Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn thấy khuôn mặt của hàng loạt các Sĩ quan Cảnh sát và nhân viên của Cảnh sát Thủ đô trên màn hình trước mặt Ngài sáng nay, Ngài vẫy tay và chào đón họ một cách nồng nhiệt, “Xin chào, xin chào, xin chào". Sau khi an toạ, Ngài nhận xét rằng trong khi Ngài thường thức dậy lúc 3h30 sáng và ăn sáng lúc 5h30, thì họ có lẽ không quen với việc dậy quá sớm như thế với cái dạ dày trống rỗng.
Người điều hành cuộc đàm thoại - Cô Brin Deol - đã hỏi rằng Ngài đã có một buổi Lễ Sinh Nhật vui vẻ chứ ạ!
Ngài trả lời: “Có! nhưng tôi cảm thấy mỗi ngày đều giống như ngày sinh nhật cả. Điều quan trọng là thái độ tinh thần của mình. Nếu quý vị có một tâm hồn an lạc, thì mỗi buổi sáng đều giống như một buổi sáng sinh nhật.
Tiến sĩ Kumanga Andrahennadi thuộc Trung tâm Học tập chánh niệm nâng cao (CALM) giải thích rằng trong dịp đặc biệt này, họ đã tổ chức cho 1000 sĩ quan cảnh sát, nhân viên và những vị khách đặc biệt được lắng nghe Ngài nói chuyện về lòng từ bi. Cô nói rằng họ thực sự rất biết ơn Ngài.
PC Brin Deol đã giới thiệu một sĩ quan cao cấp nhất hiện nay - Chánh văn phòng thám tử - Simon Rose, một nhà vô địch của ‘Shine’ trong Cảnh sát Thủ đô và đã góp phần tổ chức sự kiện này. Ông xin lỗi vì sự vắng mặt của Đặc Ủy viên - người đã rất muốn tham gia, nhưng không thể tham dự được vì lý do của hoạt động khác. Ông giải thích rằng ‘SHINE’ (Phục vụ Nhu cầu Thông tin Sức khoẻ của Người Cao Tuổi) bao gồm một nhóm tình nguyện viên trong cảnh sát, những người quan tâm đến các phương pháp để tăng cường khả năng phục hồi tinh thần và đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Chính họ là những người đã triệu tập tập hợp các sĩ quan và nhân viên này để tìm hiểu về “Lòng từ bi trong Thời kỳ bấp bênh” này vào lúc 5h30 sáng. Nhưng - ông nhấn mạnh - họ không thể thực hiện điều đó mà không có sự hiện diện của Tiến sĩ Kumanga Andrahennadi của CALM.
Chánh văn phòng thám tử - Simon Rose thưa với Ngài rằng: “Chúng con đang kiểm soát an ninh trật tự trong những thời điểm đầy khó khăn thử thách, khi mà tầm quan trọng của việc phát triển về lĩnh vực tinh thần và sự an lạc nội tâm là phù hợp hơn bao giờ hết.”
Ngài đã trả lời, tôi cảm thấy rất vui và vô cùng vinh dự khi được nói chuyện với một nhóm người Anh như quý vị. Người Tây Tạng và người Anh chúng ta có mối liên hệ lịch sử chặt chẽ với nhau. Trong các chuyến viếng thăm trước đây đến Vương quốc Anh, tôi đã được gặp những người mà trước đây đã từng được uỷ thác đến Lhasa.
Vào năm 1904, một nhóm lính Anh đến Lhasa do một người đàn ông tên là Younghusband lãnh đạo. Họ thường quản lý rất tốt - tôi có thể nói như vậy - không giống như những người lính Trung Quốc sau này. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn sang Mông Cổ, nhưng vị Nhiếp chính đã thay mặt Ngài tặng một bức tượng Phật cho Younghusband, bức tượng mà gia đình ông ta đã giữ gìn và cho tôi xem. Ông đã bị ấn tượng bởi tinh thần của nhân dân Tây Tạng và kết quả là ông đã thành lập một tổ chức tâm linh của riêng mình.
Trong thời gian cai trị của họ ở Ấn Độ, người Anh đã thiết lập một Sứ quán Lhasa, với một quan chức người Anh luôn có mặt. Khi một phái đoàn trong Sứ quán đến gặp tôi khi tôi còn là một cậu bé, họ đã mang đến cho tôi đồ chơi để làm quà tặng. Vì vậy, bất cứ khi nào tôi nghe tin người Anh sắp đến, tôi đều mong muốn được nhìn xem họ đã mang đến những gì. Và hôm nay, tôi rất vui khi có cơ hội được nói chuyện với tất cả quý vị.
