Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Sofia Stril-Rever đã mở đầu cuộc trò chuyện giữa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dinh thự của Ngài ở Dharamsala và các khách mời của chương trình ‘Hãy là Tình Yêu Thương’ của Pháp; và ‘Một Tập thể Thế giới Tốt đẹp hơn’ của Canada. Cô nhận xét rằng, chìa khóa cho một tương lai bền vững là một tư duy vị tha, coi trọng sự hợp tác hơn là sự cạnh tranh và mang lại lợi ích cho cuộc sống của mọi người nói chung. Cô đã mời Đức Ngài giải thích về vấn đề làm thế nào, trong thế kỷ 21, việc trưởng dưỡng tình yêu vị tha có thể giúp chúng ta hàn gắn những chia rẽ và tiến tới hòa bình, công lý và hạnh phúc toàn cầu một cách thực tế?
Ngài bắt đầu, “Bây giờ, tôi đã 86 tuổi rồi. Và trong quảng đời của mình, tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc đổ máu trong nhiều cuộc chiến tranh. Kết quả của sự bạo lực như thế vừa là đau khổ vừa thêm hận thù. Đây là một trong những lý do mà tại sao tôi ngưỡng mộ Liên minh Châu Âu. Trong lịch sử, một số quốc gia nằm trong số các thành viên của Châu Âu, đặc biệt là nước Pháp và nước Đức, đã thường xuyên chiến đấu với nhau qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, họ đã nhận ra rằng, việc liên tục coi người hàng xóm là kẻ thù của mình thì chẳng có mục đích gì tốt đẹp cả. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu sinh mạng đã mất đi trong cuộc hỗn chiến này; và bao nhiêu người đã được cứu sống trong hòa bình trong 70 năm qua hoặc lâu hơn thế!
“Ngày nay, chúng ta phải nghĩ đến toàn thể nhân loại. Rõ ràng là nếu chỉ nghĩ về quốc gia hoặc lục địa của riêng mình thôi thì không đủ. Phải nghĩ bao hàm đến toàn bộ thế giới! Chúng ta cần phải thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều là một phần của nền kinh tế toàn cầu; và tất cả chúng ta đều đang bị đe dọa bởi sự biến đổi khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu.
“Ở cấp độ cơ bản, tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Có thể có những sự khác biệt nhỏ về màu da, về hình dạng đôi mắt, hoặc về kích thước của mũi của chúng ta - nhưng về cảm xúc và ý thức thì chúng ta đều giống nhau.
“Tôi cam kết thúc đẩy sự nhận thức rộng rãi hơn về tính đồng nhất của nhân loại. Khi tôi vẫn còn ở Tây Tạng, tôi thừa nhận rằng tôi chỉ thực sự nghĩ về nhân dân Tây Tạng của tôi thôi. Nhưng sau khi lưu vong ở Ấn Độ, tôi đã được gặp gỡ những người từ nhiều nơi khác nhau và được kết bạn với họ. Tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau.
“Như tôi đã từng nói, điều quan trọng là chúng ta nên nghĩ đến toàn thế giới. Đó là thực tế. Chúng ta cần phải nhớ đến sự đồng nhất của nhân loại. Sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc hay quốc tịch của chúng ta chỉ là điều thứ yếu so với những gì mà chúng ta có chung với tư cách là những con người.
“Bạn có theo tôn giáo hay không - đó là vấn đề cá nhân, nhưng sự thật vẫn là tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta đều chuyển tải thông điệp về tầm quan trọng của lòng nhân ái. Xét về điều này thì các tôn giáo đã có thể sống chung với nhau. Vì vậy, tôi cam kết khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
“Tôi kêu gọi tất cả quý vị hãy cùng tham gia cố gắng xây dựng một thế giới hạnh phúc hơn và một nhân loại hạnh phúc hơn. Bây giờ, chúng ta hãy nêu lên một số câu hỏi."
Ian Speirs của ‘Một Tập thể Thế giới Tốt đẹp hơn’ giải thích rằng, có sáu nhóm trong số các khách mời. Các thành viên của họ sẽ giới thiệu về bản thân và một trong số họ sẽ đặt câu hỏi thay mặt cho nhóm.
