Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Sáng nay, sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến trước máy quay video và an toạ, Vị Trụ trì chùa Hàn Quốc - Thượng toạ JinOk chào đón Ngài và nhắc lại lời thỉnh cầu của các đệ tử Hàn Quốc cung thỉnh Ngài giải thích về ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ cho họ. Sau đó Thượng toạ JinOk tiếp tục tụng Kinh theo nhịp của chiếc ‘mõ’ bằng gỗ đang cầm trên tay.
Ngài thông báo: “Hôm nay, chúng ta bắt đầu ba ngày thuyết giảng cho một nhóm các huynh đệ Pháp hữu ở Hàn Quốc. Tôi cảm thấy rất may mắn khi có được cơ hội này. Có các bộ kinh Bát nhã Ba la mật bao gồm 100.000 câu, 25.000 câu và 8.000 câu, trong khi bản ngắn nhất chỉ bao gồm một chữ ‘A’. ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ được gọi là ‘Bát Nhã Ba La Mật 25 câu’, và mặc dù tương đối ngắn gọn, nhưng đó là một bản văn toàn diện.
“Giáo lý Bát Nhã Ba la mật không thể được tuân theo chỉ dựa trên nền tảng của đức tin. Đây là Giáo lý mà những người có trí tuệ sắc bén tuân theo trên cơ sở lý luận. Từ “Bát Nhã” trong tên của giáo lý này cho thấy rằng để hiểu được Giáo lý này, đòi hỏi trí thông minh và sự thực hành của năng lực phân tích của chúng ta. Như Đức Phật đã khuyên các đệ tử của mình:
"Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!"
“Những người giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Nalanda đều dựa vào lý luận và logic.
“Giáo lý Bát nhã Ba la Mật bao gồm hai khía cạnh - hiện thuyết tánh Không và ẩn tánh Đạo lộ. Khía cạnh thứ hai này - ẩn tánh Đạo lộ - được thể hiện trong ‘Bát nhã Tâm Kinh’ qua câu thần chú ở phần cuối. Vì có ba thừa: Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ tát Thừa; cho nên có mười lăm con đường, mỗi Thừa có năm con đường. Cách làm thế nào để đạt được các tiến trình của Đạo lộ - đã được giải thích trong ‘Hiện quán Trang nghiêm Luận’.
“Quý vị phải lắng nghe lời giảng để có được sự hiểu biết sơ bộ ban đầu, sau đó phải suy tư về điều ấy để hiểu sâu hơn, cuối cùng là nghiền ngẫm, thiền định về những gì mà quý vị đã hiểu để phát triển sự trải nghiệm về điều đó.
“Bát Nhã Tâm Kinh” trình bày tánh không bốn lần - “Sắc tức là không; không tức là sắc, sắc chẳng khác không; không chẳng khác sắc”. “Không” ở đây không có nghĩa là hư vô như khoảng trống của không gian - mà là khi chúng ta kiểm tra về cách mà các pháp tồn tại, ta thấy rằng đó không phải là cách mà chúng xuất hiện. “Không” không phải là hư vô; nó ngụ ý rằng mọi thứ phụ thuộc vào các yếu tố khác. Nó không có sự tồn tại độc lập, cố hữu - trong và ngay chính nó.
“Chúng ta phát triển sự tham luyến đối với mọi thứ dựa trên việc coi chúng là tồn tại cố hữu, khách quan - đó là cách mà chúng xuất hiện. Ngài Long Thọ đã nói rất rõ ràng về điều này:
"Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp duyên sinh,
Thì chính nó cũng là Trung đạo.
Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên;
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không."
“Cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ việc chúng ta có cái nhìn phiến diện về cách mà mọi thứ tồn tại, từ đó thúc đẩy khiến cho chúng ta tạo ra đủ loại vấn đề rắc rối. Đệ tử của Ngài Long Thọ là Thánh Thiên cũng làm sáng tỏ điều này:
"Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện hành, khiến não phiền.
Khéo chế ngự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh an nhiên."
