Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Hôm nay, ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa vào chỗ của mình, một nhóm sinh viên tại Trung tâm Phật giáo Bạch Tara ở Jakarta đã bắt đầu tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Indonesia. Khi họ tụng xong, Ngài đã cảm ơn họ và lưu ý rằng hôm nay là ngày thứ ba của đợt thuyết Pháp này.
Ngài nói với họ: “Sau khi tôi đọc xong ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’, tôi muốn tiến hành một buổi lễ phát Bồ Đề Tâm. Nếu quý vị có những biểu tượng đại diện cho đối tượng quy y - một bức ảnh của Đức Phật, v.v., thì tốt. Nếu không thì quý vị có thể hình dung Đức Phật trong không gian phía trước mặt quý vị.
“Hôm nay, người Indonesia là đệ tử thính chúng chính. Có rất nhiều người theo đạo Hồi ở đất nước của quý vị, nhưng sự tồn tại của Bảo Tháp ở Borobudur là bằng chứng cho thấy rằng Phật giáo cũng đã từng phát triển ở đó. Có những khác biệt về triết học giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta. Thật vậy, ngay cả trong Phật giáo cũng có bốn trường phái tư tưởng. Tuy nhiên, việc thực hành tình yêu thương và tâm từ bi, cũng như lòng khoan dung và sự tri túc, là điều phổ biến chung đối với tất cả các truyền thống tâm linh này. Mọi người đều thấy những truyền thống này và những sự thực hành của họ đều hữu ích, vì vậy tôi đã nhìn tất cả các tôn giáo bằng tất cả sự tôn trọng và ngưỡng mộ của mình.
“Đức Phật đã thuyết giảng những lời dạy khác nhau vào những thời gian và địa điểm khác nhau, nhưng điều cốt lõi của tất cả những giáo lý ấy - là phải có đạo đức và có một trái tim nhân hậu. Người Phật tử hướng đến sự giải thoát và toàn tri. Những người theo truyền thống hữu thần thì tìm cách để trở thành một với Đức Chúa. Nhưng điểm chung của chúng ta là tình yêu thương và lòng từ bi.
“Nói chung, vì có sự liên quan đến các mối liên hệ về lịch sử và văn hóa, nên tôi khuyến khích mọi người hãy trung thành với tôn giáo mà họ đã được sinh ra. Ngày nay, khi việc giao thông đi lại trở nên dễ dàng hơn, chúng ta có nhiều cơ hội được gặp gỡ với những người theo các truyền thống khác. Điều quan trọng là phải duy trì mối quan hệ thân thiện và hòa thuận với họ. Tôi muốn đề nghị các anh chị em người Indonesia hãy tiếp cận với những người hàng xóm Hồi giáo của mình và kết bạn với họ - hãy vun đắp sự hòa hợp trong các cộng đồng của quý vị.
“Trong Phật giáo, chúng ta đề cập đến Tam bảo. Một mình Đức Phật có thể cứu được chúng ta không? Câu trả lời là không. Nhưng Ngài có thể dạy chúng ta con đường đưa đến sự giải thoát và giác ngộ. Nơi mà chúng ta có thể nương tựa thực sự - đó chính là Pháp Bảo, là sự trau dồi kinh nghiệm về Giáo Pháp trong chính chúng ta. Tăng đoàn nêu lên tấm gương điển hình về việc thực hành Đạo Lộ để chúng ta noi theo. Đối với tôi, Ngài Long Thọ là một tấm gương điển hình về một thành viên của Tăng đoàn. Khi tôi đọc các tác phẩm của ngài ấy, tôi vô cùng ngưỡng mộ những phẩm hạnh đặc biệt của Ngài. Chúng ta cũng có thể hiểu được giống như độ tin cậy của Đức Phật bằng cách phát triển sự ngưỡng mộ đối với lời dạy của Ngài.
Như người ta đã nói:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Đức Phật đã giảng dạy trên cơ sở những gì mà Ngài đã thực hành và kinh nghiệm qua, và Ngài đã vượt qua các Đạo lộ và chứng đắc qua các Địa.
