Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tham gia đối thoại với Giáo sư Andreas Roepstorff của Trung tâm Tương tác Tâm thức, Đại học Aarhus, Đan Mạch về chủ đề “Trưởng dưỡng Lòng Nhân ái Cộng đồng giữa Bối cảnh Bất ổn”. Ngài đã được chào đón bởi Tiến sĩ Amy Cohen Varela, Chủ tịch của Viện Tâm thức và Đời sống Châu Âu. Cô cảm ơn Ngài vì đã chấp nhận lời mời và đảm bảo với Ngài rằng Tâm thức và Đời sống Châu Âu đã được thành lập tốt và đang nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình. Gần đây, việc này đã đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn đối với các đồng nghiệp ở Nga.
Ngài đã đáp lại bằng cách cho xem một bức ảnh của Francisco Varela - người chồng quá cố của Amy Cohen Varela - mà Ngài luôn để trên bàn làm việc - người mà theo Ngài là - đã giới thiệu cho Ngài về khoa học hiện đại. “Ông ấy là một trong những người đã giúp cho việc phát triển một cuộc đối thoại nghiêm túc giữa Ngài và các nhà khoa học hiện đại. Kết quả là, ngày nay, nhiều nhà khoa học hiện đại đang nghiên cứu về tâm lý học và khoa học về tâm thức. Một trong những điều tôi ngưỡng mộ và luôn ghi nhớ về Ông ấy là Ông đã nói, “Bây giờ tôi đang đội chiếc mũ nhà khoa học của mình, và ở một điểm khác, tôi nói điều này với chiếc mũ Phật giáo của tôi.”
Thượng toạ Matthieu Ricard - người điều hành buổi đối thoại này - đã thưa với Ngài rằng họ có bốn câu hỏi chính về sự phụ thuộc lẫn nhau và nhân ái cộng đồng liên quan đến cảm xúc cá nhân, chẳng hạn như nỗi cô đơn, cũng như các vấn đề toàn cầu khác. Đối với sự cô đơn, Ricard báo cáo rằng, nhiều người đã cảm thấy không thoải mái trong việc tuân thủ sự cách ly kèm theo các phản ứng đối với đại dịch. Thượng toạ yêu cầu Andreas Roepstorff giải thích những gì mà Vị này đã khám phá ra trong sự nghiên cứu này.
Roepstorff quan sát thấy rằng, những người bị cách ly không thể gặp gỡ những người khác theo cách mà họ đã từng làm. Cậu ấy và các đồng nghiệp đã tìm hiểu xem họ cảm thấy thế nào về điều này. Họ đã phát hiện ra rằng, sự cách ly không những chỉ đưa đến nỗi buồn và sự hối tiếc, mà còn giúp người ta phát triển ý thức nhạy bén hơn về điều gì là quan trọng đối với họ. Cậu ta thỉnh cầu Ngài giới thiệu những phương pháp để đối tri với sự cách ly.
Ngài trả lời: “Trong quá khứ, các quốc gia mà chúng ta đang sống - ít nhiều cũng có sự độc lập đối với nhau. Những người sống trong những ngôi làng khá giả có thể sống tự túc một cách độc lập. Vì vậy, các từ “chúng ta” và “chúng tôi” dùng để chỉ cho một nhóm người nhỏ, ít. Ngày nay, thực tế đã khác hẳn rồi.
“Sự nóng lên toàn cầu đã cho chúng ta biết rằng - tất cả chúng ta đều giống nhau khi sống trên cùng một hành tinh này. Nền kinh tế toàn cầu cho chúng ta biết rằng - có rất ít sự khác biệt giữa chúng ta - cho dù chúng ta đến từ đông hay tây, bắc hay nam. Ý tưởng giới hạn mối quan tâm của chúng ta trong phạm vi một nhóm người nhỏ là không còn thích hợp nữa.