"Điều này có nghĩa là mặc dù có những cách cụ thể để đối trị lại sự sân giận và tham đắm; tuy nhiên, bằng cách hiểu được tính Không và lý Duyên khởi, ta có thể loại bỏ tận gốc mọi cảm xúc tiêu cực của mình. Suy ngẫm về cách mà các pháp không tồn tại một cách khách quan sẽ giúp chúng ta đối trị lại sự bám chấp vào các pháp như nó xuất hiện."
Ngài chỉ ra rằng ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ đã đề cập rằng “Bồ đề Tâm” là tâm mong muốn đạt được sự giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Ngài gợi ý rằng sẽ rất hữu ích nếu kết hợp Bồ Đề Tâm với Trí tuệ liễu ngộ tánh Không như đã được giải thích rõ ràng trong ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’ của Ngài Long Thọ.
Trở lại với “Bát Nhã Tâm Kinh”, Ngài đọc tựa đề bằng tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng; và giải thích ý nghĩa của nó là ‘Trọng tâm của Trí tuệ Viên mãn”. Phần mở đầu chỉ ra nơi mà Giáo lý này được ban truyền, do ai ban truyền và ai là người thọ nhận. Sau khi Đức Phật chứng ngộ quả vị toàn giác, lần chuyển Pháp Luân đầu tiên của Ngài không chỉ bao gồm Tứ Diệu Đế mà còn có Vi Diệu Pháp và Giới Luật Thiền Môn.
Những nguyên nhân của đau khổ được đề cập trong Tứ Diệu Đế là nghiệp và phiền não. Để đoạn trừ được nó, chúng ta cần phải khắc phục sự vô minh.
Giáo lý của Đức Phật bắt đầu với Tứ Diệu Đế, nhưng sau đó trên Đỉnh Linh Thứu ở Rajgir, các đệ tử dễ tiếp thu đã nghe Ngài dạy về “Bát Nhã Ba La Mật”. Hai Đế sau - Diệt Đế và Đạo Đế - chỉ có thể được hiểu đầy đủ trong bối cảnh của Bát Nhã Ba La Mật; nó đòi hỏi phải có trí tuệ sâu sắc.
Ngài chỉ ra rằng, chỉ có những người có nghiệp thanh tịnh mới biết đến sự hiện diện của Đức Quán Thế Âm và sự tham gia cuộc đối thoại của Ngài với Xá Lợi Phất. Trong khi đó, Đức Phật đã nhập vào ‘sự thiền định miên mật về các pháp được gọi là hiện tướng uyên thâm’. Kinh nói rằng Đức Quán Thế Âm đã thấy rằng “Cho đến năm uẩn cũng không có sự tồn tại cố hữu’.
Từ ‘cho đến’ không có trong bản dịch tiếng Hoa của kinh này, và vì vậy, có lẽ cũng không có trong bản dịch tiếng Hàn Quốc. Nó biểu thị rằng - không những chỉ có người được gán danh trên cơ sở của năm uẩn là không có sự tồn tại cố hữu, mà ngay cả các uẩn cũng không có sự tồn tại cố hữu. Mặc dù chúng ta nói rằng mọi thứ đều là Không, nhưng chúng ta lại bám chấp vào năm uẩn như thể chúng tồn tại một cách cố hữu.
Ngài đã đọc đoạn thứ hai và thứ ba của Kinh. Ngài lưu ý rằng, ở đây, “sắc” là chủ thể mà trên cơ sở đó tính Không được giải thích; bởi vì hầu hết các phán đoán của chúng ta liên quan đến các hiện tượng bên ngoài phụ thuộc vào giác quan của chúng ta.
Tất cả các pháp phát sinh trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác; do đó, chúng rỗng không. “Sắc” và “Không” có cùng bản thể, nhưng lại khác nhau về mặt khái niệm.
Ngài đã ám chỉ đến bốn lỗi ngụy biện trong lập luận mà trong cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’, Ngài Nguyệt Xứng đã giải thích là nó sẽ xảy ra nếu như các pháp có sự tồn tại khách quan. Bốn lỗi này cho rằng sự thiền định miên mật của các bậc Thánh về tính Không sẽ là kẻ hủy diệt các pháp hiện tượng; rằng sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu; rằng sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể chịu được sự phân tích tối hậu về bản thể của các pháp, và không thể khẳng định được rằng các pháp vốn dĩ là “không” ngay trong và của chính nó.
