Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được một số nhóm Phật giáo ở Nam và Đông Nam Á mời bình giảng về Kinh Đại Niệm Xứ. Buổi giảng bắt đầu với thời tụng kinh bằng tiếng Pali của Chư Tăng ở Thái Lan và Sri Lanka. Thượng tọa Tiến sĩ Dhammapala Maha Thera kính chúc Đức Ngài “Buổi sáng Tốt lành” và thưa với Ngài rằng mọi thành viên của khán giả trực tuyến rất vui mừng khi được ban phước để lắng nghe những lời giảng dạy. Thượng toạ đề cập rằng kinh Mangala đã nói về lợi ích của việc kết nối với thiện trí thức. Sau đó, ông giới thiệu chư vị Tôn túc Trưởng lão ở Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia và Indonesia với Đức Ngài.
Từ Bồ Đề Đạo Tràng, Trưởng lão Hòa thượng Phrabhodhinandhamunee đã bắt đầu bài diễn văn chào mừng ngắn gọn bằng cách đọc lời cầu nguyện trường thọ dâng lên Đức Ngài bằng tiếng Tây Tạng:
"Trong cảnh giới Cõi Trời của Tây Tạng
Được vây quanh bởi những rặng Tuyết Sơn
Có hiện diện Ngài Tenzin Gyatso
Là Đức Quan Âm trong hình dáng con người
Là cội nguồn của muôn niềm hạnh phúc
Và hộ trì cho tất cả chúng sanh
Nguyện cầu Ngài được mãi mãi an lành
Và trường thọ trăm A Tăng Kỳ Kiếp.
Hoà Thượng cám ơn Đức Ngài đã hứa khả bình giảng về Kinh Đại Niệm Xứ mà chính Đức Phật đã tuyên thuyết về con đường duy nhất để đạt được giải thoát.
Ông tiết lộ rằng sự kiện này đã được tổ chức bởi một số nhóm: Trung tâm Thiền Wat Pa Dhammachat Bunyaram, Thái Lan; Trường Cao đẳng Phật giáo Bang Srivijaya của Tangerang-Banten, Indonesia; Hội đồng Phật giáo Nguyên Thuỷ, Malaysia; Hội Huynh đệ Phật tử Tây Tạng Sri Lanka; Dự án Dhammaduta ASEAN, Thái Lan và Trung tâm Phật giáo Tây Tạng Singapore & Malaysia.
Đức Ngài đã trả lời: “Thật là một nguồn vui lớn cho chúng ta khi được có mặt với nhau, vì tất cả chúng ta đều là học trò của cùng một vị thầy - Đức Phật. Để bắt đầu, tôi xin tụng một bài Kệ trong ‘Xưng Tán Duyên Khởi’ của bậc Đạo Sư Tây Tạng ở thế kỷ 14, Jé Tsongkhapa.
“Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật
Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại
Tăng sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!” 53
“Bài Kệ này rất thân thương đối với trái tim tôi và đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Tôi đã có được đặc ân xuất gia khi còn bé; và đó là nền tảng của việc thực hành giới luật của tôi. Tôi cũng được tiếp cận với một bậc thầy vĩ đại - Yongzin Ling Rinpoché; và nhờ lòng tốt của Vị ấy mà tôi đã được tiếp xúc với những giáo lý rộng lớn của Đức Phật, cũng như những bậc Đạo sư vĩ đại sau Đức Phật. Tôi đã dành thời gian tìm hiểu sâu sắc các giáo lý và đã có cơ hội áp dụng chúng vào thực tế và triển khai những gì tôi đã học được.
“Trên nền tảng của Giới, tôi đã cố gắng trau dồi trạng thái an trú tĩnh tại - Định (shamatha) cho phép chúng ta vận dụng tâm thức một cách tập trung. Ngoài ra, trọng tâm chính của việc thực hành của tôi là phát triển Bồ đề tâm, mục đích vị tha để đạt được Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Giáo lý quan trọng này bắt nguồn từ những gì mà người Tây Tạng chúng tôi gọi là dòng truyền thừa của Hành vi Quảng đại hay còn gọi là Quảng Hạnh.
“Trọng tâm thứ hai trong thực hành của tôi là Giáo lý về ‘shunyata’ hay còn gọi là Tánh Không, đòi hỏi sự hiểu biết bản chất sâu sắc hơn của thực tại. Điều này thuộc về giáo lý của dòng truyền thừa Tri kiến Thâm sâu.
