Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay là ngày thuyết giảng thứ hai của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dành cho các Phật tử ở Nga và các vùng Mông Cổ của Liên bang Nga. Ngay khi Đức Ngài xuất hiện trên màn hình của họ, các tín đồ Phật Tử bắt đầu tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng ngôn ngữ Kalmyk từ Xứ Sở Hoàng Kim của Tu viện Phật Thích Ca ở Kalmykia. Tiếp theo là tụng lần thứ hai bằng tiếng Nga từ Kuntsechonei Datsan ở St.Petersburg do Vị Trụ trì Buda Badmaev xướng lễ.
Đức Ngài bắt đầu bằng cách giải thích rằng, mặc dù Ngài đã nhận được sự trao truyền về ‘Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận’, nhưng cuốn sách mà Ngài đã được thỉnh cầu giảng dạy, vì độ dài của nó, nên Ngài sẽ không thể đọc hết được. Ngài thông báo rằng Ngài sẽ giới thiệu về Phật giáo, xem lại phần Nhất Thiết Du Già và trả lời các câu hỏi của khán giả.
Ngài trình bày: “Đức Phật đã bắt đầu giáo lý của mình bằng cách trình bày về Tứ Diệu Đế. Những điều này đề cập đến sự thật của đau khổ, nguồn gốc thực sự của đau khổ, sự chấm dứt thực sự và con đường thực sự đưa đến chấm dứt sự đau khổ; bản chất, chức năng và kết quả của chúng. Sau khi mô tả bản chất của bốn sự thật này, khi Ngài tuyên bố rằng, đau khổ cần phải được nhận biết, Ngài không chỉ muốn nói đến những trải nghiệm đau đớn hiển nhiên mà còn bao gồm cả những đau khổ tiềm ẩn, lan khắp - của sự tồn tại có điều kiện. Khi đã biết về sự đau khổ, Ngài đã nói rõ sự cần thiết phải nhận ra nguồn gốc của nó. Sau khi đã nhận biết như thế, vấn đề đặt ra là, liệu nguồn gốc của đau khổ có thể được khắc phục hay không; và câu trả lời là - có thể.
“Trong giai đoạn đầu đời, quý vị có thể có đầy những cảm xúc tiêu cực, nhưng nếu quý vị nhận ra được mức độ tàn phá của chúng, thì quý vị có thể bắt đầu đối phó với chúng. Điều này liên quan đến việc tham gia vào ba sự rèn luyện (giới - định - tuệ), trong đó đầu tiên là đạo đức (giới). Một khi quý vị nhận biết được ba độc, tham, sân, si, và bạn hỏi liệu chúng có thể được chuyển hoá hay không, quý vị sẽ thấy rằng chúng có thể bị đối trị bởi những yếu tố tích cực như tình yêu thương. Cảm xúc tiêu cực nảy sinh theo bản năng do thói quen lâu ngày, nhưng chúng có thể được chuyển hóa. Chúng không chịu được sự thử thách của lý trí.
“Nguồn gốc của đau khổ chính là nghiệp và tâm phiền não, những trạng thái này có thể được giảm thiểu và loại bỏ bằng cách trau dồi các yếu tố tích cực. Do vậy cho nên, sự chấm dứt (Diệt đế) có thể được thực hiện.
“Trong Mật tông có thảo luận về sự tan rã các khía cạnh thô thiển của tâm thức, tiếp theo là ba thị kiến và tâm thức của tịnh quang sẽ hiển hiện vào lúc chết. Tâm thức của tịnh quang cũng có thể được hiển lộ trong khi ngủ. Khi đó, bạn có thể thấy được mặt hạn chế của những phiền não. Đây là những trạng thái tâm thức bị sai lạc, nhưng chúng cũng mang tính tình cờ và tạm thời. Khi hiểu được điều này; và hiểu rằng bản chất của tâm thức là trong sáng rõ ràng, thì chúng ta có tiềm năng phát triển được những phẩm chất xuất sắc của tâm.
“Chấm dứt (Diệt đế) là điều khả thi; bởi vì trạng thái phiền não của tâm chỉ là thình lình và ngẫu nhiên. Khi quý vị thấy rằng sự vô minh có thể được khắc phục, thì quý vị sẽ hiểu được lời Phật dạy rằng con đường (Đạo) cần phải được tu luyện (trau giồi).”