"Bốn lỗi ngụy biện trong lập luận này cũng được đề cập đến trong ‘Tinh Hoa của Diệu Thuyết’ của Jé Rinpoché và phần Tuệ giác siêu tuyệt của 'Đại luận về các giai trình của Đạo Lộ’.
Ngài đã đề cập rằng trong khi trí tuệ đối trị với ý niệm về một bản thể tồn tại cố hữu, thì lòng từ bi vĩ đại đối trị với thái độ ái trọng tự thân cực độ của chúng ta. Ngài đã đặc biệt tán thán về việc thực hành mạnh mẽ sự hoán đổi bản thân mình với những người khác được nêu bật trong cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên. Đây là cuốn sách mà Ngài đã nghiên cứu và suy ngẫm thấu đáo kể từ khi Ngài nhận được lời giải thích về nó từ Khunu Lama Rinpoché. Ngài nói rõ rằng cuốn sách này và cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng là những cuốn sách mà cá nhân Ngài đã nương vào. Ngài nói thêm rằng các tác phẩm của Ngài Trần Na và Pháp Xứng về logic và lý luận là chìa khóa để phát triển một cách tiếp cận hợp lý đối với Phật giáo phù hợp với thế kỷ 21.
Khi trả lời câu hỏi của chư Tăng Ni từ ba ngôi chùa ở Hàn Quốc, Ngài thừa nhận rằng khoa học và Phật giáo có những mục tiêu khác nhau - Phật giáo quan tâm đến cảm xúc và tinh thần; trong khi khoa học thì tập trung nhiều hơn vào vấn đề vật chất. Tuy nhiên, kể từ khi nhận ra rằng trạng thái tâm thức của chúng ta có ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta, thì khoa học đã bắt đầu chú ý đến các phương tiện Phật giáo để nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm hồn.
Ngài đã tuyên bố rằng cội nguồn của hạnh phúc chính là tình yêu thương và lòng từ bi - điều mà chúng ta trải nghiệm lần đầu tiên trong mối quan hệ với người mẹ của mình; và không liên quan gì đến việc thực hành tôn giáo. Ngài tin chắc rằng lợi ích của tình yêu thương và lòng từ bi có thể được trình bày theo quan điểm thế tục. Xét cho cùng, chúng ta là những động vật xã hội quan tâm đến việc bảo vệ cộng đồng mà chúng ta đang sống. Ngài nhắc lại rằng, tính hợp nhất của con người là một phần quan trọng trong phương pháp tiếp cận hợp lý của Phật giáo đối với việc thực hành tình yêu thương và lòng từ bi.
Khi được hỏi làm thế nào để chống lại những cảm xúc tiêu cực, Ngài thừa nhận rằng đó là điều mà ta cần phải cố gắng để đối trị lại sự tham luyến, giận dữ và hận thù khi chúng biểu hiện mạnh mẽ. Nhưng những cảm giác và cảm xúc đó còn khó xử lý hơn khi chúng ở trạng thái không hoạt động. Tuy nhiên, nuôi dưỡng lòng từ bi và Bồ Đề Tâm có thể giúp ta làm giảm bớt chúng.
Liên quan đến sự tích lũy công đức và trí tuệ, Ngài đã rút ra sự phân biệt giữa các khía cạnh thể chất và trí tuệ của một vị Phật. Khía cạnh thể chất của Đức Phật, là kết quả của việc tích lũy công đức, là phương tiện để giúp đỡ người khác. Ngoài ra, nếu bạn càng thu thập được nhiều công đức, thì bạn càng hiểu rõ hơn về tính không. Và khi sự hiểu biết của bạn về tính không được cải thiện, thì bạn càng nhận ra rõ ràng rằng đạt được Phật quả là một điều thực sự khả thi. Như vậy, phước đức và trí tuệ bổ sung cho nhau.
Ngài đã đọc đoạn thứ tư, thứ năm và thứ sáu của ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ trước khi thông báo rằng Ngài sẽ dừng lại ở đó; và sẽ tiếp tục giải thích vào ngày mai.