“Trọng tâm thứ ba là những giáo lý đến từ bậc Đạo Sư Ấn Độ thế kỷ thứ 8 - Ngài Tịch Thiên, đặc biệt chú ý đến việc phát triển mục đích vị tha thông qua việc trau dồi sự thực hành được gọi là bình đẳng và hoán đổi ngã - tha (hoán đổi hoàn cảnh của bản thân mình và người khác). Nó thể hiện một tấm lòng luôn hướng đến tha nhân.
“Càng đạt được nhiều lợi lạc từ những sự thực hành này bao nhiêu, tôi càng tôn trọng và kính ngưỡng Đức Phật sâu sắc bấy nhiêu. Là Phật tử, chúng ta phải nhớ về Đức Phật mỗi ngày; và mỗi buổi sáng, tôi đều niệm câu này để tán thán Ngài:
"Bất cứ điều gì phụ thuộc vào hoàn cảnh đều là Tánh Không.”
Giáo lý này không thấy trong các tác phẩm của những người khác,
Thế nên danh hiệu Bậc Đạo Sư là chỉ của riêng Ngài.
Đối với người khác, đó chỉ là sự tâng bốc rỗng toang dối trá;
Của một con cáo được ngợi ca như là con sư tử ấy mà!". 7
“Khi chúng ta nói về những giáo lý đã được trao truyền xuống cho chúng ta từ Đức Phật, chúng ta có thể nói rằng giáo lý ấy có Truyền thống Pali và Truyền thống tiếng Phạn, truyền thống tiếng Phạn phần lớn là ngụ ý Truyền thống Nalanda. Truyền thống Pali thì sẽ được trình bày rõ ở đây ngày hôm nay.
“Trong những lời dạy của Đức Phật, có nhiều quan điểm triết học khác nhau. Ban đầu có mười tám trường phái tư tưởng. Cuối cùng chúng ta đã nói đến bốn trường phái chính, Phân biệt thuyết bộ, Kinh lượng bộ, Duy thức tông và Trung quán tông.
“Sự đa dạng này có ý nghĩa bởi vì Đức Phật không đưa ra một lời dạy nào cho tất cả mọi người, và Ngài đã khuyến khích các tín đồ của mình nên xem xét những gì Ngài đã dạy:
"Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!"
“Vì Đức Phật cho chúng ta tự do xem xét và hiểu biết bối cảnh giảng dạy của Ngài liên quan đến sự hiểu biết của chúng ta, nên một loạt quan điểm đã xuất hiện. Cuối cùng thì sự kiểm tra này đã dẫn đến một số giáo lý được chấp nhận là đúng theo nghĩa đen và được xếp vào loại giáo lý có ý nghĩa xác định rõ ràng tối hậu; những loại khác được xem là cần phải diễn giải và được phân loại là tạm thời.
“Đức Phật dạy để chúng ta hiểu được bản chất của thực tế như nó vốn là. Điều này đòi hỏi chúng ta phải vận dụng trí óc để có thể hiểu được những gì Ngài nói. Mọi tuyên bố của Đức Phật đều có thể được phân tích; có thể được xem xét dưới ánh sáng của lý trí. Phân tích như vậy làm nảy sinh một đức tin phong phú dựa trên nền tảng của lý trí."
Đức Ngài đã nói về cuộc sống của chúng ta trong một thế giới mà ở đó có nhiều truyền thống tâm linh. Ngài gợi ý rằng những người tu hành cần có khả năng nhận biết với những Pháp hữu đồng tu thuộc các truyền thống khác bằng cách nhận ra điểm chung của họ - đạo đức, tránh làm tổn hại, nuôi dưỡng trái tim ấm áp và từ bi. Cùng với sự kiên nhẫn và sự tha thứ, đây là những giá trị phổ quát.
Ngài lưu ý rằng mình là một người rất ngưỡng mộ di sản Ấn Độ có thể cho phép nhiều truyền thống tâm linh - chẳng hạn như Phật giáo, một số giáo phái Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo và đạo Sikh - cùng nhau phát triển. Một thành phần quan trọng khác của di sản Ấn Độ mà Đức Ngài ngưỡng mộ là ‘ahimsa’ - bất bạo động hoặc không gây tổn hại, xuất thân từ việc tu luyện ‘karuna’ hay lòng từ bi.
Đức Ngài đã trích dẫn những bài Kệ từ cuối chương thứ sáu của cuốn ‘Nhập Trung quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng:
Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt."
"Dù tâm Ngài có thể an trú triền miên trong cảnh giới tịch diệt;
Ngài vẫn khởi Bi Tâm đối với chúng sanh không được chở che;
Như chúa tể loài Thiên nga với đôi cánh trắng rộng dang của từ bi và trí tuệ
Bồ tát đã vút bay đến bến bờ bên kia xa thẳm tuyệt vời!
