Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào những người chủ trì trực tuyến - Hiệp Hội Phật giáo Ý - và đã an toạ. Buổi thuyết giảng được bắt đầu ngay lập tức với việc tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Ý. Khi thời Kinh khai mạc được hoàn tất, Chủ tịch Hiệp Hội Phật giáo Ý - Filippo Scianna - thay mặt cho Hiệp Hội chào mừng Đức Ngài. Ông giải thích rằng, Hiệp hội bao gồm các thành viên từ nhiều truyền thống Phật giáo. Bên cạnh sự quan tâm của họ đối với Phật giáo, các thành viên còn cung cấp viện trợ nhân đạo cho những nơi cần thiết và vun đắp mối quan hệ hữu nghị với các truyền thống tôn giáo khác. Ông tuyên bố rằng Đức Ngài chính là nguồn cảm hứng của họ, và ông thỉnh cầu Ngài ban bố Giáo Pháp.
Ngài trả lời: “Hôm nay, quý vị người Ý đã yêu cầu tôi nói về Tứ Diệu Đế và Nhị Đế. Có rất nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau trên thế giới. Họ có thể khác nhau về quan điểm triết học, nhưng họ có chung một thông điệp về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi. Ở Ấn Độ, việc thực hành ‘ahimsa’ - bất bạo động hoặc không gây hại, và ‘karuna’ - lòng từ bi, đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng 3000 năm qua. Hơn nữa, ở Ấn Độ, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới cùng chung sống hòa bình với nhau.
“Kể từ khi có được sự tiếp xúc tốt hơn giữa Đông và Tây, ngày càng có nhiều người quan tâm đến giáo lý Phật giáo thuộc cả Truyền thống Pali và Sanskrit.
“Khi Ngài Tịch Hộ được Vua Trisong Detsen mời đến Tây Tạng, Ngài ấy đã giới thiệu và truyền bá Truyền thống Nalanda. Ông là một bậc thầy vĩ đại về triết học cũng như logic và nhận thức luận, như đã được tiết lộ trong hai cuốn sách mà ông đã viết: ‘Nhiếp Chân Thật Luận’ (Tattvasamgraha) và ‘Trang nghiêm Trung quán Luận’ (Madhyamakalalamkara).
“Kể từ thế kỷ thứ tám, người Tây Tạng đã theo truyền thống triết học Trung Quán thông qua logic và lý luận. Khi thực hiện điều đó, họ đã lấy nguồn cảm hứng từ Đức Phật, Ngài đã khuyên:
"Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!"
Bởi vì truyền thống của chúng tôi dựa trên logic và lý trí, cho nên ngày nay, ngay cả các nhà khoa học có hứng thú quan tâm cũng có thể liên hệ với truyền thống đó.
“Tứ Diệu Đế là nền tảng của lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, ngay sau khi giác ngộ, Ngài được cho là đã nói rằng:
"Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an bình, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra."
“Nhưng khi Đức Phật gặp lại năm người bạn đồng hành cũ của mình, họ đã thỉnh cầu Ngài chỉ dạy, và Tứ Diệu Đế chính là những gì mà Ngài đã dạy cho họ.
“Theo Truyền thống Phạn ngữ, Đức Phật đã chuyển Pháp luân ba lần. Lần chuyển Pháp luân đầu tiên liên quan đến Tứ Diệu Đế - Giáo Lý mà Ngài đã tiết lộ về bản chất, chức năng và kết quả. Khi Ngài giải thích về bản chất của chúng, Ngài tuyên bố rằng đau khổ cần phải được biết đến, nguồn gốc của đau khổ cần phải được loại bỏ, và sự chấm dứt đau khổ cần phải được thực hiện bằng cách tu tập theo Đạo lộ (Bát Chánh Đạo). Và nguồn gốc của đau khổ cần phải được loại bỏ là nghiệp và sự phiền não của tâm thức; ngoài ra, tính vô ngã đã được giải thích chi tiết hơn trong lần chuyển pháp Luân thứ hai và thứ ba.
