Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Bà Natalia Inozemtseva - Phó Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Tây Tạng, Nga - đã giới thiệu cuộc đối thoại sáng nay giữa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và một nhóm các nhà khoa học thần kinh Nga. Cô nhớ lại rằng lần đầu tiên trong chuỗi các cuộc gặp gỡ này đã diễn ra ở Delhi vào năm 2017 với biểu ngữ 'Kiến thức Cơ bản'. Một cuộc gặp gỡ sau đó đã được tổ chức tại Dharamsala vào năm 2018. Và kết quả là, các nhà khoa học Nga đã khởi động một dự án nghiên cứu về ‘thukdam’ - một hiện tượng thỉnh thoảng xảy ra khi một thiền giả thành tựu qua đời và tâm thức vi tế của họ vẫn còn lưu lại trong thân xác, ngay cả sau khi đã chết lâm sàng.
Giáo sư Svyatoslav Medvedev của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và là người sáng lập Viện Não Người, St Petersburg đã tóm tắt về những gì mà nhóm của ông đã làm được cho đến nay. Họ đã thành lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu tại các khu định cư của người Tây Tạng ở Bylakuppe và Mundgod. Họ đã kiểm tra 104 Tăng Sĩ đang thiền định; và gần đây có thể quan sát một Vị Tăng đã trụ trong trạng thái ‘thukdam’ trong 37 ngày tại Tu viện Gyutö. Họ đã mời một bác sĩ pháp y để kiểm tra cơ thể vật lý ở trong các giai đoạn khác nhau sau khi Vị này đã viên tịch. Họ đã chứng minh rằng thân xác của một người trong ‘thukdam’ ở vào trạng thái hoàn toàn khác so với thân xác của một người đang trải qua quá trình chết thông thường. Đây là bằng chứng khoa học đầu tiên của họ.
Giáo sư Medvedev đã mời Đức Ngài nêu rõ giá trị mà việc nghiên cứu về ‘thukdam’ có thể cống hiến cho nhân loại nói chung. Ngài trả lời rằng, Phật tử Tây Tạng tin rằng con người trải qua một tiến trình tan biến trong quá trình chết. Khi một số thiền giả thành tựu ngừng thở, quá trình tan biến mà họ trải qua bao gồm ba thị kiến - xuất hiện trắng, gia tăng đỏ và cận đạt đen. Trong quá trình của ba giai đoạn này, 80 khái niệm khác nhau tan biến - 33 khái niệm trong giai đoạn nhìn thấy hình dạng màu trắng, 40 khái niệm trong giai đoạn tăng lên màu đỏ và cuối cùng là bảy khái niệm trong giai đoạn cận đạt đen.
Ngài nói “Chúng ta cần thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa, và điều tra thêm các trường hợp ‘thukdam’ để xác định xem liệu các thị kiến có liên quan đến việc tan biến các yếu tố thô hơn không. Vì người ta quan sát thấy rằng thân xác của một người trải qua quá trình này có thể vẫn còn ấm, có thể là sự hòa tan của các yếu tố đất, nước và lửa không trùng hợp với ba thị kiến.
“Khi một người bình thường chết đi, có một sự tan biến của các nguyên tố. Phật tử tin rằng, chúng sinh trải qua các kiếp sống quá khứ và tương lai, vì vậy điều này cũng có một số ảnh hưởng. Vị Giáo Thọ Trưởng Thượng của tôi - Ling Rinpoché - đã trụ lại trong trạng thái ‘thukdam’ trong 13 ngày. Gần đây, một Vị Tăng tại Tu viện Gyutö đã trụ lại trạng thái này trong 37 ngày. Đây là một thực tế có thể quan sát được, điều mà chúng ta cần có thể giải thích.
“Có chứng cứ để quan sát và đo lường. Chúng ta cũng có thể tìm thấy lời giải thích chi tiết về trải nghiệm chủ quan bên trong của quá trình chết trong các bản văn Bí Mật Tập Hội (Guhyasamaja Tantra). Tôi hy vọng các nhà khoa học có thể tính đến tất cả những điều này và đưa ra lời giải thích”.
Giáo sư Alexander Kaplan - Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lý học Thần kinh và Giao diện Thần kinh-Máy tính, Đại học Tổng hợp Moscow (MSU), đã hỏi về những ý tưởng Phật giáo nào có thể giúp các nhà khoa học phương Tây hiểu được sự hoạt động của não bộ? Ngài nói với ông rằng, trong quá khứ, khoa học hiện đại phát triển ở phương Tây đã có xu hướng tập trung vào các hiện tượng bên ngoài - những thứ có thể nhìn thấy được và đo lường được.
