Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Trong bài phát biểu khai mạc - Telo Tulku - Đại diện danh dự của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nga, Mông Cổ và các nước SNG (cộng đồng các quốc gia độc lập), đã nêu lên bối cảnh về buổi giảng Pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm nay. Ông nêu ra rằng đây là năm thứ 13 liên tiếp Đức Ngài đã giảng dạy cho các Phật tử Nga và là lần thứ hai sự thuyết Pháp như thế này được diễn ra trực tuyến trên mạng.
Ông cũng đề cập rằng một số năm trước, các Phật tử Nga đã thỉnh cầu Đức Ngài giới thiệu về những luận thuyết mà họ có thể dịch sang tiếng Nga. Trong số đó có những tác phẩm của Ngài Di Lặc, và ba trong số đó hiện đã được dịch. Đó là:
1) Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận - Tiếng Sanskrit là Mahayana-Sutra-Alankara; tiếng Tây Tạng là Dodhe Gyen;
2) Pháp Tánh Phân Biệt Luận - Tiếng Sanskrit là Dharma-Dharmara- Vibhanga; tiếng Tây Tạng là Cho Dang Chonyi Nambar Jepa;
3) Trung Biên Phân Biệt Luận - Tiếng Sanskrit là Madhayanta-Vibhanga, tiếng Tây Tạng là U-tha Nam Jed.
Telo Rinpoché bày tỏ sự vui mừng và biết ơn rằng Đức Ngài đã hứa khả thuyết giảng về Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận trong dịp này.
Sau đó, một hội chúng gồm chư Tăng và cư sĩ tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Tuvan. Họ được dẫn đầu bởi Khamby Lama Natsik Dorjuu - Trưởng đoàn Phật tử Tuvan - từ Khuree Tsechenling, ngôi chùa Phật giáo chính của Tuva. Tiếp theo là phần tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng ngôn ngữ Buryatian, do Yelo Rinpoché, từ Tu viện Rinpoché Bagsha ở Ulan-Udé, do Buryatia xướng lễ.
Đức Ngài bắt đầu, “Đức Phật đã tiên tri rằng Giáo Pháp của Ngài sẽ lan truyền từ phương Bắc đến phương Bắc. Chúng ta hiểu rằng điều này đã ám chỉ sự truyền bá lan rộng của Giáo pháp từ Ấn Độ sang Tây Tạng và sau đó từ Tây Tạng sang Mông Cổ và các khu vực có sự kết nối với Mông Cổ. Phương pháp của Truyền thống Nalanda là giải thích Phật pháp về mặt lý tính và logic. Nó dựa trên sự hiểu biết thấu đáo về logic và bản chất của kiến thức như được mô tả trong ‘Lượng Thích Luận’ của Ngài Pháp Xứng, và tác phẩm của Ngài Tịch Hộ về các giáo lý này - ‘Nhiếp Chân Thật Luận’.
“Khi tôi còn bé, đã có rất nhiều Vị Geshé của Mông Cổ, đặc biệt là ở Tu viện Gomang. Thật vậy, một trong những trợ lý tranh biện của tôi - Ngodup Tsoknyi - đã đến từ Mông Cổ. Ngày nay, nhiều sinh viên Mông Cổ cũng đã ghi danh vào các trung tâm tu học mà chúng tôi đã tái thiết lập ở Nam Ấn Độ.
“Trong quá khứ, Phật giáo Tây Tạng đã bị phủ nhận bởi một số người chỉ coi đó là ‘Lạt Ma Giáo’. Giờ đây, người ta thường đã chấp nhận rằng nó bắt nguồn từ truyền thống đích thực của Nalanda là dựa trên lý luận, logic và nghiên cứu. Các Phật tử ở Sri Lanka, Thái Lan và Miến Điện duy trì kỷ luật tu viện tốt, nhưng họ không nghiên cứu logic cũng như quan điểm về Trung Quán hay Madhyamaka. Những lĩnh vực nghiên cứu này chỉ được bảo tồn bởi những người Tây Tạng và người Mông Cổ. Hôm nay, thật là vinh dự khi tôi được giảng giải Giáo lý này cho các Phật tử Nga và sinh viên từ các nước cộng hòa Mông Cổ thuộc Nga.
“Lần đầu tiên tôi được đến viếng thăm đất nước Mông Cổ, tôi đã chứng kiến sự tụng niệm cúng dường mạn đà la nhiệt thành khiến tôi rơi nước mắt. Đã có lúc Phật giáo ở Mông Cổ bị lực lượng cộng sản đỏ nghiền nát. Do đó, tôi đề nghị với Khambo Lama rằng quan trọng nhất là học hỏi nghiên cứu chứ không phải là tụng niệm.
