm ơn tất cả những người tham dự buổi thuyết giảng trực tuyến này vì đã chú ý đến những điều mà Ngài phải nói. Ngài cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một số học giả Tây Tạng đang giảng dạy tại các quốc gia khác nhau mà các sinh viên này đang sinh sống. Ngài lưu ý rằng ‘Trí tuệ Căn bản’, Nhập Trung Quán Luận’, và chương thứ hai của ‘Luận giải về Nhận thức luận’ đã được dịch sang tiếng Hoa. Chẳng hạn như, nếu những trước tác này không được dịch sang tiếng Việt, thì bây giờ là lúc để thực hiện điều đó.
Chuyển sang ‘37 pháp hành của Bồ tát’, Ngài nói rằng Ngài đã không thể tìm ra người mà Ngài đã thọ nhận được giáo lý ấy từ đâu. Ngài nhớ rằng Lhatsun Rinpoche có liên quan với giáo lý này. Yongzin Ling Rinpoche đã thọ nhận giáo lý này từ Lhatsun Rinpoche. Lhatsun Rinpoche đã in lại bản văn này và trao cho Ngài một bản sao, nhưng Ngài không thọ giáo lý này từ Lhatsun Rinpoche.
Lần cuối cùng gặp nhau, Lhatsun Rinpoche đã nói với Ngài rằng Ngài sẽ sống lâu. Sau khi tạo một bức tượng của Đức Tara Trắng và sắp xếp nó cùng với một bức ảnh của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Rinpoche đã có một linh kiến về một tia sáng chiếu từ hình ảnh Đức Tara vào trong bức ảnh. Ngài nói thêm rằng ông ấy đã cầu nguyện rằng Ngài sẽ sống lâu.
Những bài kệ của bản văn khuyên chúng ta rằng hãy xem sự đau khổ là huyễn hoá, hãy bố thí một cách quảng đại, thọ trì giữ gìn giới luật và tu trì nhẫn nhục đều là những thực hành của Bồ tát. Do vì những cảm xúc phiền não sẽ bị diệt trừ bởi sự trí tuệ sáng suốt đặc biệt kết hợp với sự an trú định tĩnh, cho nên các vị Bồ tát trau dồi sự định tâm vượt qua bốn sự miên mật của vô sắc giới. Chư Bồ Tát không đề cập đến lỗi lầm của những người đã bước vào con đường Đại Thừa; và từ bỏ việc nói những lời cay nghiệt. Họ đoạn diệt những cảm xúc phiền não tiêu cực như sự tham ái - ngay khi chúng vừa mới nảy sinh - và bất cứ điều gì họ làm, họ luôn tự hỏi chính mình rằng, “trạng thái tâm thức của tôi là gì?"
‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’ của Đức Tsongkhapa cung cấp một bản tóm tắt ngắn gọn về con đường đưa đến giác ngộ. Những Cốt Tuỷ đó chính là sự yểm ly, Bồ Đề Tâm, và trí tuệ về Tánh Không. Tác phẩm này đã được Ngài trước tác sau khi đã nghiên cứu và thực hành nghiêm túc trong nhiều năm, nó đã được gửi đến theo sự thỉnh cầu của Tsakho Ngawang Drakpa. Một ghi chú đính kèm với tác phẩm đã hứa rằng, "Nếu bạn thực hành như tôi đã khuyên, thì trong tương lai - khi tôi hiển lộ Phật tính - tôi sẽ chia sẻ giáo lý đầu tiên của tôi với bạn".
Những câu đầu tiên nói rõ rằng nếu không có một quyết tâm thuần túy để được giải thoát thì không có cách nào để thoát khỏi sự thu hút bởi những thú vui của vòng sinh tử luân hồi. Không có thời gian để lãng phí. Nếu cả ngày lẫn đêm, bạn luôn duy trì ý định giải thoát, thì bạn sẽ tạo ra một quyết tâm để được giải thoát. Mặc dù những bài Kệ từ thứ sáu đến tám khuyến khích việc phát khởi Bồ Đề Tâm tối thượng, nhưng Ngài giải thích rằng Ngài thường làm lại các bài Kệ bảy và tám để củng cố quyết tâm được giải thoát (tâm yểm ly) của chính mình.
Bị cuốn phăng theo dòng chảy của bốn con sông hùng mạnh,
Bị trói chặt bởi những buộc ràng của hành động, rất khó tháo gỡ;
Bị tóm bắt trong lưới sắt của thái độ ái trọng tự thân;
Hoàn toàn bị bao phủ bởi bóng đêm của vô minh ngu dốt.
Sinh ra và tái sinh trong vòng luân hồi bất tận,
Bị ba loại khổ đau không ngừng dứt giày vò;
Hồi tưởng lại những nỗi khổ mà tôi phải đối diện
Tôi khởi tâm yểm ly, kiên định mong cầu giải thoát.
Ngài dừng lại ở đó và yêu cầu những câu hỏi từ phía khán giả. Ngài nói với một giáo viên đã nghỉ hưu rằng, nếu động lực giúp đỡ người khác của Cô là chân thành thì khi gặp những trở ngại chướng duyên, thì đó là lúc để rèn luyện lòng can đảm, tinh tấn và nhẫn nhục. Thực hành sáu Ba La Mật có thể được kết hợp với việc nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi đối với tha nhân.
