Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được cung thỉnh để nói chuyện với Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Nhật Bản (FCCJ) về đề tài “Trưởng dưỡng Thiện Tâm”. Ngài được cung đón nồng nhiệt bởi Chủ tịch của FCCJ - Cô Suvendrini Kakuchi - người cũng đã giới thiệu Pio d'Emilia - người điều hành sự kiện.
Pio d'Emilia thưa với Đức Ngài rằng ông rất vui mừng khi được diện kiến Ngài và bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi Ngài xem thế giới đang xoay chuyển như thế nào, liệu mọi người có trở nên tử tế hơn hay không.
Đức Ngài trả lời rằng một trái tim thiện lành hơn, một trái tim ấm áp hơn, một tấm lòng nhân ái hơn; chính là nền tảng của sự tồn tại sống còn của chúng ta. Ít nhất là đối với các loài động vật có vú, về mặt sinh học, chúng ta có xu hướng đối xử với nhau bằng tình cảm.
“Ngay từ khi chúng ta được chào đời, mẹ của ta đã chăm sóc chúng ta. Nếu mẹ không chăm sóc thì chúng ta sẽ chết. Ngay cả một đứa bé chưa chào đời cũng chịu ảnh hưởng bởi tâm trạng của người mẹ; liệu mẹ có được sự bình yên trong tâm hồn hay không. Chúng ta là động vật xã hội. Sự sống còn của ta đều phụ thuộc vào những người khác. Là con người; chúng ta phát triển về tình cảm, đó là một trong những lý do mà tất cả các truyền thống tôn giáo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tình cảm. Những người cho dù ít quan tâm đến tôn giáo thì họ cũng là con người; và đối với họ - sự trải nghiệm về lòng nhân ái cũng góp phần giúp cho họ có thể sống một cuộc sống hạnh phúc.
“Tôi cảm thấy mình có bạn bè ở bất cứ nơi đâu vì tôi không phân biệt giữa mọi người dựa trên việc họ đến từ đâu, thuộc chủng tộc nào hoặc theo đức tin nào. Theo như sự quan tâm của tôi thì những người khác cũng giống như anh chị em của tôi vậy. Và do đó nên mọi người - nhìn chung - đều tốt bụng và thân thiện đối với tôi. Họ luôn chào đón khuôn mặt vui vẻ, tươi cười của tôi; thay vì điều đó cũng có thể khác đi nếu như Đức Đạt Lai Lạt Ma cau có và gắt gỏng đối với mọi người.
“Trái Tim ấm áp cũng có hiệu quả ngay cả trong mối quan hệ đối với động vật. Nếu quý vị tươi cười và tỏ ra thân thiện với một con chó, thì nó sẽ vẫy đuôi mừng rỡ, nhưng nếu quý vị cau mày và phàn nàn thì nó sẽ cụp đuôi xuống.
“Nền giáo dục hiện đại không dành đủ sự quan tâm cho tầm quan trọng của lòng nhân ái. Trẻ em chỉ đơn giản là vui vẻ khi còn ở nhà, nhưng khi các cháu bắt đầu đi học, thì sự hào hứng đó đã nhường chỗ cho những mối quan tâm khác. Để cân bằng cho điều này, thì sự đóng góp từ trái tim ấm áp - điều giúp cho ta có được cuộc sống hạnh phúc - nên được đưa vào trong chương trình giảng dạy. Mọi người cần hiểu rằng, nhường chỗ cho sự lo lắng và tức giận thì sẽ làm xáo trộn giấc ngủ của chúng ta; ngược lại nếu có sự bình yên trong tâm hồn thì quý vị sẽ có được giấc ngủ ngon. Lòng nhân ái có thể mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại.
"Bây giờ, quý vị có câu hỏi nào không?"
Pio d'Emilia yêu cầu các phóng viên nước ngoài giới thiệu ngắn gọn về bản thân và làm rõ câu hỏi của mình. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến việc làm thế nào để có thể giữ được sự an tâm ngay cả trong những trường hợp đáng sợ.
Ngài trả lời, “Những hướng dẫn về cách trưởng dưỡng và giữ cho tâm hồn được bình thản - hầu hết đều không có trong nền giáo dục phổ thông của chúng ta. Trên thực tế, như tôi đã đề cập trước đây, nếu chúng ta có một tâm hồn an lạc thì ta có thể vượt qua sự lo lắng và nỗi sợ hãi. Người có tấm lòng nhân ái là người luôn an lạc và hạnh phúc. Tôi là một người tị nạn; và tôi nhận thấy rằng việc trưởng dưỡng sự an lạc nội tâm là rất hữu ích. Điều quan trọng là quý vị phải có một thái độ nhiệt tình, niềm nở.