“Những ý tưởng của truyền thống bất bạo động và lòng từ bi đã phát triển tại Châu Á hơn 3000 năm qua. Trong thế giới ngày nay, những phẩm chất này có vẻ phù hợp hơn bao giờ hết.
"Thời gian luôn luôn chuyển động. Nhưng vấn đề quan trọng là liệu chúng ta có sử dụng thời gian của mình một cách tốt đẹp hay không. Trách nhiệm để thực hiện điều tốt đẹp đó hoàn toàn đặt trên đôi vai của chúng ta. Ở phương Tây ý thức duy vật đã chiếm ưu thế. Ở châu Á, các khái niệm về lòng từ bi và bất bạo động có sự liên quan nhiều hơn đến thế giới nội tâm của chúng ta. Nói chung, chúng ta giữ gìn vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, ta cũng cần trau dồi ý thức về vệ sinh cảm xúc. Chúng ta có thể nói về việc bảo vệ hòa bình trên thế giới, tuy nhiên chúng ta không thể đạt được điều đó nếu như chúng ta không có được sự bình yên trong nội tâm của chính mình.
"Chúng ta cần phải học cách nuôi dưỡng sự an lạc nội tâm, không phải bằng những lời cầu nguyện, hình thức nghi lễ hay tìm kiếm sự ban phước gia trì, mà là liên quan đến cách thức hoạt động của tâm trí của chúng ta; và làm thế nào chúng ta có thể tịnh hoá những cảm xúc tiêu cực của mình.
"Khi còn thơ ấu, trẻ con thường thích mỉm cười và sẵn sàng đáp lại lòng tốt của tâm từ bi. Chúng ta phải tìm cách giữ cho những phẩm chất này tồn tại để các cháu có thể duy trì thái độ từ bi và học cách xử lý cơn giận khi các cháu trưởng thành. Thời gian của các cháu ở trường mẫu giáo và trong các lớp học nhà trường nên bao gồm các phương pháp để đạt được sự an lạc nội tâm và xử lý các cảm xúc như giận dữ và sợ hãi.
"Vật lý lượng tử có sự khác nhau giữa sự xuất hiện bên ngoài và bản chất thực tế. Những thứ vật chất dường như có vẻ tồn tại một cách vững chắc và khách quan, nhưng nếu chúng ta điều tra chúng sâu hơn thì sự xuất hiện vững chắc đó sẽ biến mất. Cảm xúc tiêu cực được dựa trên sự xuất hiện bên ngoài. Tâm từ bi và lòng vị tha bắt nguồn từ lý trí. Do vì chúng ta bám chấp vào những quan niệm sai lầm về những điều này, cho nên đã làm nảy sinh ra những cảm xúc như giận dữ và sợ hãi.
"Tâm thức của chúng ta thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Nếu quý vị kiểm tra tâm thức của mình, thì quý vị sẽ thấy rằng ở đó không có gì tồn tại ở trạng thái tĩnh để cho ta bám vào được. Thiền phân tích như thế sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về thực tế. Một sự hiểu biết rõ ràng hơn về thực tế giúp chúng ta tháo gỡ và làm giảm dần những cảm xúc tiêu cực của mình. Tôi coi đó là một dấu hiệu đầy hy vọng rằng chúng ta có thể củng cố những phẩm chất như lòng từ bi bằng cách xử dụng và thực hành lý trí của mình. Những cảm xúc tích cực có thể được củng cố thông qua sự thiền định, trong khi những cảm xúc tiêu cực có thể bị giảm đi.
Ngài giải thích rằng, trước cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học rất ít chú ý đến khía cạnh tâm thức. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ, sự quan tâm đã tăng lên, không những chỉ dành cho lĩnh vực não bộ mà cả đối với khía cạnh tâm thức. Với tính dẻo dai đàn hồi, người ta đã phát hiện ra rằng thiền định có thể ảnh hưởng đến não bộ. Ngài giải thích rõ rằng, phát triển sự tập trung là phương cách để làm định tĩnh tâm thức. Tâm thức cảm thấy rỗng không thênh thang vì không có sự xâm nhập của cảm giác. Khi thiền giả có được kinh nghiệm, họ học cách tập trung vào ý thức tinh thần. Ngài đã đề cập rằng, Ngài có những người bạn có thể duy trì sự tập trung như vậy trong thời gian 3 - 4 tiếng đồng hồ.