Đức Ngài nhận xét rằng, tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi; và có ích cho con người. Ngài giải thích, Phật giáo không chỉ quan tâm đến những lời cầu nguyện đối với Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng; mà còn quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp khắc phục để chuyển hóa tâm thức. Nó dạy cách thực hiện sự chấm dứt thực sự (Diệt đế) bằng cách khắc phục nguồn gốc của đau khổ.
“Các bản văn của các bậc Đạo Sư Ấn Độ như ‘Trí tuệ Căn bản Trung quán Luận’ của Ngài Long Thọ đã trình bày tận tường về Duyên Khởi. Khi quý vị hiểu rằng mọi thứ đều phát sinh một cách phụ thuộc, điều đó không chỉ cho phép ta tránh được sự bám chấp vào hai thái cực của chấp thường hoặc chấp đoạn, mà còn cho thấy rằng mọi thứ không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện. Khi quý vị tìm kiếm danh tính của mọi thứ trong và của chúng, quý vị sẽ không thể tìm thấy được bất cứ thứ gì. Chúng không hề có sự tồn tại độc lập. Thật vậy, chúng tồn tại trong sự phụ thuộc. Ngài Thánh Thiên - đệ tử của Đức Long Thọ - đã viết:
"Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện hành, khiến não phiền.
Khéo chế ngự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh an nhiên."
"Nói cách khác, khi quý vị hiểu được duyên khởi, thì vô minh sẽ không phát sinh.
“Trong phần trình bày thứ ba của Ngài về Tứ Diệu Đế, khi Ngài xem xét lại các kết quả, Đức Phật đã nói, “Khổ nên được nhận biết, nhưng không có gì để được biết; nguồn gốc (của khổ đau) nên được khắc phục, nhưng chẳng có gì để khắc phục v.v.' Mỗi người trong chúng ta đều dường như là người có sở hữu thân, khẩu và ý; nhưng nếu chúng ta cố gắng để kiếm tìm, ta không thể xác định được cái “tôi” mà thân, khẩu, ý ấy thuộc về.
“Tánh không là điều mà chúng ta có thể suy ngẫm, thiền định và phát triển kinh nghiệm về nó. Nhờ đó mà chúng ta có thể khắc phục được sự bám chấp vào ý tưởng cho rằng có sự tồn tại thực sự. Phật giáo dựa trên logic và lý trí. Bằng cách dựa vào những cuốn sách như ‘Trí tuệ cơ bản’ của Ngài Long Thọ và ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng, chúng ta có thể phát triển sự tự tin vào tính không và thăng hoa trên Đạo lộ và các Địa đã được nhắc đến trong thần chú của ‘Bát Nhã Tâm Kinh’.
“Sau khi nghiên cứu và làm quen với con đường, chúng ta thấy rằng nó có thể được hoàn thiện trong chúng ta. Đức Phật đã tóm tắt điều này khi Ngài khuyên rằng đau khổ cần phải được nhận biết, nguồn gốc của đau khổ cần phải được khắc phục, sự diệt tận cần phải được chứng và con đường (Đạo) cần phải được tu tập.
“Hãy nghiên cứu lời dạy của Đức Phật. Hãy suy ngẫm về điều đó. Hãy phát triển niềm tin. Hãy áp dụng lời dạy ấy cho chính mình. Điều này - học hỏi (văn), suy ngẫm (tư) và thiền định (tu) - tôi đã làm từ khi còn là một đứa bé, và kết quả là tôi có thể cảm thấy được sự chuyển hoá trong tôi. Tôi thỉnh cầu quý vị - những Huynh Đệ Pháp Hữu của tôi, xin hãy cùng tôi thực hiện tiến trình này”.
Khi trả lời các câu hỏi của khán trực tuyến ở các vùng khác nhau của Nga, Đức gợi ý rằng các bản văn cơ bản liên quan đến “Tâm Loại Học” và “Nhân Minh Học” có thể được nghiên cứu từ góc độ học thuật.
Về vấn đề quy y, Ngài chỉ ra rằng chúng ta nói câu “Con xin quy y Phật, Pháp và Tăng”, nhưng chúng ta cần phải tự hỏi chính mình rằng Phật, Pháp và Tăng nghĩa là gì.