“Vì quá trình đào tạo Phật giáo của chúng tôi được bắt nguồn từ Truyền thống Nalanda, cho nên người dân Tây Tạng chúng tôi thuờng dựa vào lý trí. Sự bình an nội tâm của chúng ta bắt nguồn từ lý trí. Chúng ta có xu hướng bám chặt vào cảm xúc của mình - đặc biệt là sự tức giận; điều này rất dễ làm xáo trộn trạng thái cân bằng tinh thần của chúng ta. Sự rèn luyện tâm thức sẽ giúp cho ta giảm bớt sự tức giận và sợ hãi; trong khi làm tăng trưởng lòng từ bi - điều mà tôi đã quen thuộc từ lúc còn bé."
Ngài được hỏi rằng, nếu được bầu chọn làm bậc lãnh đạo của 26 triệu người tị nạn trên thế giới thì điều đầu tiên Ngài sẽ làm là gì? Ngài trả lời, “Tôi chỉ là một con người, một người Tây Tạng. Tôi không quan tâm đến việc trở thành một nhà lãnh đạo. Tôi đã hoàn toàn từ nhiệm đối với việc tham gia vào các hoạt động chính trị.” Ngài cũng được hỏi rằng, liệu Ngài có hối tiếc gì không; và Ngài đã trả lời, “Không! Khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi đã coi tất cả mọi người như anh chị em của mình; và tôi đã cố gắng giữ cho tâm hồn mình được bình yên. Vì vậy, tôi không hề hối tiếc”.
Khi được một phóng viên Indonesia hỏi rằng Ngài sẽ khuyên người Hồi giáo như thế nào khi muốn sống trong hòa bình với những người khác, Đức Ngài nhận xét rằng, tất cả bảy tỷ con người đều trải qua những cảm xúc tương tự, nhưng có một số người phải chịu sự thao túng của những nhà lãnh đạo chú trọng vào sự sân giận và chia rẽ. Ngài gợi ý rằng, đôi khi các chính trị gia đã chính trị hóa sự trung thành đối với tôn giáo; và khai thác sự khác biệt của tôn giáo, nhưng cuối cùng, việc lựa chọn tôn giáo vẫn là vấn đề của cá nhân. Trái lại, trưởng dưỡng tấm lòng nhiệt tình, nhân hậu và ý thức rằng tất cả mọi người là anh chị em của mình, là sự phản ánh mối quan hệ của chúng ta đối với toàn thể nhân loại.
Một người đặt câu hỏi - đã tìm cách so sánh tình hình Đài Loan hiện nay so với tình hình Tây Tạng vào năm 1949. Đức Ngài nhận xét rằng, người dân Đài Loan chủ yếu là người Hán và họ đã lưu giữ nhiều khía cạnh của truyền thống và văn hóa cổ đại của Trung Quốc bao gồm cả Phật giáo. Ngài gợi ý rằng, Trung Quốc đại lục có thể cung cấp cho Đài Loan các cơ hội về mặt kinh tế, đồng thời họ có thể tìm hiểu về các giá trị và truyền thống cổ xưa của Trung Quốc từ người Đài Loan.
Ngài nói: “Tôi thực sự cầu nguyện rằng họ có thể tìm ra cách để làm việc cùng nhau một cách hòa bình.
“Khi tôi ở Trung Quốc (1954-1955), tôi đã gặp Chủ tịch Mao và các nhà lãnh đạo khác. Tôi đã bị ấn tượng bởi các giá trị chủ nghĩa Mác của họ. Tuy nhiên, trong một lần Chủ tịch Mao tuyên bố rằng “tôn giáo chính là thuốc độc”; và ngay lúc đó tôi nhận ra rằng ông ấy đã phản đối tôn giáo như thế nào”.
Một người khác muốn biết Đức Ngài có quan điểm như thế nào khi Tập Cận Bình bắt tay vào nhiệm kỳ thứ ba; và liệu - trước những gì đã xảy ra ở Hồng Kông và Tân Cương, thế giới có nên tẩy chay Thế vận hội mùa đông sắp diễn ra hay không. Trong câu trả lời của mình, Đức Ngài nói rõ rằng Ngài không có bình luận gì về Tập Cận Bình. Ngài nhấn mạnh lại rằng, khi gặp Chủ tịch Mao và các nhà lãnh đạo khác, Ngài nhận thấy các khía cạnh hấp dẫn trong hệ tư tưởng của họ, chứ không phải là sự khăng khăng đòi kiểm soát chặt chẽ. Ngài hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi dưới sự lãnh đạo của một thế hệ mới. Về vấn đề của Tây Tạng và Tân Cương, Ngài lưu ý rằng, một số lãnh đạo cộng sản Trung Quốc không hiểu được vai trò và giá trị của các nền văn hóa khác nhau, cũng như không hiểu rằng còn có nhiều dân tộc bên trong Trung Quốc, bao gồm người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, v.v.
Ngài được hỏi có lời khuyên nào về cách giúp cho cộng đồng đối phó với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra hay không. Ngài trả lời rằng có những chuyên gia có trình độ về lĩnh vực ấy tốt hơn; và họ sẽ tư vấn về điều đó tốt hơn Ngài.
Một phóng viên nước ngoài khác hỏi liệu Đức Ngài có kế hoạch gặp Tập Cận Bình hay không.
