Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là khách mời trực tuyến của Viện Quản lý Thảm họa Quốc gia, Ấn Độ, vào sáng nay và được chào đón bởi Vị Giám đốc Điều hành - Thiếu tướng Manoj Kumar Bindal. Ông đã kính thỉnh Đức Ngài thuyết trình về Lòng từ bi và Tình yêu thương trong bối cảnh của quản lý thiên tai.
Đức Ngài bắt đầu, “Trước tiên, tôi muốn chào ‘Namaste’ theo cách của người Ấn Độ; và kế đến là ‘Tashi Delek’, như cách chúng tôi chào bằng tiếng Tây Tạng.
“Ấn Độ và Tây Tạng có mối quan hệ đặc biệt khá tuyệt vời. Vào thế kỷ thứ bảy, Hoàng đế Tây Tạng đã có quan hệ mật thiết với hoàng gia Trung Quốc, đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc, và chúng ta có thể tưởng tượng là Hoàng Đế đã thưởng thức món ăn Trung Quốc và những thứ khác. Tuy nhiên, khi xem xét đến cách định hình một dạng chữ viết cho Tây Tạng, Đức Vua đã không muốn theo truyền thống Trung Quốc - và thay vào đó, ông đã chọn thiết kế một bảng chữ cái Tây Tạng theo mô hình chữ viết Devanagari của Ấn Độ.
“Chúng tôi đã hướng về Ấn Độ một cách truyền thống, không chỉ vì đó là Mảnh đất Thiêng liêng mà còn là nguồn tri thức của chúng tôi. Đức Phật là một người Ấn Độ, Ngài đã thuyết giảng ở Ấn Độ. Có Truyền thống Pali, được thực hành chủ yếu ở Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, v.v., và có Truyền thống Phạn ngữ. Vào thế kỷ thứ tám, Hoàng đế Tây Tạng đã thỉnh Vị học giả lỗi lạc của Đại học Nalanda - Ngài Tịch Hộ - đến Tây Tạng. Thừa nhận rằng người Tây Tạng có ngôn ngữ viết riêng của họ, cho nên Ngài Tịch Hộ đã khuyến khích người Tây Tạng dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng. Kết quả là bao gồm 100 tập Kangyur - lời dạy của Đức Phật (Kinh tạng); và hơn 200 tập Tengyur (Luận tạng) của các bậc Đạo sư tiếp theo sau đó, chủ yếu là người Ấn Độ, chẳng hạn như Ngài Long Thọ và Ngài Vô Trước.
“Những người theo Truyền thống Phạn ngữ đã khắc cốt ghi tâm lời khuyên của Đức Phật là không nên chấp nhận những lời dạy của Ngài qua giá trị bề mặt bên ngoài mà hãy đặt câu hỏi và nghiên cứu khảo sát về những điều ấy. ‘Tập Lượng Luận’ của Ngài Pháp Xứng và ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng là những luận thuyết chính của Truyền thống Nalanda về ánh sáng mà họ đưa ra dựa trên logic và quan điểm của Trung Quán. Tôi luôn đặt cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng, cũng như cuốn luận giải của Ngài về tác phẩm ấy trên bàn của tôi và tôi đọc mỗi ngày.
“Khi còn bé, tôi là một học trò bất đắc dĩ, nhưng tôi đã học thuộc lòng các phần của những bản văn này hàng ngày và tụng lại những gì mà tôi đã học để trả bài cho Vị Giáo Thọ của mình.
“Bởi vì sự đào tạo của chúng tôi dựa trên logic và lý luận cho nên chúng tôi đã có thể tổ chức các cuộc trò chuyện hữu ích với các nhà khoa học. Trong số các chủ đề mà chúng tôi đã thảo luận có liên quan đến cách hoạt động của tâm thức và cách chuyển hoá những cảm xúc tiêu cực. Tôi tự hào về việc có thể kết hợp nền triết lý Phật giáo với quan điểm khoa học. Tôi thích suy nghĩ giống như người bạn của tôi - Francisco Varela - một nhà khoa học cũng có sự quan tâm sâu sắc đến Phật giáo. Ông ấy đã nói, “Bây giờ, tôi đang đội chiếc mũ Phật giáo của tôi; hoặc nói: “bây giờ, tôi đang đội chiếc mũ của nhà khoa học của tôi", tuỳ theo quan điểm mà ông ta đang biện hộ. Đã đến lúc chúng ta nên kết hợp nền giáo dục hiện đại với kiến thức cổ đại của Ấn Độ, trên cơ sở đó chúng ta có thể có sự đóng góp đáng kể vào kiến thức của hành tinh này.