“Hiện giờ tôi là một tu sĩ Phật giáo đã già, nhưng khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, việc đầu tiên là tôi quán chiếu về Tâm Bồ Đề và tánh Không; sau đó tôi thực hành về Du Già Bổn Tôn. Tôi có thể thấy rằng trong suốt những năm qua, tôi đã đạt được một số tiến bộ. Tôi đã thiền định về tánh Không trong 60 năm và đã suy ngẫm về Bồ Đề Tâm trong hơn 50 năm. Do đó, bất kỳ hoàn cảnh bất lợi nào mà tôi gặp phải, tôi đều có thể biến chúng thành cơ hội để đạt được điều gì đó hữu ích. Khoác bộ Pháp Y của Tăng Sĩ mà không tham gia vào sự thực hành thì sẽ chỉ là một trò dối lừa ngớ ngẩn. Tôi đã 85 tuổi rồi và không có lý do gì để tôi phải lừa dối quý vị”.
Ngài nói rằng Ngài có nhiều bạn bè, một số trong số họ là chư Tăng Nguyên thủy - những người theo truyền thống Pali. Khi họ đến nghe Ngài giảng dạy, Ngài trêu họ rằng nếu thiếu sự lý luận và logic thì cũng giống như một ông già không có răng không thể nhai được những loại thức ăn cứng. Ngài nói thêm rằng Ngài theo phương pháp được thiết lập ở Tây Tạng bởi nhà triết học và logic học vĩ đại - Ngài Tịch Hộ - vào thế kỷ thứ tám. Chính Ngài ấy là người đã giới thiệu những truyền thống vĩ đại và sâu sắc của Nalanda.
Ngài cảm thấy rằng chính sự đào tạo về lý luận và logic này đã trang bị cho Ngài những kiến thức để có thể tham gia vào các cuộc đối thoại với các nhà khoa học hiện đại. Trong quá trình tương tác này, người Tây Tạng đã học được về vật chất và vật lý lượng tử, trong khi đó - các nhà khoa học đã tỏ ra thích thú với những gì họ đã nói về tâm lý học. Trước đây, họ không mấy quan tâm đến ý thức hoặc cách để đạt được sự an lạc nội tâm, nhưng trạng thái này đang có sự thay đổi.
Ngày nay, một số sự chú ý đang được hướng đến hiện tượng những vị thiền giả có kinh nghiệm nhập vào sự thiền định miên mật vào lúc lâm chung và duy trì nguyên trạng thái đó trong vài ngày sau đó. Sự chết lâm sàng đã diễn ra, và cũng đã chết não, nhưng cơ thể của họ vẫn mềm mại và tươi tắn. Truyền thống Phật giáo Tây Tạng giải thích điều này bằng năng lượng khí, kinh mạch và tâm vi tế. Những sự nghiên cứu đang được tiến hành để cố gắng tìm ra lời giải thích theo quan điểm khoa học.
Ngài đọc câu hồi hướng cuối cùng của ‘37 pháp hành của Bồ tát’ và sau đó tiếp tục đọc ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’. Trong đó đề cập rằng, một sự quyết tâm để đạt được giải thoát nhưng nếu không có Tâm Bồ Đề thanh tịnh, thì sẽ không mang lại hạnh phúc viên mãn của sự giác ngộ tối thượng. Trừ khi bạn phát khởi Bồ Đề Tâm - bằng không thì bạn sẽ không thể vượt qua những “sở tri chướng” gây cản trở đối với việc đạt được sự toàn giác. Những câu sau tập trung vào việc phát khởi Bồ Đề Tâm.
Nếu không có trí tuệ liễu ngộ về tính không, quý vị sẽ không thể cắt bỏ tận gốc rễ của sự sinh tử luân hồi, do đó, tác giả của bản văn đã khuyến khích sự nỗ lực tìm hiểu về Lý Duyên Khởi. Nhờ vào sự thấu hiểu về Lý Duyên Sinh, bạn có thể hiểu rõ về tánh Không. Hai bài Kệ của Ngài Long Thọ sẽ làm rõ điều này:
"Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó cũng là Trung đạo.
Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không".
Ngài nhận xét rằng, bất cứ điều gì chúng ta thấy đều có vẻ ngoài của sự tồn tại cố hữu, nhưng khi chúng ta tìm kiếm để nhận diện bản chất bên trong đó, chúng ta không thể tìm thấy nó. Khi bạn hiểu rằng mọi thứ được phát sinh một cách phụ thuộc lẫn nhau, thì bạn sẽ hiểu được luật nhân quả.
“Nếu quý vị nhìn vào tôi, quý vị sẽ thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma như một người dường như tồn tại từ phía của ông, như một người với sự tồn tại một cách khách quan. Nhưng nếu quý vị phân tích về những gì mình đang thấy thông qua sự suy luận năm lần hoặc bảy lần, quý vị sẽ không thể tìm thấy bất cứ điều gì để quý vị có thể chỉ ra và nói rằng - đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma.”
