Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trò chuyện với các nhà xây dựng hòa bình trẻ về lòng từ bi, giáo dục và bình đẳng. Ngài đã được chào đón bởi Cô Lise Grande - Chủ tịch Viện Hòa bình Hoa Kỳ - người giới thiệu cho sự kiện này.
Cô giải thích rằng USIP là dành riêng cho đề xuất rằng hòa bình là điều có thể, thiết thực và quan trọng cho an ninh của Hoa Kỳ và toàn cầu. Nó tập hợp các nhà lãnh đạo trẻ từ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột và cung cấp đào tạo về khả năng lãnh đạo, giảm định kiến và chuyển hoá xung đột. Mục đích là xây dựng những nhịp cầu kết nối sự ngăn cách xã hội và để giảm bớt sự cô lập mà họ có thể cảm thấy trong công việc của mình với tư cách là những người xây dựng hòa bình. Hiện có 300 Nghiên cứu sinh liên kết với USIP từ 26 quốc gia trên khắp Châu Phi, Châu Á, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh.
Cô Grande đề cập rằng trong bốn năm qua, nhiều nhà lãnh đạo thanh niên đã được diện kiến Đức Ngài, một số người trong số họ đã đến Dharamsala. Tuy nhiên, do những hạn chế liên quan đến Covid, cho nên cuộc trò chuyện năm ngoái và năm nay được tổ chức trong một bối cảnh trực tuyến. Chủ đề của cuộc thảo luận hôm nay là bình đẳng giới tính.
Ngài đã bắt đầu bằng cách nhận xét rằng vào thời điểm mà việc đi lại bị hạn chế, Ngài rất vui khi được sử dụng công nghệ hiện đại - chẳng hạn như internet - để trao đổi ý tưởng với nhau.
Ngài tiếp tục: “Thế giới đang thay đổi. Thế kỷ trước đã được đánh dấu bởi quá nhiều bạo lực, nhưng những ngày này, trên thế giới, các nhà lãnh đạo và công chúng - nói chung - đã có một sự mong muốn hòa bình mạnh mẽ hơn. Để đạt được điều này, các cá nhân và cộng đồng cần phải tham gia. Các cá nhân cần phải trưởng dưỡng sự bình an trong tâm hồn, sự tự nguyện, và không sợ hãi.
“Ngày nay, chúng ta có các hệ thống vũ khí tiên tiến, nếu nó được đem vào sử dụng thì sẽ gây ra sự hủy diệt to lớn. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo có sự hòa bình trên thế giới. Vì do chính con người tham gia vào bạo lực, cho nên việc có được sự hòa bình hay không cũng đều phụ thuộc vào chính chúng ta. Trước hết, chúng ta phải nuôi dưỡng một tâm thái bình an dựa trên lòng từ ái và bi mẫn. Chúng ta cần củng cố lòng mong ước không gây tổn hại cho người khác. Bất bạo động không chỉ là một nguyên tắc tôn giáo mà đó còn là lẽ thường tình.
“Chẳng hạn như, sức hủy diệt của vũ khí hạt nhân lớn đến mức việc sử dụng chúng sẽ dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau của các đối thủ. Vì tất cả chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng bởi một thảm họa như thế, cho nên mọi người đều có quyền và trách nhiệm để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình. Và để thực hiện được mong ước đó, sự bình yên trong nội tâm là điều rất quan trọng. Chúng ta cần phải giáo dục trẻ em về vấn đề hòa bình khi các cháu còn bé.
“Con người chúng ta là động vật xã hội. Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng mà chúng ta đang sống trong đó. Quan tâm chăm sóc người khác là cách tốt nhất để thực hiện lợi ích của chúng ta. Quan tâm đến người khác là cách khôn ngoan để theo đuổi lợi ích cho cá nhân mình, trong khi thờ ơ bỏ bê người khác là cách tiếp cận khờ dại. Trưởng dưỡng lòng từ bi là cách tốt nhất để có được hạnh phúc và kết tình bằng hữu. Dù tôi ở bất cứ nơi đâu, mọi người cũng thể hiện tình cảm với tôi vì tôi luôn mỉm cười với họ.
“Trong hệ thống giáo dục của mình, chúng ta cần phải làm rõ rằng tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc; lòng từ bi và trái tim ấm áp là cách tốt nhất để đạt được điều hạnh phúc này. Nếu lòng từ bi là một phần của chương trình giáo dục, thì sự bình đẳng sẽ tự động xuất hiện. Nhiều vấn đề trên thế giới ngày nay nảy sinh là do thiếu sự bình đẳng, tuy vậy, vẫn còn rất nhiều người nói về dân chủ. Mọi người đều muốn có được sự dân chủ; và cơ sở của dân chủ chính là sự bình đẳng, trong khi chìa khóa để bảo đảm cho sự bình đẳng và dân chủ chính là lòng từ bi”.
Đức Ngài đã mời các khán giả đặt câu hỏi; và Mithila Hore - một thành viên của USIP Thay đổi Thế hệ từ Bangladesh, đã hỏi Ngài làm thế nào để khuyên một người phụ nữ - do đại dịch - đã đưa con gái của cô ấy, mà không phải con trai của cô ấy - rời khỏi trường học. Đức Ngài đã thẳng thắn trả lời. “Mọi người đều cần và xứng đáng được giáo dục. Đây là bản chất của sự bình đẳng. Thật sai lầm khi có sự phân biệt nam - nữ trong lĩnh vực giáo dục. Chúng ta cần sự bình đẳng trong xã hội, vì vậy chúng ta nên đối xử với con trai và con gái của mình giống nhau 100%. Dân chủ đòi hỏi quyền bình đẳng, nhưng cũng bình đẳng về cơ hội. Có một nửa dân số là phụ nữ, vì vậy việc tạo ra một thế giới hòa bình cần có sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ”.
