Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Cô Dewi Lestari - một nhà văn và đồng thời cũng là ca sĩ người Indonesia - đã chào mừng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia buổi Pháp Thoại với hơn 1000 sinh viên Indonesia. Chủ đề của buổi Pháp thoại là về những Câu chuyện Jataka (Chuyện Tiền Thân của Đức Phật) được ghi lại trong cuốn sách ‘Jatakamala’, hay ‘Chuỗi những câu chuyện Tái sanh’, và đã được mô tả trên Bảo tháp Borobodur. Sự kiện này nhằm khai trương Lễ hội Sách Phật Pháp Nusantara đang diễn ra với sự hợp tác của cộng đồng Kadam Chöling Indonesia.
Đức Ngài bắt đầu bằng lời cảm ơn dành cho một diễn viên người Indonesia đã cúng dường Mạn đà la truyền thống và lời chào “Chào buổi sáng” gởi đến các thính giả.
Ngài tiếp tục: “Hôm nay, tôi mong muốn được tham gia cuộc thảo luận với những thanh thiếu niên Indonesia - những vị đã có sự quan tâm đối với Phật giáo. Tôi là một hành giả Phật giáo; và một trong những cam kết của tôi là thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta - cho dù chúng ta nói về Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo hay Phật giáo … thì tất cả đều mang một thông điệp chung về tầm quan trọng của lòng từ ái. Mỗi truyền thống đều sử dụng các quan điểm triết học khác nhau để trưởng dưỡng lòng vị tha, sự quan tâm đến người khác. Một số truyền thống cho rằng có Đức Chúa, những truyền thống khác thì nhấn mạnh vào luật nhân quả. Mục đích thực sự của tất cả các truyền thống là giúp những tín đồ của mình trở thành những con người tử tế hơn, nhân ái hơn.
“Liên quan đến một Đấng Thượng Đế sáng tạo, Cơ đốc giáo đã mô tả Ngài như một hiện thân của tình yêu thương vô hạn. Hồi giáo thì nói về Đức Chúa từ bi và nhân ái. Do Thái giáo thì đề cập đến Đức Chúa Trời là một Đấng công bằng, không thiên vị. Mặt khác, Kỳ na Giáo và Phật Giáo thì không có khái niệm về một Đấng Thượng Đế Sáng Tạo, nhưng họ vẫn hướng đến mục đích đào tạo những con người từ bi chân chính.
“Ở Ấn Độ nơi tôi đang sinh sống, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều hiện hữu. Và họ đã sống hòa thuận bên nhau trong hơn cả nghìn năm qua.
“Hôm nay, tôi rất vui khi được gặp gỡ các anh chị em từ quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này. Chúng ta có chấp nhận tôn giáo hay không thì đó là một vấn đề của sự lựa chọn cá nhân. Tất cả chúng ta đều là con người. Ngay từ lúc vừa chào đời, chúng ta đã được thọ hưởng sự lợi ích từ lòng bi mẫn và sự chăm sóc của mẹ. Thật vậy, nếu không có tình cảm và lòng từ ái của mẹ thì chúng ta đã không thể sống sót.
“Trong thế giới ngày nay, do chúng ta thiếu sự ý thức đúng đắn về tình anh chị em, cho nên chúng ta phải đối mặt với các vấn đề rắc rối và sự xung đột. Chúng ta thờ ơ với những giá trị cơ bản của con người. Chúng ta cố gắng giải quyết các tranh chấp và sự khác biệt về quan điểm bằng cách sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, tôi tin rằng, hầu hết loài người đã chán ngấy sự bạo lực và chiến tranh. Do đó, các cộng đồng tôn giáo của chúng ta phải có trách nhiệm trưởng dưỡng lòng nhân ái. Chúng ta phải sống cùng nhau trên một hành tinh này, vì vậy chúng ta phải hoạt động để biến thế giới này trở thành một thế giới hòa bình hơn.
