Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Lord Richard Layard, Giáo sư tại Trường Kinh tế London và là người sáng lập nên tổ chức 'Hành động vì Hạnh phúc', đã chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến với cuộc trò chuyện sáng nay về chủ đề “Tạo nên một Thế giới Hạnh phúc hơn". Ông thưa với Ngài rằng, hôm nay là ngày đánh dấu kỷ niệm 10 năm - ngày bắt đầu của tổ chức 'Hành động vì Hạnh phúc', một tổ chức mà ông nói rằng Đức Ngài đã tham gia trước khi nó được thành lập. Ông ấy nhắc lại với Đức Ngài rằng họ đã cùng chia sẻ một diễn đàn ở Zurich thảo luận về “Đạo đức Thế tục”; khi ông ấy giải thích về kế hoạch của mình đối với 'Hành động vì Hạnh phúc' và Đức Ngài đã nói với Ông ấy rằng, "Tôi muốn tham gia".
Sau đó, ông cho biết rằng, tại Nhà hát Lyceum ở London, Đức Ngài đã khai trương cho khóa học “Hành động vì Hạnh phúc”, ‘Khám phá những Vấn đề gì’. Các cuộc thử nghiệm đã được tổ chức để đánh giá về sự khác biệt đối với những người sau khi tham dự khóa học; và những kết quả đạt được rất tích cực, sự gia tăng về mức độ hạnh phúc cơ bản, là rất đáng kể. “Tôi nhớ rằng khi sự kiện đó ở London kết thúc, một phóng viên của BBC ở hậu trường đã hỏi Ngài rằng, điều gì đã có thể khiến cho mọi người hạnh phúc hơn; và ngay lập tức Ngài đã trả lời: “Trái tim ấm áp". Điều đó đã khiến cho tôi rơi nước mắt”.
Layard đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi Đức Ngài về cách mà chúng ta có thể làm cho trái tim mình trở nên ấm áp hơn.
Ngài trả lời: “Chúng ta đã được trang bị tốt ngay từ khi chào đời để có một tấm lòng nhân hậu và quan tâm chăm sóc cho người khác. Sự tồn tại sống còn của chúng ta phụ thuộc vào các thành viên khác trong cộng đồng của mình. Ngay từ khi được sinh ra, chúng ta đã phụ thuộc vào tình cảm của mẹ. Quen thuộc với việc được chăm sóc từ lúc còn thơ ấu - điều đó đã chuẩn bị cho ta biết chăm sóc người khác khi có thể. Tấm lòng nồng ấm và sự chăm sóc lẫn nhau là điều đương nhiên nên làm.
“Vấn đề ở đây là hệ thống giáo dục hiện tại của chúng ta hướng tới các mục tiêu vật chất, mà không xem trọng đến nhu cầu duy trì một tâm hồn lành mạnh cũng như một cơ thể tráng kiện. Tuy nhiên, các cháu bé đến trường luôn nhận ra rằng mình yêu thích các lớp học được giảng dạy bởi những thầy cô giáo tươi cười vui vẻ; hơn là những lớp học được giảng dạy bởi những giáo viên có biểu hiện nghiêm khắc và gắt gỏng. Ngay cả các con vật cũng sẽ đáp lại những cử chỉ tương ứng nếu chúng ta có trái tim ấm áp dịu dàng dành cho chúng. Những con chó sẽ vẫy đuôi; và tôi đã thấy những con chim ăn mồi từ lòng bàn tay của những người có tấm lòng ấm áp và hiền hòa đối với chúng.
“Trái tim ấm áp là yếu tố then chốt trong việc tạo ra một cộng đồng vui tươi và một thế giới hạnh phúc hơn. Nó đưa đến một cảm giác của tình anh em huynh đệ. Tôi quyết tâm đóng góp vào việc tạo ra một cộng đồng có ý thức về tính đồng nhất của nhân loại, một cộng đồng mà đức tin hoặc màu da chỉ là điều thứ yếu so với thực tế là tất cả chúng ta đều là những con người như nhau.