“Đối với vấn đề quản lý thiên tai, hành động của chúng ta có tích cực hay không - đều phụ thuộc vào động cơ của chúng ta. Yếu tố quan trọng là ta có một thái độ từ bi hay không. Ấn Độ có truyền thống lâu đời về ‘ahimsa’ - bất bạo động; và ‘karuna’ - lòng từ bi. Vấn đề quan trọng là liệu chúng có thể được kết hợp với một quan điểm hiện đại hay không.
“Trước đây, Mahatma Gandhi đã cho thấy được cách ‘ahimsa’ - bất bạo động có thể được áp dụng trong thực tế như thế nào. Những thành tựu của ông đã được các nhân vật như Nelson Mandela và Bishop Tutu ở Nam Phi và Martin Luther King ở Mỹ ngưỡng mộ và noi theo. Không gây tổn hại và bất bạo động không chỉ đúng về mặt đạo đức mà còn phù hợp về mặt thực tế.”
Đức Ngài nhận xét rằng, Ngài đã trải qua hầu hết cuộc đời mình ở Ấn Độ; và bộ não của Ngài chứa đầy kiến thức của Ấn Độ. Ngài tuyên bố rằng Ngài là một người tị nạn, nhưng Pandit Nehru đã dành cho Ngài một quê hương, đầu tiên là ở Mussoorie và sau đó là ở Dharamsala. Ngài nhận xét rằng khi lần đầu tiên chuyển từ Mussoorie đến Dharamsala, Ngài cảm thấy như mình đang rời khỏi một vị trí có sự kết nối rất tốt để đi đến một nơi xa xôi hẻo lánh, thế nhưng Vị Viên chức Chính trị đi cùng với Ngài - Ông Pt Pant - đã dự đoán rằng Dharamsala là nơi mà thông điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ lan toả đến được với cả thế giới.
“Lúc đó tôi nghĩ rằng cậu ta đã phóng đại, nhưng có thể cậu ấy đã đúng. Dù sao thì tôi cũng rất vui khi có thể chia sẻ những gì tôi hiểu biết về kiến thức cổ đại của Ấn Độ để có thể góp phần tạo ra một thế giới hòa bình hơn bằng cách giúp mọi người khám phá ra sự bình yên trong tâm hồn của mình. Vì mọi người đều muốn sống trong hòa bình, cho nên chúng ta phải hiểu rằng chiến tranh, giết chóc và tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ cho vũ khí là những điều đã lỗi thời. Chúng ta phải chuyển hoá thế giới dựa trên nền tảng của lý trí và giáo dục”.
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Đức Ngài đã nhấn mạnh rằng, vì thực hành tôn giáo là một phương tiện để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn, và vì trọng tâm của tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về lòng từ bi, cho nên tất cả các truyền thống tôn giáo đều đáng được tôn trọng. Ngài lưu ý rằng, bởi vì tất cả chúng sinh đều mong muốn được hạnh phúc và mọi người đều có quyền được hạnh phúc và không bị đau khổ, thế nên ‘karuna’ hay lòng từ bi cũng có liên quan đến vấn đề dân chủ.
Về cách mà con người liên quan đến công nghệ và môi trường, Đức Ngài khuyên rằng chúng ta luôn cần phải nhìn mọi thứ từ một góc độ tổng thể bao quát rộng rãi. Chúng ta không nên quên rằng công nghệ là để phục vụ cho nhân loại và chúng ta phải cảnh giác để bảo vệ môi trường.
Một nhà khoa học nói về việc phải đối mặt với sự bất công và sỉ nhục không thể chấp nhận được - muốn tìm cách đáp lại thái độ hãm hại ấy với lòng từ bi. Đức Ngài nói với cậu ta rằng; để có được sự hạnh phúc, ta cần phải không làm tổn hại người - ‘ahimsa’, và đối xử với mọi người bằng lòng từ bi - ‘karuna’. Ngài đề cập đến tầm quan trọng của việc nhận ra rằng cốt lõi của việc thực hành tôn giáo không giống như một chính sách chính trị gây chia rẽ. Bản chất của nó là lòng từ bi, trong ánh sáng của từ bi không có nền tảng cho sự phân biệt đối xử hay xung đột với người khác. Ngài nói thêm, nhìn chung, Ấn Độ là một tấm gương điển hình của tất cả các tôn giáo cùng chung sống với nhau một cách hòa bình.
Nhận xét rằng các hệ thống giáo dục hiện đại ít chú ý đến những phương pháp để phát triển sự an lạc nội tâm, Đức Ngài khuyến nghị nên thực hiện các bước để thúc đẩy ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi).
Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều cảm kích tình cảm yêu thương của mẹ lúc chúng ta còn bé, nhưng khi ta lớn lên, lòng yêu thương và tình cảm ấy dường như ít phù hợp hơn. Tuy nhiên, việc thực hành lòng từ bi là để trở thành một con người an lạc ngay tại đây và bây giờ. Một khía cạnh của ‘karuna’ hay lòng từ bi là nhận ra rằng những người khác cũng giống như mình. Là động vật xã hội, chúng ta có xu hướng tự nhiên là giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi thực sự ngưỡng mộ những người và các tổ chức đã tham gia giúp đỡ cho những người bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
“Đại dịch Covid-19 cũng đã mang lại nhiều cơ hội để ta giúp đỡ những người đã ngã bệnh hoặc đang bị đau buồn về những người thân yêu của họ đã mất đi. Nhìn thấy người khác gặp khó khăn không phải là lý do để chúng ta cảm thấy mất tinh thần, mà nó sẽ giúp cho lòng từ bi của chúng ta trở nên kiên cố và mạnh mẽ hơn”.
Đức Ngài nhận xét rằng, trước đây các nhà khoa học không chú ý nhiều đến vai trò của sự an lạc nội tâm. Điều này đã thay đổi, và tầm quan trọng của việc đạt được sự an lạc nội tâm trong việc trau dồi sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng được hiểu rõ hơn. Tác động xáo trộn của những cảm xúc phiền não như sân giận và sợ hãi, và cách mà những phiền não này làm phát sinh sự lo lắng, cũng được đánh giá rõ ràng hơn. Tương tự như vậy, ngày càng có nhiều sự công nhận rằng lòng từ bi mang lại sự kiên nhẫn và cách tiếp cận vấn đề thực tế hơn. Đức Ngài đã trích dẫn lời khuyên của Ngài Tịch Thiên để kiểm tra xem liệu khó khăn có thể vượt qua được hay không. Nếu có thể, thì ta cần bắt tay vào để thực hiện ngay; nếu không thể khắc phục được thì cho dù chúng ta có lo lắng về những khó khăn ấy thì cũng sẽ không cải thiện được tình hình.
Đức Ngài nhớ lại: “Tôi đã bị mất đi Tổ quốc của mình, mất đi sự tự do của mình, và phải chứng kiến quá nhiều sự tàn phá; nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng Phương pháp Trung đạo của tôi - tìm kiếm quyền tự trị thực sự, cho phép chúng tôi bảo tồn văn hóa của mình - là một lựa chọn thực tế. Hơn nữa, ngày càng có nhiều anh chị em Trung Quốc quan tâm đến Phật giáo và có thể học hỏi từ truyền thống của chúng tôi."
Khi được hỏi về cách mà chúng ta có thể kết nối lại với thiên nhiên và cứu lấy hành tinh, trước tiên Đức Ngài tuyên bố rằng, tất cả bảy tỷ con người về cơ bản giống nhau ở chỗ là đều trải nghiệm những cảm xúc như nhau và tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc. Đây là cơ sở mà Ngài nói về tính đồng nhất của nhân loại. Tạo dựng một môi trường trong lành không chỉ là vấn đề bảo vệ đất nước hay lục địa của chúng ta, mà còn là bảo vệ cả hành tinh này và đảm bảo cuộc sống an toàn và hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.
Thiếu tướng Bindal đã tóm tắt cuộc trò chuyện và cảm ơn Đức Ngài đã nêu bật bốn điểm - bản chất của tất cả các truyền thống tôn giáo là ‘karuna’ và ‘ahimsa’; rằng nền giáo dục đã cung cấp cho chúng ta những phương tiện để phát triển lòng từ bi và đạt được sự bình yên trong tâm hồn; rằng chúng ta cần xem xét các phương pháp để kết hợp kiến thức Ấn Độ cổ đại với nền giáo dục hiện đại; và cuối cùng là chúng ta cần nhận thức được tính đồng nhất của nhân loại.
Giáo sư Santosh Kumar cũng cảm ơn Đức Ngài đã phân tích chi tiết về tình yêu thương và lòng từ bi, sự đồng cảm và niềm hoan hỷ; cũng như xác nhận vai trò thiết yếu của lòng từ bi, không chỉ trong việc quản lý thiên tai, mà ngay cả trong các mối quan hệ thông thường giữa con người với nhau.
Đức Ngài trả lời: “Tôi rất vui khi có cơ hội được nói chuyện với quý vị về ‘karuna’ và ‘ahimsa’ là những yếu tố quan trọng trong truyền thống Ấn Độ cổ đại của chính quý vị. Thế giới nói chung - cần phải nhận thức được những phẩm chất này. Chia sẻ những ý tưởng này trên cơ sở thế tục với càng nhiều người càng tốt sẽ mang lại lợi ích to lớn. Xin cảm ơn quý vị!”