Ngài nhận xét rằng lòng từ bi không phải là một ý thức cảm giác. Nó thuộc về ý thức tinh thần. Ngài nói thêm rằng các nhà khoa học hiện nay đã chấp nhận rằng trau dồi tâm từ bi thông qua sự thiền định sẽ mang lại sức mạnh nội tâm và sự an lạc trong tâm hồn. Lòng từ bi có thể được phát triển thông qua lý luận, trong khi những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và ganh tỵ chỉ xuất hiện rồi chấm dứt chứ không kéo dài.
Ngài tiếp tục: “Tôi là một Tăng sĩ theo truyền thống Nalanda, truyền thống này chủ yếu là rèn luyện tâm thức; và ở đây chẳng có lý do gì mà nó không thể được thực hiện trong bối cảnh của đời thường. Đó chính là việc cải thiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta ở đây và bây giờ. Tôi đã suy ngẫm về lòng từ bi trong 50 năm qua và kết quả là huyết áp của tôi không bao giờ quá cao, tôi luôn ngủ ngon và tiêu hóa tốt. Vì vậy, theo như tôi gợi ý, đạt được sự an tâm là điều tốt cho sức khỏe của tôi.
"Trong thế kỷ trước, chiến tranh hoành hành mọi nơi và đã tập trung tiêu tốn quá nhiều cho việc phát triển vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và các phương tiện hủy diệt hàng loạt khác. Ngày nay, ngày càng có nhiều người muốn được nhìn thấy những vũ khí này bị loại bỏ. Bạo lực vẫn tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi, nhưng chúng ta có thể thay đổi điều đó bằng cách giúp mọi người hiểu được rằng bạo lực là sự tự hủy hoại; và những cảm xúc tiêu cực có thể chế ngự được. Bạo lực chỉ đưa đến tình trạng bạo lực nhiều hơn mà thôi. Giải pháp lâu dài duy nhất là bất bạo động. Chúng ta cần phải sử dụng lý trí của mình để hiểu rằng - bạo lực sẽ không mang lại cho chúng ta những điều mà ta mong muốn, vì vậy chúng ta cần phải hướng đến phi quân sự hóa thế giới.
"Bây giờ, nhiều người đã nhận ra được rằng bảy tỷ người đang sống hiện nay đều là những con người như nhau. Chúng ta sống trong một xã hội toàn cầu. Chẳng hạn như sự nóng lên toàn cầu sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ biên giới quốc gia nào. Để đồi phó với những thách thức như vậy, chúng ta cần phải trau dồi một ý thức mạnh mẽ về sự đồng nhất của nhân loại. Để theo đuổi các giải pháp đồng thuận lẫn nhau khi xung đột nảy sinh, thì chúng ta cần phải biến thế kỷ này thành thế kỷ của đối thoại.
"Chúng ta là những động vật mang tính xã hội. Sự sống còn của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào cộng đồng mà ta đang sống. Nếu một người cam kết truyền bá ý tưởng bất bạo động, thì nó sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng, ảnh hưởng đến toàn thế giới và thế giới sẽ trở thành một nơi hòa bình và không còn bạo lực. Đây chính là điều tôi luôn cầu nguyện.
"Giáo dục có thể khiến cho tất cả trở nên khác biệt. Nền giáo dục phương Tây có xu hướng về mục tiêu vật chất, vì vậy điều cần thiết là phải kết hợp với sự giáo dục về thế giới nội tâm của chúng ta; và làm thế nào để ta có thể đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Đó là tất cả những điều tôi muốn nói - xin cảm ơn quý vị!
Brin Deol cảm ơn Ngài và bắt đầu giới thiệu những người có câu hỏi. Đầu tiên là về cách duy trì hòa bình và cân bằng khi đối mặt với tội ác và xung đột hàng ngày.
Bởi vì chúng ta đã bỏ bê thế giới nội tâm của mình với một ý tưởng về sự bình bên trong tâm hồn - thế nên hiện nay chúng ta phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng trong xã hội. Tuy nhiên, nếu có ai đó đang chĩa vũ khí vào quý vị, quý vị không thể chỉ nghĩ đến “từ bi” “từ bi”; mà mình cần phải có biện pháp đối phó cho thích hợp. Về biện pháp lâu dài, nói chung, chúng ta cần phải giáo dục mọi người và dạy cho họ về lợi ích của các giá trị nội tâm.