“Dần dần mọi người đã bắt đầu nhận ra rằng, sự bình yên trong tâm hồn có một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Do đó, các nhà khoa học cũng bắt đầu quan tâm đến việc làm thế nào để phát triển sự an lạc nội tâm. Những phiền não về tinh thần như giận dữ, sợ hãi và thất vọng đã làm giảm đi sức khỏe tốt của chúng ta, vì vậy, đừng bận tâm về kiếp sau hoặc việc đạt được sự giác ngộ của chúng ta, mà tất cả bảy tỷ con người đang sống hôm nay đang cần được sự an lạc nội tâm ở tại đây và ngay bây giờ.
“Để đạt được và duy trì sự an lạc nội tâm, chúng ta cần hiểu được cách hoạt động của tâm thức và toàn bộ hệ thống cảm xúc. Phật giáo nêu lên 51 Tâm sở được phân chia thành sáu loại: 5 Biến hành tâm sở (năm loại tâm pháp lúc nào cũng hiện hành xuất phát cùng với một tâm vương); 5 Biệt cảnh tâm sở (năm loại tâm pháp xác định ngoại cảnh); 11 Thiện tâm sở; 6 Căn bản phiền não tâm sở; 20 Tuỳ phiền não tâm sở; 4 Bất định tâm sở (bất định bởi vì các tâm sở này thay đổi giá trị tuỳ theo tâm vương). Trên cơ sở hiểu biết những điều này, chúng ta có thể học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực khi chúng nảy sinh, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Sự an lạc nội tâm nằm trong tầm tay của chúng ta”.
Konstantin Anokhin - Giám đốc Viện Nghiên cứu Não bộ Cao cấp, MSU, muốn biết về bằng chứng cho sự tồn tại của tiền kiếp. Đức Ngài nói với ông rằng, Ngài đã nghe nói về các trường hợp của những trẻ em thuộc các cộng đồng không tin tưởng vào tiền kiếp và hậu kiếp, các cháu bé này mô tả lại những ký ức về tiền kiếp một cách rõ ràng. Trong số những người Ấn Độ và Tây Tạng, những người thừa nhận ý tưởng về kiếp trước và kiếp sau, thì việc các cháu bé có những hồi ức như vậy không phải là điều bất thường.
“Có một cậu bé sinh ra ở Tây Tạng, ngay khi vừa có thể biết nói, cậu đã khăng khăng nói với cha mẹ rằng “Đây không phải là nơi con thuộc về, con muốn đến Ấn Độ". Họ đưa cậu bé đến Dharamsala ở Ấn Độ. Nhưng ngay cả ở đây, cháu bé đã nói, "Đây không phải là chỗ của con”. Vì vậy, họ đưa cháu đến Khu định cư Tây Tạng Mundgod ở Nam Ấn Độ. Khi họ đến Tu viện Ganden, cháu bé nói với họ, 'Đây là nơi mà con đã thuộc về' và dẫn họ đến một trong những ngôi nhà ở đó. Họ vào bên trong ngôi nhà và cháu bé đã chỉ vào một ngăn kéo, và nói, “Những cặp mắt kính của con nằm ở trong đó đấy!”. Họ nhìn vào đó và quả thật là có những đôi mắt kính ở trong đó.
“Trong trường hợp của riêng tôi, khi còn bé, tôi đã nhận ra các Vị Tăng trong nhóm tìm kiếm sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi đã có thể nhớ tên của họ. Một trong những thủ tục chính được sử dụng khi tìm kiếm để công nhận sự tái sinh của một Lạt ma là cho ứng viên xem một số vật dụng sở hữu của họ. Nếu một đứa trẻ có thể nhận ra và chọn những món đồ đã từng ‘thuộc về chúng trước đây’, thì đó được coi là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, những ký ức này sẽ mờ dần đi khi các cháu trưởng thành.
“Một điều khác có thể được coi là quan trọng là, một số trẻ em có thể học hành và việc học dễ dàng hơn nhiều so với những trẻ khác. Điều này được hiểu là họ đã quen thuộc với những tài liệu từ các sự nghiên cứu của họ trong kiếp trước. Trong trường hợp của tôi, tôi đã học một cách dễ dàng, đó có thể là một dấu hiệu của việc ôn lại những gì tôi đã học trước đây.”
Yulia Boitsova - nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Hình ảnh Thần kinh, Viện Não Người, St.Petersburg, đã hỏi liệu có những dấu hiệu bên ngoài nào cho thấy rằng một hành giả đã nhập vào trạng thái thiền định sâu. Trước tiên, Đức Ngài lưu ý rằng có thể phân biệt hai phương thức thiền định khác nhau. Thiền nhất tâm (thiền chỉ) tăng cường khả năng tinh thần và tập trung vào tâm thức thường bị phân tán. Đây là một sự thực hành phổ biến. Ngoài ra, còn có thiền phân tích (thiền quán) để tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc.