Một câu hỏi liên quan đến việc đạt được Phật quả trong một kiếp đã khiến cho Đức Ngài giải thích rằng điều này không được dạy trong Ba La Mật Thừa. Đó là một phần của Tối Thượng Du Già và liên quan đến các bậc Hành giả rất đăc biệt. Ngài Milarepa đã trải qua rất nhiều khó khăn và nỗ lực rất nhiều, dần dần chứng ngộ và đạt được sự giác ngộ trong một kiếp sống ấy.
Đức Ngài đã được hỏi làm thế nào để dung hòa lời khuyên của ‘Tám bài kệ luyện Tâm’ là coi bản thân là người thấp hèn nhất trong số tất cả; với ý niệm về niềm tự hào thiêng liêng trong thực hành mật tông. Ngài trả lời rằng, sự thực hành Mật thừa như thế - được bắt đầu với sự hòa tan vào tính không. Cơ thể của mình và sự xuất hiện của nó tan biến vào tánh không. Khi chúng đi rồi - sau đó, có sự tan rã của các trạng thái tâm thô thiển thành những trạng thái vi tế hơn, dẫn đến sự xuất hiện của ba thị kiến; rồi đến tâm tịnh quang. Cuối cùng, chính tâm thức của ánh sáng tịnh quang đó là cơ sở cho sự phát sinh của vị thần mà chúng ta nuôi dưỡng niềm tự hào thiêng liêng.
Một người hỏi khác muốn biết, khi đối mặt với rất nhiều phiền não, làm thế nào để ngăn tâm thức không bị xa rời Phật pháp. Ngài trả lời rằng, Giới Biệt Giải Thoát (Pratimoksha) liên quan đến việc dấn thân vào cuộc sống xuất gia. Tuy nhiên, cũng có những Hành giả, chẳng hạn như Ngài Marpa Lotsawa - người đã không từ bỏ cuộc sống Cư sĩ - làm chủ gia đình. Điều quan trọng là rèn luyện tâm thức không bị dính mắc vào mọi thứ.
Về những việc cần làm để giúp đỡ những người đã qua đời, Đức Ngài cho biết rằng có một phong tục là trộn hài cốt của người đã khuất với đất sét để tạo thành những hình ảnh nhỏ, được đóng dấu, ‘tsa-tsa’, tuy nhiên, Ngài nói rằng điều đó không hoàn toàn cần thiết. Ngài khuyên nên tụng thần chú Lục Tự “Om mani padme Hum” khoảng 600.000 lần, đó là điều mà Ngài đã thực hành khi Thân Mẫu của Ngài qua đời.
Được thỉnh cầu giải thích rõ về cách mà một hành giả dựa vào một guru bên ngoài, nhưng cũng tu luyện một guru bên trong, Đức Ngài nhấn mạnh rằng Ngài quán tưởng về những bậc Thầy của dòng hành vi quảng đại và suy ngẫm về Bồ đề Tâm và các thực hành liên quan đến tình yêu thương và lòng từ bi. Trong mối liên hệ với những bậc Thầy của dòng truyền thừa tri kiến thâm sâu, Ngài suy ngẫm về tính không và Lý Duyên Khởi. Khi đề cập đến dòng truyền thừa vĩ đại thông qua Ngài Tịch Thiên, Đức Ngài suy ngẫm về con đường rộng lớn và đặc biệt là thực hành hạnh bình đẳng và hoán đổi hoàn cảnh của bản thân và người khác. Những đạo sư bên ngoài như vậy nhắc nhở chúng ta về tâm bồ đề và tính không. Những bài Kệ như sau của Ngài Tịch Thiên có thể đóng góp một mục đích tương tự.
"Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?" 30/7
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
Khi được thỉnh cầu bình luận về chủ nghĩa bất bộ phái, Đức Ngài tự hỏi liệu bối cảnh ấy có phải là bao gồm tất cả các truyền thống tôn giáo, có ghi nhớ những việc làm tốt mà anh chị em Cơ đốc giáo đã làm trên khắp thế giới để giúp đỡ người khác hay không. Hoặc là bối cảnh Phật giáo nói chung và các truyền thống Pali và Sanskrit; hoặc các truyền thống khác nhau của Phật giáo Tây Tạng. Đối với trường hợp của Phật Giáo Tây Tạng, Ngài nhận xét rằng họ có thể tụng những lời cầu nguyện khác nhau, nhưng tất cả đều xuất phát từ cùng một nền giáo lý cốt yếu. Tất cả đều lấy Bồ đề Tâm làm nền tảng cho cho sự thực hành của họ.