“Phật tử chúng ta thường đề cập đến tất cả chúng sinh như là “chúng sinh mẹ”. Người theo đạo Thiên Chúa, người Do Thái và người Hồi giáo thì nói rằng tất cả chúng ta đều được tạo ra bởi Đức Chúa, vì vậy cũng không có sự khác biệt giữa chúng ta. Tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau. Đây là lý do tại sao tôi cố gắng thúc đẩy ý tưởng về sự hợp nhất của tất cả nhân loại, và chúng ta phải sống cùng nhau.
“Bám chấp vào cảm giác mạnh mẽ về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’ thì sẽ tạo ra vấn đề rắc rối; bởi vì cuối cùng nó sẽ dẫn đến xung đột và chiến tranh. Một số nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Chúng ta có một cảm giác tự nhiên về "chúng ta" và "chúng tôi”. Là động vật xã hội, chúng ta không thể tồn tại một mình. Chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng mà mình đang sống. Là con người, về cơ bản, chúng ta thuộc về cùng một gia đình, và chúng ta phải coi nhau như một phần của ‘chúng ta’. Để phát triển nền hòa bình trên thế giới, chúng ta phải giáo dục mọi người hiểu rằng chúng ta đều là những con người như nhau. Trong bối cảnh này, thì vũ khí là đồ vô dụng vì chúng chỉ có thể được sử dụng để giết chóc và loại bỏ những người khác.
“Là con người cho nên chúng ta có được trí thông minh, chúng ta phát triển các quan điểm khác nhau, nhưng chúng ta cần phải tôn trọng điều đó vì chúng ta phải sống cùng chung với nhau. Chẳng hạn như, các tôn giáo khác nhau có những quan điểm triết học khác nhau, nhưng vẫn truyền tải một thông điệp chung về tình yêu thương, sự tha thứ, lòng khoan dung và sự tri túc - biết đủ. Tất cả các tôn giáo đều khuyến khích sự phát triển của lòng từ bi. Có những cách mà chúng ta khác biệt với nhau, nhưng chúng ta không nên hy sinh bản chất từ bi cơ bản của mình vì những khác biệt nhỏ nhặt bề ngoài”.
Ricard hỏi Roepstorff rằng anh đã khám phá ra điều gì về cách mọi người phản ứng đối với sự bất ổn. Cậu ấy trả lời rằng, nói chung, mọi người không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo; và mặc dù nó diễn ra nhanh nhưng họ không biết phải tin tưởng vào những thông tin nào. Mọi người đều đọc báo để giúp họ hiểu biết về thế giới. Nhưng bởi vì là tin tức, cho nên những câu chuyện cần không thể đoán trước, không giống nhau liên tục. Tin tức cần phải mang một số nét mới lạ. Cậu ấy báo cáo rằng, theo kinh nghiệm của mình, khi virus lan đến Đan Mạch và lệnh phong toả được áp dụng, thì không có tin tức nào khác ngoài những gì được báo cáo về virus. Cậu cho biết rằng, mọi người không biết tin tưởng vào ai; không biết tin tưởng vào điều gì, và họ không biết cách để đối phó với sự bất ổn này.
Ngài nói với cậu ta rằng trong thế giới ngày nay, hệ thống giáo dục có xu hướng tập trung vào vật chất và những thứ bên ngoài, bỏ qua sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta. “Chúng ta chăm lo vấn đề vệ sinh thân thể là để giữ gìn sức khỏe thể chất của mình. Tôi tin rằng, chúng ta cũng cần giữ gìn vệ sinh cảm xúc như thế để duy trì sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nếu muốn phát triển sự hiểu biết về tâm thức và cảm xúc của mình, thì chúng ta không nên chú ý đến các ý thức giác quan - chẳng hạn như ý thức thị giác hoặc thính giác - mà nên chú ý đến ý thức tinh thần của chúng ta.
