Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - “Hôm nay tôi muốn chào tất cả quý vị”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu bằng lời chào như thế vào ngày thứ ba trong đợt thuyết giảng luận giải về ‘Tinh Hoa của mọi Diệu Thuyết’ của Đức Tsongkhapa - chủ yếu dành cho các Phật tử Đài Loan. “Lời cầu nguyện mà quý vị tụng vào lúc kết thúc ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ nói rằng “Nguyện cho con … thế thế thường hành Bồ Tát Đạo’. Có lẽ đây nên là một sự quyết tâm hơn là chỉ một lời cầu nguyện, “Con sẽ … thế thế thường hành Bồ Tát Đạo”.
“Cho dù quý vị có thể trải nghiệm sâu sắc về Tánh Không như thế nào đi chăng nữa, nó cũng sẽ không giúp quý vị vượt qua được những sở tri chướng. Để làm được điều đó, quý vị cũng cần phải có Bồ đề tâm. ‘Nhập Trung Quán Luận’ kính lễ đối với lòng từ bi; bởi vì lòng từ bi - ngay từ đầu - là mầm mống của sự thành tựu Phật quả. Trong giai đoạn giữa - lòng từ bi chính là yếu tố làm tăng trưởng Bồ đề tâm; và khi quý vị đạt được Phật quả - thì nó thôi thúc quý vị phụng sự cho tha nhân.
“Kết hợp Bồ đề tâm với trí tuệ thấu hiểu tánh không, quý vị sẽ vượt qua được mọi phiền não - phiền não chướng và sở tri chướng. Khi quý vị nhìn thấy chúng sinh đau khổ, quý vị sẽ không thể chịu đựng được và sẽ làm việc để giúp đỡ họ.
“Chúng ta sẽ tiếp tục đọc bản văn. Về cuối, có một khảo sát về những khẳng định của những người ủng hộ Trung quán Y Tự Khởi và sau đó là những khẳng định của những Người theo thuyết Hệ quả - (Trung Quán Ứng Thành Phái). Trong cuốn ‘Xưng tán Đức Phật vì đã giảng dạy Duyên khởi’, Jé Tsongkhapa đã viết, nhờ lý luận về duyên khởi, chúng ta không dựa vào một trong hai quan điểm cực đoan. Duyên khởi là Giáo lý quan trọng nhất của Đức Phật.”
Ngài đã ám chỉ đến bốn ngụy biện hợp lý mà trong cuốn ‘Nhập Trung quán Luận’ - ngài Nguyệt Xứng đã giải thích - sẽ xảy ra nếu mọi thứ tồn tại khách quan. Nguỵ biện cho rằng sự thiền định miên mật của một bậc Thánh về tính không sẽ là kẻ hủy diệt của các pháp hiện tượng; rằng sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu; rằng sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể đối chất được sự phân tích tối hậu về bản chất của các pháp; và không thể khẳng định được rằng các pháp là rỗng không ở trong và của chính nó.
Ngài tiết lộ rằng mỗi ngày Ngài đều suy ngẫm về bốn điểm này trong thời thiền định của mình. Ngài tiếp tục, cho dù quý vị nghĩ về bản ngã của con người, về ý thức hay bất cứ điều gì, thì các pháp dường như có một sự tồn tại khách quan, độc lập. Khi đối tượng của sự phủ định xuất hiện trong tâm trí bạn và bạn muốn bác bỏ nó, thì bạn nên tiến hành phân tích về cách mà các pháp tồn tại.
1) Tâm của bậc Thánh đang suy tư miên mật trong tánh Không sau khi chính mình đã phân tích về việc các pháp có bất kỳ đặc điểm nội tại cố hữu nào hay không. Nếu nó có những đặc điểm như vậy, thì nó sẽ được tìm thấy bởi tâm trí của bậc Thánh. Nếu mọi thứ có bất kỳ sự tồn tại cố hữu nào, thì sự thiền định kiên cố về tánh Không của bậc Thánh sẽ là kẻ hủy diệt thực thể đó - (điều này thật vô lý về mặt logic).
Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại. (6.34)
2) Nếu các pháp có một đặc tính nội tại cố hữu, không phụ thuộc vào các yếu tố khác, thì sự thật mang tính quy ước thông thường (tục đế) sẽ đối chứng được với sự phân tích khảo sát cuối cùng - (điều đó là vô lý về mặt logic). Nếu chúng ta có thể chỉ ra một danh tính (đặc tính), nó sẽ chịu đựng được sự phân tích cuối cùng. Tuy nhiên, Hành giả Du già không tìm thấy gì - không phải cái này cũng không cái kia - để chỉ ra. Các trường phái khác thì cho rằng đối tượng của sự nhận thức hợp lệ (lượng) phải là một cái gì đó khách quan bên ngoài, nhưng nhận thức hợp lệ là nhận thức mà đối tượng tồn tại như nó được nhận thức.
Các trường phái tư tưởng thấp hơn cho rằng cần có một nhận thức hợp lệ với các đặc điểm tự xác định. Nếu đúng như vậy, thì vật thể đó sẽ chịu được sự khảo sát cuối cùng. Trên thực tế, không có đối tượng nào tồn tại cố hữu - nó chỉ được gán danh một cách quy ước.
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát. (6.35)
Nếu các pháp có bất kỳ cốt lõi thiết yếu nào trong bản thân nội tại của nó, thì điều đó sẽ dẫn đến sự nguỵ biện hợp lý về sự thật mang tính quy ước thông thường (tục đế) có khả năng đối chứng được với sự khảo sát cuối cùng.
3) Nếu những thứ có cốt lõi thiết yếu phát sinh từ một nguyên nhân, thì sản phẩm cuối cùng không thể bị từ chối. 4) Lời dạy của Đức Phật rằng các pháp hiện tượng không có tự tính sẽ không đúng. Khi chúng ta nói điều gì đó rỗng không, thì chính thứ mà chúng ta đang phân tích được cho là rỗng không về sự tồn tại cố hữu; hoặc rỗng không về bản chất của chính nó.
Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn? (6.36)
Những thứ rỗng không - phụ thuộc vào sự hội tụ,
Những suy ngẫm như thế và v.v., không phải là không biết. 6.37
Ngài làm rõ: “Các pháp không tồn tại từ phía của nó, nó chỉ được định danh. Chúng phát sinh phụ thuộc vào các điều kiện. Khi quý vị nói về tính không của sắc - một sự thể vật chất - thì sắc được khảo sát; và được nhận thấy rằng nó rỗng không về sự tồn tại cố hữu của chính nó.
“Bốn ngụy biện hợp lý - hoặc là 4 điều phi lý này - đã được đề cập trong ‘Tinh hoa của mọi Diệu Thuyết’của Jé Rinpoche và phần trí tuệ đặc biệt của ‘Đại Luận về các giai trình của Đạo lộ’.
“Tinh hoa của mọi Diệu Thuyết” nói:
Điều này (phủ định đặc biệt) được thực hiện trong ‘Giới thiệu Trung đạo’ (Nhập Trung Quán Luận / Madhyamakavatara) bằng ba lý luận được đưa ra trong các bài Kệ cơ bản và một lý do được đưa ra trong phần chú giải.
