Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an toạ vào sáng nay, Philip P. DiStefano - Hiệu trưởng Đại học Colorado - Boulder, đã chào mừng Ngài đến với cuộc trò chuyện về Từ bi và Nhân phẩm trong trường học. Ông lưu ý rằng những phẩm hạnh này quan trọng như thế nào, nhận xét rằng tương lai đều phụ thuộc vào những phẩm hạnh ấy. Khi Đức Ngài quang lâm lần cuối ở Boulder, vào năm 2016, những hạt giống của Học Viện Crown đang được gieo trồng. Ngày nay, Viện liên ngành này đang tập trung vào các vấn đề về sức khỏe, kết nối và cộng đồng. Hiệu trưởng kết luận: "Cho dù bạn là giáo viên, phụ huynh hay người quan sát cá nhân, thì tôi cũng đều hy vọng rằng bạn sẽ được truyền cảm hứng từ trí tuệ được chia sẻ ở đây tối nay."
Sona Dimidjian - Giám đốc Viện Sức khỏe Renée Crown và đồng thời cũng là Giáo sư Khoa Tâm lý và Khoa học Thần kinh của Đại học Colorado Boulder - phát biểu tiếp theo. Cô nhấn mạnh rằng những lời dạy của Đức Ngài đã truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới hiếu kỳ về lợi ích của lòng từ bi trong giáo dục. Trong khi đó, các cuộc trò chuyện của Ngài với các nhà khoa học đã truyền cảm hứng cho sự nghiên cứu mới đã chứng minh những tác động tích cực của việc rèn luyện lòng từ bi.
Cô ấy nói rằng cô và các đồng nghiệp của mình đã muốn tạo ra một chương trình sẽ giúp cho việc thực hành của họ về lòng nhân ái được trở nên sâu sắc hơn, làm nền tảng cho mọi hoạt động giảng dạy của mình; và để tạo ra các trường học công bằng, hòa nhập và an toàn. Họ đã hợp tác với các nhà giáo dục và các chuyên gia trong lĩnh vực thực hành lòng từ bi để thiết kế một chương trình kéo dài một năm có tên là “Trưởng dưỡng lòng Từ bi & Nhân phẩm trong chính chúng ta và trường học của chúng ta”, trong sự nỗ lực đưa lòng Từ bi vào chương trình giáo dục chính thống. Cô ấy đã thỉnh cầu Đức Ngài nói về tầm quan trọng của lòng từ bi trong giáo dục,
Ngài bắt đầu: “Cảm ơn quý Vị! Quý vị đã làm cho tôi cảm thấy rất vinh dự khi cho tôi cơ hội này để được nói về những giá trị nội tâm. Nó khá đơn giản; tôi nghĩ rằng tất cả chúng sinh, thực sự là tất cả những sinh vật sống trên hành tinh của chúng ta - bao gồm cả hoa lá và cây cối mà chúng ta biết được là chúng không có ý thức - cũng đều có sự cảm kích đối với hòa bình. Có lẽ một người Nga đã nói với tôi rằng, nếu bạn mắng nhiếc một cái cây mỗi ngày; và nói năng nhỏ nhẹ trìu mến với một cây khác tương tự, thì chúng sẽ phát triển một cách khác nhau. Nói một cách đơn giản, nếu chúng ta chăm sóc cây cối, thì chúng sẽ phát triển tốt. Nếu chúng ta bỏ mặc nó, thì nó sẽ chết.
“Tất cả các loài động vật có vú trên hành tinh của chúng ta đều muốn tồn tại; và hòa bình là yếu tố quan trọng để tồn tại. Thực tế là ngay từ lúc chúng ta vừa chào đời thì mẹ của ta đã chăm sóc và đối xử với chúng ta bằng lòng từ bi. Nếu không có tình yêu thương ấy thì chúng ta đã chết mất rồi! Dần dần, khi lớn lên, chúng ta phát triển các mối quan hệ nhân ái với các thành viên trong gia đình của mình, và tất nhiên, mối quan hệ này được mở rộng sang các thành viên khác trong cộng đồng.