Ngài tiết lộ: “Không có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, trong vài năm qua, tôi đã bày tỏ mong muốn được đến viếng thăm Ngũ Đài Sơn để hành hương chiêm bái. Nếu có thể thực hiện được điều đó, tôi có thể sẽ dừng lại ở Bắc Kinh để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ngoài ra, tôi muốn có thể được viếng thăm những người bạn cũ, cựu quan chức và sĩ quan quân đội Trung Quốc. Tôi đang già đi và họ cũng thế, vì vậy tôi muốn xem họ hoạt động như thế nào.”
Một phóng viên Ả Rập đã hỏi liệu Đức Ngài có muốn đến viếng thăm Mecca - nơi linh thiêng nhất trong thế giới Hồi giáo hay không.
Đức Ngài nói với ông, “Tôi rất muốn thực hiện một cuộc hành hương như thế - đó như là một phần trong sự nỗ lực của tôi để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Nếu có cơ hội, tôi rất sẵn lòng nắm lấy cơ hội ấy. Trong quá khứ, ở Ấn Độ, tôi đã đến thăm những nơi chiêm bái khác nhau. Trong đó bao gồm Jama Masjid ở Delhi, nơi mà tôi đã đội chiếc mũ lưỡi trai màu trắng truyền thống, goi là ‘topi’ hoặc ‘taqiyah’ và đã tham gia các buổi cầu nguyện.”
Cũng phóng viên ấy muốn biết liệu Đức Ngài có muốn sinh sống ở Tây Tạng hay không.
Ngài trả lời: “Tôi đã sống ở Dharamsala này trong Thung lũng Kangra trong vài thập kỷ nay, và tôi thích điều đó. Từ đây tôi có thể giao tiếp với mọi người ở mọi lúc mọi nơi. Tôi hoàn toàn tự do. Cách đây vài năm, tôi đã nói với cựu Thủ tướng - Tiến sĩ Manmohan Singh - rằng tôi muốn ở lại đây cho đến cuối đời; vì ở đây tôi hoàn toàn có quyền tự do”.
Khi một câu hỏi được nêu lên về việc Ngài đã gặp gỡ một số Giáo hoàng trước đây nhưng không phải là đương kim đương nhiệm, Đức Ngài nói rõ rằng, nếu Đức Giáo hoàng Phanxicô sẵn lòng, thì Ngài sẽ rất vui khi được gặp gỡ Vị ấy.
Về cách đối phó với Covid-19, Đức Ngài nhắc lại rằng, Ngài không phải là một chuyên gia, nhưng trong mọi trường hợp, nếu ta có thể duy trì được sự an lạc nội tâm, thì ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, ít lo lắng hơn và thậm chí còn mạnh khoẻ hơn về mặt thể chất.
Một nhà báo Đài Loan nhắc lại rằng - trước đây, Đức Ngài đã đề cập đến việc viếng thăm lại Đài Loan; và hỏi liệu Ngài có còn dự định ấy nữa không.
Ngài nhận xét: “Hiện giờ, mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan rất mong manh, vì vậy trong lúc này, tôi muốn duy trì sự hòa bình ở Ấn Độ. Tôi không muốn kích động bất kỳ khó khăn chính trị địa phương nào. Mặt khác, công nghệ hiện đại của internet, v.v. đã cho phép tôi giao tiếp với mọi người ở những nơi khác. Tôi tận tâm muốn đóng góp bất cứ điều gì có thể cho hạnh phúc của các anh chị em ở Đài Loan cũng như các anh chị em của tôi ở Trung Quốc đại lục.
“Về mặt chính trị, tôi thực hiện Phương pháp Trung đạo. Tôi không tìm kiếm sự độc lập hoàn toàn cho Tây Tạng. Thái độ của tôi rất cởi mở, vì vậy, chúng ta sẽ đợi xem. Tình hình khá phức tạp, và đôi khi tôi cảm thấy rằng, vị Tăng sĩ Phật giáo đơn giản này không muốn tham gia vào những vấn đề chính trị phức tạp."
Cuối cùng, Pio d'Emilia nài nỉ Đức Ngài cho biết ai sẽ là người mà Ngài nghĩ rằng sẽ đến thăm Trung Quốc đầu tiên, là Đức Giáo hoàng hay Đức Đạt Lai Lạt Ma, và Đức Ngài đã cười và đáp vặn lại rằng: “Chỉ có Trời mới biết!”.
Pio d'Emilia đề cập rằng FCCJ, trong quá khứ, đã ghi danh Đức Ngài làm thành viên danh dự. Các phóng viên nước ngoài đã gia hạn nó, và ông ấy đã đưa ra cho Ngài xem giấy chứng nhận. Pio d'Emilia thưa với Đức Ngài rằng FCCJ (Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Nhật Bản) rất mong Ngài có thể quang lâm và tận tay nhận giấy chứng nhận này.
Đức Ngài trả lời: “Xin cảm ơn quý vị - hẹn gặp lại!”