Điều đầu tiên trong số này (được gọi là) "hậu quả mà sự kiên cố của bậc Thánh có thể phá hủy các pháp hiện tượng," (366)
(Lý luận thứ hai trong bốn lý luận đặc biệt được gọi là) “hậu quả là sự thực thông thường (tục đế) có thể chịu đựng được khi bị khảo sát,” (367)
(Lý luận thứ ba trong bốn lý luận ngoại lệ được gọi là) "sự tồn tại của sự không phủ định của sản phẩm cuối cùng,” (373)
(Lý luận thứ tư trong bốn lý luận ngoại lệ được gọi là hệ quả của nó) "sự sai lầm của tuyên bố (kinh điển) rằng các pháp rỗng không về thực tại nội tại cố hữu của nó.” (374)
“Các pháp chỉ đơn thuần được gán danh bởi suy nghĩ, ngôn ngữ và khái niệm của chúng ta. Tánh Không không làm cho các pháp hiện tượng trở nên rỗng không như vậy - các pháp hiện tượng trống không. Các pháp tự nó trống không. Nó không trống không về một thứ gì khác. Đây là một trong những điểm chính mà Jé Rinpoche đưa ra trong cuốn sách này.
‘Nhập Trung Quán Luận’ nói rằng, khi các vị Bồ tát đạt đến tầng Sơ Địa, họ vượt trội hơn các bậc Thanh Văn và Duyên giác theo dòng truyền thừa. Nhưng khi đến Địa thứ Bảy thì họ mới vượt trội hơn chư Thanh Văn và Duyên Giác về phương diện Tuệ giác. Ngài Pháp Xứng cũng đã khẳng định điều này trong Tự Luận của mình và cũng khẳng định rằng các bậc Thánh trong số chư Thanh Văn và Duyên giác cũng đã có sự chứng ngộ trực tiếp về tánh không.
“Khi chứng được “nhân vô ngã” ở mức độ thô, có thể giúp ta đoạn trừ được một số mức độ bám chấp vào sự tồn tại của “nhân ngã”, nhưng, cũng giống như các sự thực hành của phi Phật giáo, nó sẽ không giúp ta vượt qua được mọi phiền não.
“Để chứng ngộ triệt để về “nhân vô ngã”, chúng ta cần phải chứng được “pháp vô ngã”. Ngài Pháp Xứng đã trích dẫn một bài Kệ trong ‘Bảo Hành Vương Chánh Luận’ của Ngài Long Thọ:
Cho đến khi nào còn nhận thức rằng các uẩn (thật) tồn tại
Thì khái niệm về “Tôi” cũng sẽ tồn tại (thật sự) như thế;
Bên cạnh đó, khi khái niệm về tôi (thật sự) tồn tại,
Thì sẽ có hành động; và từ đó cũng có sự “sanh ra”. (35)
“Tôi đã có một lần trải nghiệm khi đọc tác phẩm ‘Chiếu sáng Tư tưởng của Tsongkhapa - luận giải của Ngài về ‘Nhập Trung Quán Luận’ - và tôi cảm thấy như bị sét đánh. Dường như cái “ngã” không có tồn tại thực sự, nhưng khi tôi tham khảo những dòng này từ ‘Bảo Hành Vương Chánh Luận’, thì tôi nhận ra rằng nó không đủ để cảm thấy rằng cái “ngã” không tồn tại. Bạn cần thấy được rằng cái “ngã” không tồn tại thực sự; và chỉ đơn thuần là nó được gán danh mà thôi. Cho đến khi nào bạn không thể vượt qua được sự khách quan hoá của các uẩn, bạn sẽ không thể liễu ngộ triệt để về “nhân vô ngã”. Câu này trong ‘Bảo Hành Vương Chánh Luận’ rất quan trọng.
“Tôi đã suy ngẫm mỗi ngày về bốn nguỵ biện logic được đề cập trong ‘Nhập Trung Quán Luận’ và ‘Tinh hoa của mọi Diệu Thuyết’. Người Tây Tạng chúng tôi có xu hướng đọc thuộc lòng câu tâm chú Mani, nhưng chúng ta cũng nên cố gắng quán chiếu hàng ngày về bốn điểm này.
“Chúng ta cần suy ngẫm về tính Không, nhưng chúng ta cũng cần phải trau dồi Bồ đề Tâm. Tác phẩm “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên là bản văn hay nhất để giúp chúng ta đánh bại thái độ ái trọng tự thân. Ngài nói khá rõ ràng:
8/129 Mọi kẻ bất hạnh thế gian phải khổ đau chỉ vì tham vọng cho hạnh phúc riêng của họ;
Tất cả người hạnh phúc ở cõi đời được sướng vui nhờ ước nguyện cho hạnh phúc của tha nhân”
8/130 Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ luôn sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân.
