Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Giáo sư Dheeraj Sharma - Giám đốc Học viện Quản lý Ấn Độ, Rohtak, đã dành cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lời chào nồng nhiệt khi Ngài quang lâm đến với buổi trò chuyện về chủ đề 'Đối mặt với thách thức bằng Từ bi và Trí tuệ' được tổ chức bởi Học viện. Ông bày tỏ hy vọng rằng Đức Ngài có thể chia sẻ điều gì đó về thế giới ngày nay, trong đó một số người phải đối mặt với xung đột và mâu thuẫn, trong khi những người khác thì sống trong sự thoải mái về mặt vật chất. Đó là một thế giới mà một số người không nhìn người khác bằng lòng từ bi, chỉ biết quan tâm đến họ và quyền lợi của chính họ.
Đức Ngài trả lời: “Tôi vô cùng vui mừng khi có cơ hội này để nói chuyện với những người bạn Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng chính Ấn Độ đã lưu giữ truyền thống hàng nghìn năm về bất bạo động ‘ahimsa’ và lòng từ bi ‘karuna’ của mình. Hơn thế nữa, tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới cùng tồn tại ở đất nước này. Nơi đây có truyền thống lâu đời về sự tôn sư trọng đạo. Sẽ luôn có một vài người khuấy động rắc rối, mà nếu không thì - tầm quan trọng được cho là bất bạo động - có nghĩa là sự hòa hợp tôn giáo - sẽ chiếm ưu thế.
“Các học giả có thể tranh luận về quan điểm triết học tốt hơn những gì mà những truyền thống này áp dụng, nhưng xét về thái độ và hành vi của những người bình thường, thì Ấn Độ cho thấy được bằng tấm gương điển hình rằng - các truyền thống tôn giáo có thể chung sống một cách hòa bình bên cạnh nhau.
“Tuy nhiên, đối với nền giáo dục hiện đại có lẽ quá chú trọng vào lối sống vật chất. Điều này có nghĩa là cần phải chú ý nhiều hơn đến việc đưa lòng từ bi và tinh thần bất bạo động vào chương trình giảng dạy.
“Vào thế kỷ trước, Mahatma Gandhi đã chứng minh được cách mà ‘ahimsa’, dưới hình thức bất bạo động, có thể được sử dụng một cách hiệu quả trong cuộc đấu tranh tự do ở Ấn Độ. Sau đó, các nhà lãnh đạo tương tự ở Nam Phi và Mỹ đã noi theo tấm gương của ông. Trong thế giới ngày nay, nơi mà các nguyên tắc đạo đức còn rất ít và xa vời, thì Ấn Độ có khả năng bộc lộ tầm quan trọng của lòng từ bi.
“Chúng ta cũng phải cam đoan rằng - thế hệ trẻ đánh giá cao rằng, vì chúng ta đều là con người, cho nên chúng ta cần phải đối đãi với nhau bằng cả trái tim nồng nhiệt. Mỗi người trong chúng ta đều có người mẹ của mình, và sự sống còn của chúng ta đều nhờ vào sự chăm sóc và tình cảm mà mẹ đã dành cho mình. Bởi vì cuộc sống của chúng ta bắt đầu theo cách này, cho nên lòng từ bi là một phần bản chất của chúng ta.
“Sau nhiều thế kỷ đấu tranh và cống hiến nguồn lực để sản xuất vũ khí, chúng ta cần làm sống lại những ý tưởng về lòng từ bi, bất bạo động và không làm tổn hại trong thế giới rộng lớn hơn. Một phương pháp là kết hợp kiến thức khoa học hiện đại với ‘ahimsa’ và ‘karuna’. Ngày nay, các nhà khoa học mà tôi đã gặp gỡ - ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự an lạc nội tâm - vì những ảnh hưởng của nó đối với cá nhân và xã hội nói chung. Tôi tin rằng Ấn Độ có thể dẫn đầu trong việc kết hợp kiến thức từ các nguồn cổ xưa và hiện đại trong bối cảnh thế tục”.
Trong khi trả lời các câu hỏi từ các giảng viên, sinh viên và các thành viên của cộng đồng IIM Rohtak, Đức Ngài nhắc lại sự ngưỡng mộ của mình đối với thực tế là tất cả các tôn giáo trên thế giới đều phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ. Mỗi tôn giáo trong số đó đều dạy về các phương pháp để thúc đẩy lòng từ bi.
