Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay Tenzyn Zöchbauer - Giám đốc Điều hành của Tổ chức Sáng kiến Tây Tạng Deutschland, đã chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến với cuộc trò chuyện về chủ đề 'Văn hóa Tây Tạng và Tiềm năng đóng góp cho Hòa bình'. Cô ấy thưa với Ngài rằng có 50 người ủng hộ Tây Tạng và người Tây Tạng ở Đức, Thụy Sĩ và Áo đang tham gia tương tác trực tuyến, trong khi nhiều người khác đang theo dõi trên khắp thế giới.
Ngài trả lời: “Tôi rất vui khi có được cơ hội này để tham gia vào cuộc thảo luận với những người bạn Đức. Từ thời thơ ấu, tôi đã có một quan điểm mềm mỏng với nước Đức. Tôi biết rằng Đức đã bị đánh bại trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.
“Ở Tây Tạng, chúng tôi có hai du khách, Aufschnaiter và Harrer, vì họ nói tiếng Đức nên chúng tôi nghĩ họ là người Đức. Tôi không có nhiều liên hệ cá nhân với Aufschnaiter, nhưng tôi đã trở thành bạn của Harrer. Cậu ấy là người đầu tiên dạy tiếng Anh cho tôi, nhưng mãi sau này, tôi mới nhận ra rằng tiếng Anh của cậu ấy thực sự khá tệ - và đó là nơi mà tôi bắt đầu học tiếng Anh theo kiểu tiếng bồi.
“Như tôi đã đề cập trước đây, nước Đức đã bị đánh bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như Nhật Bản, sau khi bị tấn công hạt nhân. Do đó, các phong trào hòa bình mạnh mẽ đã diễn ra ở cả hai quốc gia này. Cả hai dân tộc Đức và Nhật Bản đều thể hiện khát vọng hòa bình thực sự và cả hai đều đã góp phần tạo ra một thế giới hòa bình hơn.
“Về văn hóa Tây Tạng, chúng tôi vốn là một dân tộc du mục với lối sống khá đơn giản. Sau đó vào thế kỷ thứ bảy, Hoàng Đế Tây Tạng - Songtsen Gampo, đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc. Ông quyết định rằng người Tây Tạng nên có phương tiện chữ viết riêng của họ, nhưng thay vì theo mô hình của Trung Quốc, thì Đức Vua đã chọn lựa dựa trên bảng chữ cái của Ấn Độ và chữ viết Devanagari.
“Vào thế kỷ thứ tám, Vua Trisong Detsen muốn giới thiệu Phật giáo đến Tây Tạng; và một lần nữa - ông chọn không quay sang Trung Quốc mà quay sang Ấn Độ để được giúp đỡ. Vào thời điểm đó, Đại học Nalanda là trung tâm học tập nổi tiếng nhất. Trisong Detsen đã thỉnh một trong những học giả nổi tiếng - Ngài Tịch Hộ - đến Vùng đất Tuyết. Khi nhận ra rằng người Tây Tạng đã có ngôn ngữ viết riêng của họ, Ngài Tịch Hộ đã khuyến khích việc dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng. Kết quả là, các học giả Tây Tạng và Ấn Độ đã làm việc cùng nhau và dịch bộ sưu tập những lời Đức Phật dạy (Kinh Tạng) thành 100 tập và bộ sưu tập các luận thuyết (Luận Tạng) của các đạo sư Ấn Độ tiếp theo sau đó thành hơn 200 tập. Đây là sự khởi đầu của di sản văn hóa Tây Tạng.
