Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia vào cuộc trò chuyện qua liên kết truyền hình với Gaur Gopal Das, một cựu kỹ sư của Hewlett Packard, hiện nay là một Tu sĩ thuộc Hiệp hội Quốc tế về Ý thức Krishna (ISKCON). Khi đường truyền được xuất hiện trực tuyến, Das đã dâng lời chào “Namaste” lên Ngài; và Ngài trả lời “tôi đã sẵn sàng!”
Sau khi bộc bạch rằng mình đã vinh dự như thế nào khi được tham gia vào cuộc đàm thoại với Ngài, Das đã giới thiệu ngắn gọn với Ngài. Ông kết luận bằng cách lưu ý rằng tất cả chúng ta đều được định hình bởi những người thầy và sự giáo dục của chúng ta; và ông thỉnh cầu Ngài chia sẻ vài điều về sự giáo dưỡng của chính Ngài.
Ngài bắt đầu: “Tôi rất vui! Đây cũng là niềm vinh dự đối với tôi khi được thảo luận với một người Ấn Độ điển hình như cậu - tôi có thể nói như vậy! Tôi cảm thấy rằng Ấn Độ hiện đại chú trọng quá nhiều vào các mục tiêu vật chất. Trong hơn 3000 năm qua, Ấn Độ đã duy trì việc thực hành ‘ahimsa’ (bất bạo động), và ‘karuna’ (lòng từ bi). Tuy nhiên, ngày nay, những phẩm chất này có phần bị rơi vào quên lãng.
Tôi là tín đồ của Truyền thống Nalanda. Các bậc thầy của Nalanda mà ngày nay chúng ta tưởng nhớ - đều là người Ấn Độ. Đức Phật cũng là người Ấn Độ và Ngài đã đồng hóa được những sự thực hành của người Ấn Độ về ‘ahimsa’ và ‘karuna’. Tuy nhiên, có một điều khiến cho Ngài trở nên khác biệt hơn so với các đạo sư khác, đó chính là lời khuyên của Ngài dành cho những môn đệ của mình:
"Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!"
Các bậc thầy Nalanda như Ngài Long Thọ đã thực hiện theo sự gợi ý này và đã áp dụng phương pháp logic, phương pháp nghi vấn.
Tôi cảm thấy rằng tinh thần bất bạo động ‘ahimsa’ của người Ấn Độ cổ đại bắt nguồn từ lòng từ bi ‘karuna’, khởi lên từ những sự thực hành phổ biến để phát triển một tâm trí định tĩnh ‘shamatha’, và sự hiểu biết sâu sắc về thực tế ‘vipashyana’. Đạt được trí tuệ sâu sắc liên quan đến lý luận và phân tích, trong khi khả năng an trú định tĩnh của tâm thức được phát triển dần; bởi vì thường thì tâm chúng ta dễ bị phân tán. Phân tích là một khả năng thuộc về ý thức, vì vậy, nếu chúng ta muốn sử dụng phương pháp phân tích thì chúng ta cần một số kinh nghiệm sâu sắc hơn thuộc về tâm thức. Tôi tin rằng Ấn Độ có khả năng rất lớn trong việc giáo dục mọi người về tiềm năng của tâm thức.
Tất cả chúng sinh đều tồn tại nhờ vào lòng tốt của người khác. Nếu không có tình yêu thương của mẹ, con người chúng ta sẽ không thể tồn tại. Chúng ta phụ thuộc vào lòng từ bi của người khác. Bất chấp các quan điểm triết học khác nhau - tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi.
“‘Ahimsa’ và ‘karuna’ đã cung cấp nền tảng cho sự an lạc nội tâm. Nhân tố phá hủy sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta chính là tâm sân giận; và ‘ahimsa và ‘karuna’ là đối trị của tâm sân giận. Nền giáo dục hiện đại dạy về những lợi ích của vệ sinh thân thể, thế nên chúng ta cần phải thêm vào đó sự dạy dỗ về vệ sinh cảm xúc - như đã được tiết lộ trong truyền thống Ấn Độ cổ đại. Đây là một phần của sự hiểu biết sâu sắc hơn của tâm thức mà chúng ta cần phải phát triển nếu chúng ta thực sự muốn đạt được sự an lạc nội tâm.
Tôi mô tả bản thân mình là một sứ giả của tư tưởng Ấn Độ cổ đại, bởi vì bất cứ nơi nào tôi đến và bất cứ lúc nào có thể, tôi đều nói về ‘ahimsa’ và ‘karuna’ trong một bối cảnh thế tục nghiêm ngặt.
Gaur Gopal Das cảm ơn Ngài đã thu hút sự chú ý đến các giá trị phổ quát của Ấn Độ - những giá trị mà có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Ông nói rằng Ngài đã nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng những giá trị cổ xưa này theo những phương cách hiện đại. Ông đã so sánh điều này với một ví dụ về một người què và một người mù, cả hai không ai có thể tự mình băng qua đường được. Người què không thể bước đi được, và người mù không thể nhìn thấy được; nhưng nếu họ giúp đỡ lẫn nhau, người mù cõng người què, thì họ sẽ có thể băng qua đường. Das đã so sánh nền giáo dục hiện đại như người có đôi chân; và kiến thức cổ xưa đã cung cấp khả năng có thể nhìn thấy được.
