Hôm nay, thật là niềm hoan hỷ lớn lao dành cho tôi khi được gởi lời chào đến với tất cả chư Huynh Đệ Pháp Hữu, Nam Nữ Phật Tử trên toàn thế giới lời CHÚC MỪNG PHẬT ĐẢN!
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại Lâm Tỳ Ni, Ngài đã chứng đạt quả vị giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng và nhập Niết Bàn ở Kushinagar từ 2600 năm về trước, nhưng tôi tin rằng giáo lý của Ngài là phổ quát và vẫn tiếp tục phù hợp cho đến ngày nay. Bị cảm động bởi một ý thức sâu sắc về sự quan tâm giúp đỡ người khác - sau khi giác ngộ - Đức Phật đã trải qua phần còn lại của cuộc đời mình là một Tu Sĩ, chia sẻ kinh nghiệm của mình với bất cứ những ai muốn lắng nghe. Cả quan điểm của Ngài về lý Duyên Khởi và lời khuyên của Ngài về việc đừng làm hại bất cứ ai mà nên giúp đỡ họ trong khả năng có thể - đã đặt trọng tâm về sự thực hành bất bạo động. Điều này vẫn luôn là một trong những nguồn sức mạnh có ảnh hưởng tốt đẹp nhất dành cho thế giới hiện nay, đối với tinh thần bất bạo động - được thúc đẩy bởi lòng từ bi - chính là để phục vụ cho đồng loại của chúng ta.
Trong một thế giới mà ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, thì phúc lợi và hạnh phúc của chính chúng ta dều phụ thuộc vào nhiều người khác. Ngày nay, những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận sự đồng nhất của nhân loại. Mặc dù giữa chúng ta có sự khác biệt về bên ngoài, nhưng mọi người đều bình đẳng trong niềm khát vọng cơ bản về hòa bình và hạnh phúc. Một phần của sự thực hành Phật giáo có liên quan đến việc rèn luyện tâm thức của chúng ta thông qua thiền định. Để cho sự rèn luyện tâm thức của chúng ta được điềm tĩnh, phát triển các phẩm hạnh như tình yêu thương, lòng từ bi, sự khoan dung và đức kiên nhẫn - để cho có được hiệu quả - thì chúng ta cần phải đưa những sự thực hành này vào áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Mãi cho đến thời gian gần đây, các cộng đồng Phật giáo khác nhau trên thế giới mới có được một sự hiểu biết sơ sài về sự tồn tại của nhau; và không có cơ hội để đánh giá cao về việc chúng ta đã chia sẻ những điểm chung với nhau được bao nhiêu. Ngày nay, hầu như toàn bộ các truyền thống Phật giáo phát triển ở các vùng đất khác nhau đều có thể tiếp cận được đối với bất cứ ai quan tâm đến nó. Hơn nữa, hiện nay, những người trong số chúng ta - có sự thực hành và giảng dạy về những truyền thống Phật giáo khác nhau này - đã có thể gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau.
Là một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, tôi tự xem mình là người thừa kế của truyền thống Nalanda. Phương cách mà Phật giáo được giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Nalanda - bắt nguồn từ lý luận và logic - đại diện cho đỉnh cao của sự phát triển của nó ở Ấn Độ. Nếu chúng ta là người Phật tử của thế kỷ 21, thì điều quan trọng là chúng ta phải tham gia vào việc phân tích và nghiên cứu giáo lý của Đức Phật - như rất nhiều người đã từng thực hiện ở Nalanda - thay vì chỉ dựa vào đức tin.
So với từ thời của Đức Phật, thế giới đã thay đổi đáng kể! Khoa học hiện đại đã phát triển nền kiến thức tinh vi về lĩnh vực vật lý. Mặt khác, khoa học Phật giáo cũng đã đạt được sự hiểu biết đầu tiên, chi tiết về phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc - những lĩnh vực vẫn còn tương đối mới mẻ đối với khoa học hiện đại. Do đó, khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo đều có kiến thức quan trọng để bổ sung cho nhau. Tôi tin rằng việc kết hợp hai phương pháp này sẽ có tiềm năng lớn lao trong việc đưa đến những khám phá - giúp làm cường tráng thêm về sức khỏe thể chất, phong phú thêm về mặt tình cảm và phúc lợi xã hội của chúng ta.
Trong khi - là Phật tử - chúng ta là những người duy trì giáo lý của Đức Phật, mà thông điệp của Ngài có liên quan đến sự tương tác rộng lớn hơn của chúng ta đối với cả nhân loại. Chúng ta cần nâng cao sự hiểu biết giữa các tôn giáo bằng cách đặt nền tảng thực tế là tất cả các tôn giáo đều góp phần vào sự hạnh phúc của tất cả mọi người. Thật vậy, trong lúc khủng hoảng nghiêm trọng mà thế giới đang đối mặt hiện nay, khi mà chúng ta đang phải đương đầu với những mối đe dọa đối với sức khỏe của chúng ta và chịu đựng sự đau buồn của những gia đình và bạn bè của chúng ta đã mất; ta cần phải tập trung vào những điều mà có thể giúp đoàn kết chúng ta lại với nhau như những thành viên của một gia đình nhân loại. Vì vậy, chúng ta cần phải đến với nhau bằng lòng Từ Bi; vì chỉ bằng cách đến với nhau bằng tinh thần đoàn kết và hợp tác toàn cầu, thì chúng ta mới có thể đương đầu được với những thách thức to lớn chưa từng có mà chúng ta đang gặp phải.
Đạt Lai Lạt Ma