“Hôm nay, tôi sẽ đọc từ ‘Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận’. Trong số năm luận thuyết của Đức Di Lặc thì, ‘Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận’ và ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ là quan trọng nhất. Tôi đã thuộc lòng ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ khi còn bé và tụng lại những gì mà tôi đã học được trước mặt Gia sư của tôi - Ling Rinpoché. Vào thời điểm đó, tôi không hiểu ý nghĩa của luận thuyết ấy, nhưng qua một thời gian, khi tôi hiểu được bản văn đó, cũng như cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Pháp Xứng, tôi đã khám phá ra rằng đó là những cuốn sách tuyệt với như thế nào. ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ nêu lên các giai đoạn của Đạo lộ, trong khi ‘Nhập Trung Quán Luận’ trình bày về tính không như nó đã được dạy trong kinh điển.”
Đức Ngài nhận xét rằng, ngày nay danh tiếng của Phật giáo Tây Tạng đã lẫy lừng khi các nhà khoa học đánh giá cao sự hiểu biết thấu đáo về tâm thức và cảm xúc mà kiến thức Phật Giáo này đã hướng dẫn. Các học giả thấy rằng truyền thống này chủ yếu không quan tâm đến đức tin, mà là quan tâm đến lý luận và sự nghiên cứu nghiêm ngặt. Đây là phương pháp - được dựa trên logic và sự hiểu biết về bản chất của tri thức - mà Đức Ngài khuyến nghị các Phật tử ở Nga nên tìm cách bảo tồn.
“Bây giờ là thời điểm mà chúng ta phải nỗ lực để giữ gìn cho truyền thống của mình tồn tại sống động. Tôi muốn yêu cầu quý vị làm việc chăm chỉ để nghiên cứu và giữ gìn những truyền thống ấy.
“Mặc dù không có thời gian để đọc toàn bộ bản văn này, nhưng tôi sẽ bắt đầu ngay hôm nay. Tôi đã nhận được sự truyền dạy về Luận giải này từ Gyen Rigzin Tempa, một Lạt Ma đến từ Kinnaur. Chúng tôi có một truyền thống, được một trong các Hoàng đế Tây Tạng ra lệnh, trước tiên là phải trích dẫn tiêu đề của bản văn bằng ngôn ngữ của Ấn Độ, sau đó là tiêu đề bằng tiếng Tây Tạng, và tiếp theo là sự kính lễ đối với chư Phật và Bồ tát.”
Đức Ngài đã đọc những bài kệ trong chương đầu tiên của ‘Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận’. Sau đó Ngài tạm dừng để trả lời các câu hỏi của khán giả. Ngài được hỏi rằng, những người xuất gia và cư sĩ có thể làm gì để hỗ trợ cho sự phát triển của Tăng đoàn vào thời điểm hiện tại. Ngài trả lời rằng trước đây, ngay cả ở những vùng xa xôi của Tây Tạng, mọi người đã gia nhập các cơ sở tu viện để có thể tu học. Vì họ có thể phục vụ cộng đồng một cách tốt nhất bằng cách chia sẻ kiến thức của mình, thế nên đời sống xuất gia là rất tốt cho việc nghiên cứu về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc cũng như nghiên cứu về logic và bản chất của trí tuệ.
Đức Ngài đã trả lời một câu hỏi về nghiệp bằng cách nói rằng, nhìn chung, nếu nghiệp không được tạo ra thì sẽ không có hậu quả. Tuy nhiên, một khi đã tạo, thì nghiệp sẽ sinh ra sự ảnh hưởng và sinh sôi nảy nở. Ngài ám chỉ việc thực hành Bồ đề Tâm của mình như một ví dụ. Trong những ngày đầu, Ngài chỉ đơn giản là ngưỡng mộ nó, nhưng vì Ngài đã nghiên cứu thực hành, suy ngẫm về những bài Kệ về Bồ Đề Tâm mỗi ngày từ khi vừa thức dậy, cho nên sự gắn bó của Ngài đối với Bồ Đề Tâm ngày càng sâu sắc. Cùng với nguyện vọng sâu xa này, Ngài đã đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Ngài tuyên bố rằng tương tự như vậy, quý vị càng nghiên cứu và kiểm nghiệm về tính không, thì quý vị càng hiểu rõ về nó; và quý vị càng hiểu rõ về nó thì sẽ càng gần gũi để đạt được sự chấm dứt (Diệt đế).
Trước tiên, khi được yêu cầu giải thích về Yoga Toàn Diện, Đức Ngài đã chỉ ra rằng; đó là một phương tiện kết hợp các con đường thực hành của Hành vi quảng đại và Tri kiến thâm sâu. Ngài đã trích dẫn những bài Kệ ở cuối chương sáu của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng, cũng đề cập đến những điều này; và khiến cho Ngài cảm thấy rất tự tin. Ý chính của những bài Kệ này như sau:
"Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt."
“Ngài cũng khởi Tâm Từ Bi đối với những chúng sanh không được ai che chở;
Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh trắng của Từ bi và Trí tuệ rộng dang.
Ngài vượt đến bờ bên kia, đạt được sự Chiến thắng Huy hoàng.”
Đức Ngài nhận xét rằng chúng ta có xu hướng bị ràng buộc bởi những thái độ hẹp hòi, thiển cận của sự ái trọng tự thân, nhưng với tư cách là những con người thông minh, chúng ta cũng có thể tu luyện Bồ đề Tâm thông thường và Bồ đề Tâm tối thượng, được tượng trưng như đôi cánh của các vị bồ tát đưa họ đến bến bờ Huy hoàng.