“Chúng tôi coi người Ấn Độ là bậc thầy của mình. Đôi khi tôi nói đùa rằng những người trong chúng tôi - những người mà ban đầu là đệ tử - nhưng cuối cùng đã trở thành những bậc thầy. Bởi vì chúng tôi rất chú trọng đến tài liệu văn học Phật giáo mà chúng tôi đã có được, tôi tin rằng truyền thống của chúng tôi hiện nay là truyền thống Phật giáo toàn diện nhất. Theo khuôn mẫu của Truyền thống Nalanda và được truyền cảm hứng từ lời khuyên của Đức Phật là hãy thử nghiệm và xem xét những lời dạy của Ngài trước khi chấp nhận chúng - chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng những Giáo lý của Phật giáo. Chúng tôi đã học hỏi, nhưng, lưu tâm đến tấm gương của Trung Quốc, chúng tôi cũng đã suy ngẫm, thiền định.
“Chúng tôi học thuộc lòng các bản văn chính - điều mà tôi cũng đã từng làm từ lúc còn bé. Nhưng yếu tố duy nhất là sau đó chúng tôi thực hiện một phương pháp logic chặt chẽ để xem xét kỹ lưỡng về ý nghĩa của những gì đã được trước tác. Đây không phải là thói quen trong truyền thống Pali hay Trung Quốc. Chúng tôi noi theo tấm gương của Chapa Chökyi Sengé - người đã chính thức hóa hệ thống tranh biện của người Tây Tạng.
“Những ngày này - như tôi đã nói trước đây - các cuộc trò chuyện với nhiều học giả Phật giáo đã khiến tôi tin rằng, những gì mà người Tây Tạng đã duy trì và bảo tồn là truyền thống Phật giáo toàn diện nhất. Chúng tôi học hành, nhưng cũng trau dồi về thiền Chỉ ‘shamatha’, và thiền Quán ‘vipashyana’. Chúng tôi không chỉ nuôi dưỡng lòng từ bi và trái tim ấm áp; mà còn sử dụng cả trí thông minh của mình và quán sát mọi thứ một cách logic.
“Khả năng của chúng tôi về sự giải thích cách nuôi dưỡng lòng từ bi và đạt được sự bình yên trong tâm hồn - có nghĩa là chúng tôi có thể đóng góp vào nền Hòa bình trên thế giới. Ngay cả những người không quan tâm đến tôn giáo cũng muốn tìm thấy sự bình yên nội tâm. Họ cũng có thể được lợi ích khi biết rằng chúng ta phải đối mặt với mọi loại rắc rối là vì tâm thức của chúng ta bị phiền não xáo trộn.
“Chúng ta bắt đầu cuộc sống của mình trong tình yêu thương của mẹ. Nếu không có tình yêu thương đó, ta sẽ không tồn tại. Chính sự trải nghiệm về lòng từ bi của mẹ đã gieo vào tâm thức chúng ta một hạt giống để trở nên tử tế với người khác khi chúng ta lớn lên. Tuy nhiên, nền giáo dục hiện đại ít chú ý đến cách mà những cảm xúc tích cực như vậy đã góp phần vào sự an lạc nội tâm và tình trạng sức khỏe tốt nói chung. Nó cũng không cho thấy được sự sân giận đã làm xáo trộn quấy nhiễu tâm thức của chúng ta và phá vỡ những cộng đồng mà chúng ta đang sống như thế nào. Tất cả lợi ích của chúng tôi là học được phương pháp để đạt được sự bình yên trong tâm hồn; và văn hóa Tây Tạng đã duy trì được sự sống động của nhiều phương tiện để mang lại điều đó”.
Đức Ngài đã trả lời một loạt câu hỏi của khán giả, một số câu hỏi được gửi đến Ngài bằng tiếng Tây Tạng, một số bằng tiếng Đức và một số câu hỏi khác bằng tiếng Anh. Một số đề cập đến việc làm thế nào để văn hóa Tây Tạng có thể được bảo tồn ở Tây Tạng.