“Về kết quả của chúng, Đức Phật nói rằng đau khổ cần phải được biết đến mặc dù chẳng có gì để được biết. Nghiệp và phiền não của tâm thức cần phải được hàng phục, mặc dù chẳng có gì để hàng phục.
"Chúng ta có thể hiểu những từ, “thâm thuý và an bình” trong câu tôi trích dẫn ở trên để chỉ Tứ Diệu Đế của lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên. “Vô tự tính” có thể được xem như ám chỉ tánh Không và Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật mà Ngài đã giảng dạy trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai. “Sáng rỡ, chẳng tạp pha” đề cập đến nội dung của lần Chuyển Pháp Luân thứ ba của Đức Phật, đặc biệt là Phật tính và 'kinh Như Lai Tạng’. Trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai, Ngài đề cập đến ánh quang minh của đối tượng, ám chỉ cho tánh Không, trong khi ở lần Chuyển Pháp Luân thứ ba, Ngài đề cập đến ánh quang minh của chủ thể - ánh quang minh của tâm thức - tâm quang minh.
“Những phiền não của tâm thức là những quan niệm bị sai lệch. Ngài Long Thọ giải thích rằng sự vô minh ngay tận gốc rễ của chúng ám chỉ quan niệm sai lầm rằng mọi thứ có sự tồn tại thực sự. Đệ tử của Ngài là Thánh Thiên đã chỉ ra rằng:
"Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện hành, khiến não phiền
Khéo chế ngự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh an nhiên."
Ngài nhận xét rằng vô minh có thể được loại bỏ bằng cách hiểu được Lý Duyên Khởi.”
Ngài thừa nhận rằng chính nhờ Ngài Tịch Hộ mà người Tây Tạng đã tuân theo lời dạy của Đức Phật dựa trên logic và lý trí. Ngài lưu ý rằng điều này đã làm cho các khía cạnh trong lời dạy của Đức Phật - đặc biệt là sự liên quan đến hoạt động của tâm thức - có thể tiếp cận được với các nhà khoa học. Điều này là xác đáng vì ngày càng có nhiều sự hiểu biết rằng, việc nói về hòa bình trên thế giới sẽ chỉ được thực hiện khi các cá nhân đã nuôi dưỡng được sự bình yên trong tâm hồn của chính mình.
Sự hiểu biết đúng đắn về Tứ Diệu Đế phụ thuộc vào sự hiểu biết về Nhị Đế. Trong mối liên hệ này, Ngài đã đề cập đến các bài Kệ trong tác phẩm ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng.
Và cũng giống như từ một thứ trống không như một phản chiếu
Một nhận thức có thể nảy sinh mang hình dạng của nó, 6.37
Tương tự như vậy, mặc dù các pháp đều trống không,
Nhưng chúng phát sinh từ tính không một cách mạnh mẽ.
Vì trong Nhị Đế không có bản chất cố hữu nào tồn tại,
Nên các pháp chẳng thường hằng cũng không đoạn diệt. 6,38
Vì trong bản chất cố hữu, hành động không chấm dứt,
Nên chúng vẫn có hiệu lực ngay cả khi không có ý thức tảng nền.
Thật vậy, trong vài trường hợp, bản thân các hành vi có thể đã chấm dứt từ lâu,
Nhưng tác động của chúng vẫn sẽ xảy ra mà không hề sai lệch; điều này bạn cần nên biết. 6,39
Điều này chỉ ra rằng, mặc dù sự tồn tại độc lập của các pháp không thể được tìm thấy dưới sự nghiên cứu tỉ mỉ, nhưng chúng vẫn tồn tại theo cách quy ước thế tục hoặc sự gán danh. Một quan niệm sai lầm vô minh về sự tồn tại thực sự hoặc sự tồn tại cố hữu của các pháp có thể được loại bỏ bằng sự hiểu biết về tính không. Khi quý vị hiểu rằng sự chấm dứt (Diệt Đế) có thể đạt được ngay nơi chính mình, thì quý vị sẽ có thể xác minh sự thật này từ nơi kinh nghiệm của bản thân.