Layard nhận xét rằng, có một số người có vẻ lạnh lùng, là do hậu quả của sự trải nghiệm mà họ đã phải nếm trải qua. Ông hỏi Đức Ngài cách làm thế nào mà Ngài vẫn giữ được vẻ rạng rỡ nội tại và nụ cười yêu thương khi phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế.
Ngài nói với ông rằng: “Toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng đều tập trung vào việc không gây tổn hại - ngay cả đối với côn trùng. Nếu một có một đứa trẻ bắt một con côn trùng bay, thì người khác trong gia đình sẽ nói rằng: “Đừng giết nó!”. Chúng ta là Phật tử, nhưng chúng ta có thể chia sẻ với những người thuộc tôn giáo khác về ý tưởng của lòng tốt đối với các loài sinh vật khác.
“Mẹ tôi rất tốt bụng. Tôi đã học được từ Bà về lòng bi mẫn. Tôi được chọn là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma và được đưa đến Lhasa - nơi mà tôi đã được học về lòng từ bi và triết lý Phật giáo - điều mà tôi cảm thấy vô cùng hữu ích.
“Sau đó, tôi tị nạn đến Ấn Độ - một quốc gia tự do và dân chủ - nơi các thành viên của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều cùng chung sống với nhau trong sự hòa bình và hòa hợp. Tôi là khách của Chính phủ Ấn Độ; và điều đó đã mang lại cho tôi sự an toàn và hạnh phúc. Và tôi coi đó là trách nhiệm của mình khi chia sẻ với những người khác về những điều tôi đã học được về sự an lạc nội tâm.
“Trong những thập kỷ gần đây, tôi đã tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học - những người đã đánh giá cao tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn. Ví dụ như, họ công nhận rằng, sự an lạc nội tâm đã góp phần vào việc cải thiện sức khỏe thể chất và tâm thái hạnh phúc.
“Tôi đã gặp nhiều hạng người khác nhau, nhưng việc gặp gỡ họ không khiến cho tôi cảm thấy rằng mình là người Tây Tạng hay mình là một Phật tử, điều đó khiến cho tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau cả”.
Lord Layard muốn biết về bí quyết của việc tạo dựng nên các mối quan hệ tốt đẹp.
Ngài trả lời: “Tôi tin rằng tất cả bảy tỷ con người đang sống hiện nay - về cơ bản - đều là anh chị em của nhau. Nếu chỉ nghĩ đến “đất nước tôi”, “dân tộc tôi”, “nhóm của tôi hoặc cộng đồng của tôi”; cách suy nghĩ ấy đã lỗi thời. Tư tưởng thiển cận sẽ rất dễ dẫn đến xung đột. Thay vào đó - trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta, ta nên nghĩ về tính đồng nhất của nhân loại. Chúng ta phải xem xét đến cộng đồng rộng lớn hơn; bởi vì chúng ta phải sống cùng chung với nhau. Đây là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng giáo dục người khác đánh giá cao rằng nhân loại là một gia đình.
“Ngoài sự phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của sự biến đổi về khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu mà chúng ta chỉ có thể đối diện được - nếu chúng ta cùng hành động và giúp đỡ lẫn nhau.
“Chúng ta là động vật xã hội. Nếu có ai đó tức giận với bạn, điều quan trọng là phải duy trì tấm lòng ấm áp dịu dàng đối với họ. Kẻ thù của ngày hôm nay có thể sẽ trở thành bạn bè của ngày mai. Nếu họ cư xử tiêu cực với bạn; và bạn đáp trả với thái độ thù địch, thì sự rắc rối giữa hai bạn sẽ không có hồi kết thúc."
