Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm vào phòng - nơi Ngài tham gia vào cuộc trò chuyện trực tuyến ngày hôm nay, Chư Tăng ở Đài Loan đã bắt đầu tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Trung Quốc. Sau thời tụng Kinh của họ, ông Chung Chih thay mặt Ban Tổ chức chào đón Đức Ngài. Ông nhắc lại rằng các đệ tử chính của buổi thuyết Pháp hôm nay là người Đài Loan và người Trung Quốc. Nhiều người trong số họ thuộc Tổ chức Cực lạc và Trí tuệ do Vị Tỳ Kheo đã viên tịch - Tenzin Jamchen - thành lập, người đã từng đưa nhiều đệ tử trung thành đến viếng thăm Dharamsala. Chung Chih cam đoan với Đức Ngài rằng tất cả những đệ tử này đều nghiêm túc thực hiện lời khuyên nhủ và dạy bảo của Ngài khi họ nỗ lực học tập và thiền định.
Ngài trả lời rằng Ngài rất vui khi thấy những Pháp Hữu của Ngài từ Đài Loan trực tuyến hôm nay. Ngài nhận xét rằng từ quan điểm của Giáo Pháp; mối quan hệ giữa Đạo sư và đệ tử sẽ còn tiếp tục trong những kiếp sau.
Ngài xác nhận lại rằng “Hôm nay, tôi sẽ giải thích về “Xưng tán Duyên khởi” của Jé Tsongkhapa. Nhưng trước tiên, tôi muốn giới thiệu ngắn gọn cho quí vị.
“Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xuất hiện ở Ấn Độ hơn 2500 năm trước. Ngài thị hiện để giảng dạy hơn là để thể hiện thần thông; và Ngài đã khuyên các môn đồ rằng: “Các con là chủ nhân của chính mình. Bất cứ điều gì mà các con nếm trải đều phụ thuộc vào bản chất của hành động của chính các con.” Ngài khuyến khích họ học cách rèn luyện tâm thức của mình. Ngài chỉ ra những gì cần được đón nhận và những gì cần nên loại bỏ. Điều này dẫn đến sự thăng hoa trên các đạo lộ và các địa.
“Đức Phật thấy rằng không có cách nào khác để Ngài giúp đỡ chúng sinh. Ngài dạy về Tứ Diệu Đế, giải thích về bản chất, công năng và kết quả của chúng. Tại sao Ngài lại làm như vậy? Vì không ai trong chúng ta muốn đau khổ. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Ngài dạy rằng hạnh phúc và đau khổ đều đến từ nhân và duyên. Chúng không hề xảy ra một cách ngẫu nhiên.
“Ngài khuyên các đệ tử của mình rằng họ cần phải hiểu biết về đau khổ, Ngài giải thích về khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi đau khổ, trước tiên chúng ta phải hiểu nó là gì. Nó không thể phát sinh mà không có nguyên nhân và duyên, cũng không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Điều thực sự làm phát sinh đau khổ chính là một tâm thức thiếu kiểm soát, tạo ra nghiệp và những phiền não về tinh thần mà đến lượt nó lại tạo ra đau đớn và khoái lạc.
“Vì chúng ta mong muốn được hạnh phúc, cho nên Đức Phật đã giải thích về sự cần thiết để tìm kiếm những nguyên nhân của hạnh phúc và đưa chúng vào thực hành. Vấn đề được đặt ra sau đó là liệu chúng ta có thể vượt qua đau khổ một cách trọn vẹn hay không. Và để đáp lại, Đức Phật đã dạy rằng có thể đạt được sự chấm dứt thực sự của đau khổ và nguyên nhân của nó. Đây là một lời dạy đặc biệt của Đức Phật. Bởi vì có thể đạt được sự chấm dứt đích thực, thì có thể khắc phục được nghiệp và phiền não. Đây là bản chất của sự giải thoát.
“Trong ‘Trí tuệ căn bản của Trung quán’, Ngài Long Thọ viết:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng, não phiền,
Ta đạt được giải thoát an nhiên;
Phiền não, nghiệp duyên đến từ tư duy khái niệm
Những điều này xuất phát từ vọng động của tâm;
Vọng tâm ấy sẽ triệt tiêu khi liễu ngộ được tánh không. 18.5
“Sự hiểu biết về tính không sẽ triệt tiêu sự vô minh do thiếu hiểu biết cơ bản về bản chất của sự vật. Ở những nơi khác trong cùng một bản văn, Ngài Long Thọ đã xác nhận:
"Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp duyên sinh,
Thì chính nó cũng là Trung đạo." 24,18
"Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên;
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không." 24,19
“Một trong những lời giải thích rõ ràng nhất về quan điểm của Ngài Long Thọ là ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng. Các bài Kệ ở cuối chương sáu mô tả vị Bồ tát, được ánh sáng trí tuệ soi sáng, thấy rõ như thấy một quả amla trong lòng bàn tay rộng mở của mình - rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên; và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt.
