Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, Hôm nay là "Ganden Ngamchö", ngày kỷ niệm Đức Je Tsongkhapa viên tịch. Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến căn phòng trong Dinh thự của mình - nơi mà Ngài nói chuyện với thế giới qua hệ thống internet - thì một trong những tu viện ở miền Nam Ấn Độ đang tụng kinh ‘Mig-tse-ma’ rất đều đặn. Sau đó, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia tụng bài ‘Bài ca của Rặng Tuyết Sơn phương Đông’ do Ngài Gendun Drup - Đạt Lai Lạt Ma thứ Nhất sáng tác để xưng tán Đức Tsongkhapa.
Ngài tuyên bố: “Hôm nay chúng ta tưởng niệm ngày Đức Jé Rinpoche viên tịch. Vị ấy là người đứng đầu trong số các Luận Sư Tây Tạng về những giáo lý tinh tuý của Đức Phật. Phẩm hạnh đặc biệt của Ngài là Ngài vô cùng uyên bác và luôn áp dụng những gì mình học được vào sự thực hành. Và bất cứ điều gì Ngài kinh nghiệm được như một kết qủa thành tựu - Ngài đều chia sẻ với chúng ta.
“Trong số tất cả các bậc Đạo sư vĩ đại của Tây Tạng, Jé Rinpoche là người đã tập trung vào những điểm khó của Giáo lý. Chúng ta có thể thấy điều này trong những gì mà Ngài đã viết, đặc biệt là năm tác phẩm của Ngài cập đến tính Không theo quan điểm của Trung Quán: phần trí tuệ đặc biệt của ‘Đại Luận về các Giai trình của Đạo Lộ’; phần trí tuệ đặc biệt của ‘Trung Luận về các Giai trình của Đạo Lộ; ‘Đại Dương Lý Luận’ - luận giải của Ngài về ‘Trí tuệ cơ bản Trung Quán Luận’ của ngài Long Thọ - luận giải của Ngài về ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng, cũng như ‘Tinh Hoa của Diệu Thuyết’.
“Trong ''Tinh hoa của Diệu Thuyết’, Jé Rinpoché đã nhấn mạnh ba bài Kệ (số 34, 35 & 36) trong Chương Sáu của ‘Nhập Trung Quán Luận’ mô tả về bốn kiểu ngụy biện hợp lý sẽ xảy ra nếu các pháp có sự tồn tại khách quan trong và của chính nó. Tôi luôn tụng ba bài Kệ này cho chính mình mỗi ngày.”
Ngài đã trích dẫn một bài Kệ trong cuốn ‘Viên thành Sứ mệnh’ của Đức Tsongkhapa, minh chứng cho thái độ học tập và thực hành của ngài.
Vào giai đoạn bắt đầu, tôi đã nỗ lực tìm tòi học hỏi.
Chặng giữa, tất cả giáo lý soi rọi vào tôi như những chỉ dẫn tâm linh.
Cuối cùng, tôi đã ngày đêm chuyên tâm tu tập thực hành.
Tôi hồi hướng tất cả công đức này cho đạo pháp ngày càng hưng thạnh.
Một bài Kệ khác từ lời cầu nguyện nổi tiếng, ‘Bách Thiên Đâu Suất’ đã mô tả Ngài như thế này:
Ngài đã nỗ lực thiền định và học tập rộng sâu trong thời đại suy thoái này;
Từ bỏ tám mối bận tâm thế gian - Ngài đã ban cho cuộc sống nhàn hạ này với cơ hội tràn đầy ý nghĩa.
Hỡi Đấng Bảo Hộ tôn kính! Từ tận đáy lòng mình, chúng con xin chân thành tuỳ hỷ
Với những thiện hạnh phi thường mà Ngài đã thực hiện trong muôn trùng hành trạng vĩ đại mênh mông.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: “Là những môn đồ của Ngài, chúng ta cũng nên thực hành như thế. Nghiên cứu các bộ đại luận, đặc biệt là năm bản văn về Trung Quán mà tôi đã đề cập, nhưng hãy nhớ rằng mục đích là để tích hợp các giáo lý trong chính bản thân chúng ta.
“Ở đây, trong cuộc sống lưu vong, chúng ta đã thiết lập lại ba tu viện lớn Drepung, Ganden và Sera, và các trung tâm học tập khác - nơi mà chư tăng ni nghiên cứu năm môn học chuyên môn chính yếu. Chính điều này đã trang bị cho chúng ta đủ điều kiện để trở thành những người gìn giữ cho Truyền thống Nalanda. Tuy nhiên, chúng ta không được đánh mất nhu cầu tích hợp những gì mà chúng ta đã học được vào trong sự thực hành của mình.”
Khi mở trang ‘Xưng tán Duyên khởi’, trước tiên, Ngài đã trích dẫn một bài kệ ở phần gần cuối để minh họa thêm về những phẩm hạnh đáng ngưỡng mộ của Đức Tsongkhapa.
Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!