Ngài nhận xét rằng, khi người Trung Quốc lần đầu tiên chiếm đóng Tây Tạng, các nhà lãnh đạo của họ đã bị thúc đẩy bởi một hệ tư tưởng mạnh mẽ. Ngài nhớ lại cuộc gặp gỡ cuối cùng của mình với Chủ tịch Mao, khi ấy nhà lãnh đạo cách mạng đã khen ngợi Ngài về trí tuệ khoa học, nhưng lại trêu chọc Ngài bằng cách khăng khăng rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Kể từ đó, cách suy nghĩ đã thay đổi và ngày càng có nhiều người Trung Quốc thể hiện sự quan tâm mới đối với Phật giáo.
Ngài nói rằng những người bạn có liên quan đến nền giáo dục ở Trung Quốc đã nói với Ngài rằng, các giáo sư đại học đã được tiếp cận các bản dịch tiếng Trung của hai tập sách ‘Khoa học và Triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ' do người Tây Tạng ở Ấn Độ biên soạn từ các nguồn trong Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng). Các giáo sư đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng Phật giáo Tây Tạng thuộc về Truyền thống Nalanda, áp dụng một cách rõ ràng phương pháp tiếp cận khoa học bắt nguồn từ logic và lý luận.
Đức Ngài nhận xét rằng những người cộng sản Trung Quốc đã gây áp lực tối đa chống lại Phật giáo Tây Tạng nhưng không thể tiêu diệt được nó. Giờ đây, Phật giáo Tây Tạng đang thu hút sự quan tâm không chỉ ở Trung Quốc mà là trên toàn thế giới.
Ngài đã mô tả về cách thức mà - khi đến Ấn Độ - Ngài đã đề xuất việc thành lập các trường học dạy tiếng Tây Tạng cho trẻ em Tây Tạng. Ngài Nehru đã hoàn toàn ủng hộ cho đề xuất này. Trong quá trình đó, các trung tâm tu học cũng đã được tái thành lập. Những ngày này, hàng ngàn Tăng ni có cơ hội được tu học nghiêm túc. Những thanh niên Tây Tạng muốn tham gia với họ thì trước tiên phải thông thạo tiếng Tây Tạng - ngôn ngữ mà sẽ trang bị cho họ để học hành, để trở thành học giả và nhờ đó mà bảo tồn truyền thống Tây Tạng.
Đức Ngài chỉ ra rằng, bất cứ nơi nào mà người Tây Tạng đã định cư; họ đều cố gắng để có thể học nói và viết tiếng Tây Tạng. Tương tự như thế, trên khắp vùng Hy Mã Lạp Sơn, các sáng kiến khởi nguyên không những chỉ được thực hiện cho những người xuất gia, mà còn dành cho những người cư sĩ, cả già và trẻ, để học hỏi nghiên cứu và thực hành tranh luận.
Về hoạt động vì hòa bình trên thế giới, Ngài khẳng định rằng, Ngài thực hiện phương pháp tiếp cận thế tục. Đối với Ngài, yếu tố quan trọng giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng hạnh phúc là tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Và nền tảng cho điều này là lòng từ bi.
Về sự tồn tại và hưng thịnh của Phật giáo Tây Tạng, Đức Ngài nhắc lại rằng - trong lịch sử, Trung Quốc là một quốc gia Phật giáo. Ngày nay, ngày càng có nhiều mối quan tâm đối với những gì mà Phật giáo đề cập về mặt triết học, lý luận và tâm lý học. Chẳng hạn như, Ngài cảm thấy rất hữu ích khi nhận biết được những điểm tương ứng giữa tư tưởng Phật giáo và những quan sát được thực hiện liên quan đến vật lý lượng tử.
Đề cập đến câu hỏi về quyền lực ngày càng gia tăng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc là phức tạp. Ngài nhận xét rằng; dù Trung Quốc có trở nên hùng mạnh đến đâu đi chăng nữa, thì quốc gia này cũng vẫn chỉ là một phần của thế giới; và phải chung sống hòa bình với các quốc gia khác. Ấn Độ và Trung Quốc phải sống bên cạnh nhau. Vấn đề về Đài Loan có thể phức tạp về mặt chính trị, nhưng thực tế vẫn là di sản văn hóa Trung Quốc hoàn toàn được bảo tồn trên xứ đảo này.