Đức Ngài đã đề cập rằng có một số phong cách lập luận được sử dụng để chứng minh cho tính không. ‘Thiếu một hoặc nhiều’ xem xét bản chất của sự vật. Tác phẩm ‘Kim Cang năng đoạn’ đã trình bày bản chất của sự vật theo quan điểm của nguyên nhân.
Ngài Nguyệt Xứng đã phác thảo những ngụy biện hợp lý xảy nếu mọi thứ vốn dĩ tồn tại.
"Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại."
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát.
Jé Tsongkhapa tuyên bố:
Khi, chính nhờ vào lòng từ ái của Thầy,
Con gặp được Phật thừa tối thượng;
Bỏ lại sau lưng hai thái cực đoạn, thường;
Được Ngài Long Thọ tiên tri làm tỏ sáng;
Rừng sen Pháp của Ngài được lung linh chiếu rạng;
Bởi ánh trăng Giáo pháp của Ngài Nguyệt Xứng lẫy lừng.
Thế giới trí tuệ vô nhiễm của Ngài lưu xuất ung dung;
Thao thao bất tuyệt qua bầu trời ngôn từ lưu loát.
Xua tan bóng tối vô minh chấp vào hai thái cực;
Làm sáng tỏ hơn những ngôi sao của những người phát biểu sai lầm;
Nhờ thế nên con tìm thấy được sự an lạc nội tâm!
Ngài khẳng định sự tin tưởng của mình rằng có thể đạt được sự chấm dứt khổ đau (diệt đế); và để làm được như vậy thì cần phải đi theo con đường chân chính (Đạo đế). Điều này bao gồm Ba sự rèn luyện về Giới, Định và Tuệ. Yếu tố quan trọng trong việc diệt trừ vô minh là hiểu rằng mọi thứ không tồn tại theo cách mà chúng trình hiện. Đức Ngài nhận xét rằng, ngày nay ngay cả các nhà vật lý lượng tử cũng đưa ra những nhận xét tương tự.
Sự uyên thâm tối hậu của Phật giáo bắt nguồn từ quan niệm về lý duyên khởi và sự phụ thuộc vào các yếu tố khác. Jé Tsongkhapa đã suy ngẫm và thiền định về những ý tưởng này trong nhiều năm. Ngài cũng tham gia nhiệt thành vào các thực hành tịnh hoá và tích lũy công đức và trí tuệ.
Trong khi nhập thất ở Wölkha, vào một đêm, Jé Rinpoché có một giấc mơ về Ngài Long Thọ cùng với năm vị đệ tử thân cận của Ngài. Một người trong số họ, được mô tả là có nước da hơi xanh, bước đến và cầm một cuốn sách chạm vào đầu của Jé Rinpoché. Ngày hôm sau, Jé Rinpoché tham khảo luận thuyết được gọi là ‘Buddhapalita’ và đạt được trí tuệ sâu sắc về tính không và lý Duyên khởi. Do đó, Ngài đã trước tác bản văn này. “Xưng tán Duyên khởi” đã thể hiện niềm tin mãnh liệt của Ngài vào Giáo lý của Đức Phật.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng “Tôi đã nhận được sự truyền dạy về tác phẩm “Xưng tán Duyên khởi” này từ Giáo thọ Sư sơ cấp của tôi - Kyabjé Trijang Rinpoché - khi Ngài truyền cho tôi toàn bộ ‘Tác phẩm được sưu tập’ của Jé Rinpoché. Nó bắt đầu bằng sự kính lễ Đức Phật vì Giáo lý của Ngài thoát khỏi tám thái cực”.
Đức Ngài bắt đầu đọc bản văn. Câu đầu tiên xưng tán Đức Phật là ‘Bậc Thầy tối thượng, trí tuệ cao siêu’. Câu thứ hai đề cập đến nguồn gốc của khổ đau chính là vô minh, có thể được nhổ tận gốc bằng cách hiểu rõ về lý duyên khởi. Mặc dù các trường phái Phật giáo khác có khẳng định về lý duyên sinh, nhưng biểu hiện tinh tế nhất của nó chỉ xảy ra khi các pháp được mô tả là chỉ hiện hữu đơn thuần bằng sự gán danh mà thôi.
Khi tiếp tục đọc qua các bài Kệ, Đức Ngài đã khuyên các thính giả rằng, mỗi chúng ta đều có cảm giác một cách bản năng về cái “ngã” hay cái ‘tôi’ của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự tìm kiếm nó thì ta không thể tìm thấy gì cả. Ngài đã trích dẫn một bài Kệ trong ‘Vòng Châu Báu’ của Ngài Long Thọ:
"Con người không phải là đất, không là nước,
Không là lửa, không là gió, chẳng là không gian,
Không phải ý thức, và không phải là tất cả trong số đó.
Vậy con người là gì khác hơn ngoài những thứ này?" 1.80
Ngài lưu ý rằng mọi thứ dường như tồn tại một cách độc lập, khách quan, nhưng nếu chúng tồn tại mà không phụ thuộc vào các yếu tố khác, thì sẽ không thể đạt được giải thoát. Ngài chỉ ra rằng chúng ta đề cập đến một cái gì đó là trống rỗng khi chúng ta nói “sắc tức là không”. Tuy nhiên, đó là cách mà nó như thế. “Không” không được làm bằng sự trống rỗng.