8/131 Nếu ta không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật tôi sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi ta sẽ chẳng thể nào vui.
“Chúng ta không muốn đau khổ, chúng ta chỉ khát khao hạnh phúc; nhưng chúng ta lại tạo ra mọi khổ đau và rắc rối trên thế giới vì chúng ta xem trọng bản thân mình. Nếu chúng ta cho phép mình bị lừa dối bởi sự tự cao tự đại, thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được Phật quả.
7/30 Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể sa ngã trong sự thất vọng triền miên?
“Tôi đã thiền định mỗi ngày về tính Không và Bồ đề Tâm. Tôi cũng khuyến khích quý vị nên làm như vậy. Hai điều này bao gồm trong sự thực hành chính của chúng ta. Hãy học tập tìm hiểu về chúng (văn), suy ngẫm về chúng (tư) và thiền định (tu) về chúng”.
Ngài cho biết rằng, Ngài nghĩ là sẽ hoàn tất đợt thuyết Pháp này bằng cách chủ trì một buổi lễ ngắn gọn về Phát Bồ đề Tâm. Ngài gợi ý cho các đệ tử nên quán tưởng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trong không gian phía trên của Ngài cùng với tám vị đệ tử thân cận, chư vị Bồ tát, và các Vị Đạo Sư vĩ đại của Ấn Độ như Ngài Long Thọ.
Trong cuốn ‘Xưng tán Bồ đề Tâm’, Khunu Lama Rinpoche đã viết, để có một tâm hồn thoải mái, bạn nên thực hành Bồ đề tâm. Mang lại lợi ích cho tha nhân và tái sinh vào cảnh giới cao hơn trong kiếp sau của bạn đều là những kết quả phát sinh từ việc trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là yếu tố mang lại lợi ích cho bản thân và người khác.
Ngài đọc những bài kệ thiết yếu của buổi lễ và yêu cầu các đệ tử thiền định về Bồ Đề Tâm.
Con xin quy y ngôi Tam Bảo
Sám hối tất cả từng tội chướng
Tuỳ hỷ công đức chư chúng sinh
Nguyện con được Phật Đạo viên thành!
Con xin quy y cho đến ngày giải thoát
Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng Đoàn
Hoàn thành mục đích cho mình và người khác
Nguyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tỉnh giác!
Khi phát triển tâm nguyện cho giác ngộ tối cao
Con mời thỉnh tất cả chúng sanh như khách quý
Thực hành hạnh giác ngộ vô song trong hoan hỷ
Vì lợi lạc chúng sanh - nguyện đắc thành Phật Vị!
Để hoàn mãn buổi lễ, Ngài lặp lại một số bài Kệ xưng tán Bồ Đề Tâm từ “Nhập Bồ Tát Hạnh”.
3/25 Hôm nay con được thân người chính đáng;
Được sinh ra trong dòng giống Phật Đà;
Được trở thành con của Đức Thích Ca:
Nguyện sống tốt không ố hoen dòng Phật.
3/27 Như kẻ mù tìm được ra châu báu
Trong đống bùn rác rưởi bẩn nhơ;
Cũng như thế Bồ Đề Tâm tối thượng
Phát khởi trong con quý hoá vô bờ!
Ngài đề cập rằng trong quá trình thực hành Mật thừa, thông thường quý vị phải sử dụng các phương tiện để xua đuổi những loài có khả năng quấy rối, nhưng, trong bối cảnh của Bồ đề Tâm, thì không có ai mà quý vị có thể coi là kẻ thù.