Khi đọc nhanh qua các bài Kệ, Ngài đã đề cập đến Mười hai liên kết của Duyên Khởi, trong đó không những đã chỉ ra cho ta thấy về cách mà chúng ta bị vướng vào vòng sanh tử luân hồi như thế nào; mà còn đề cập đến cách mà chúng ta có thể khắc phục được vô minh để thoát ra khỏi đó. Ngài nhận xét rằng nếu các pháp có sự tồn tại cố hữu bên trong thì không gì có thể thay đổi được. Ngài lưu ý rằng, liên quan đến duyên khởi, Chone Lama Rinpoche nói rằng, lý duyên khởi không phủ nhận tính không, và duyên khởi có nghĩa là các pháp tuân theo quy ước thế tục.
Ngài nhận xét rằng, chúng ta không cần những tường thuật lịch sử về cuộc đời của Long Thọ để biết Ngài là người như thế nào; điều quan trọng là đọc những gì mà Ngài đã viết; và chúng ta đã có các tác phẩm của ngài Nguyệt Xứng để giúp chúng ta hiểu được điều đó.
Trước khi bắt đầu đọc đều đặn qua ‘Chứng Đạo Ca’, một bản tóm tắt ngắn gọn về các giai trình của Đạo lộ, Ngài đã chỉ ra rằng thể loại này bắt đầu với Ngài Atisha - người đã chỉ ra con đường cho ba loại người với ba hạng căn cơ. Ngài nhấn mạnh rằng mục đích của việc học tập và thực hành không phải là chỉ là để khắc phục những phiền não về tinh thần của chúng ta, mà còn là để vượt qua những chướng ngại về mặt nhận thức mà những phiền não ấy đã để lại. Đó là cách để thực hành Đạo lộ hoàn hảo.
Liên quan đến việc phát Bồ đề tâm, Ngài đã đề cập đến hai phương pháp. Bảy điểm nhân quả và hoán đổi ngã - tha. Phương pháp thứ hai này được giảng dạy rõ ràng trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên, nhưng - Ngài nhận xét - sự phổ biến của nó đã bị giảm đi ở vùng Trung tâm Tây Tạng. Đây là một trong những lý do khiến Ngài nêu lên quan điểm nhận lời giải thích từ Khunu Lama Rinpoche.
Đọc đến những câu cuối cùng của bản văn, Ngài lưu ý rằng, theo lý luận của Ngài Nguyệt Xứng thì chẳng có pháp nào có thể được tìm thấy có bất kỳ sự tồn tại khách quan nào.
Bản văn thứ ba mà Ngài đã đọc, ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’, được trước tác để đáp ứng sự thỉnh cầu của Ngài Tsakho Ngawang Drakpa. Khi đến những bài Kệ liên quan đến việc phát Bồ Đề Tâm, Ngài đề cập rằng, bằng cách áp dụng những bài Kệ này cho bản thân, Ngài thấy đó là một niềm khích lệ mạnh mẽ để tạo ra lòng quyết tâm để có được sự giải thoát.
Liên quan đến chánh kiến, Ngài Tsongkhapa nêu thật ngắn gọn:
Sự xuất hiện bác bỏ tính thường hằng
Và tánh Không loại trừ sự thường đoạn,
Khi hiểu nhân quả từ quan điểm tánh Không;
Bạn không bị chi phối bởi những cực đoan này.
Sau khi đọc ba tác phẩm quan trọng của Je Rinpoche, Ngài đã hướng dẫn buổi lễ Phát Bồ Đề Tâm ngắn gọn. Cuối cùng, Ngài yêu cầu thính chúng cam kết thực hành như Je Rinpoche đã dạy và tích hợp những gì mà mình đã học được vào nội tâm của chính mình.
Trong số ba Vị Tulkus nêu câu hỏi ngắn gọn và nhận được sự trả lời ngắn gọn, Lelung Rinpoche tiết lộ rằng ông có những giấc mơ; trong đó ông được yêu cầu rằng hãy cầu nguyện cho sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và thỉnh cầu Ngài tiếp tục ban truyền những giáo lý sâu sắc và rộng lớn.
Ngài trả lời: “Khi tôi nhìn thấy những bức tranh từ Tây Tạng, và tôi nhận thức được lòng sùng kính của nhân dân Tây Tạng, tôi cảm thấy một sự thôi thúc tôi cần phải sống lâu. Người dân Tây Tạng đã đặt hy vọng và tin tưởng vào tôi rằng tôi sẽ sống lâu.
“Khi chúng ta vừa bước vào cuộc sống lưu vong, rất ít người biết về Phật giáo Tây Tạng. Kể từ thời điểm đó, tình hình đã thay đổi; và tôi nghĩ rằng chúng ta đã đóng góp một phần vào sự thay đổi đó.
“Tôi được cho biết rằng Kathok Getse, một Vị học giả vào thời Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy đã tiên đoán rằng tôi sẽ sống đến 113 tuổi. Vì lòng sùng kính của người dân Tây Tạng, tôi cảm thấy mình có thể sống cho đến 110 tuổi; và tôi cầu nguyện rằng tôi sẽ sống lâu đến chừng đó - và tất cả quý vị hãy cùng tôi tham gia vào những sự cầu nguyện ấy nhé!"
Ngài đội chiếc mũ pandit của mình khi tụng những lời cầu nguyện hồi hướng; và buổi lễ đã được kết thúc viên mãn.