Ngài đã kết thúc việc đọc bản văn hôm nay tại điểm mà Jé Rinpoché viết: "Tất cả những điều này đều không có bản chất," Và “Từ cái này phát sinh ra kết quả kia” - Hai điều chắc chắn này bổ sung cho nhau không có gì mâu thuẫn cả. Còn gì tuyệt vời hơn điều này nữa chứ? Còn điều gì kỳ diệu hơn điều này?
Khi trả lời các câu hỏi của thính chúng, Ngài đã giải thích rằng, việc đề cập đến các pháp chỉ đơn thuần là sự gán danh - là một khía cạnh tinh tế của lý Duyên Khởi. Ngài lưu ý rằng một số nghiệp hoặc hành động là tự hiển lộ rõ ràng, một số bị ẩn tàng, trong khi một số khía cạnh tinh tế của hành động lại bị che khuất. Ngài tuyên bố rằng sự hiểu biết về tính không có thể giúp chúng ta hiểu được chức năng của quan hệ nhân quả.
Ngài trích dẫn kinh nghiệm của bản thân và nói rằng khi thức dậy vào buổi sáng, Ngài nhận thức được rằng mình có ý thức về cái ‘tôi’. Ngài tìm kiếm nó và kết luận rằng nó chỉ tồn tại bằng sự gán danh tên gọi phụ thuộc. Nó không tồn tại như cách mà nó trình hiện. Ngài khẳng định rằng chính khi bạn không tìm thấy nó, thì bạn mới nhận ra rằng nó chỉ tồn tại bằng cách gán danh.
Duyên khởi được mô tả là vua của lý luận vì nó có thể xua tan hai thái cực - thường hằng và thường đoạn - cùng một lúc.
Khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó, sự trải nghiệm liên quan đến nhận thức cảm tính, nhưng khi ta đánh giá rằng nó không tồn tại theo cách mà nó trình hiện thì sự đánh giá này liên quan đến ý thức tinh thần. Suy ngẫm về cách mà các pháp vốn dĩ không có sự tồn tại cố hữu - sẽ làm giảm bớt cảm giác của chúng ta về sự vững chắc của chúng. Điều quan trọng là phải đánh giá cao điều đó để nói rằng thứ gì đó là không - không có nghĩa là nó không tồn tại.
Khi trả lời một câu hỏi về việc tích lũy công đức và trí tuệ trong việc thực hành Mật thừa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bị thuyết phục mạnh mẽ về tính không. Ngài chỉ ra rằng trước tiên ta nên thiền định về tính không trước; và sau đó quán tưởng khởi lên từ tánh không ấy dưới hình thức của Bổn tôn.
Trả lời câu hỏi về việc kết hợp những pháp hành liên quan đến Duyên khởi và Bồ đề tâm, Đức Ngài đã hướng dẫn thính giả của mình thông qua ‘Tâm Du già toàn diện’. Điều này liên quan đến việc trước tiên trau giồi Bồ đề Tâm - khát khao trở thành một vị Phật vì lợi ích của tất cả chúng sinh, và tưởng tượng Bồ Đề Tâm ấy được chuyển hoá thành một chiếc đĩa mặt trăng trong sáng ở vị trí tim. Sau đó, Ngài mô tả cách suy ngẫm về tánh không và quán tưởng rằng trí tuệ tánh không đó biến thành chày kim cang trắng đứng trên đĩa mặt trăng ở vị trí tim.
Pháp hành ‘Tâm Du già toàn diện’ này liên quan đến việc quán tưởng kiên định về phương tiện và trí tuệ tại vị trí trái tim. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng những hành giả có thể thực hiện việc thực hành này hàng ngày có thể được coi là những đệ tử chân chính của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cũng giống như việc Ngài đã chọn Đức Phật, Ngài Long Thọ và Jé Tsongkhapa làm những tấm gương điển hình của mình, những đệ tử này có thể chọn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma làm tấm gương điển hình của họ.
Về khía cạnh làm hài lòng Lama, Ngài giải thích rằng, mục đích của Lama là suy ngẫm về quan điểm tính không và trau dồi Bồ Đề Tâm thông qua sự thực hành bình đẳng và hoán đổi giữa bản thân và người khác. Điều này liên quan đến việc duy trì dòng truyền thừa sâu rộng, dòng truyền thừa của trí tuệ uyên thâm và dòng truyền thừa của những phước lành phát sinh từ việc thực hành Du già Bổn tôn. Đây là một điển hình để các môn đệ noi theo. Đức Ngài nói thêm rằng, ngoài việc này ra, điều quan trọng là các đệ tử phải luôn vui vẻ và thể hiện một nụ cười chứ không phải là một khuôn mặt nghiêm nghị hoặc dữ tợn đối với thế giới.