Ngài nói: “Các quyết định thiển cận về mặt chính trị có thể được đưa ra, nhưng về lâu dài, Trung Quốc phải sống với các nước láng giềng. Mọi thứ đang thay đổi - và ở một khía cạnh nào đó - mọi người trở nên cởi mở và thực tế hơn so với trước đây”.
Khi được hỏi làm thế nào để mọi người có thể tìm thấy được thông tin trung thực về các vấn đề nghiêm trọng như sự biến đổi khí hậu và đại dịch covid, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng; trước đây - khi hầu hết mọi người sống trong sự cô lập, rất khó để biết được đâu là sự thật. Nhưng ngày nay, điện thoại di động và hệ thống mạng internet đã cung cấp nguồn thông tin vô tận, vì vậy, cần phải thận trọng cảnh giác về những gì là sự thật. Liên quan đến sự biến đổi khí hậu, nếu chúng ta không hành động, thì nguồn nước ở khắp mọi nơi sẽ bị giảm xuống đáng kể. Thậm chí, có ý kiến cho rằng các con sông ở Tây Tạng sẽ khô cạn và vùng đất sẽ trở nên giống như sa mạc ở Afghanistan.
Điều này có vẻ xa vời, nhưng tốc độ các sông băng đang tan chảy ở Bắc Cực và Nam Cực cho thấy tình hình ở Tây Tạng cũng nghiêm trọng không kém. Các vấn đề toàn cầu cần có những giải pháp toàn cầu. Khi mà trước đây chúng ta có thể chỉ quan tâm đến những khó khăn cục bộ của địa phương mình, thì bây giờ chúng ta phải xem xét đến nhu cầu của toàn thế giới.
Ngài nói, khi người dân trở thành nạn nhân của lũ lụt và nạn cháy rừng, thì điều quan trọng là chúng ta phải truyền đạt sự quan tâm, chăm sóc của mình và cung cấp bất cứ sự trợ giúp nào mà chúng ta có thể. Cũng như việc thể hiện cho họ biết rằng họ không hề bị lãng quên, điều cần thiết là phải ghi nhớ tính đồng nhất của nhân loại.
Trở lại với câu hỏi làm thế nào để bảo tồn văn hóa Tây Tạng, Đức Ngài gợi ý rằng, quan tâm đến nền văn hóa Tây Tạng là một bước thiết thực. Vấn đề không phải là duy trì các phong tục vì lợi ích riêng của họ, mà là bảo tồn kiến thức mà truyền thống văn hóa ấy đã truyền đạt. Trong trường hợp này, những gì hữu ích và có lợi chính là phương tiện để trưởng dưỡng sự bình yên trong tâm hồn; và vì vậy chính điều đó đã góp phần vào nền hòa bình của thế giới.
Tenzyn Zöchbauer đã cảm ơn lời khuyên của Đức Ngài; cảm ơn thính giả đã lắng nghe và đặt câu hỏi; tri ân đội ngũ thông dịch viên về những sự phiên dịch cùng lúc của họ. Cô mời Wolfgang Grader - Chủ tịch của Sáng kiến Tây Tạng Deutschland, phát biểu vài lời cuối cùng. Ông nhớ lại lần cuối được diện kiến Đức Ngài vào năm 2018 tại một sự kiện ở Darmstadt; và lấy làm tiếc rằng sự bùng phát của đại dịch Covid đã ngăn cản mọi cuộc gặp gỡ như vậy kể từ đó. Ông cảm ơn Đức Ngài đã dành thời gian cho sự kiện này; và kính chúc Ngài luôn được dồi dào sức khỏe, mạnh mẽ và trường thọ. Ông kêu gọi khán giả hãy hành động vì Tây Tạng, vì nhân quyền và vì nền hòa bình của thế giới.
Đức Ngài trả lời: “Xin cảm ơn!” và “hẹn gặp lại!”