Ngài công nhận sự quan tâm đặc biệt của một số người Indonesia đối với 34 Câu chuyện Jataka kể lại những tiền thân của Đức Phật. Tác giả - Ngài Thánh Dũng (Aryashura) - lúc ban đầu không phải là Phật tử, mà là một học giả xuất sắc của một truyền thống khác. Vào thời điểm đó, các học giả của Đại học Nalanda lo lắng rằng ông ấy có thể đánh bại họ trong cuộc tranh luận; nên họ đã kêu gọi Ngài Long Thọ giúp đỡ. Đức Long Thọ đã cử một trong những đệ tử giỏi nhất của mình - Ngài Thánh Thiên - người đã thuyết phục được ngài Thánh Dũng về giá trị lời dạy của Đức Phật. Sau đó, vào cuối đời, ngài Thánh Dũng, cũng là một nhà thơ nổi tiếng, đã sáng tác cuốn ‘Chuỗi những câu chuyện Tái sanh’ bằng tiếng Phạn với vần điệu êm ái.
Đức Ngài nhận xét rằng, những câu chuyện rất hay để đọc, nhưng đôi khi Ngài cảm thấy chúng có phần cường điệu quá mức. Điểm quan trọng cần lưu ý là đạo đức của câu chuyện, trong đó có các ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục; Bồ tát đã thị hiện những tấm gương điển hình. Nền tảng cơ bản của tất cả các câu chuyện là khái niệm Ấn Độ cổ đại về ‘karuna’ và ‘ahimsa’ - lòng từ bi và bất bạo động. Ngài nhấn mạnh rằng, những chủ đề này là phổ biến đối với hầu hết các tôn giáo, nhưng cho dù chúng ta có theo truyền thống tôn giáo nào hay không, thì chúng ta đều cần phải có trái tim nồng ấm và tấm lòng từ bi - nếu chúng ta muốn được hạnh phúc.
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài giải thích rằng, sự hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích của tha nhân - như Bồ tát đã làm trong một số câu chuyện - là đáng giá nếu như điều đó mang lại lợi ích thực sự. Ngài nói thêm rằng, cần phải có trí tuệ và đầu óc tỉnh táo sáng suốt để thẩm định xem lợi ích của điều đó sẽ là gì.
Đối với những khó khăn nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay - đại dịch virus corona và sự nóng lên toàn cầu - chúng ta có thể thực hiện các bước để làm giảm bớt nguy cơ của chúng. Nhưng chúng ta cần phải dũng cảm và quyết tâm. Chúng ta không thể từ bỏ hy vọng hoặc từ bỏ hành động.
Ngài kể lại rằng, Ngài đã từng đến thăm Borobodur. Ngài mô tả bảo tháp là một ngôi đền tuyệt vời, nhưng Ngài cũng nói rõ rằng, điều quan trọng hơn chính là ngôi đền bên trong trái tim của chúng ta, nơi mà chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi và lòng nhân ái. Nếu chúng ta kết hợp lòng từ bi với trí tuệ thông minh tuyệt vời của con người, thì chúng ta có thể tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, không chỉ bằng cách đọc những lời cầu nguyện, mà bằng cách tham gia vào hành động thiết thực.
Khi được hỏi làm thế nào để đối phó với sự tiêu cực thì Ngài khuyên rằng nên tuân thủ các nguyên tắc đạo đức của sự trung thực và lòng từ bi. Ngài đề cập đến những khó khăn mà Ngài đã phải đối mặt trong cuộc sống của mình, ở Tây Tạng và sau đó là với thân phận của một người tị nạn, nhưng Ngài tiết lộ rằng, Ngài đã tiếp tục sự thực hành của mình theo Truyền thống Nalanda mà Ngài Tịch Hộ đã truyền sang Tây Tạng.
Ngài tuyên bố: “Người Tây Tạng chúng tôi là những người dũng cảm, kiên quyết; nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sử dụng đến bạo lực. Tinh thần Tây Tạng của chúng tôi kiên định và từ bi, những phẩm hạnh này đã thu hút sự ngưỡng mộ ngay cả đối với một số người Trung Quốc”.