Trong khi trả lời các câu hỏi của thính chúng, Ngài đề cập đến “nhân vô ngã” và “pháp vô ngã”. Liên quan đến việc “tự đau khổ ", Ngài giải thích rằng, nó đề cập đến sự đau khổ đồng hành với chúng ta. Chúng ta đã có những quan niệm sai lầm về sự tồn tại thực sự từ vô thủy, do đó, sự đau khổ đã cùng đồng hành với chúng ta trong suốt nẻo của sinh tử luân hồi.
Để trả lời câu hỏi về hạnh phúc trọn vẹn, Ngài đã trích dẫn những bài Kệ trong ‘Nhập Trung Quán Luận’:
Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt.
6.224 Dù tâm Ngài có thể an trú triền miên trong cảnh giới tịch diệt;
Ngài vẫn khởi Bi Tâm đối với chúng sanh không được chở che;
Tiến xa hơn nữa - nhờ vào tuệ giác - Ngài đã vượt trội hơn
Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác và bậc trung trong chư Phật.
Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng.6.226
Khi được hỏi về việc sử dụng chuột, v.v. trong các thí nghiệm khoa học, Ngài gợi ý rằng nếu công việc đang được thực hiện để mang lại lợi ích cho con người và cứu sống nhiều sinh mạng, và không cố ý gây ra đau khổ, thì có thể chấp nhận được. Ngài gợi ý rằng, kỹ thuật của sự rèn luyện tâm thức khi tưởng tượng đến việc gánh chịu những đau khổ của người khác - nói chung - không tạo ra sự khác biệt cho vấn đề thực hành. Như Ngài đã nói, có vô số chư Phật và chư Bồ Tát trong khắp không gian, nhưng họ không hề có sự ảnh hưởng trực tiếp nào từ những đau khổ của chúng sinh.
Ngài lưu ý rằng - nếu - bằng cách phân tích các pháp thông qua suy luận bảy phạm trù hoặc năm phạm trù, quý vị không thể tìm thấy một thực thể vững chắc, riêng biệt, quý vị có thể đạt được trí tuệ về vô ngã. Tương tự như thế, kết quả của việc thiền định về tính không, quý vị có thể thấy rằng con người (nhân) và vạn vật (pháp) đều giống như ảo ảnh. Trường phái Trung đạo khẳng định rằng các pháp không có sự tồn tại thực sự ngay từ khoảnh khắc chúng xuất hiện.
Ngài tuyên bố vào lúc kết thúc buổi thuyết Pháp rằng: “Tôi đã xem qua những điểm quan trọng của cuốn sách này. Vì còn liên quan đến đại dịch, nên có lẽ sẽ qua đến sang năm tôi mới có thể giảng Pháp ở tại Tsuglagkhang này và ở Bồ Đề Đạo Tràng một lần nữa. Đó là điều mà tôi quyết tâm làm khi tôi có thể, nhưng trong thời gian chờ đợi, tất cả chúng ta đều cần phải cẩn thận.
“Đức Phật đã dạy chúng ta rằng, ta là chủ nhân của chính mình; và cuộc đời của chúng ta như thế nào là nằm trong tầm tay của chúng ta. Điều quan trọng nhất là thực hành giáo pháp, nghĩa là trau dồi Bồ đề Tâm và sự hiểu biết về Tánh không. Tất nhiên, tôi cũng thực hành Bổn tôn Du Già, nhưng chính việc thực hành Bồ Đề Tâm và tánh Không đã thực sự mang lại sự chuyển hóa trong tôi. Những cuốn sách quan trọng về điều này là ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’, ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’ và ‘Nhập Trung Quán Luận’.
“Tôi cảm thấy rằng mình đã đạt được một số tiến bộ trong sự chuyển hoá bản thân và quý vị cũng có thể làm được như vậy. Hãy nhớ rằng:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
“Nếu bạn tìm tòi học hỏi (văn), suy ngẫm (tư) và thiền định (tu) về Giáo Pháp, thì sự chuyển hóa sẽ nằm trong tầm tay.”