Khi được hỏi làm thế nào để phát triển sự yểm ly hoặc quyết tâm được giải thoát trong một thế giới đầy dục vọng và tham ái, Ngài thừa nhận rằng đã có sự phát triển rộng rãi về vật chất, nhưng vấn đề ở đây là - liệu con người có được hạnh phúc hơn không. Ngài gợi ý rằng, những gì mà nhiều người đang tìm kiếm - chính là sự bình yên trong tâm hồn, điều này chỉ có được khi chúng ta thừa nhận cách mà mình phụ thuộc vào người khác và cống hiến bản thân cho sự hạnh phúc của họ.
Về việc loại thiền định nào là có lợi nhất, Ngài giải thích rằng - có hai loại thiền định - thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ liên quan đến việc kéo tâm thức khỏi sự phân tâm bởi năm giác quan và tập trung tâm vào một đối tượng đã chọn. Sau đó, tâm thức có thể được sử dụng theo phương pháp phân tích. Đối với những người theo truyền thống của Ngài Long Thọ thì đối tượng phân tích được ưa chuộng nhất là tánh Không. Tuy nhiên, những đối tượng khác để thiền định với sự nhất tâm - thì bao gồm quyết tâm được giải thoát (tâm yểm ly), Bồ Đề Tâm và Chánh Tư Duy, bên cạnh sự sáng suốt và tỉnh giác của chính tâm thức.
Khi sự trưởng dưỡng lòng từ bi đối với người khác có vẻ như đưa đến việc bạn bị lợi dụng, Ngài đã khuyến khích nên tăng cường thực hành tình yêu thương và lòng từ bi bằng cách kết hợp nó với hạnh nhẫn nhục và tri túc. Hãy xem lại những lý do vì sao bạn thực hành tình yêu thương, lòng khoan dung và đức hạnh.
Một câu hỏi về vấn đề nương tựa vào một bậc thầy tâm linh đã thúc đẩy Ngài xem xét về những phẩm hạnh cần có của một người Giáo viên giỏi. Đó phải là một người có kiến thức và dễ dàng để trẻ em lắng nghe. Nhưng Vị ấy cũng nên đáp lại học trò của mình bằng sự nồng nhiệt và tình cảm; và có thể tính đến lợi ích lâu dài của trẻ.
Một bậc Giáo Thọ thường được xem như một người bạn đạo đức. Jé Tsongkhapa đã đề cập rằng một người muốn thuần hóa người khác thì trước tiên phải thuần hóa được chính mình. Điều này có nghĩa là người đó phải có đạo đức, từ bi và trí tuệ. Một bậc thầy như thế - phải là người có thể dẫn dắt các đệ tử đi trên con đường trọn vẹn. Người đó phải là bậc có thể trình bày về Nhị Đế dẫn đến sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế và vai trò của Tam Bảo. Một bậc Giáo Thọ phải là người vừa có học thức, vừa có kinh nghiệm thực hành.
Về kinh nghiệm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng - Đức Milarepa không trở nên giác ngộ nhờ vào kết quả của một cuộc nhập thất ba năm, mà bởi vì Ngài đã thực hành suốt cả cuộc đời của mình. Tương tự như thế, một bậc thầy vĩ đại khác - Khedrup Norsang Gyatso - một đệ tử của Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên, đã sống như một ẩn sĩ trong bốn mươi năm. Thực hiện tiến trình trên các Đạo Lộ và các Địa không phải là điều dễ dàng.
Một cậu thanh niên đã hỏi Ngài - trong hoàn cảnh hiện tại - làm cách nào để có thể khôi phục lại cuộc sống bình thường. Trước hết, Ngài nhắc lại rằng, kinh sách đã mô tả rằng vũ trụ xuất hiện từ “không”, “trụ” và sau đó bị “hủy diệt”. Ngài tự hỏi liệu tình trạng khẩn cấp của hiện tượng nóng lên toàn cầu có biểu lộ ra rằng trong chu kỳ này thế giới sẽ bị huỷ diệt bởi lửa.
Liên quan đến đại dịch, một lần nữa Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những nỗ lực của rất nhiều bác sĩ và y tá chăm sóc cho những bệnh nhân mắc căn bệnh này. Ngài khuyên rằng việc trì tụng thần chú của Đức Tara có thể có hiệu quả trong việc giảm bớt sự đau khổ, và Ngài nói rằng Ngài đã tự mình thực hành pháp này mỗi ngày. Và Ngài cũng cầu nguyện rằng:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Cuối cùng, Ngài được hỏi rằng liệu có thể phát triển Bồ Đề Tâm nếu như ta không có ý thức về sự yểm ly - một quyết tâm được giải thoát. Ngài trả lời rằng ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ không thể thực hiện ngay được trong một sớm một chiều. Sự quyết tâm để được giải thoát bắt nguồn từ lý trí. Bồ Đề Tâm cũng dựa trên lý trí và quan điểm đúng đắn, trí tuệ hiểu biết về cách mà các pháp hiện tượng thực sự tồn tại cũng dựa trên lý luận. Do đó, những nhận thức này sẽ phát triển như một kết quả của việc học tập (văn), suy ngẫm (tư) và thiền định (tu), kết hợp với việc thực sự tiếp cận để giúp đỡ người khác.