“Chúng ta cũng cần phải hiểu về những điều mà vật lý lượng tử đã chỉ ra, đó là mọi thứ đều không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện bề ngoài. Sự nghiên cứu đơn giản về các dạng vật chất cho thấy rằng chúng được tạo thành từ các hạt phân tử. Không hề có một thực thể độc lập nào được tìm thấy. Cảm xúc tiêu cực dựa trên vẻ xuất hiện bề ngoài, đó là vẻ bề ngoài mà sự vật tồn tại một cách độc lập từ phía của chúng. Những cảm xúc tích cực - như lòng từ bi - không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài, chúng được phát triển trên cơ sở lý trí. Chúng ta cần bổ sung các khóa đào tạo kiến thức thế tục về bản chất của tâm thức và cách đạt được sự an lạc nội tâm vào chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta”.
Andreas Roepstorff hỏi Ngài rằng mọi người phải làm gì với những cảm xúc tiêu cực của họ. Họ phải làm gì với sự tức giận mà họ cảm thấy về sự bất bình đẳng và bất công, cảm giác rằng họ không thuộc về ‘chúng ta’ hoặc ‘chúng tôi’ mà họ đã từng cảm thấy đó là một phần của mình? Ngài trả lời rằng nguyên nhân của nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt là do nền giáo dục hiện tại của chúng ta không dạy cho ta về cách để đối phó với cảm xúc của mình, cũng như cách để chúng ta có thể đạt được sự an lạc nội tâm. Ngài gợi ý rằng, một số người có thể nghĩ rằng khuôn mặt nghiêm nghị thể hiện rằng chúng ta đang bình tĩnh; và nụ cười chỉ là một thứ gì đó tầm thường. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng, ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều có sự phản hồi tích cực đối với một nụ cười chân thành.
Ngài gợi ý rằng, chương trình giáo dục nên bao gồm những sự giải thích về cách nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực dựa trên cơ sở lý trí. Tương tự như thế, chúng ta có thể học cách nhận ra rằng sự tức giận hầu như chỉ là phản ứng tự phát đối với một điều gì đó dựa trên cái nhìn méo mó về bất cứ điều gì nó đang là.
Matthieu Ricard đã can thiệp để chỉ ra rằng trong thời kỳ khủng hoảng, những người nghèo nhất phải luôn chịu đựng điều tồi tệ nhất. Chính họ là những người phải trải qua sự bất công lớn nhất. Tại 30 quốc gia giàu nhất thế giới, khoảng cách giữa giàu và nghèo đang ngày càng trở nên lớn hơn. Trong khi đó, kể từ năm 1970 thế giới đã bị mất đi 65% động vật hoang dã. Chẳng phải những sinh vật này cũng là một phần mối quan tâm của chúng ta hay sao?
Ngài trả lời rằng, sự quan tâm nhiều hơn đến các giá trị nhân văn của con người sẽ dẫn đến một cách tự nhiên làm giảm bớt khoảng cách giữa giàu và nghèo.
“Nếu con người chúng ta từ bi hơn, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự đau khổ của các loài động vật. Ở Mỹ có những trang trại gia súc khổng lồ. Ở Ấn Độ hiện nay có một ngành công nghiệp gia cầm rộng lớn. Việc chăn nuôi như vậy không những chỉ khiến cho nhiều loài động vật bị thiệt hại mà còn góp phần làm cho biến đổi khí hậu.
“Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta khuyến khích cho việc ăn chay nhiều hơn. Trong các tu viện lớn của Tây Tạng ở miền Nam Ấn Độ, cũng như ở nhiều trường học của chúng tôi, các bếp ăn thông thường chỉ phục vụ thức ăn chay. Cách nấu ăn chay của Ấn Độ vừa ngon lại vừa phù hợp với khí hậu nóng bức ở đây.
“Kế đến là vấn đề đánh bắt cá. Hàng triệu triệu con cá bị đánh bắt, nhưng nhiều người không đánh giá cao mức độ mà chúng phải chịu đựng đau đớn, sợ hãi và lo lắng. Đây là một vấn đề khác có thể được đưa vào trong hệ thống giáo dục cần phải được sửa đổi."