Ngài đã trích dẫn những bài Kệ từ cuối chương sáu của cuốn “Nhập Trung Quán Luận" để làm sáng tỏ về ‘Tục Đế’ và ‘Chân Đế’, cuối cùng Ngài ví chúng như đôi cánh mà Chúa Tể của Thiên Nga đã bay đến bến bờ xa xôi. Ngày khuyến khích các khán thính giả hãy lắng nghe học hỏi (văn), chiêm nghiệm suy tư (tư) và thiền định phát triển kinh nghiệm (tu) về những Sự Thật này trong chính nội tâm của mình.
Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt. 6.224
Dù tâm Ngài có thể an trú triền miên trong cảnh giới tịch diệt;
Ngài vẫn khởi Bi Tâm đối với chúng sanh không được chở che;
Tiến xa hơn nữa - nhờ vào tuệ giác - Ngài đã vượt trội hơn
Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác và bậc trung trong chư Phật. 6.225
Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng. 6.226
Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc am hiểu lời dạy của Đức Phật dưới ánh sáng của lý trí và logic. Ngài đề cập đến câu nói phổ biến so sánh quan điểm của Madhyamaka (Trung đạo) về lý trí và logic như hai con sư tử đang quấn vào cổ nhau. Hai truyền thống này đã được giới thiệu và truyền bá bởi Ngài Tịch Hộ và các bậc Đạo sư Tây Tạng như Chapa Chökyi Sengé (1109-69) - Viện chủ của Sangphu - sau đó đã được chính thức hóa thành phương thức tranh biện của người Tây Tạng.
Khi trả lời các câu hỏi từ khán giả trực tuyến, Ngài đề cập đến truyền thống Bön đã tồn tại ở Tây Tạng trước khi tượng Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở Lhasa, do công chúa Trung Quốc kết hôn với Vua Songtsen Gampo mang đến. Sau đó, Ngài Tịch Hộ đã khuyến khích Hoàng Đế Trisong Detsen cho dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng. Phật giáo đã bắt rễ, nhưng truyền thống Bön vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Mặc dù ngày nay những người ở phương Tây đang bày tỏ sự quan tâm đối với Phật giáo, nhưng điều quan trọng là các truyền thống Do Thái - Cơ Đốc Giáo đang thịnh hành vẫn tiếp tục được tôn trọng. Ngài nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tầm quan trọng của đạo đức và lòng từ bi.
Ngài nói rằng Đức Phật chấp nhận cuộc sống vô gia cư. Nhiều đệ tử của Ngài cũng thực hành như thế. Nền tảng của sự thực hành của họ là Luật tạng và Giới luật. Ngài lưu ý rằng nếu quý vị có thể thọ trì giới nguyện đó thì quả thật là rất tốt; tuy nhiên, không nhất thiết phải thực hành như thế thì mới có thể trở thành một người nhân ái thiện lành.
Về vấn đề tương lai của Phật giáo có thể sẽ như thế nào trong vòng 50 năm tới, Ngài cho biết rằng điều này rất khó nói. Thời kỳ của Đức Phật quá khứ - Đức Phật Kashyapa - đã kết thúc. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, mối đe dọa do sự nóng lên của toàn cầu gây ra -chỉ đơn giản là nguồn cung cấp nước thôi - cũng có nghĩa là tương lai sẽ không được đảm bảo.
Khi được hỏi về sự phát sinh của những cảm xúc tiêu cực, Ngài giải thích rằng, chúng ta phát triển sự tham đắm và ác cảm với các pháp bởi vì chúng xuất hiện dường như tồn tại một cách vững chắc từ phía của chúng. Nhưng khi chúng ta nhận ra rằng các pháp thực sự phụ thuộc vào các yếu tố và các điều kiện khác; và không giống như cách mà chúng xuất hiện, thì chúng ta sẽ phản ứng với chúng theo cách khác.