Vivienne Harr, Raheen Fatima và Clover Hogan, các thành viên của Nhóm các nhà hoạt động trẻ giới thiệu về bản thân. Clover hỏi, “Ngài đã quyết định tự chịu trách nhiệm cá nhân khi nào, và điều gì đã đưa đến sự quyết định đó?"
Ngài trả lời rằng Ngài là một người tôn giáo đã được đào tạo từ thời thơ ấu để nuôi dưỡng sự quan tâm đến tất cả chúng sinh. “Khi sống lưu vong, gặp gỡ những người đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau - về thể chất, tinh thần và tình cảm. Mặc dù vậy, chúng ta phải đối mặt với sự chia rẽ lan rộng dẫn đến sự xung đột và bạo lực. Trong quá khứ, người ta thường có quan điểm hạn hẹp thiển cận; mối quan tâm của họ chỉ giới hạn ở phạm vi đất nước của mình mà thôi. Bây giờ, chúng ta phải nghĩ đến toàn thế giới. Điều này vừa thực tế, vừa mang lại lợi ích thiết thực.
"Bất cứ nơi nào tôi đến, bất cứ ai tôi gặp, thì họ cũng chỉ là một con người khác mà thôi.” Nếu ta nghĩ về người khác dưới cái nhìn 'chúng ta' và ‘bọn họ' thì điều này đã lỗi thời; và đó chính là nguồn gốc của những vấn đề rắc rối."
Đối với nhóm thứ hai, Michael Render muốn biết tại sao nỗi sợ hãi thường chiếm ưu thế hơn tình yêu thương. Đức Ngài nói với cậu ta rằng, sự suy nghĩ hẹp hòi là không thực tế. Điều quan trọng hơn nhiều là nên quan tâm đến toàn thế giới.
Đối với nhóm tiếp theo, Beatrice Martin hỏi làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự bình đẳng hơn.
Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau, mặc dù có những sự khác biệt nhỏ giữa nam và nữ. Khi so sánh về thể lực, phụ nữ nhìn chung không được mạnh mẽ lắm. Tuy nhiên, chẳng hạn, Đức Phật đã ban cho nam và nữ quyền bình đẳng như nhau. Còn sự liên quan đến trí thông minh thì không có gì khác biệt. Cũng không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa bộ não của đàn ông và phụ nữ. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đạt được sự bình đẳng nam nữ, và khi niềm tin tôn giáo hay phong tục truyền thống bị ảnh hưởng, thì đã đến lúc chúng cần phải được thay đổi. Nói rộng hơn, nam và nữ đều cần nhau và nhu cầu bình đẳng như nhau”.
Từ nhóm Những người có ảnh hưởng đến phụ nữ, Mozhdah Jamalzadah đã tự giới thiệu về mình, và đã thưa với Đức Ngài rằng, quê hương của cô -Afghanistan - đã trở nên chia rẽ và kiệt quệ đến thế nào. Stephanie Benedetto và Susan Rockefeller cũng tự giới thiệu về bản thân và Rockefeller đã hỏi Đức Ngài về cách mà những lời dạy của Ngài có thể giúp phụ nữ chăm sóc bản thân, quan tâm đến những người khác và Trái đất.
Ngài nói với họ: “Mối quan tâm chính của tôi là khuyến khích mọi người trau dồi lòng nhân ái. Ngay từ lúc chào đời, chúng ta đã được mẹ của mình chăm sóc. Mẹ đã nuôi chúng ta bằng dòng sữa của bà. Nhìn chung, người phụ nữ nhạy cảm hơn đối với cảm xúc của người khác. Về bản chất, họ có vẻ từ bi hơn. Vì vậy, chúng ta cần phụ nữ tích cực hơn. Đôi khi tôi suy đoán rằng nếu chúng ta có nhiều nữ lãnh đạo hơn, thì thế giới sẽ là một nơi an toàn hơn. Hãy nhìn vào Phần Lan và New Zealand và những thành tựu của các nhà lãnh đạo nữ của họ.
“Tất cả chúng ta đều có quyền như nhau, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc phụ nữ phải có trách nhiệm hơn trong cuộc sống công cộng. Chúng ta cần họ tham gia nhiều hơn vào việc thúc đẩy lòng từ bi.”