Thiền Nhất tâm còn được gọi là an trụ tĩnh lặng. Tâm trí trở nên thư thái và hệ quả là nhịp tim giảm. Người hành thiền được thư giãn về mặt thể chất, điều này góp phần mang lại sức khỏe tốt cho họ.
Tiến Sĩ Ngawang Norbu của Tu viện Sera Jé, nơi Tiến Sĩ là Giám sát của Trung tâm Khoa học Nga, đã hỏi Đức Ngài rằng liệu có một phương pháp thực hành thiền định cụ thể nào mang lại kết quả tương tự bất kể sự chứng ngộ tâm linh của cá nhân hay không. Ngài trả lời rằng, nhìn chung các cuộc nghiên cứu về những quan sát bên ngoài của thiền chỉ và thiền quán thì sẽ không khác nhau nhiều lắm. Tuy nhiên, sự tinh tế của đối tượng thiền định - chẳng hạn như về tính không - thì có thể khác.
Lev Yakovlev, một sinh viên đại học của Giáo sư Alexander Kaplan, đã hỏi rằng liệu có thể trải nghiệm được bất cứ điều gì giống như ánh quang minh trong cuộc sống bình thường hay không. Trước tiên, Ngài làm rõ rằng, việc gắn các điện cực vào đầu và cơ thể của hành giả để đo những thay đổi tinh tế trong não hoặc sinh lý học sẽ không gây ra vấn đề gì.
Ngài tiếp tục giải thích rằng, một số học giả nói rằng sự tan biến của 80 khái niệm được diễn ra tiếp theo sau bởi ba thị kiến - xuất hiện trắng, gia tăng đỏ và cận đạt đen. Những người khác thì cho rằng sự tan biến của chúng xảy ra đồng thời.
Ngài nhận xét, “Một cách để xác định các mức độ khác nhau của ý thức, là đặc biệt chú ý đến giấc ngủ của bạn, nhờ đó bạn có thể nhận ra ánh quang minh của giấc ngủ, đó là mức độ thô hơn của tâm quang minh.
“Có những người, khi họ chìm vào giấc ngủ, họ có thể tách cơ thể mơ ra khỏi cơ thể vật lý của họ. Có một câu chuyện ở Tây Tạng về một bà mẹ già nói với con trai của mình rằng bà sẽ ngủ trong vài ngày. Bà yêu cầu cậu con trai đừng quấy rầy bà trong thời gian đó, cơ thể trong mơ của bà đã rời khỏi hình dạng vật chất và đã du hành đó đây. Đây là một khả năng mà một số người có được do kinh nghiệm trong kiếp trước của họ. Khi tỉnh dậy, bà ấy có thể mô tả về những người và sự kiện mà bà ấy đã thấy trong cuộc du hành của mình mà trước đó bà ấy không thể biết trước được.
Lobsang Phuntsok, một Tăng Sĩ và là nhà nghiên cứu từ Tu viện Sera Jé, đã thỉnh cầu Ngài giải thích về sự khác biệt giữa những người thực sự nhập vào trạng thái ‘thukdam’ và những người khác mà ý thức của họ vẫn còn lưu lại do sự bám chấp. Ngài đồng ý rằng có thể ý thức của một số người không thể thoát ra được khi họ chết do họ tham luyến vào một thứ gì đó trong cuộc đời này. Tuy nhiên, một hành giả chân chính có thể nhập vào trạng thái ‘thukdam’ do hàng ngày họ đã quán tưởng quá trình tan biến như một phần của sự thực hành mật tông của họ. Điều này sẽ phù hợp với kiểu sống mà họ đã hướng tới.
Nikolai Syrov, một sinh viên đại học khác của Giáo sư Alexander Kaplan hỏi rằng liệu nhịp sống ngày nay khác xa so với thời cổ đại, có thể ảnh hưởng đến khả năng thiền định của chúng ta hay không. Đức Ngài cảm thấy rằng điều đó phụ thuộc nhiều vào người hành giả hơn là vào hoàn cảnh. Jetsun Mila đã sống như một người hành khất nghèo trong các hang động trống rỗng; và điều này đã làm tăng thêm sự thực hành của Ngài. Mặt khác, thầy của Ngài - Marpa Lotsawa - sống như một người chủ gia đình, nhưng vẫn có thể tu luyện pháp môn thiền định một cách lẫy lừng.
Chư Tăng có thể noi gương Jé Tsongkhapa về việc nghiên cứu các bản văn cổ điển, suy ngẫm về những gì mà mình đã học được và sau đó đạt được kinh nghiệm về nó qua sự thiền định. Ngài nêu lên tấm gương của Tongpön Rinpoché tại Drepung, người là thầy của Tehor Kyorpön Rinpoché, người đã lần lượt dạy dỗ Gyen Nyima và Khensur Pema Gyaltsen. Nhờ có quyết tâm và nội lực mạnh mẽ, Vị này đã có thể duy trì được sự thiền định sâu ngay cả khi đang sống trong một tu viện ồn ào, náo nhiệt.