Ngài nhận xét rằng Ngài thấy việc trình bày khát vọng giác ngộ của Ngài Nguyệt Xứng có ý nghĩa rất sâu sắc.
Ngài ca ngợi tầm quan trọng của việc không coi những gì mình đã học chỉ là kiến thức đơn thuần. Quý vị phải triển khai thực hiện nó và kết hợp nó vào cuộc sống của chính mình. Điều này cho phép chúng ta trải nghiệm được hương vị thực sự của giáo pháp. Và chính trên cơ sở này, quý vị sẽ thấy được sự thay đổi trong tâm thức của chính mình.
Đức Ngài nhận xét rằng vì rất nhiều thành viên của Tăng đoàn có mặt hôm nay đều đã quen thuộc với Kinh Đại Niệm Xứ, cho nên có thể không cần phải đi vào chi tiết. Ngài lưu ý rằng bốn nền tảng của chánh niệm đóng một vai trò quan trọng trong số Ba mươi bảy Phẩm trợ Đạo cùng với Tứ Chánh cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo. Ngài đề nghị xem một bản văn tuyệt vời như thế này từ quan điểm của kinh nghiệm của riêng quý vị. Ngài nói rằng mình không muốn xem nó một cách riêng biệt, mà phải xem trong bối cảnh rộng thoáng hơn; trong trường hợp này của Ba mươi bảy phẩm Trợ Đạo, liên quan đến việc xem xét toàn bộ bản đồ của con đường đưa đến giác ngộ.
Ngài đề cập đến thực tế rằng, thực hành Pháp bao gồm việc học hỏi, đòi hỏi phải nghiên cứu, nghe và đọc. Cấp độ thứ hai bao gồm việc phải phát triển những gì mà mình đã học được trong quá trình suy ngẫm, xác quyết sự hiểu biết của mình thông qua sự thiền định nghiêm túc. Thứ ba, là nội tâm hóa bất cứ điều gì mà mình đã hiểu và phát triển trong quá trình thiền định. Đức Ngài nói, lý tưởng nhất là quý vị đừng tham gia vào các quá trình này một cách riêng lẻ hoặc nối tiếp nhau, mà hãy áp dụng chúng cùng với nhau. Khi quý vị có thể làm được điều này, thì việc thực hành Pháp sẽ không phải là điều gì đó bên ngoài đối với quý vị, mà nó sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tâm thức của chính quý vị. Nó có nghĩa là quý vị thực sự chắc chắn được về những gì mà mình đã học được.
Đức Ngài nhận xét, một dấu hiệu về sự thành công của việc thực hành của quý vị được phản ánh trong sự phản ứng cảm xúc của quý vị đối với những thuật ngữ như sự Duyên khởi - pratityasamutpada. Nếu không có một chiều sâu thực hành, thì những thuật ngữ này sẽ chỉ là những từ ngữ. Đối với những người đã tham gia vào sự thực hành với cường độ cao, thì những thuật ngữ then chốt này sẽ mang lại ý nghĩa rất sâu sắc.
Đức Ngài đã trích dẫn một số bài Kệ trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên mà Ngài xem là có năng lượng rất mạnh và là điều mà Ngài cố gắng thực hiện trong cuộc sống của chính mình.
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?" 30/7
Đức Ngài cũng đã đề cập đến việc xem xét tư tưởng “tôi là”. Ngài tuyên bố rằng việc chấp thủ vào cái “tôi” chính là nền tảng cho nhiều cảm xúc tiêu cực dẫn đến sự “tự cao” và “chấp trước”. Tuy nhiên, Ngài thừa nhận rằng khái niệm "Tôi" có thể được sử dụng một cách tích cực. Ngài đưa ra ví dụ về phương pháp phân tích bảy lần của Ngài Nguyệt Xứng, trong đó Ngài hỏi liệu cái “tôi” có đồng nhất với các uẩn tâm lý - vật lý hay không; liệu cái “tôi” có khác biệt với các uẩn hay không; liệu nó có nằm trong các uẩn hay không; các uẩn có trong cái “tôi” hay không; liệu cái “tôi” có phải là cấu hình của các uẩn hay không; liệu nó có trong sự tập hợp của các uẩn hay không, v.v.
Việc tuân theo một quá trình như vậy dẫn đến việc khám phá ra rằng một cái “tôi” độc lập là không thể xác định được, vì vậy không có cơ sở cho sự tham luyến mạnh mẽ mà do cái “tôi” sinh ra.