Lord Layard nhớ lại Đức Ngài đã nói với ông rằng việc thành lập một tổ chức để thúc đẩy niềm hạnh phúc lớn hơn - không phải là công việc của Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã đồng ý trở thành Người bảo trợ cho “Hành động vì Hạnh phúc”. Layard hỏi Ngài có lời nhắn nhủ nào dành cho các thành viên của phong trào này không. Đức Ngài đã cười và nói với ông ta: “Tổ chức của bạn dựa trên việc nuôi dưỡng một thái độ hòa bình, ấm áp đối với người khác. Điều đó thật tuyệt vời và rất thiết thực. Nó cho thấy được niềm hy vọng của tương lai. Chúng ta có thể tạo nên một thế giới hạnh phúc hơn và một nhân loại vui vẻ hơn. Thật tuyệt vời. Và tôi nghĩ rằng các thành viên của bạn đã phát hiện ra rằng, chúng ta hạnh phúc hơn nhiều khi chúng ta cùng giúp đỡ lẫn nhau."
Giáo sư Layard đã giao lại cho Tiến sĩ Mark Williamson - Giám đốc của “Hành động vì Hạnh phúc”, người sẽ điều phối các câu hỏi cho Đức Ngài từ các thành viên của tổ chức. Williamson bắt đầu: “Rất vui khi được gặp lại Ngài. Con có những kỷ niệm thật hạnh phúc về khoảng thời gian con được diện kiến Ngài ở London vào năm 2015”. Cậu ta giới thiệu về người nêu câu hỏi đầu tiên rằng, có thể làm gì đối với những trẻ em bị trầm cảm do sự bùng phát của đại dịch covid.
Ngài thừa nhận rằng đại dịch đã rất nghiêm trọng trên toàn thế giới. Sự nghiên cứu y học quan trọng đang được tiến hành. Nhưng đối với trẻ em, điều quan trọng nhất là trấn an bằng cách dành cho các cháu tình cảm và sự quan tâm. Sự trấn an đó sẽ mang lại cho trẻ sự an tâm và dễ dàng giúp các cháu trở nên lạc quan hơn và tràn đầy niềm hy vọng.
Ngài nói với một người phụ nữ đang đau buồn trước cái chết của chồng mình rằng, mặc dù cô ta đã mất đi anh ấy; nhưng cô vẫn có được sự hỗ trợ của những người còn lại trong cộng đồng; và có thể trong một thời gian cô ấy sẽ tìm được một người chồng khác.
Ngài đã khuyên một thanh niên trẻ đang lo lắng về việc làm thế nào để duy trì lòng từ bi và niềm hy vọng khi phải đối mặt với các mối đe dọa như sự phân biệt chủng tộc và sự biến đổi khí hậu; Ngài nói rằng trái tim nhân hậu là bản chất tự nhiên của con người. Tuy nhiên, bên cạnh tấm lòng nhân hậu chúng ta còn phải sử dụng trí thông minh của con người. Nhận ra được tình anh chị em huynh đệ giữa chúng ta - đó chính là cơ sở để duy trì một cộng đồng hạnh phúc.
Ngài nhận xét, “Như chúng ta đã thấy gần đây về nạn lũ lụt ở Đức, Bỉ và các khu vực khác của Châu Âu, mọi người đã giúp đỡ lẫn nhau, thật là tuyệt vời. Hành động dựa trên lòng nhân hậu và trí thông minh là cách để tạo ra một thế giới an toàn hơn, hạnh phúc hơn.
Một phụ nữ ở Nam Phi đã hỏi Đức Ngài về cách làm thế nào để vun đắp tình bạn với những người khác; như tình bằng hữu của Ngài với Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu.
Ngài trả lời: “Yếu tố quan trọng là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta thuộc các truyền thống khác nhau, nhưng chúng ta đều là những con người thực hành tâm nhân ái và lòng tha thứ. Sự khác biệt giữa chúng ta chỉ là điều thứ yếu. Tôi thực sự yêu thương Bishop Tutu. Có một dịp khi Ông ấy ngâm nga những lời tán thán của tôi; và Ông ấy đã kết thúc bằng cách nói với một nụ cười: "Thật không may, người này không phải là người Công giáo!” Điều quan trọng là chúng tôi đã coi nhau như là anh em bởi vì cả hai chúng tôi đều là con người.