Vật lý lượng tử cũng nói rằng mọi thứ không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện, nhưng nó dường như cũng đang thách thức sự tồn tại bên ngoài của chúng. Điều này gợi nhớ đến chủ trương của truyền thống Duy Thức cho rằng các đối tượng và tâm thức nhận thức chủ quan có cùng bản chất. Quan điểm này có thể nới lỏng sự kìm hãm cố chấp của những phiền não tinh thần, nhưng cần phải nhận ra quan điểm của truyền thống Ứng Thành Phái cho rằng mọi thứ không hề có sự tồn tại độc lập nào cả - chúng chỉ là sự gán danh - để bứng tận gốc rễ của sự vô minh.
Ngài khuyên rằng đau khổ có thể được chuyển hóa thành một khía cạnh của lộ trình tu tập, đặc biệt là sự thực hành Bồ đề tâm bằng cách mong muốn rằng thông qua sự đau khổ này, những phiền não tiêu cực của chúng ta có thể được tịnh hoá. Ngài đã trích dẫn một bài Kệ từ Guru Puja:
Vì vậy, hỡi bậc Thầy từ bi khả kính, xin hãy ban phước cho con
Rằng tất cả những chướng ngại, lỗi lầm và đau khổ của Mẹ chúng sinh,
Mong nó đến thời kỳ chín muồi và giáng ngay xuông đời con!
Và nguyện dâng hiến đến tha nhân tất cả hạnh phúc và phước lành mà con có;
Để tất cả chúng sanh luôn được sự vui vẻ an lành!
Ngài nhấn mạnh rằng, một khía cạnh khác của Bồ đề tâm - sự khiêm tốn - được thể hiện khi coi bản thân mình thấp kém hơn người khác, điều này không phải là vấn đề của sự chán nản tuyệt vọng. Vì nó được liên kết với niềm mong muốn dẫn dắt chúng sinh từ khắp không gian rộng lớn đến với sự giác ngộ, cho nên nó phản ánh lòng dũng cảm tuyệt vời. Khi việc thực hành về sự trân trọng đối với người khác - được củng cố, nó sẽ làm nảy sinh lòng dũng cảm như thế, từ đó củng cố lòng từ bi vĩ đại. Khi quý vị có lòng từ bi lớn, quý vị sẽ có đủ khả năng để giúp đỡ người khác vượt qua sự đau khổ của họ.
Được mời so sánh về Niết bàn của một vị A La Hán với một vị Phật; Ngài nói rõ rằng - trong khi đối với một vị A La Hán đã vượt qua được phiền não chướng, nhưng sự chướng ngại đối với tri thức (sở tri chướng) vẫn còn. Đức Phật thì đã loại bỏ được tất cả phiền não chướng và sở tri chướng.
Khi được đề nghị giới thiệu những bài Kệ giúp hỗ trợ sự hiểu biết về tính không, Ngài đã trích dẫn một bài Kệ từ ‘Trí tuệ Căn bản Trung quán Luận’ của Ngài Long Thọ:
"Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không".
Ngài cũng đề cập đến một số bài Kệ từ chương sáu của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng:
Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại. (6.34)
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát. (6.35)
Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn? (6.36)
Ngài tiết lộ rằng Ngài thường xuyên lặp lại những câu này cho chính bản thân mình và suy tư rằng mặc dù các pháp không thể được tìm thấy trong quá trình phân tích, nhưng chúng vẫn tồn tại qua sự gán danh và theo cách quy ước của thế gian.
Trong lời cảm ơn ngắn gọn của mình, Giovanna Giorgetti đã bày tỏ lòng mong cầu Đức Ngài được trường thọ và hy vọng rằng Ngài sẽ trực tiếp đến thăm nước Ý một lần nữa.
Ngài đã thông báo ý định chủ trì một buổi lễ phát Bồ Đề Tâm. Ngài hướng dẫn cách quán tưởng về Đức Phật, chư Bồ Tát, chư vị Tổ sư v.v. và mời khán giả lặp lại theo Ngài ba bài kệ chính của phát Bồ Đề Tâm.
Cuối cùng, Ngài đã phát hành bản dịch tiếng Ý của tập đầu tiên - “Thế giới Vật chất” - trong tuyển tập “Khoa học và Triết học trong bộ Kinh điển Phật giáo Ấn Độ”; và bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với dịch giả.