Ngài nhắc lại điều này bằng một bài Kệ trong ‘Trí tuệ Căn bản’ của Đức Long Thọ:
Không phải là các uẩn; cũng chẳng khác các uẩn
Uẩn không phụ thuộc ông; ông không phụ thuộc uẩn;
Đạt Lai Lạt Ma không sở hữu các uẩn;
Đạt Lai lạt Ma là gì khác nữa?
Chính sự xuất hiện bề ngoài của sự vật đang tồn tại khách quan là đối tượng cần phủ định.
Ngài Tsongkhapa viết:
Khi hai nhận thức này đồng thời cùng xảy ra;
Từ cái nhìn về lý Duyên sinh không nhầm lẫn;
Sẽ phát sinh trí tuệ chắc chắn phá huỷ tâm luyến ái;
Hoàn tất sự phân tích về quan điểm uyên thâm.
Sự xuất hiện bác bỏ tính thường hằng
Và tánh Không loại trừ sự thường đoạn,
Khi hiểu nhân quả từ quan điểm tánh Không;
Bạn không bị chi phối bởi những cực đoan này.
Nhận thấy rằng bản văn này ngắn gọn và dễ nhớ, Ngài đã khuyến khích thính chúng nên làm như thế này:
“Khi quý vị có thời gian, hãy suy ngẫm về những gì mà bài Kệ đề cập đến. Và nếu cảm thấy khó ngủ vào ban đêm, quý vị có thể suy ngẫm những câu thơ này; và - vì quý vị có những ý nghĩ tốt khi bắt đầu rơi vào trạng thái buồn ngủ - điều đó sẽ khiến cho giấc ngủ của quý vị trở nên tốt đẹp. Nếu bài Kệ này chưa được dịch sang ngôn ngữ của quý vị thì hãy tranh thủ dịch nó sang ngôn ngữ của mình.
“Tôi đã nhận được những luận giải về tác phẩm này từ ba vị đạo sư vĩ đại - Tagdrag Rinpoche, Ling Rinpoche và Trijang Rinpoche. ‘37 Pháp hành của Bồ tát’ thì tôi nhận được từ Khunu Lama Rinpoche.”
Để có được sự hoàn mãn kiết tường của Pháp hội, Ngài đã tiến hành buổi lễ ngắn gọn về phát Bồ Đề Tâm. Ngài khuyến khích thính chúng nên hình dung quán tưởng Đức Phật cùng với tám vị đệ tử thân cận của Ngài đang hiện diện ở khoảng không gian trước mặt mình. Ngài yêu cầu thính chúng lặp lại ba bài kệ cần thiết cho buổi lễ và khuyến khích họ rằng - vào cuối lần lặp lại thứ ba, hãy cảm nhận một cách chắc chắn rằng mình đã phát được Bồ Đề Tâm.
Con xin quy y ngôi Tam Bảo
Sám hối tất cả từng tội chướng
Tuỳ hỷ công đức chư chúng sinh
Nguyện con được Phật Đạo viên thành!
Con xin quy y cho đến ngày giải thoát
Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng Đoàn
Hoàn thành mục đích cho mình và người khác
Nguyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tỉnh giác!
Khi phát triển tâm nguyện cho giác ngộ tối cao
Con mời thỉnh tất cả chúng sanh như khách quý
Thực hành hạnh giác ngộ vô song trong hoan hỷ
Vì lợi lạc chúng sanh - nguyện đắc thành Phật Vị.
Sau đó, ngài tụng những bài Kệ tán thán từ cuối chương ba của cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’:
Hôm nay con được thân người chính đáng;
Được sinh ra trong dòng giống Phật Đà;
Được trở thành con của Đức Thích Ca:
Nguyện sống tốt không ố hoen dòng Phật.
Như kẻ mù tìm được ra châu báu
Trong đống bùn rác rưởi bẩn nhơ;
Cũng như thế Bồ Đề Tâm tối thượng
Phát khởi trong con quý hoá vô bờ!
Là thuốc tiên ban cho đời mầm sống;
Giúp trường sanh bất tử cõi hồng trần.
Là kho tàng trân châu nhiều vô tận
Xoá đói nghèo khốn khổ chốn trần gian.
Là linh dược thật tuyệt vời cao tột,
Chữa được lành mọi căn bệnh thế nhân,
Là bóng cây che mát thật bình an,
Cho lữ hành trong luân hồi mỏi mệt.