“Tôi nghĩ rằng mình chỉ là một con người như những người khác; và trên cơ sở đó, tôi coi những người mà tôi gặp gỡ đều là những bạn bè đáng tin cậy. Việc nhấn mạnh rằng tôi theo đạo Phật hay tôi là người Tây Tạng chỉ có tác dụng chia cách tôi với những người khác mà thôi. Yếu tố quan trọng là, tôi chỉ là một con người. Khi tôi viếng thăm những nơi khác nhau và gặp gỡ những con người có hoàn cảnh khác nhau, tôi mỉm cười và họ đã đáp lại. Đây là một nguồn hạnh phúc sâu sắc. Lòng nhiệt thành đã mang lại lợi ích cho tôi; và tôi cố gắng chia sẻ trải nghiệm đó với những người khác.
“Người Tây Tạng chúng tôi đã phải chịu đựng đau khổ đủ mọi cách, nhưng - về cơ bản - chúng tôi không coi người Trung Quốc là kẻ thù; bởi vì họ cũng là con người như chúng tôi”.
Đức Ngài đã được hỏi rằng, có thể làm gì để giúp các nhân viên y tế đang ở trạng thái căng thẳng và kiệt sức. Ngài thừa nhận rằng những người cống hiến hết mình để phục vụ cho người khác; có thể trở nên mệt mỏi và chán nản. Họ cần phải thực tế - Ngài nói. Để thực sự giúp đỡ được người khác, họ cần phải nghỉ ngơi để cho thể chất và tinh thần luôn được sảng khoái. Việc tự chăm sóc cho bản thân mình cũng góp phần giúp cho họ có thể giúp đỡ được những người cần được họ chăm sóc.
Một người phụ nữ mới mất cha vì bệnh covid; muốn có được lời khuyên về cách đối phó với nỗi đau mất mát ấy. Đức Ngài nói với cô rằng Ngài hiểu nỗi đau khổ của cô; và Ngài đề cập đến lời khuyên của một Đạo sư Ấn Độ cổ đại - người đã khuyên rằng, bạn nên suy nghĩ về những đau khổ mà bạn đang phải đối mặt; và kiểm tra xem bạn có thể làm gì để khắc phục được nó. Nếu có cách, thì đó là tất cả những gì cần nên làm. Không cần phải than thở. Mặt khác, nếu không có cách gì để làm, thì buồn bã cũng chẳng có ích lợi gì!
Ngài nhớ lại, “Khi mẹ tôi qua đời, tôi đã rất buồn! Nhưng thay vì buồn bã, tôi đã cầu nguyện cho bà được tốt đẹp. Sẽ thật tốt khi nghĩ về những điều mà cha của bạn mong muốn bạn làm; và hãy thực hiện điều đó!”
Cuối cùng, liên quan đến việc làm thế nào để có được một cuộc sống hạnh phúc hơn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng, trong quá khứ mọi người hiểu rất ít về tầm quan trọng của sự bình yên trong tâm hồn; hoặc cách để đạt được sự an lạc nội tâm ấy. Hiện nay, kiến thức này đang phát triển. Yếu tố quan trọng để thế hệ tương lai - trẻ em ngày nay - cảm kích; đó chính là tầm quan trọng của trái tim ấm áp nhân hậu đi đôi với sự nhận thức về tính đồng nhất của nhân loại. Tư duy hẹp hòi chỉ dành cho những người như chúng ta là đã lạc hậu. Toàn thể nhân loại phải học cách sống và hành động như một cộng đồng duy nhất.
Mark Williamson cảm ơn những người đã nêu câu hỏi cũng như cảm ơn Đức Ngài đã trả lời các câu hỏi.
Lord Layard tuyên bố, “Đây là một sự kiện tuyệt vời! Ngài đã là nguồn cảm hứng cho chúng con trong những năm qua. Xin cảm ơn Ngài đã đến với chúng con hôm nay. Tôi muốn cảm ơn Văn phòng Tây Tạng ở Luân Đôn đã điều phối cho sự kiện này ; và cảm ơn các thành viên của khán giả đã tham gia cùng với chúng tôi!
“Chúng tôi có một phương châm mới - Cùng nhau Hạnh phúc hơn, Tử tế hơn. Các bạn đã giúp chúng tôi thực hiện điều đó. Xin cảm ơn các bạn!”