Một sĩ quan cảnh sát cộng đồng đã nói với Ngài rằng cô đã đến thăm ngôi Chùa gần Dinh thự của Ngài ở Dharamsala, và thỉnh cầu Ngài khuyên các tân binh về việc giữ vững niềm tin vào nhân loại.
Ngài nói với cô ấy: Con cần phải duy trì một động lực chân thành, và cần có một tấm lòng từ bi dành cho những người đang gây rắc rối. Nếu như không có cách nào khác để kiềm chế sự bạo lực, thì con có thể phải áp dụng các biện pháp cứng rắn, nhưng không cần phải trả giá bằng cách đánh mất đi sự an lạc nội tâm của chính mình. Đôi khi người ta nghĩ về lòng từ bi như một biểu hiện của sự yếu đuối. Nhưng tôi lại coi đó chính là dấu hiệu của sức mạnh.
Một người quản lý hiện trường xử lý vụ án các cuộc điều tra pháp y đã hỏi Ngài về cách làm thế nào để đối phó với những cảnh buồn mà cô ta gặp phải.
Ngài nhận xét: Tôi luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Liên minh châu Âu. Trong quá khứ và vào thế kỷ 20, người Pháp và người Đức thường xuyên có chiến tranh và giết chóc lẫn nhau. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Adenauer và de Gaulle là kẻ thù của nhau, nhưng khi chiến tranh kết thúc, họ đã áp dụng một phương pháp chín chắn trưởng thành hơn; và đã hình thành nên khối liên minh Châu Âu. Kể từ đó, không còn có sự giết chóc nào nữa giữa các quốc gia thành viên. Vấn đề là đưa ra quyết tâm giảm trừ và chấm dứt bạo lực, như họ đã làm. Đó là phương pháp mà chúng ta sẽ tạo ra một thế giới hòa bình hơn.
Con không thể để cho cảnh tượng bạo lực khiến cho mình bị mất tinh thần. Con phải quyết tâm mang lại sự thay đổi. Cảm xúc tiêu cực là kết quả của sự thiếu hiểu biết, và với sự quyết tâm kiên định, chúng ta có thể khắc phục được những cảm xúc tiêu cực ấy.
Một sĩ quan cảnh sát Luân Đôn khác muốn biết rằng Ngài đã từng bao giờ nghi ngờ về vai trò của mình như một nhà lãnh đạo tinh thần hay không; và Ngài sẽ có lời khuyên gì dành cho những người khác - những người đã nghi ngờ về chính bản thân họ.
Tôi luôn nghĩ rằng mình chỉ là một trong bảy tỷ con người đang sống hiện nay. Về mặt tinh thần, thể chất và cảm xúc - tôi đều giống như mọi người khác. Nhưng tôi thấy mình thật may mắn vì đã có thể tìm hiểu được về tâm thức và những cảm xúc phiền não.
Ở Ấn Độ, chúng ta có nhiều truyền thống tâm linh và nói chung mọi người đều sống hòa bình với nhau. Có người Ấn giáo, người đạo Kỳ Na, Phật tử, đạo Sikh, Kitô hữu, người Do Thái, Hồi giáo và Zoroastrians đều sống cùng nhau ở đây. Ấn Độ có rất nhiều truyền thống tôn giáo, nhưng tất cả đều dạy một thông điệp chung về tình yêu thương. Trong các quốc gia bị cô lập, ý tưởng về một tôn giáo, một sự thật có thể hoạt động và được chấp nhận; nhưng trong một thế giới có sự liên quan lẫn nhau như ngày nay, chúng ta cần nhận phải thừa nhận sự tồn tại của một số tôn giáo và một số khía cạnh của sự thật. Vì tất cả các tôn giáo đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương, cho nên chúng ta có thể học cách trân trọng tất cả.
Một sĩ quan cảnh sát phụ nữ đã thỉnh cầu lời khuyên và sự khuyến khích của Ngài dành cho các phụ nữ trong một tổ chức mà nam giới chiếm vị trí áp đảo hơn. Ngài nói với cô rằng phụ nữ là biểu tượng của tình yêu. Các bà mẹ là hiện thân của tình yêu thương và lòng bi mẫn.