Là bờ đê vượt tái sinh cõi ác,
Mở lộ trình cho lữ khách thoát lên,
Là vầng trăng soi sáng khắp cõi tâm,
Xoa dịu hết những não phiền thế tục.
Là mặt trời rạng ngời soi chiếu khắp,
Xua vô minh đen tối cõi ta bà,
Tâm Bồ Đề này được trích chiết ra,
Từ nơi chất sữa đề hồ - Diệu Pháp.
Với lữ khách trong luân hồi phiêu bạt,
Mãi kiếm tìm sự an lạc thú vui,
Thì đây là bữa tiệc xin hiến dâng,
Niềm hạnh phúc mãn tâm người tiếp cận.
Xin chư Phật đang hiện tiền chứng giám!
Con nay mời tất cả khách thập phương,
Vui niềm vui thế gian và Phật Đạo,
Nguyện tất cả cùng chư Thiên tận hưởng!
Khán giả trực tuyến được tạo cơ hội để đặt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến việc số lượng của con người trên thế giới ngày càng tăng trong bối cảnh tái sinh. Ngài trả lời rằng, cũng giống như ban đầu tương đối có ít loài người trên thế giới này, vì vậy cũng có ít động vật hơn. Trên thực tế, ngay cả những loài thực vật vô tri vô giác cũng đã có sự tăng trưởng số lượng theo thời gian.
Câu hỏi tiếp theo liên quan đến bản văn mà Ngài vừa đọc. Mặc dù có vẻ giống như lẽ thường khi nói rằng hình tướng xuất hiện bên ngoài bác bỏ sự không-tồn tại, nhưng Ngài Tsongkhapa đã khẳng định: “Hình dáng bên ngoài bác bỏ sự cực hữu thường hằng". Ngài nhận xét rằng, nhìn chung, bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy, ta đều nghĩ rằng có một cái gì đó đang hiện hữu ở đó. Theo quan điểm ấy, thì sự xuất hiện bên ngoài bác bỏ sự không-tồn tại. Tuy nhiên, truyền thống Duy Tâm đã xem sự tồn tại bên ngoài của các pháp hiện tượng là bị bác bỏ; và Trường phái Trung quán Y Tự Khởi nói rằng mọi thứ tồn tại theo cách chúng xuất hiện. Quan điểm Trung quán Ứng Thành, được phản ánh trong ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’, khẳng định rằng sự xuất hiện vẻ ngoài, hiện hữu đơn thuần bằng sự định danh, bác bỏ quan điểm cực hữu - thường hằng.
Nói rằng sự vật tồn tại đơn thuần bằng cách định danh có nghĩa là chúng không tồn tại khách quan. Những người không phải là Phật tử thì khẳng định về sự tồn tại của một con người hoặc cái “ngã độc lập” của các uẩn tâm lý-vật lý. Trường phái Duy tâm cho rằng nó đồng nghĩa với ý thức nền tảng, trong khi Trường phái Trung quán Y tự Khởi thì xác định nó với ý thức - thức thứ sáu. Ngài Long Thọ đã viết trong ‘Vòng Châu Báu’:
Cho đến khi nào còn nghĩ về các uẩn,
Thì vẫn còn tồn tại khái niệm “Tôi”;
Thêm vào đó, khái niệm “Tôi” tồn tại,
Thì nghiệp tác thành, từ đó lại có sanh.
Ngài trình bày về kinh nghiệm của chính mình từ 50 năm trước. Ngài đã suy nghĩ về cách mà con người được định danh dựa trên cơ sở của các uẩn; và Ngài đã bị đánh bại bởi nỗi sợ hãi rằng mình không tồn tại. Sau khi suy ngẫm sâu hơn, Ngài hiểu được rằng mình tồn tại, nhưng không phải là một sự tồn tại độc lập của các uẩn.
Khi được hỏi làm thế nào để giúp đỡ những người thuộc thế hệ lớn tuổi - những người chỉ dựa vào đức tin mạnh mẽ của mình; Ngài chỉ ra rằng có hai loại Phật tử: có những người chỉ theo đức tin; và những người được hướng dẫn bởi lý trí. Trong số những người Tây Tạng và những người Châu Á khác, có nhiều người có đức tin nhất tâm và kiên định vào Đức Phật. Đối với những người này rất khó để giới thiệu với họ về lý luận, nhưng nếu quý vị có thể giới thiệu được cho họ, thì nó sẽ để lại dấu ấn hữu ích trong tâm thức của họ cho tương lai. Nếu không, thật là tốt khi được trở thành người Phật tử của thế kỷ 21 - có đức tin dựa trên lý trí và sự hiểu biết.