Ashar Omer, một nhà xây dựng hòa bình trẻ và là người ủng hộ quyền phụ nữ đến từ Afghanistan, muốn biết Đức Ngài sẽ khuyên phụ nữ ở Afghanistan ngày nay như thế nào. Ngài nói với cậu ta rằng, cho dù tình hình có trở nên khó khăn đến đâu thì điều cần thiết là phải luôn kiên định. Ngài gợi ý rằng phụ nữ Afghanistan phải tuân thủ các nguyên tắc của họ, nhưng cũng phải thực tế. Phân biệt giới tính là một lối suy nghĩ cổ hủ và lỗi thời, nhưng cuối cùng mọi thứ sẽ thay đổi. Ngài nói thêm rằng phần còn lại của thế giới không nên để cho người dân Afghanistan bị cô lập.
Muborak Muqimi đến từ Tajikistan đã mô tả một dự án do cô phát triển có tên là “Phụ nữ là những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước chúng ta." Cô hỏi liệu Đức Ngài có thể trích dẫn những ví dụ mà người đàn ông đã chia sẻ quyền lực và thể hiện sự tin tưởng cũng như ủng hộ phụ nữ hay không.
Ngài trả lời: “Tôi chắc chắn rằng trong số những người cống hiến cho dân chủ và phát triển xã hội, đã có những người nỗ lực để mang lại sự bình đẳng. Trong quá khứ, các truyền thống tôn giáo và văn hóa đều thúc đẩy sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo cam kết về quyền bình đẳng và sự bình đẳng trong giáo dục.
“Giữa đàn ông và phụ nữ, có vẻ như phụ nữ phản ứng nhanh hơn với cảm xúc của người khác. Họ dường như có tình cảm ấm áp hơn. Vì vậy, khi chúng ta nói về triển vọng cho sự bình đẳng và nền hòa bình lớn hơn trên thế giới, người phụ nữ phải đóng một vai trò tích cực hơn”.
Nyachangkuoth Rambang Tai, một thành viên của Tổ chức Thay đổi Thế hệ USIP đến từ Nam Sudan, muốn biết vị trí của sự tha thứ và hàn gắn trong bối cảnh bạo lực trên cơ sở giới tính. Đức Ngài nhắc lại sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực để mang lại sự bình đẳng. Ngài nhấn mạnh rằng mọi người đều có quyền bình đẳng về cơ hội và chúng ta phải sử dụng internet và mạng xã hội như một phương tiện để làm rõ điều này. Ngài bày tỏ sự lạc quan rằng sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, màu da và đức tin đang thay đổi.
Trước câu hỏi tiếp theo, Gharsanay Amin, một người xây dựng hòa bình từ Afghanistan, đã báo cáo về cuộc gặp gỡ có ảnh hưởng của Đức Ngài trong một dịp trước đó đối với cô. Cô thưa với Ngài rằng cô không còn nghĩ mình chỉ là một người Afghanistan mà là một công dân toàn cầu. Cô ấy nói thêm rằng cô ấy hiện đang có ý định phát triển khả năng phục hồi, an lạc nội tâm, lòng từ bi và cam kết suốt đời để học các quan điểm mới và không học các truyền thống cũ.
Komal Dilshad từ Pakistan đã yêu cầu một thông điệp dành cho phụ nữ hoạt động vì sự bình đẳng giới tính.
Ngài nói với cô rằng: “Đôi khi một số người có cái nhìn khác về vai trò của phụ nữ vì đức tin của họ. Vì vậy, rất khó để chỉ trích hoặc phản đối họ. Nếu nhìn ở bình diện rộng hơn thì có thể góp phần thay đổi. Là một tu sĩ Phật giáo, tôi cam kết khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Thay vì bày tỏ những ý kiến khác nhau về truyền thống tôn giáo, thì việc cải thiện giáo dục có thể mang tính xây dựng hơn và điều đó sẽ mang đến sự thay đổi”.
Rachel Dibal đến từ Nigeria không thể tham gia trực tiếp nhưng Lise Grande đã thay mặt cô đặt một câu hỏi. Cô quan sát thấy rằng sau một số cải tiến ban đầu trong việc tính đến phụ nữ và trẻ em gái, thì sự tiến bộ đã bị đình trệ. Cô thỉnh cầu Ngài ban cho lời khuyên để người đàn ông và phụ nữ nên thay đổi thái độ của họ như thế nào để làm cho các tổ chức dễ có thiện cảm và cân nhắc hơn đối với sự bình đẳng giới tính.
Ngài nhắc lại rằng sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính, màu da hoặc đức tin là tư tưởng cổ hủ. Nó đã lỗi thời. Chìa khóa để đảm bảo cho sự bình đẳng được thực thi là không làm trì trệ những nỗ lực của chúng ta trong việc cải thiện giáo dục.
Lise Grande bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với sự hướng dẫn của Đức Ngài sáng nay. Cô thưa với Ngài rằng bốn mươi năm trước cô đã từng là một người trẻ xây dựng hòa bình và đã đón nhận được lợi ích to lớn khi được diện kiến Ngài. Cô bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tất cả những người đã đóng góp vào cuộc trò chuyện hoặc đã làm việc để cho cuộc trò chuyện này được khả thi. Cô mong được hầu chuyện với Đức Ngài một lần nữa vào ngày mai.