Một thanh niên đã đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa Indonesia và Tây Tạng bằng tiếng Tây Tạng. Ngài trả lời rằng vị Đạo sư Ấn Độ Dipankara Atisha đã đi thuyền từ Ấn Độ đến Sumatra (tên của một hòn đảo ở Indonesia) để học về Bồ Đề Tâm với một Đạo sư tên là Pháp Xứng. Trong thời gian đó, Ngài Atisha đã nhận lời mời đến viếng thăm Tây Tạng - nơi mà Ngài đã trải qua những năm tháng còn lại của cuộc đời mình tại đó. Ngày nay, Ngài Pháp Xứng được người Tây Tạng tưởng nhớ đến với tên gọi Lạt ma Serlingpa - Đạo sư của Cù Lao Vàng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, nhờ những chuyến du hành rộng rãi của Ngài Atisha, mà ngày nay việc trao đổi những quan điểm và chia sẻ kiến thức với nhau được trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Đức Ngài đã từ chối về việc trả lời cho biết câu chuyện nào trong số những ‘Câu chuyện về Tiền Thân Đức Phật’ mà Ngài cho là truyền cảm hứng nhất. Ngài nhấn mạnh rằng, điểm mấu chốt là thừa nhận tính đồng nhất của nhân loại; để nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Từ quan điểm thực tế, tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau; và chúng ta có thể phục vụ lẫn nhau trên cơ sở đó.
“Tôi là người Tây Tạng, sống ở Ấn Độ. Tôi coi mỗi con người mà tôi gặp gỡ đều giống như người anh, người chị đối với tôi. Đánh đấu nhau là điều vô ích và tự chuốc lấy sự thất bại. Chúng ta phải tìm cách để cùng tồn tại và cùng chung sống với nhau trong hòa bình”.
Khi được mời để bình luận về cách mà một cộng đồng thiểu số có thể tự ứng xử khi đối mặt với chủ nghĩa cực đoan, Đức Ngài đã chấp nhận rằng, trong quá khứ, trong số các dân tộc bị cô lập có thể cảm thấy thích hợp khi nói về một chân lý và một tôn giáo. Tuy nhiên, ngày nay, tình hình đã thay đổi; và tất cả chúng ta đều nhận thức được về nhiều truyền thống tôn giáo cũng như nhiều khía cạnh của chân lý.
Một trong những phẩm chất của Phật giáo là có một cái nhìn khoa học về tâm thức và cảm xúc; và có thể giải thích về những phương pháp để đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Truyền thống Nalanda có các phương pháp làm giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và trưởng dưỡng cảm xúc tích cực. Tâm lý học Phật giáo có thể hữu ích cho bất kỳ ai quan tâm đến việc khám phá tìm hiểu nó mà không cần phải thực hiện bất kỳ cam kết tôn giáo nào. Đây là một trong những cách mà Phật giáo có thể góp phần tạo ra một thế giới hòa bình hơn.
Trả lời cho sự nhận xét rằng, dường như vào thời Đức Phật thì dễ dàng đạt được sự chứng ngộ hơn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng Ngài không tin rằng có người đạt được sự chứng ngộ một cách tự nhiên khi họ lắng nghe Đức Phật. Ngài nêu ra rằng, chính Đức Phật cũng đã phải trải qua sáu năm thiền định nghiêm ngặt trước khi đạt được Phật quả. Ngài đề nghị mọi người lắng nghe những gì Đức Phật đã thuyết giảng và suy ngẫm về điều đó để hoàn thiện sự hiểu biết của mình. Sau đó, nên thiền định về những gì mà mình đã hiểu, áp dụng thiền chỉ và thiền quán, điều này sẽ giúp họ có khả năng chuyển hóa được nội tâm.
Ngài gợi ý rằng Trung Quán là phương pháp rất hữu hiệu để giảm bớt tà kiến. Ngài nói rằng, hãy suy ngẫm về cách mà chúng ta nghĩ về ‘cơ thể của tôi’, ‘lời nói của tôi’ và ‘tâm thức của tôi’; và rồi sau đó tự hỏi bản thân mình rằng, cái ‘tôi’ mà sở hữu những đặc điểm này - thì ở đâu. Ngài khẳng định rằng mỗi ngày Ngài đều tự hỏi bản thân rằng cái ‘tôi’ ở đâu; và Ngài không thể tìm thấy một cái tôi tồn tại một cách độc lập cố hữu. Điều này có tác dụng mạnh mẽ trong việc giảm bớt sự sân giận và chấp trước của Ngài. Ngài trích dẫn ba bài Kệ trong “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng mà nó đã khích lệ Ngài rằng Ngài đang đi đúng hướng.
Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ Tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt. (6.224)
Dù tâm Ngài có thể an trú triền miên trong cảnh giới tịch diệt;
Ngài vẫn khởi Bi Tâm đối với chúng sanh không được chở che;
Tiến xa hơn nữa - nhờ vào tuệ giác - Ngài đã vượt trội hơn
Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác và bậc trung trong chư Phật. (6.225)
Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng. (6.226)
Khi được hỏi làm thế nào để đáp lại những người không đáp ứng được sự mong đợi của chúng ta, Ngài cho biết rằng, Đức Phật đã giải thích rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Ngài nói, cơ thể ít quan trọng hơn, mà chính tinh thần mới là điều chủ yếu. Có những cấp độ ý thức khác nhau bên trong tâm thức. Chính vì mọi người đều có Phật tính cho nên cuối cùng mọi người đều có thể đạt được quả vị Phật.
Dewi Lestari muốn biết cách chúng ta có thể làm gì để luôn luôn được tươi tắn và sắc sảo như Đức Ngài. Ngài trả lời rằng chúng ta đã phung phí nhiều thời gian để bị phân tâm bởi những sự tiếp xúc của các giác quan; tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tập trung vào ý thức của mình và đạt được kinh nghiệm về bản chất của tâm thức. Khi chúng ta phát triển sự định tĩnh và tập trung, áp dụng tâm thức vào việc phân tích cái ‘tôi’ ở đâu; và những cảm xúc tiêu cực là gì. Khi chúng ta phát triển sức mạnh nội tâm, chúng ta đạt được sự an lạc nội tâm vững chắc hơn. Và khi chúng ta có được kinh nghiệm sâu sắc hơn về tâm thức và các cấp độ vi tế hơn của nó, thì tâm của ánh sáng quang minh (quang minh tâm) sẽ hiển lộ. Đó là tâm vi tế của Phật tính; và tâm này - cuối cùng sẽ trở thành tâm của Đức Phật.
Được mời đưa ra một số lời khuyên cuối cùng, Đức Ngài nhấn mạnh cơ hội đặc biệt mà thính giả của Ngài có được để chia sẻ ý tưởng về lòng nhân ái, đó là điều mà tất cả chúng ta đều cần đến. Tương tự như thế, tất cả chúng ta đều cần tâm từ bi và lòng tha thứ; và bằng cách khuyến khích phát triển những phẩm hạnh này, chúng ta có thể góp phần tạo ra một xã hội hài hòa, từ bi hơn. Tiềm năng của lòng từ bi là yếu tố rất chung mà tất cả con người chúng ta đều có. Đó là cơ sở để tôn trọng lẫn nhau và có thể học hỏi lẫn nhau.
Dewi Lestari đã dâng lời cảm ơn lên Đức Ngài - người đã tự động đề nghị mọi người trong khán giả cùng tham gia với Ngài trong một phút thiền định về lòng từ bi. Sau đó, Ngài xưng tán những phẩm hạnh của Bồ Đề Tâm và những lợi ích bất khả tư nghì của nó. Ngài nói, chúng ta cần lòng từ bi để có thể giúp đỡ tha nhân. Chúng ta cần lòng từ bi để tịnh hoá những năng lượng tiêu cực của mình và tích lũy năng lượng tích cực. Tất cả những hành động vị tha được mô tả trong ‘Những câu chuyện Tiền Thân của Đức Phật’ đều bắt nguồn từ Bồ Đề Tâm - khát vọng đạt được Phật quả để giúp đỡ tha nhân.
Ngài đã trích dẫn những bài Kệ trong “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên tán thán việc thực hành hạnh bình đẳng và hoán đổi giữa mình và người khác.
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui. (8/131)
Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm,
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên? (7/30)
Ngài nói thêm rằng, khi quý vị quyết tâm phụng sự người khác, thì quý vị có thể thực hành theo đại nguyện của Ngài Tịch Thiên:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”. (10/55)