“Trong quá khứ, rất nhiều sự bạo lực và giết chóc đã diễn ra vì sân giận và hận thù. Một số người có thể nghĩ rằng, sự tức giận mang lại năng lượng cho một tình huống nào đó, nhưng nó chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn hạn. Ngày nay con người muốn có được sự hòa bình; vì hòa bình chính là cơ sở của cuộc sống. Để phát triển một thế giới hòa bình hơn, chúng ta cũng phải nhìn vào nội tâm. Khi tâm trí chúng ta đang được bình yên, thì trong cơn khủng hoảng - thậm chí ngay cả khi có vũ khí trong tay - chúng ta cũng sẽ không có khuynh hướng sử dụng đến nó.
“Cuối cùng thì nền tảng của sự bình yên trong tâm hồn chính là lòng từ bi. Mỗi ngày, ngay khi vừa thức dậy, tôi đều thiền định về lòng từ bi, và điều đó đã mang lại cho tôi sự bình yên và tĩnh lặng. Vấn đề không chỉ là không bị phiền não, mà còn được rung động bởi tình yêu thương và lòng từ ái. Sự bình yên nội tâm không chỉ là một chủ đề về tôn giáo; mà nó còn làm nền tảng cho sự tồn vong của nhân loại. Ngay cả những người gây rắc rối cho chúng ta thì họ cũng là con người; và cũng xứng đáng được nhận lòng từ bi của chúng ta.
“Mặc dù có vẻ như sự tức giận mang lại năng lượng, nhưng nếu xem xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng chính sự bình yên trong tâm hồn mới mang lại sức mạnh nội tâm cho chúng ta. Năng lượng mà sự tức giận mang lại không chỉ tồn tại trong thời gian ngắn mà nó còn có thể trở thành sự tự hủy hoại bản thân.
“Theo kinh nghiệm của tôi, việc thực hành lòng từ bi là rất hữu ích. Mọi người đều muốn sống một cuộc sống bình yên; và tâm từ bi chính là yếu tố then chốt để thực hiện mong muốn đó. Cho dù bạn quan tâm đến việc làm thăng hoa hạnh phúc của bản thân hay hạnh phúc của người khác, thì về nguồn gốc, điều đó đều liên quan đến việc có một mục đích vị tha. Tương tự như thế, cho dù bạn quan tâm đến phúc lợi trước mắt hay lâu dài của chính mình, nếu bạn có thể nuôi dưỡng một tâm hồn vị tha thực sự - một trái tim nhân hậu - thì trong ngắn hạn, bạn sẽ cảm thấy bình yên trong tâm hồn; còn đối với lợi ích lâu dài thì sẽ được thể hiện ở thân thể tráng kiện và sức khỏe dồi dào.
“Dù liên quan đến hạnh phúc của cá nhân hay xã hội, chúng ta đều nhận ra rằng, khi ai đó tích cực nuôi dưỡng một trái tim nhân hậu, thì điều đó sẽ làm thay đổi bầu không khí xung quanh họ. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể nói rằng một mục đích vị tha - một trái tim nhân hậu - là nguồn gốc của hạnh phúc - nói chung.
“Trong cuộc sống của riêng tôi, khá thường xuyên vào buổi sáng sớm, tôi quán tưởng Đức Phật dưới dạng là bức tượng trước mặt tôi và nói những lời sau đây với tôi:
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác.
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm,
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?" 30/7
“Nếu quý vị nuôi dưỡng một trái tim nhân hậu, trước mắt nó mang lại sự bình yên trong tâm hồn và một hệ thống miễn dịch dẻo dai hơn. Trái lại, nếu tâm trí của quý vị quý vị kích động và phiền não, thì quý vị thậm chí sẽ không thể thưởng thức được món ăn của mình. Và nếu như thực sự tức giận, thì quý vị thậm chí có thể đập vỡ chiếc đĩa mà nó đã đựng thức ăn phục vụ cho mình.