Đôi khi tôi quan sát thấy rằng, nếu các quốc gia có nhiều phụ nữ lãnh đạo hơn, thì chúng ta sẽ có một thế giới hòa bình hơn. Trên thực tế hiện tại mới đây - khi Thủ tướng Phần Lan tuyên thệ và bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí chủ chốt trong nội các của Cô ta - tôi đã viết thư chúc mừng Cô ấy về điều đó.
Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng phụ nữ nhạy cảm hơn đối với cảm xúc của người khác. Trong lịch sử, chúng ta thấy rằng phần lớn các chiến binh là đàn ông; thậm chí những người đồ tể cũng có xu hướng là đàn ông. Phụ nữ đại diện cho phong cách dịu dàng hơn. Do đó, ở bất cứ nơi nào họ làm việc, thì phụ nữ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy tình yêu thương và lòng từ bi trong mối quan hệ đối với người khác.
Một sĩ quan cảnh sát của trường học an toàn đã thỉnh cầu Ngài ban cho lời khuyên dành cho các em học sinh ngày nay. Ngài trả lời rằng giáo dục nên bao gồm chương trình hướng dẫn về cách thực hiện vệ sinh cảm xúc - giải quyết những cảm xúc tiêu cực và học cách mang lại sự an lạc nội tâm.
Sự tức giận và sợ hãi chính là kẻ hủy diệt thực sự của sự an lạc nội tâm của chúng ta, nó chính là tác nhân làm suy yếu sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Ta sẽ đạt được một cơ thể tráng kiện và tâm trí lành mạnh hơn nếu chúng ta học cách trau dồi lòng từ bi và sự tha thứ. Một bậc thầy Ấn Độ trong quá khứ đã chỉ ra rằng, kẻ thù của chúng ta có thể là những người thầy vĩ đại nhất của chúng ta; bởi vì nhờ họ mà ta học được cách phát triển sự kiên nhẫn. Như tôi đã đề cập, chúng ta cần phải kết hợp sự giáo dục hiện đại và các mục tiêu vật chất của nó với kiến thức cổ xưa về cách phát triển sự an lạc nội tâm theo cách thế tục.
Một Trung sĩ ở London muốn biết cách để đối phó với nạn tự tử, đó là kẻ giết người lớn nhất của những thanh niên dưới 45 tuổi ở Anh. Ngài cho rằng sự cạnh tranh khốc liệt cho các mục tiêu chủ yếu là vật chất và sự thiếu kiên nhẫn đã đưa đến sự thất vọng được thể hiện qua hành động tự sát. Một lần nữa, Ngài gợi ý rằng giáo dục là một giải pháp đối với thảm nạn ấy.
“Quá nhiều mong muốn chưa thực hiện được và sự thất vọng có thể kết thúc bằng sự tự tử. Tuy nhiên, trong cuộc đời của tôi, tôi đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, nhưng tôi nghĩ rằng sự giáo dục và học cách làm việc với tâm thức đã tạo nên một sự khác biệt dành cho tôi.
Được mời để giới thiệu về sự thực hành thiền định mà có thể mang lại lợi ích cho các sĩ quan cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ; Ngài bắt đầu bằng cách nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chú ý nhiều hơn đến yếu tố ý thức tinh thần.
Cảm xúc là một phần của ý thức tinh thần, cũng như những đối trị của chúng. Trong khi ngủ và quý vị , lúc đó không hề có cảm giác xen vào. Nếu quý vị có thể làm quen với điều đó, ta có thể sử dụng nó để thực hành thiền định. Trong trạng thái thức giấc, trong lúc thiền định, bạn có thể tiếp cận ý thức tinh thần của mình, mà không bị phân tâm bởi các cảm giác. Khi bạn bỏ qua đầu vào (sự xâm nhập, chen vào) của cảm giác, tâm thức sẽ cảm thấy trống rỗng. Nếu quý vị tập trung vào đó thì có một cảm giác thiếu thứ gì đó. Tâm thức xuất hiện như một tấm gương trong đó những suy nghĩ nảy sinh như những phản chiếu. Hãy tập trung vào đó, lúc mới bắt đầu thì hãy duy trì trong vài giây, dần dần sau đó duy trì trong vài phút, vài giờ và cứ thế.