Ông đã nêu lên sự nhấn mạnh của Thánh Đức Đạt Lai Lạt về hòa bình và làm thế nào để mọi người có thể góp một phần trong việc đạt được sự hoà bình đó. Ông hỏi rằng - ngày nay - khi mọi người quá quẫn trí - làm thế nào họ có thể thực hiện những thay đổi cần thiết để có được sự an lạc. Ngài đã trả lời rằng, điều luôn cần thiết là phải phân tích tình huống cụ thể và sử dụng trí thông minh của con người của mình để quyết định mình cần phải làm gì. Ngài đề cập rằng chính lý trí và sự thông minh đã cho ta thấy được tầm quan trọng của lòng từ bi.
Ngài nhận xét: cho đến trước cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học chỉ quan tâm đến não bộ. Nhưng đến cuối thế kỷ, họ bắt đầu hiểu rằng có một thứ khác - tâm thức - đã có sự ảnh hưởng đến não. Họ phát hiện ra rằng, sự thực hành thiền định miên mật thâm sâu có thể chứng minh được là đã mang lại những sự thay đổi trong não bộ. Do đó, các nhà khoa học ngày nay đã chấp nhận tầm quan trọng của tâm thức và sự trau giồi tâm từ bi.
Ngài cũng đề cập rằng, vật lý lượng tử đã phân biệt sự khác nhau giữa sự xuất hiện bên ngoài và thực tế. Điều này rất có ý nghĩa, bởi vì những cảm xúc tiêu cực dựa trên quan niệm sai lầm rằng mọi thứ đều tồn tại như chúng xuất hiện. Truyền thống Ấn Độ cổ đại đồng tình rằng không có gì tồn tại giống như sự xuất hiện của nó cả. Phương pháp để trưởng dưỡng sự an lạc nội tâm chính là sự kết hợp những hiểu biết về kiến thức Ấn Độ cổ đại với những kiến thức của khoa học hiện đại.
Ngài quả quyết rằng: “Một số nhà khoa học cho biết, vì chúng ta thuộc loại động vật xã hội, cho nên chúng ta có mối quan tâm một cách tự nhiên đối với các thành viên khác trong cộng đồng của mình. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào họ. Đây là lý do tại sao chúng ta cần dạy cho con cháu của mình về cảm xúc của chúng, và cách để giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Tất cả chúng ta phải học cách hình thành một con người khỏe mạnh và cộng đồng khỏe mạnh. Truyền thống Ấn Độ có thể đóng góp về điều này cho giai đoạn ngày nay, giống như Mahatma Gandhi đã biểu lộ giá trị của hành động phi bạo lực trong thế kỷ trước. Trong thế kỷ 21 này, ở đây và bây giờ, Ấn Độ đã có thể góp phần vào việc giáo dục mọi người về phương cách để đạt được sự an lạc nội tâm.
Das đồng ý rằng chúng ta có ý giúp đỡ lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau. Nhưng ông muốn biết điều gì có thể giữ chúng ta lại?
Ngài đã đề cập rằng một trong những cam kết của Ngài là thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài nhắc lại rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi, sự khoan dung và tâm tha thứ, tinh thần kỷ luật tự giác. Ngài nói, chúng ta cần phải chú ý đến chính bản chất thực tế này, chứ không phải là sự khác biệt về triết học giữa chúng ta.
Tôi có thể tự tin rằng các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể sống hòa thuận với nhau. Hãy nhìn vào đất nước Ấn Độ! Tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới đều phát triển hưng thịnh ở đây. Và tinh tuý của sự thực hành của tất cả các tôn giáo này là tâm tha thứ và lòng từ bi.
Tôi đã khuyến khích những người bạn Hồi giáo ở Ladakh triệu tập một hội nghị về chủ đề này; và những đại diện từ các quốc gia như Iran đã tham dự. Nói chung, các nhà lãnh đạo tôn giáo Ấn Độ nên tích cực hơn nữa trong việc khiến cho các quốc gia láng giềng của chúng ta thấy được rằng sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều khả thi và có thể đạt được. Ngày nay, đã có nhiều người tham gia vào sự thực hành thiền định và yoga, và cũng sẽ rất tốt nếu họ hoạt động cho việc thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo và tầm quan trọng của lòng nhân ái đơn giản giữa bảy tỷ anh chị em chúng ta - những người mà chúng ta cùng chung sống và chia sẻ cùng hành tinh này. Quá khứ đã là quá khứ, nhưng chúng ta có thể định hình cho một tương lai tươi mới.