Đức Phật dạy rằng, để đạt được giác ngộ, cần phải vượt qua cả ‘phiền não chướng’ và ‘sở tri chướng’. Điều này không thể đạt được bằng cách chỉ đọc những lời cầu nguyện, mà là bằng cách tham gia vào việc thực hành con đường (đạo), liên quan đến việc áp dụng lời dạy vào chính cuộc sống của mình.
Sự hạn chế việc tụ tập Hội chúng cùng nhau - liên quan đến đại dịch Covid-19; có nghĩa là học trò không thể gặp gỡ nhau hoặc diện kiến bậc Thầy của họ. Tuy nhiên, Ngài nói rằng - trong trường hợp riêng của Ngài, hầu hết các Vị Thầy của Ngài đều đã viên tịch, nhưng ngày nay Ngài dựa vào những cuốn sách như ‘Nhập Trung Quán Luận’ và các bài tự luận giải của các tác phẩm ấy. Ngài khuyến khích các Phật tử Nga nên học tập, đánh thức và bảo tồn truyền thống Phật giáo của chính mình.
Cuối cùng, một câu hỏi được đặt ra về mối quan hệ giữa việc tu Bồ đề Tâm và chăm sóc môi trường. Đức Ngài đã đề cập rằng, chúng ta thường nói về việc giúp đỡ tất cả chúng sinh, nhưng trong điều kiện thực tế, những người mà chúng ta thực sự có thể giúp đỡ là những con người mà chúng ta chia sẻ cùng hành tinh này. Ngài đồng ý rằng trong bối cảnh đồng nhất của nhân loại và thực tế là sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, việc quan tâm đến môi trường là điều rất quan trọng.
Để kết thúc, Đức Ngài đã hướng dẫn khán giả qua các bước để trau dồi pháp Hành “Nhất Thiết Du Già”. Nó đạt đến đỉnh điểm là quán tưởng tại vị trí của trái tim - một chày Kim Cang màu trắng - đại diện cho trí tuệ thấu hiểu tánh không; đứng trên một đĩa mặt trăng màu trắng - đại diện cho Bồ đề Tâm.
Trong bài phát biểu kết thúc của mình, Telo Tulku đã thưa với Đức Ngài rằng, đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn thế giới; và tình hình Covid ở Nga gần đây đã trở nên tồi tệ hơn. Trong hơn một năm rưỡi qua, nhiều bạn bè của họ đã qua đời do nạn dịch Covid 19. Các Phật tử trên khắp nước Nga tiếp tục trì tụng thần chú của Đức Tara Xanh, nhưng họ cũng khẩn cầu Đức Ngài cầu nguyện cho những người đã khuất, những người bị nhiễm bệnh và các thành viên trong gia đình của họ. Ông nhận xét rằng nhiều người trên khắp nước Nga đang phải đối diện và vật lộn với những khó khăn về tình cảm, tinh thần và tài chính vì cuộc khủng hoảng này.
Telo Tulku cam đoan với Đức Ngài rằng các Phật tử Nga sẽ cố gắng hết sức để đọc ‘Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận’ mà Ngài đã giới thiệu cho họ. Ông thành kính tri ân về lòng từ mẫn và sự quan tâm của Ngài. Ông cũng cảm ơn Geshé Lhakdor đã hướng dẫn phần ôn tập sau những buổi thuyết giảng; và cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hợp tác để thực hiện những Pháp Hội này trong suốt 13 năm qua.
Đức Ngài đã kết thúc sự kiện khi đọc những bài Kệ Hồi hướng từ Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương:
"Để rèn luyện như Đức Đại Hùng Văn Thù Sư Lợi
Bậc liễu tri chân lý thực tại như nó là
Và cũng giống như Đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát
Con hồi hướng hết thảy các thiện hạnh như các Ngài".
Và từ tác phẩm “Lời Chân Thật”:
Xin Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm
Thực hiện lời cầu nguyện thậm thâm
Trước chư Bồ Tát và Chư Phật
Ôm trọn dân Xứ Tuyết vào lòng!
Nhờ sự uyên thâm từ duyên khởi
Kết hợp hài hòa với tánh không.
Cầu cho lời nguyện trĩu ước mong
Sớm mau viên mãn, chóng thành công.
Nguyện Lời Chân Thật nơi Tam Bảo
Với bao năng lực của thiện hành
Sớm mau thành tựu điều toàn hảo
Không gặp chướng duyên, chóng viên thành.