Ricard giới thiệu chủ đề cuối cùng - vai trò của giới trẻ ngày nay. Ở một khía cạnh nào đó, những người trẻ tuổi đã có thể lên tiếng mạnh mẽ về những gì sẽ xảy ra với họ nếu hành động về biến đổi khí hậu không được thực hiện ngay bây giờ. Greta Thunberg - nữ sinh Thụy Điển đã phát biểu trước Liên Hiệp Quốc và thẳng thắn nói với các đại biểu rằng họ đã phản bội thế hệ tiếp theo bằng cách “không hành động” của mình. Một số bạn trẻ đã có thể lên tiếng. Những người khác cảm thấy tuyệt vọng về tương lai. Cậu ấy muốn biết Đức Ngài có lời khuyên nào dành cho họ.
Ngài cho biết rằng, các nhà khoa học đã nói với Ngài rằng nếu không bắt tay thực hiện thì sẽ có hậu quả rất tai hại. Ngài nói, điều quan trọng là nền giáo dục cần phải thực tế hơn. Tuy nhiên, nếu không thể tránh khỏi tai họa, thì tốt nhất chúng ta nên cố gắng sống hạnh phúc và hòa bình với nhau trong thời gian này.
Ricard chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là do hoạt động của con người gây ra; và những người trẻ tuổi đang rất khó chịu vì có quá ít triển vọng về sự thay đổi. Roepstorff nói thêm rằng những người trẻ tuổi không còn muốn nghe nhiều lời hơn nữa, họ muốn nhìn thấy hành động. Đức Ngài đồng ý rằng nhiều vấn đề mà chúng ta đang gặp phải là do chính chúng ta tự gây ra. Ngài khuyến nghị rằng những người trẻ tuổi có thể học hỏi từ những sai lầm của thế hệ trước và áp dụng phương pháp thực tế hơn nhiều đối với những việc cần phải làm. Ngài xác nhận rằng, Ngài đã nghĩ rằng những người trẻ tuổi đã có sự suy nghĩ thoáng hơn về vấn đề này.
Ricard đề cập đến quan niệm của Phật giáo đối với tầm quan trọng của nhận thức luận. Ông cũng gợi ý rằng khoa học đã cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa sự xuất hiện bề ngoài và thực tế như nó là. Do đó, điều mà khoa học cần là trở thành một phần của giải pháp đúng đắn. Ngài trả lời rằng Ngài đã được giáo dục theo Truyền thống Nalanda - coi trọng việc điều tra nghiên cứu, liên tục đặt câu hỏi và không coi mọi thứ là điều đương nhiên. Ngài nói, đây là những phẩm chất mà Ngài đã nhận thấy trong cách tiếp cận khoa học. Ngài nhắc lại ý kiến của mình rằng, trong khi những người lớn tuổi có xu hướng cứng ngắt trong cách suy nghĩ của họ, thì những người trẻ tuổi vẫn có thái độ cởi mở hơn.
Amy Cohen Varela chuẩn bị nói lời cảm ơn đến các tham luận viên, nhưng Đức Ngài còn nhiều điều để nói thêm.
Ngài quả quyết: “Lòng nhân ái là nền tảng của sự sống còn của chúng ta. Con người chúng ta tồn tại là nhờ sự quan tâm mà chúng ta dành cho nhau. Khi mà sự sân hận là kẻ hủy diệt, thì lòng từ bi chính là sự bảo vệ che chở. Lòng Từ Bi chính là điều quan trọng cốt yếu”.
Amy Cohen Varela cảm ơn Ngài vì đã giúp cho họ hiểu cặn kẽ hơn về ý nghĩa của câu nói "chúng ta” và "chúng tôi". Cô bày tỏ hy vọng rằng họ có thể tiếp tục đối thoại trong tương lai. Ngài nói với cô rằng Ngài đã sẵn sàng; và Ngài đọc lại câu thơ yêu thích của mình trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Những lời cuối cùng của Ngài là, “Mục đích của cuộc sống là phụng sự và giúp đỡ tha nhân. Xin cảm ơn quý vị!”