“Những câu trên trích từ một cuốn sách của bậc thầy Ấn Độ - Ngài Tịch Thiên; tôi tụng chúng mỗi ngày, bao gồm những điều sau
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí;
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
Đức Ngài nhận xét rằng, ngay cả loài động vật cũng có sự cảm kích đối với lòng từ bi. Nếu quý vị đối xử tốt với một con chó, thì nó sẽ vẫy đuôi. Nếu bạn la mắng nó, thì đuôi của nó sẽ cụp xuống. Ngài gợi ý rằng lúc chúng ta còn bé thì lòng từ ái là điều quan trọng, nhưng khi lớn lên, chúng ta ít chú ý đến nó hơn. Đây là một sai lầm. Rốt cuộc, mục đích của giáo dục phải là góp phần giúp chúng ta có được sự bình yên trong tâm thức. Vì vậy, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến tấm lòng nhiệt thành nhân hậu.
Chúng ta là động vật xã hội phải chung sống cùng nhau. Đó là thực tế. Tất cả bảy tỷ con người chúng ta phải sống với nhau như anh chị em. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về vấn đề chính trị, tiền bạc và vũ khí, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào của chính mình.
Đức Ngài kết luận: “Do đó, tôi tận tâm thúc đẩy lòng từ bi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đây là điều mà chúng ta cần phải lưu tâm.'
Sona Dimidjian đã giới thiệu một số giáo viên và nhà giáo dục có câu hỏi muốn nêu ra. Để bắt đầu, Đức Ngài nhìn nhận sự cần thiết phải giữ những ý định tốt trong tâm thức. Ngài chỉ ra rằng sự kiên nhẫn và tính nhẫn nại - chẳng hạn - đều bắt nguồn từ lòng từ bi, nhưng nó chỉ phù hợp và hiệu quả khi chúng ta đối mặt với những khó khăn. Chúng ta không cần phải kiên nhẫn khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Điều này cũng tương tự như việc chúng ta chỉ dùng thuốc thang khi ta bị ốm đau vậy.
Ngài lưu ý rằng việc nhận ra nỗi khổ của người khác sẽ thúc đẩy chúng ta trở nên từ bi hơn. Không thể khắc phục sự đau khổ khi sử dụng vũ lực và triển khai vũ khí. Chúng ta phải nuôi dưỡng một tâm hồn từ bi, và đây - nguồn gốc của sự bình an nội tâm - là điều sẽ đưa đến một thế giới hòa bình hơn.
Đức Ngài còn quan sát thấy rằng các sinh viên - bên cạnh việc háo hức học hỏi những bài học của mình - thì họ đơn giản cũng là những con người - đều cảm kích lòng từ ái. Khi giáo viên của họ bộc lộ thái độ nhân ái, kết hợp với tinh thần trách nhiệm và quan tâm đến triển vọng lớn lao hơn của học sinh, thì các học sinh sẽ phản hồi tích cực. Tuy nhiên, nếu họ cảm thấy rằng giáo viên không có mối quan tâm như thế, mà chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền của họ, thì sinh viên chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi lớp học.
Đức Ngài tiết lộ, “Khi còn là một cậu bé và học với gia sư của tôi, trong các buổi học; Thầy ấy đã thể hiện cho tôi thấy được sự tử tế thật tuyệt vời của Thầy. Và kết quả là tôi muốn dành nhiều thời gian hơn với Thầy. Trái tim ấm áp như thế đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và an tâm.
“Nếu như tôi có thể nói rằng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thật nổi tiếng, thì không phải vì tôi muốn trở thành như thế, mà bởi vì mọi người luôn nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của tôi. Và đó là bởi vì tôi nuôi dưỡng một trái tim ấm áp nhân hậu."
Ngài nhắc lại rằng nếu các giáo viên không những chỉ dạy theo chương trình giảng dạy mà còn thực sự quan tâm đến phúc lợi của học sinh, thì mối quan hệ thân thiết giữa thầy trò sẽ nảy nở. Và khi một giáo viên thực sự cống hiến vì sự tốt đẹp của nhân loại, thì tự nhiên người đó sẽ đối xử với học trò của mình với những phẩm hạnh đáng trân trọng.