Ngài gợi ý rằng việc nuôi dưỡng những ham muốn tột độ với cảm giác được hưởng lợi là rất thiển cận, khi những thách thức mà chúng ta phải đối mặt cho thấy rõ ràng rằng chúng ta cần phải tính đến toàn bộ thế giới và toàn thể nhân loại. Quá coi trọng về vật chất thì cũng tương tự như thiển cận. Mục đích của cuộc sống không phải là để làm tổn thương và giết hại lẫn nhau, mà là để nuôi dưỡng một cộng đồng tương trợ, luôn khắc cốt ghi tâm về tính đồng nhất của nhân loại. Các cộng đồng được thành lập dựa trên nguyên tắc từ bi và sự đóng góp của tinh thần bất bạo động cho một thế giới hòa bình hơn.
Đức Ngài đã tuyên bố rằng chúng ta phải sống cùng nhau trên một hành tinh này. Do đó, sẽ không thực tế nếu như chúng ta coi người khác là kẻ thù. Bởi vì người Tây Tạng và người Trung Quốc - cuối cùng cũng phải sống chung với nhau, cho nên sự chiến đấu và giết hại lẫn nhau sẽ chẳng có ích lợi gì. Cho dù chúng ta có sống ở đâu đi chăng nữa - thì mục tiêu của chúng ta cũng vẫn là tạo ra một thế giới hòa bình hơn.
Sự khủng hoảng khí hậu và những hậu quả nghiêm trọng của nó đang nói với chúng ta rằng - chúng ta phải học cách làm việc cùng nhau vì chúng ta phải chung sống cùng nhau. Chúng ta cần phải bảo vệ trái đất và bảo tồn cuộc sống của con người và các sinh vật khác.
Đức Ngài cho rằng có thể khắc phục được sự xung đột. Ngài nêu ra hai bước phát triển tích cực sau hai cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ trước. Một là sự ra đời của Liên hợp quốc và một là sự thành lập của Liên minh châu Âu (EU). Sau nhiều thế kỷ xung đột và chiến tranh, các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đã quyết định rằng - thế là đã quá đủ! và đã đến lúc đặt lợi ích chung lớn hơn của châu Âu lên trên lợi ích của từng quốc gia thành viên. Đức Ngài đề nghị các quốc gia Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á nên làm tốt việc noi theo tấm gương này.
Nhìn chung, Đức Ngài khuyến nghị nên có một cái nhìn thoáng rộng hơn, và tìm kiếm mối quan tâm lâu dài về các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt. Nhiều vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta chỉ nhìn chúng từ một quan điểm hạn hẹp. Ngài khuyên rằng các phương tiện truyền thông nên thực hiện vai trò của họ bằng cách thúc đẩy các giá trị cơ bản của con người. Ngài gợi ý rằng, khái niệm cho rằng - người mạnh nhất sẽ sống sót - điều ấy đã lỗi thời. Sư cạnh tranh chỉ có giá trị giới hạn khi tất cả chúng ta phải cùng sống chung với nhau. Sẽ thật là khiếm khuyết nếu chỉ nghĩ đến lợi ích ngắn hạn của riêng mình.
Khi được hỏi tại sao Ngài lại tự cho mình là ‘con trai của Ấn Độ’, Ngài đồng ý rằng mình đã được sinh ra ở Tây Tạng, nhưng Ngài cũng nói rõ rằng văn hóa Tây Tạng được bắt nguồn từ những lời dạy của Đức Phật, đặc biệt là giáo lý ấy đã được giảng dạy tại Đại học Nalanda. Ngài tuyên bố rằng, vì Ngài đã nghiên cứu sách vở của Ấn Độ, các tác phẩm của những bậc thầy Ấn Độ, từ thời thơ ấu, tâm trí của Ngài đã tràn ngập tư tưởng Ấn Độ. Những khó khăn về mặt chính trị dẫn đến việc Ngài đã trở thành một người khách của Chính phủ Ấn Độ - một quốc gia mà Ngài đã được tận hưởng sự tự do ở đó.
Như Ngài đã đề cập từ trước, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nhưng chính Ấn Độ mới là nơi mà nền dân chủ và tự do tôn giáo được phát triển mạnh mẽ. Khi ngày càng có nhiều nhà khoa học quan tâm đến sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc, thì kiến thức Ấn Độ cổ đại ngày càng được đánh giá cao. Tất cả những phẩm chất này của Ấn Độ chính là một nguồn tự hào.
Giáo sư Dheeraj Sharma cảm ơn Đức Ngài vì đã tham gia cuộc trò chuyện buổi sáng nay, ông cam đoan với Ngài rằng khán giả đã học được nhiều điều từ những gì Ngài đã chia sẻ. Về phần mình, Đức Ngài trả lời rằng Ngài rất vui khi có cơ hội được trao đổi quan điểm với những người bạn Ấn Độ và Ngài cũng gửi lời cảm ơn đến họ.