Ngài nhớ lại: “Tôi đã quy y Tam Bảo kể từ khi tôi phát nguyện thọ giới Ưu Bà Di trước Đức Jowo ở Jokhang tại Lhasa khi còn là một cậu bé. Đầu tiên, sự quy y của tôi bắt nguồn từ đức tin. Nhưng khi tôi hiểu được tính khả thi của sự chấm dứt thực sự (Diệt Đế) và con đường thực sự (Đạo Đế), tôi cũng hiểu được giá trị của Tam Bảo; thì tôi đã hiểu được rằng sự tiến bộ tâm linh là một vấn đề của sự chuyển hoá nội tâm.”
Ngài được hỏi rằng, khi lối sống của chúng ta và kết quả của quá trình công nghiệp hóa ngày càng kém bền vững, thì ta có thể làm gì. Ngài đã trích dẫn một ví dụ mà bạn bè ở Stockholm đã nói với Ngài. Nước thải công nghiệp đã đổ vào sông ngòi ở địa phương và khiến nó trở nên tồi tệ đến mức mà cá không thể sống trong đó được nữa. Vì sự phản đối kịch liệt của công chúng, ngành công nghiệp đã áp dụng những biện pháp thực hành tốt hơn và ngừng gây ô nhiễm cho dòng sông. Do đó, con sông đã phục hồi lại được những phẩm chất tự nhiên của nó và cá đã có thể quay trở lại sinh sống trong dòng sông ấy.
Ngài tuyên bố: “Chúng ta cần có ngành công nghiệp và một nền kinh tế lành mạnh, nhưng không phải làm tổn hại đến môi trường. Lợi nhuận tiền tệ không phải là yếu tố duy nhất cần được xem xét. Thực hiện các nghiên cứu về hậu quả tiềm tàng của các quá trình công nghiệp thì rất có lợi cho môi trường.”
Một Tăng Sĩ Thái Lan hỏi làm thế nào giữa cuộc sống bận rộn, chúng ta có thể tìm thấy được sự thanh thản trong tâm hồn.
Ngài khuyên rằng: “Khi quý vị thức dậy vào buổi sáng, hãy dành ra nửa giờ hoặc lâu hơn. Thông thường thì chúng ta bận tâm đến các nhận thức cảm tính của các giác quan, nhưng trong nửa giờ hoặc một giờ, hãy rút tâm thức khỏi sự phân tâm bởi các đối tượng bên ngoài. Hãy đặt sự chú ý vào chính tâm thức của mình. Phát triển kinh nghiệm về sự tỏ sáng và chánh niệm tỉnh thức của nó. Hãy tập trung vào điều đó với một tâm thức định tĩnh. Sau đó, áp dụng tâm thức ấy vào sự phân tích. Đây là phương pháp để kiểm tra tâm thức của quý vị.
“Tôi đã yêu cầu chư Tăng của Tu viện Namgyal - những người tham gia vào sự thực hành Du già Bổn tôn nên thường xuyên luyện tập để đưa quá trình của cái chết vào con đường tu tập, hãy duy trì một thời gian trong trạng thái của Pháp thân, thay vì chỉ chú trọng vào nghi lễ. Tôi nhớ một vị Tăng Thái Lan - Tỳ kheo Giác Thiên - là một thiền sư thành tựu, người có thể duy trì trạng thái miên mật trong ba giờ hoặc lâu hơn. Điều quan trọng là trau dồi khả năng thực hành tập trung và phân tích.”
Người điều hành đã thay mặt ban tổ chức cảm ơn sự thuyết pháp của Ngài. Cô hy vọng có thể sớm được đến viếng thăm Ngài trở lại. Cô bày tỏ mong muốn Ngài luôn được khỏe mạnh và bình an.
Ngài trả lời rằng hiện tại Ngài không thể ra ngoài vì sự nguy hiểm của đại dịch, nhưng Ngài hy vọng rằng sang năm Ngài có thể xuất ngoại trở lại. Ngài suy nghĩ rằng có thể Ngài sẽ đến thăm Singapore trước; và từ đó sẽ tiếp tục đi đến Đài Loan, mọi người đã mời Ngài đến đó. Ngài cảm ơn khán giả; và Pháp hội đã kết thúc viên mãn.