Giáo sư Kaplan đã thỉnh cầu lời khuyên của Đức Ngài về việc sử dụng động vật cho các thí nghiệm khoa học. Đức Ngài thừa nhận rằng có thể tìm hiểu về mối quan hệ giữa tâm thức, não bộ và cơ thể khi sử dụng động vật. Điểm mấu chốt mà Ngài nhấn mạnh là động vật không phải đến để bị làm hại mà phải được đối xử từ bi. Những thí nghiệm như vậy nên là một phần của tầm nhìn rộng lớn để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Konstantin Anokhin đưa ra một câu hỏi khác về sự tái sinh. Đức Ngài nhận xét rằng đối với những người trong chúng ta, những người không có ký ức về họ, tiền kiếp là một hiện tượng ẩn chỉ được biện minh bằng lý luận. Nhưung đối với những người có ký ức, thì những ký ức ấy chính là một trải nghiệm.
Ngài giải thích, “Sự tái sinh có liên quan đến ý thức. Ý thức bao gồm một sự liên tục của những khoảnh khắc của ý thức. Bản chất của nó là sự rõ ràng và nhận thức. Tâm thức của tất cả các sinh vật có ý thức đều như thế. Nếu chúng ta thử cố gắng tìm kiếm sự khởi đầu của ý thức, chúng ta đi ngược lại nhu cầu nó phải phát sinh từ một nguyên nhân tương thích - đó chính là ý thức trước đó. Do đó, chúng tôi kết luận rằng ý thức không có sự bắt đầu bởi vì nguồn gốc của nó phải là một khoảnh khắc trước đó của ý thức.
“Mặc dù động vật có thể có nhận thức giác quan nhạy bén hơn, nhưng con người có trí thông minh nhạy bén hơn. Tuy nhiên, chính ý thức tinh thần mới là yếu tố quyết định đối với cả hai. Chúng ta nói về tiền kiếp trên cơ sở tính liên tục của ý thức. Ý thức vi tế nhất của chúng ta không có khởi đầu và không có kết thúc. Vì vậy, tâm thức cứ tiếp tục hết đời này sang đời khác cho đến khi thành tựu Phật quả”.
Ngài nói với Lobsang Phuntsok rằng yếu tố cơ bản tiềm năng để kết hợp khoa học Phật giáo với khoa học hiện đại là cả hai hệ thống đều dựa trên lý luận và logic. Khoa học đã được giới thiệu trong các Tu viện. Drepung Loseling có một phòng thí nghiệm khoa học và nghiên cứu. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học đã được đưa vào chương trình giảng dạy của Geshé (Tiến sĩ). Đồng thời, Chư Tăng ni Phật giáo đang giúp các nhà khoa học hiện đại hiểu rõ hơn về phương cách hoạt động của tâm thức.
Tiến Sĩ Geshé Lodoe Sangpo hỏi rằng liệu có những dấu hiệu thể chất đáng chú ý nào cho thấy trạng thái ‘thukdam’ đã diễn ra hay không. Ngài nói rằng Vị Giáo Thọ của Ngài - Kyabjé Ling Rinpoché - đã nói với Ngài về trường hợp một người có vẻ như ở trong trạng thái ‘thukdam’, nhưng thực tế là đã bị một linh hồn nhập vào. Những người như thế rất dễ bị đẩy ra.
Ngài làm rõ rằng, nói chung một người được cho là đã nhập vào trạng thái ‘thukdam' nên được biết đến như là người đã thực hiện một sự thực hành tâm linh tốt dựa trên ba nguyên tắc của Đạo lộ - quyết tâm xả ly, Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tính không của sự tồn tại cố hữu. Họ cần phải tu luyện một sự thực hành mật tông mãnh liệt liên quan đến sự quen thuộc nhất quán với ba thị kiến và đưa tam thân vào Đạo lộ.
Điều phối viên dự án - Telo Tulku Rinpoché - thay mặt toàn thể nhóm các nhà khoa học thần kinh và các Tăng Sĩ đồng thời cũng là nhà nghiên cứu người Nga từ các. Tu viện Sera Jé, Mé; Gaden Jangtsé, Shartsé; Drepung Gomang, Loseling, Tashi Lhunpo, Gyumé và Gyutö, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với những lời khuyên dạy và sự hỗ trợ của Ngài. Rinpoché nói rằng ông rất vinh dự được tiếp tục phụng sự cho Ngài với tư cách là Đại diện của Ngài tại Nga, Mông Cổ và các quốc gia SNG.
Rinpoche cầu nguyện cho Ngài luôn dược Pháp thể khinh an và trường thọ.