Đối với nhóm thứ năm, ca sĩ kỳ cựu và là người theo chủ nghĩa hòa bình Buffy Sainte-Marie đã hỏi rằng, chúng ta có thể thực hiện những bước nào để có thể đối đầu một cách từ bi với những kẻ khốn nạn thù ghét phụ nữ.
Ngài trả lời: “Thông qua sự giáo dục. Tư tưởng cho rằng phụ nữ có giá trị thấp hơn hoặc kém hèn hơn - bằng cách nào đó - phải được thay đổi. Để đạt được một thế giới hòa bình hơn, người phụ nữ phải có khả năng đóng được vai trò của mình."
Xiuhtezcatl Martinez, Massey Whiteknife và Emmanuel Jal thay mặt cho Nhóm các nhà hoạt động vì hòa bình đã tự giới thiệu chính mình; và Emmanuel - một người tị nạn đến từ Sudan - đã hỏi Đức Ngài về cách làm thế nào để vượt qua nỗi đau của cuộc sống lưu vong. Đức Ngài trả lời rằng, mối quan hệ giữa Tây Tạng và Trung Quốc đã có từ lâu đời và ít nhất là từ thế kỷ thứ bảy - khi Hoàng Đế Tây Tạng kết hôn với một công chúa Trung Quốc. Nhưng vấn đề ở đây là hiện nay đang xảy ra chế độ toàn trị, bất tự do đang thịnh hành ở Trung Quốc. Nó thậm chí còn bành trướng đến mức các quan chức cộng sản với đầu óc hẹp hòi thiển cận đã đánh đồng các bước bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng với chủ nghĩa ly khai và cố gắng loại bỏ ngôn ngữ và nền văn hoá ấy.
“Khi tôi đến Trung Quốc vào năm 1954, tôi đã bị ấn tượng bởi cam kết của Mao và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đối với phúc lợi của những người thuộc tầng lớp lao động bình thường. Nhưng sau đó, cách họ thực thi quyền lực và áp bức bạo lực đối với Tây Tạng đã tạo ra nhiều vấn đề rắc rối và chúng tôi đã phải trốn thoát.
“Trong bối cảnh đồng nhất của nhân loại, tất cả chúng ta cần phải sống với nhau một cách hòa bình và nhân đạo. Chúng tôi không chú trọng vào sự khác biệt giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng. Sở dĩ chúng tôi phải trốn thoát là vì có sự nguy hiểm ở đó. Tôi đã được gặp những người bạn cũ ở biên giới Ấn Độ. Sau đó, tôi gặp Pandit Nehru và ông ấy đã ủng hộ rất nhiều. Ông ấy đã giúp chúng tôi thiết lập nền giáo dục cho con cái của chúng tôi và thiết lập lại các trung tâm học tập cho chư Tăng Ni.
“Tôi là người tị nạn, nhưng tôi cũng là khách của Chính phủ Ấn Độ. Chúng tôi rất vui khi có thể bảo tồn được nền văn hóa của mình, nền văn hóa này có được từ khi Ngài Tịch Hộ truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng ở thế kỷ thứ tám. Ngài đã thành lập Truyền thống Nalanda, một phương thức đào tạo chủ yếu phụ thuộc vào lý trí và logic. Nhờ đó, có thể thiết lập được mối quan hệ làm việc tốt đẹp với các nhà khoa học.
“Nếu chúng tôi không trở thành người tị nạn, thì có lẽ triển vọng của chúng tôi sẽ bị hạn chế hơn. Là một người tị nạn, tôi tin rằng mình sẽ trở nên thực tế hơn."
Massey Whiteknife - một thành viên của Mikisew Cree First Nation, đã hỏi liệu những lời dạy truyền thống đối với nhân dân của Ngài về tình yêu thương, sự tôn trọng, lòng dũng cảm, sự trung thực, trí tuệ, sự khiêm tốn và tính thanh liêm có thể chữa lành cho nhân loại và Trái đất hay không.