Liên quan đến công lý và lòng từ bi, trước đây người ta ít đề cập đến các giá trị nội tâm. Thay vào đó, mọi người chỉ dựa vào sự nghi ngờ và sử dụng vũ lực. Nhưng thế giới đã thay đổi, và hiện nay trái Tim ấm áp nhân hậu có một vai trò lớn hơn nhiều. Thái độ thực tế hơn và chín chắn hơn. Có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Người ta cũng nhận thức rõ hơn rằng bản chất cơ bản của con người vốn dĩ là từ bi. Nuôi dưỡng một động lực từ bi hơn sẽ đưa đến sự chân thành hơn và trung thực hơn.
Giải quyết các mối quan tâm để làm cho toàn bộ trường học trở nên nhân ái hơn, Đức Ngài nhắc lại rằng, vì giáo dục có xu hướng nhắm tới các mục tiêu vật chất, cho nên nó cũng cần phải coi trọng và bao gồm cả lòngtừ bi. Lòng từ bi mang lại sự bình yên trong tâm hồn; và sự bình an nội tâm như thế sẽ nâng cao sức khỏe và hạnh phúc giữa các giáo viên và học sinh. Ngài tuyên bố niềm tin chắc chắn của mình rằng, có thể thực hiện một phương pháp mới đối với giáo dục; phương pháp ấy được bắt nguồn từ lòng từ bi.
Ngài nói thêm rằng, lòng từ bi là cơ sở của lòng dũng cảm và sự quyết tâm. Cần phải có những phẩm chất này, bởi vì sự đau khổ không thể vượt qua ngay lập tức được. Chúng ta phải thực tế. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân của nó và bứng nhổ tận gốc rễ của nó. Đây là điều mà con người chúng ta có thể làm được bởi vì chúng ta có trí thông minh và sự tự tin.
Đức Ngài nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất để dạy dỗ cho trẻ em về lòng từ bi là cần phải kết hợp trí thông minh của con người với trái tim ấm áp nhân hậu.
Sona Dimidjian đã cảm ơn sự đóng góp của Ngài dành cho cuộc trò chuyện đã được diễn ra; và đề nghị Stephen Butler - Giám đốc Điều hành của Viện Từ bi - đưa ra một vài ý kiến kết luận. Ông cũng cảm ơn Đức Ngài vì sự thấu hiểu rằng phẩm chất cơ bản của con người là từ bi; điều đó có sức mạnh để chuyển hoá cuộc sống của chúng ta và thế giới. Ông bày tỏ lời kính chúc Đức Ngài được khoẻ mạnh và trường thọ; và tất cả chúng ta có thể làm việc hết sức mình để thiết lập lòng từ bi như là hạt giống, là thực phẩm nuôi dưỡng và là hoa trái của một nhân loại biết quan tâm hơn và từ ái hơn.
Cuối cùng, Đức Ngài trả lời rằng, nếu con người muốn được hạnh phúc hơn, thì giáo dục phải được kết hợp với lòng từ bi. Mục đích là để mọi người trưởng dưỡng tâm hồn lành mạnh hơn, thanh thản hơn. Sự sợ hãi làm nảy sinh giận dữ; và sự tức giận sẽ phá hủy sự bình yên trong tâm hồn. Chúng ta càng từ bi, thì ta sẽ càng ít sợ hãi, và sức mạnh nội tâm, sự tự tin của chúng ta càng lớn mạnh hơn. Mục đích chính là để trở thành một người hạnh phúc, tự tin và can đảm.
Ngài lưu ý rằng, “Nếu những người trong số quý vị đã tham gia vào cuộc thảo luận ngày hôm nay; hoặc chỉ đơn giản là lắng nghe buổi thảo luận này, mà cảm thấy rằng bất cứ điều gì chúng tôi đã nói là hợp lý, thì xin hãy suy ngẫm về điều ấy, làm quen với nó và chia sẻ nó với gia đình và bạn bè của quý vị.
“Xin cảm ơn quý vị! Hẹn gặp lại!”