Das một lần nữa đồng ý rằng mọi người nên làm việc cùng nhau và tập trung vào tinh tuý của sự thực hành tâm linh. Ông nhớ lại đã diện kiến Ngài vào những lần trước và nhận thấy cách mà Ngài kết hợp niềm vui với chiều sâu và sự nghiêm trang. Ông hỏi làm thế nào những người khác có thể tìm thấy được sự cân bằng giữa những đặc điểm này.
Cách đây nhiều năm, trong một lần đến Luân Đôn, lúc tôi đang tham dự một bữa tiệc trà thì một vị người Anh lớn tuổi nói với tôi rằng ông ta ngưỡng mộ về cách mà tôi nói rằng “Tôi không biết!” Trung thực và chân thành là điều vô cùng quan trọng. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng - nhìn chung - người Tây Tạng rất tự nhiên và vui vẻ.
Ngoài ra, tôi thực hành lòng vị tha và tâm từ bi; có nghĩa là tôi xem tất cả mọi người là anh chị em của mình. Lòng vị tha là cội nguồn của hạnh phúc, trong khi đó, ái trọng tự thân là nguồn gốc của mọi sự lo lắng và giận dữ không ngừng.
Cuốn “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên - một bậc Luận Sư Ấn Độ vào thế kỷ thứ tám, chính là nguồn cảm hứng của tôi. Chương thứ sáu nói về sự kiên nhẫn và sân giận; chương tám đề cập đến việc giúp đỡ người khác thì chính mình sẽ được hạnh phúc. Đây là điều mà tôi cố gắng thực hành và kết quả đã mang đến cho tôi sự bình yên sâu lắng. Cuốn sách này giải thích về việc tại sao kẻ thù của bạn có thể được xem là vị Thầy tâm linh - bởi vì nếu không có họ thì bạn sẽ không có cơ hội để phát triển đức tính kiên nhẫn của mình.
Sáng sớm, khi vừa thức dậy là tôi đã hướng tâm đến lòng vị tha, thế nên nó là một phần thiết yếu trong sự thực hành hàng ngày của tôi. Bạn tin vào ‘atman’ (ngã) và tôi tin vào ‘anatman’ (vô ngã), nhưng cả hai chúng ta đều cần thức ăn và giấc ngủ; và cả hai chúng ta đều trưởng dưỡng lòng từ bi. Nếu ta nỗ lực, thì chúng ta có thể duy trì mở rộng sự thực hành tâm từ bi của mình từ ngày này sang ngày khác; tuần này sang tuần khác; năm này sang năm khác… Đây là một khía cạnh của truyền thống Ấn Độ lâu đời mà tôi thực sự rất ngưỡng mộ.
“Khi Hoàng đế Tây Tạng ở thế kỷ thứ tám thỉnh bậc thầy Nalanda - Ngài Tịch Hộ - đến Tây Tạng, thì Hoàng Đế đã nhấn mạnh thêm vào tầm quan trọng của sự phân tích lý luận.”
Cuối cùng, Gaur Gopal Das đã hỏi về ba bài học mà Ngài đã học được trong cuộc đời của mình.
Ngài nói: Trước hết, Ngài Tịch Thiên, người mà tôi vừa nhắc đến, đã khuyên rằng: khi mọi việc khó khăn, thì đáng để phân tích xem những khó khăn này có thể khắc phục được hay không. Nếu có thể khắc phục được thì bạn nên nỗ lực để khắc phục. Nếu không thể khắc phục thì chẳng có ích lợi gì khi tự làm khổ mình bằng cách lo lắng buồn phiền về chúng. Đây là lời khuyên mà tôi xem là vô cùng thực tế!
Liên quan đến sự cải cách giáo dục, Bộ trưởng của Delhi đã khởi xướng giới thiệu Chương trình Giảng dạy Hạnh phúc tại các trường học ở Delhi để đào tạo những trẻ em tốt hơn, hạnh phúc hơn với những giá trị được cải thiện. Sẽ rất tốt nếu ta có thể tổ chức một cuộc hội thảo để thảo luận về phương cách kết hợp kiến thức Ấn Độ cổ đại với nền giáo dục hiện đại. Tôi tin rằng có một nhu cầu thực sự để xem lại cách dạy dỗ cho trẻ em được hạnh phúc hơn và làm thế nào để phương pháp này được phổ biến rộng rãi hơn.
Gaur Gopal Das cảm ơn Ngài đã dành thời gian để nói chuyện và chia sẻ những suy nghĩ của Ngài với ông. Ông nói: “Con tin chắc chắn là sẽ có sự lợi ích lớn!”
Trong lời phát biểu kết thúc, Ngài đã nhấn mạnh rằng, một số nhà khoa học đã tuyên bố rằng, sự nóng lên toàn cầu đang gia tăng hàng thập kỷ và có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Hậu quả là ao hồ và sông ngòi - nguồn nước của chúng ta có thể sẽ biến mất. Trong thời gian trước khi chúng tôi rời khỏi cõi đời - Ngài nhấn mạnh - tốt hơn hết là đừng cãi nhau, mà hãy sống bên nhau thật hạnh phúc!”