Đức Ngài nêu rõ: điểm quan trọng là những lời dạy của Đức Phật không được coi là điều gì đó từ phía bên ngoài đối với chúng ta, mà đó chính là sự đóng góp vào kinh nghiệm của chúng ta. Đây là lý do tại sao Giáo Pháp của Ngài luôn thích hợp; và tại sao việc áp dụng Giáo Pháp ấy có thể mang lại sự chuyển hoá thực sự.
Khi trả lời một số câu hỏi từ phía khán trực tuyến, Đức Ngài lưu ý rằng, khi hầu hết mọi người gặp phải khó khăn, họ luôn có xu hướng cố gắng đổ lỗi cho người khác. Giáo Lý về Chánh niệm và Tứ Diệu Đế cho phép chúng ta nhìn thấy được những nguyên nhân từ một quan điểm rộng lớn hơn. Đức Phật dạy rằng đau khổ và hạnh phúc là kết quả của chính trạng thái tâm thức của chúng ta. Đạt được trạng thái tâm thức bình yên hơn sẽ củng cố được khả năng thích ứng phục hồi của chúng ta.
Nội dung lời dạy về Tứ Diệu Đế cho phép chúng ta đánh giá cao mức độ phức tạp của tình huống mà chúng ta gặp phải. Điều đó có nghĩa là chúng ta không nhất thiết phải có sự phản ứng tiêu cực.
Ngài nhắc lại: “Điều tuyệt vời về sự trình bày của Đức Phật về Tứ Diệu Đế chính là - mặc dù nó bắt đầu bằng đau khổ, nhưng đó không phải là lý do để trở nên mất tinh thần; bởi vì Diệu Đế thứ ba (Diệt Đế) liên quan đến sự chấm dứt khổ đau và dẫn dắt chúng ta tìm kiếm con đường (chấm dứt khổ đau).”
Đức Ngài thừa nhận rằng Kinh Đại Niệm Xứ có thể phù hợp với con người ngày nay vì nó chứa đựng sự tóm tắt về Đạo Lộ của Đức Phật. Tứ Diệu Đế đã cung cấp một khuôn khổ rất mạnh mẽ. Đau khổ (khổ đế) và nguyên nhân của nó (tập đế), cũng như sự chấm dứt thực sự (diệt đế), con đường thực sự (đạo đế), là hai tập hợp của nguyên nhân và kết quả.
Một người hỏi đã đề cập đến phong tục tụng Kinh Đại Niệm Xứ trong đám tang và hỏi liệu điều đó có ích lợi gì không. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với Vị ấy rằng, có khả năng người đã khuất sẽ nghe thấy được điều đó ở trạng thái “trung ấm”, điều này có thể mang lại lợi ích cho họ. Ngoài ra, việc tụng kinh có thể giúp cho gia đình tang quyến tìm thấy được sự bình an. Đức Ngài đã mô tả ý thức con người và cơ thể là hai luồng tồn tại khác nhau. Khi chết, tuy cơ thể không còn, nhưng ý thức vẫn tồn tại. Ngài so sánh trạng thái “trung ấm” với cơ thể trong mơ; và tiếp tục thảo luận về giấc mơ Du già và giấc mơ sáng suốt.
Đức Ngài xác nhận rằng, bốn nền tảng của chánh niệm, bao gồm chánh niệm về hơi thở, giúp hành giả tăng cường khả năng làm chủ tâm thức của mình. Ngài đã vạch ra các cấp độ khác nhau của ý thức được giải thích trong truyền thống Kim Cương thừa, bao gồm ý thức về trạng thái thức, ngủ, mơ, ngủ sâu, và sự sáng suốt và nhận thức biểu hiện vào lúc chết.
Chánh niệm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc một Tăng Sĩ có thể bảo vệ và giữ gìn giới luật của mình. Ý thức được một cách có ý thức về việc đi, đứng, ngồi và nằm cũng như lúc ngủ, thức, ăn, v.v. đều ảnh hưởng đến hành vi hàng ngày của Vị ấy. Đức Ngài đã đề cập rằng, ngoài sự chánh niệm ra - thì siêu nhận thức, hoặc hiểu biết rõ ràng, còn cho phép một hành giả theo dõi chặt chẽ hành vi và suy nghĩ của mình. Bối cảnh như thế giúp làm rõ lý do tại sao các giới luật thiền môn được giải thích chi tiết đến như vậy.
Vị điều hành chương trình đã thông báo kết thúc sự kiện hôm nay và bày tỏ mong muốn rằng tất cả chúng sinh đều được khỏe mạnh và hạnh phúc. Khán giả trực tuyến đều đáp lại theo truyền thống, “Sadhu, sadhu, sadhu”, có thể được hiểu là “Lành thay! Tuyệt thay! Cát Tường thay!”.