Ngài trả lời rằng, các dân tộc bản địa nói chung đã sống gần gũi hơn đối với thiên nhiên. “Cuối cùng, là những chúng sinh, chúng ta đều phụ thuộc vào thiên nhiên, vì vậy chúng ta phải giữ gìn mối quan hệ thân thiết của mình đối với thiên nhiên. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng công nghệ sẽ giải quyết các vấn đề của chúng ta và cho phép chúng ta làm bất cứ điều gì chúng ta thích. Nhưng chúng tôi tin rằng, tốt hơn hết là nên dựa vào sức mạnh của thiên nhiên. Ví dụ, chúng ta cần hạn chế việc đốt nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng; và thay vào đó - chúng ta nên dựa vào các trang trại gió và năng lượng mặt trời."
Khi trả lời câu hỏi của Raheem Fatima về việc liệu Ngài có trở thành một nhà khởi nghĩa khi bằng tuổi của cô ta hay không, Ngài đã thừa nhận rằng Ngài đã có sự quan tâm đến khoa học và công nghệ từ rất sớm. Kết quả của những cuộc trò chuyện của Ngài và Mao Trạch Đông; Mao Trạch Đông đã khen ngợi đầu óc khoa học của Ngài. Nhưng khi Mao nhìn thẳng vào mắt Ngài và tuyên bố rằng tôn giáo là thuốc phiện của người dân, Ngài đã phải che giấu sự bàng hoàng của mình. Khi ở Trung Quốc, Ngài học cách đánh giá cao chủ nghĩa xã hội, nhưng thật ra chủ nghĩa xã hội cho phép sự tự do cá nhân hơn là sự kiểm soát chặt chẽ của đảng.
Ngài nói với Stephanie Benedetto rằng Ngài có thể mỉm cười và vẫn vui vẻ bất chấp sự đau khổ của thế giới; bởi vì là một tu sĩ Phật giáo được đào tạo theo Truyền thống Nalanda, Ngài nuôi dưỡng lòng vị tha. Ngay từ lúc thức dậy vào buổi sáng, Ngài đã nhen nhóm lòng vị tha và hiểu rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào nhau. Điều này mang lại sự an lạc sâu sắc trong tâm hồn.
Trong quá trình hoạt động bình thường, các vấn đề rắc rối vẫn xảy ra, nhưng sẽ có kết quả thành tựu hơn nhiều nếu quý vị tiếp cận chúng với tâm thái bình yên, vui vẻ. Cảm giác lo lắng hoặc mất tinh thần sẽ không có lợi ích gì cả. Lòng vị tha sẽ ích lợi hơn nhiều. "Tôi tin tưởng vào sự nhiệt tình và chia sẻ kinh nghiệm với những người khác."
Buffy Sainte-Marie quan sát thấy rằng rất khó để tăng tốc độ chín muồi của một quả táo, nhưng cô tự hỏi liệu có thể tăng tốc độ chín muồi của một con người hay không. Đức Ngài nhắc lại rằng, con người được học về lòng nhân ái và tâm từ bi từ người mẹ của mình. “Các nhà khoa học nói rằng chúng ta là động vật xã hội. Chúng ta có một mối quan tâm tự nhiên đối với cộng đồng của mình. Lòng nhân ái mang theo nó một cảm giác bình yên trong nội tâm. Nó là liều thuốc giải độc cho sự tức giận, ganh tị và sợ hãi. Nếu bạn cố chấp giận dỗi, sẽ không ai muốn ở bên cạnh bạn. Nhưng nếu bạn có sự an lạc nội tâm, thì bạn bè sẽ tụ tập xung quanh bạn. Đây là lẽ thường tình."
Ian Speirs thưa với Đức Ngài rằng, thật vinh dự khi được hầu chuyện với Ngài. Sofia Stril-Rever cảm ơn Ngài, văn phòng của Ngài và tất cả những người đã góp phần tổ chức cuộc trò chuyện trực tuyến này.
Cô nói thêm rằng: “Tấm gương kiên trì của Ngài về tình yêu thương trong việc phục vụ nhân loại chính là nguồn cảm hứng, sự dũng khí và niềm hy vọng.”
Ngài trả lời: “Hẹn gặp lại! Là những anh chị em nhân loại, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm đóng góp cho một nhân loại hạnh phúc hơn và một thế giới hòa bình hơn. Hãy chia sẻ điều này với bạn bè của quý vị! Sự thay đổi sẽ từng bước từng bước xảy đến với chúng ta!"