Ngài nói rõ rằng không cần thiết phải tụng lặp lại một câu thần chú kết hợp với Yoga Toàn diện và việc quán tưởng sự tan rã của các yếu tố thường được kết hợp với việc thực hành Mật tông. Chìa khóa của việc thực hành là trau dồi Bồ Đề Tâm, khát vọng giác ngộ, và quán tưởng điều đó được biểu thị như một chiếc đĩa mặt trăng ở vị trí trái tim của mình. Chúng ta có thể thực hành điều này bằng cách - chẳng hạn như - suy ngẫm về những câu thơ của Ngài Tịch Thiên trong cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’:
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?" 30/7
Đức Ngài nói thêm rằng tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, nhưng vì thái độ ích kỷ của mình cho nên chúng ta phải đối mặt với các vấn đề rắc rối. Vì vậy, sẽ rất tốt nếu như ta mong muốn chúng sinh tìm thấy được hạnh phúc và nguyên nhân của hạnh phúc.
Sau đó, nếu chúng ta tìm kiếm xem - con người, bản ngã, hay cái ‘tôi’ mong muốn điều tốt đẹp cho chúng sinh đó - ở đâu, chúng ta sẽ không tìm ra được; chúng ta sẽ thấy rằng - đó không phải là bộ não và đó cũng không phải là trái tim. “Con người” đó chỉ tồn tại như một sự gán danh, tên gọi chỉ định. Ngày nay, ngay cả các nhà vật lý lượng tử cũng tuyên bố rằng mọi thứ dường như có sự tồn tại khách quan của riêng chúng nhưng chúng không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện. Nếu chúng ta tìm kiếm cái “Tôi" đó, chúng ta không thể tìm thấy nó. Cái "tôi" không tồn tại một cách độc lập.
Đức Ngài khẳng định, “Quý vị có thể nhìn thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma ở trước mặt mình; quý vị có thể nghe thấy giọng nói của tôi. Nhưng nếu quý vị cố gắng tìm tôi, thì sẽ không tìm thấy gì cả. Tương tự như thế, quý vị xuất hiện đối với tôi, nhưng quý vị không tồn tại gì khác hơn ngoài tư cách là một sự gán danh. Suy ngẫm theo cách này, quý vị bắt đầu hiểu được tính không của cái ‘tôi’. Hãy quán tưởng trí tuệ hiểu biết về tánh không của cái “tôi” này chuyển hoá thành một chày kim cương màu trắng đứng trên chiếc đĩa mặt trăng ở vị trí trái tim của mình. Tôi thường xuyên tu luyện Bồ đề Tâm thông thường và Bồ đề Tâm tối thắng theo cách này và điều đó rất có lợi cho tôi."
Một câu hỏi về trạng thái tâm trung tính (không khổ, không vui) của tâm thức vào lúc lâm chung đã thúc đẩy Đức Ngài thảo luận về sự tan rã của 80 sự nhận biết, 33 sự nhận biết liên quan đến sự “hiện tướng” sáng rỡ, 40 sự nhận biết liên quan đến sự “tăng trưởng” sáng rỡ và bảy sự nhận biết liên quan đến sự “cận - thành tựu” màu đen. Khi ba thị kiến này không còn, tâm sáng trong nguyên sơ hiển lộ. Điều này liên quan đến việc kết hợp với sự hiểu biết về tính không, được mô tả trong lần chuyển pháp luân thứ hai, đôi khi được gọi là ánh sáng tịnh quang của đối tượng, và bản chất sáng rỡ của tâm được tiết lộ trong lần chuyển pháp luân thứ ba.
Đối với Tứ Niệm Xứ, Đức Ngài nói rõ rằng, chúng liên quan đến việc thúc liễm tâm thức và trau dồi chánh niệm về thân, thọ, tâm và pháp. Điều này có thể đạt được thông qua bốn sự nỗ lực và v.v. Sự thực hành này trong cả Truyền thống Pali và Sanskrit đều tương tự như nhau.
Khi nói đến việc thực hiện những lời cầu nguyện chứa chan niềm khát vọng, Đức Ngài chỉ rõ rằng điều đó đã phản ánh ý nghĩa của những lời cầu nguyện và khiến chúng trở nên có hiệu quả hơn. Ngài nhớ lại một con vẹt sống tại Cung điện Norbulingka ở Tây Tạng đã được huấn luyện để biết nói câu ‘Om mani padme hum’ nhưng con vẹt không hiểu câu này có nghĩa là gì cả.
Natasha Inozemtseva cho biết rằng phần câu hỏi hôm nay đã kết thúc, nhưng mọi thành viên của khán giả đều mong chờ phần tiếp theo vào ngày mai. Đức Ngài xác nhận rằng các Phật tử Nga là thính giả chính của buổi giảng sáng nay; Ngài khuyến khích họ cố gắng hết sức để suy ngẫm về những điều mà họ đã được nghe.