Nói chung, trong lối sống vật chất của chúng ta, ta là nô lệ cho các cơ quan cảm giác của mình, mà chúng không thể phát triển trí tuệ và lòng từ bi. Để thực hiện được điều đó, ta cần phải chú ý đến ý thức tinh thần. Nếu quý vị phát triển được một sự tập trung, nó sẽ giữ vững được tâm thức và cải thiện sức mạnh của tâm thức. Và quý vị có thể áp dụng điều đó một cách hiệu quả bằng cách tham gia vào sự phân tích trong bối cảnh hoàn toàn thế tục.
Một người hỏi rằng làm thế nào để duy trì sự tích cực khi phải đối mặt với những lời chỉ trích; và Ngài đã trả lời rằng Ngài không biết.
Đôi khi các phương tiện truyền thông chỉ muốn tập trung vào những điều tiêu cực bởi vì nó dường như hấp dẫn hơn. Họ đón nhận những điều tích cực khi được cho phép. Con có thể giải thích về sự thật của bất kỳ tình huống nào mà con đang xử lý. Ngay cả trong thời gian Phật còn tại thế vẫn có rất nhiều nhà sư, mà một vài trong số họ chỉ là những người luôn đưa những thông tin không chính xác. Trong bất kỳ nhóm người nào, vẫn luôn có một số người thiếu sự phán xét tốt.
Tinh thần tự kỷ luật là quan trọng. Nếu quý vị chỉ đơn giản hành động vì sợ các biện pháp trừng phạt có thể được thực hiện chống lại quý vị, điều đó có thể dẫn đến sự đạo đức giả. Khi có cơ hội, quý vị hãy thể hiện cảm giác của mình trên cơ sở kỷ luật tự giác của chính bản thân. Nếu quý vị có được tinh thần ấy, thì quý vị sẽ hành động đúng đắn cho dù người khác có nhìn ngắm mình hay không. Hãy suy nghĩ đến các hậu quả tức thì và lâu dài. Nếu một điều gì đó có vẻ tạm thời thỏa đáng nhưng nguy hại về lâu dài, thì đừng bao giờ làm điều đó!
Câu hỏi cuối cùng được đưa ra bởi một sĩ quan cảnh sát Tây Tạng - cậu ta đã hỏi làm thế nào để duy trì sự hy vọng trong những thời điểm khó khăn này. Ngài nói với cậu ấy rằng, tất cả các hành động về thân và khẩu của ta đều liên quan đến các hành động tâm thức của mình. Do đó, nếu quý vị có một động lực tốt và có ý thức quan tâm đến phúc lợi của người khác thì bất cứ điều gì quý vị thực hiện cũng đều ích lợi.
Brin Deol đã thay mặt ban tổ chức cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì những câu trả lời của Ngài. Cô giới thiệu về một sĩ quan khác - người đã làm một chiếc bánh sinh nhật cho Ngài. Cô thưa với Ngài rằng chiếc bánh đã được làm từ 85 cánh hoa để ngụ ý về tuổi thọ 85 của Ngài. Ngài yêu cầu được nhìn thấy nó và cô đã nhấc nó lên cho Ngài nhìn. Ngài mỉm cười và làm một cử chỉ như đang ăn và thưởng thức hương vị của bánh.
“Các anh chị em thân mến! Tôi thực sự rất ngưỡng mộ những tình cảm sâu sắc mà quý vị đã thể hiện dành cho tôi! Tất cả chúng ta đều có tiềm năng vĩ đại như nhau và chúng ta nên chú ý phát triển nó theo chiều hướng tích cực. Xin cảm ơn tất cả quý vị!”
Brin Deol cảm ơn tất cả những người đã làm cho sự kiện này trở nên khả thi. Cuối cùng, cô ấy hỏi liệu Ngài có thể tham gia cùng với họ lần nữa không. Ngài nói với cô rằng Ngài sẽ lưu tâm về điều đó. Ngài giải thích rằng vì tuổi cao cho nên những chuyến bay dài thì rất khó khăn đối với Ngài, nhưng Ngài cũng đồng ý rằng sẽ rất vui nếu được gặp lại họ và thăm những người bạn cũ khác, có lẽ bằng cách - trước tiên - đi du lịch đến một nơi nào đó như Thụy Sĩ - chẳng hạn; và sau đó tiếp tục đi đến vương quốc Anh. Lời cuối cùng của Ngài là:
"Chúng ta có thể xa cách về thể xác, nhưng về mặt tinh thần, chúng ta luôn bên nhau. Xin cảm ơn quý vị!”