Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Sáng nay, có khoảng 8500 người từ 56 quốc gia khác nhau, bao gồm 700 Vị Tăng Ni và cư sĩ từ các cộng đồng Sherabling và Chango - những người đã thỉnh cầu quán đảnh - đã tập trung tại Tsuglagkhang, Chùa Chính Tây Tạng, để cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài vui cười rạng rỡ và vẫy tay chào các thành viên của công chúng khi cất bước khoan thai quang lâm từ cổng Dinh thự đến Chùa.
Từ trên Pháp toà Ngài nói với Đại chúng: “Hôm nay, Tai Situ Rinpoché đã đến với chúng ta. Rinpoche đã thỉnh cầu quán đảnh Chenrezig Gyalwa Gyatso (Thắng Hải Quán Âm). Pháp Quán Thế Âm có thể được thực hành theo cả bốn lớp Mật thừa, nhưng Gyalwa Gyatso thuộc về Vô thượng Du già.”
Ngài gọi Đức Quán Thế Âm là vị thần tối cao của lòng từ bi; và Ngài đọc vài bài Kệ ca ngợi Ngài:
“Hrih, Ngài tích luỹ tất cả những hạnh phẩm cao thượng,
Được hết thảy chư Phật ca ngợi tán dương,
Ngài được biết đến với Hồng Danh Quán Thế Âm,
Hỡi đấng Từ Bi - con xin kính lạy Ngài!
Nghìn cánh tay Ngài đại diện cho hàng nghìn Quốc Chủ
Nghìn mắt của Ngài tượng trưng cho Nghìn Phật trong thời Chánh Pháp.
Ngài xuất hiện với mỗi chúng sanh - mỗi người mỗi khác;
Tuỳ theo căn cơ để thuần hoá họ trong khả năng tốt nhất.
Con xin đảnh lễ Ngài Đấng Đại Bi Quan Thế Âm!
“Trước khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho lễ quán đảnh, tôi đã được thỉnh cầu đọc “Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Nhiếp Tụng” của Jé Tsongkhapa, và bây giờ tôi sẽ đọc, sau đó thì chúng ta tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”.
Tai Situ Rinpoché cúng dường một mạn đà la và ba biểu tượng của thân, khẩu và ý giác ngộ. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng Ngài và Rinpoché đã là bạn của nhau trong một thời gian dài và Rinpoché luôn trung thành một cách kiên định.
Đức Ngài đề cập rằng Jé Rinpoché đã trước tác những luận thuyết về Đại Luận, Trung luận và Tiểu luận cô đọng về Giai Trình của Đạo Giác Ngộ, dựa trên tác phẩm “Đèn Soi Nẻo Giác” của Đức Atisha. Ngài bắt đầu ở đây bằng cách kính lễ Đức Văn Thù, tiếp theo là một bài kệ xưng tán Đức Phật.
Con cúi lạy đấng vĩ đại nhất trong dòng họ Thích Ca, Thân thể Ngài được tạo ra bởi mười triệu phẩm hạnh hoàn hảo, Khẩu của Ngài đáp ứng hy vọng của chúng sinh vô số hằng hà, Tâm của Ngài liễu tri được các pháp như vốn dĩ nó là.
“Giáo pháp của Đức Phật không chỉ phụ thuộc vào đức tin, mà còn dựa trên lý trí. Những gì Đức Phật đã thuyết có thể được đưa vào kiểm nghiệm qua lý trí. Về sau, những bậc Đạo sư của Nalanda, chẳng hạn như Ngài Long Thọ, đã cho thấy được tầm quan trọng của việc xem xét lời dạy của Đức Phật dưới ánh sáng của lý luận và đã khẳng định rằng Ngài là một bậc Thầy vô song.
“Ấn Độ có một truyền thống tốt đẹp, lâu đời về việc thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các truyền thống tâm linh và nhiều truyền thống khác nhau đã phát triển mạnh mẽ ở vùng đất này.
“Tôi là một tu sĩ Phật giáo đã nghiên cứu về logic và nhận thức luận. Tôi đã học được rằng những quan điểm giống như những quan điểm được đưa ra bởi Duy Thức Tông về tính bất nhị của chủ thể và khách thể - có thể được đưa vào thử nghiệm bằng lý luận. Ngày nay, ngay cả các nhà khoa học cũng ngưỡng mộ sự trình bày hợp lý và uyên bác của Phật giáo về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Khi còn là những đứa trẻ trong tu viện, chúng tôi đã nghiên cứu về tâm thức và sự tỉnh giác; chúng tôi tìm hiểu về 51 tâm sở. Về phần tôi, tôi đã học về nhiếp loại học, tâm loại học cũng như các giáo lý về Bát Nhã và Trung Quán. Điều quan trọng là phải nghiên cứu các bản văn cổ điển, một số trong số đó tôi cũng đã học thuộc lòng.”
Đức Ngài nhắc lại một bài Kệ trong ‘Xưng tán Duyên khởi’ của Jé Rinpoché, bài Kệ này cũng áp dụng cho Ngài.
“Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật
Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại
Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!”
Ngài lưu ý rằng những người dân Tây Tạng lưu vong đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Chính phủ Ấn Độ, do Pandit Nehru đứng đầu, đầu tiên trong việc thành lập các trường học riêng biệt, nơi mà trẻ em Tây Tạng có thể học bằng ngôn ngữ của mình. Sau đó, các tu viện lớn - từng là trung tâm giáo dục ở Tây Tạng - cũng được tái lập ở Nam Ấn.
Quay trở về với thế kỷ thứ bảy, Đức Ngài đã mô tả cách mà Vua Songtsen Gampo - mặc dù có nhiều mối liên hệ chặt chẽ với người Trung Quốc - nhưng Đức Vua đã chọn cho mẫu chữ viết Tây Tạng dựa vào bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ. Một thế kỷ sau, khi Ngài Tịch Hộ được mời đến Tây Tạng, Ngài đã nhận ra được tiềm năng của ngôn ngữ này và đặc biệt khuyến nghị rằng văn học Phật giáo nên được dịch sang tiếng Tây Tạng. Điều này đã đưa đến kết quả là có hơn 300 quyển Kinh (Kangyur) - những lời của Đức Phật - và Tengyur - những luận giải được soạn tác sau đó - và cuối cùng được các học giả Tây Tạng bổ sung thêm 10.000 luận thuyết.
Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng kiềm hãm văn hóa Phật giáo Tây Tạng nhưng họ đã không thành công, và rõ ràng là triết lý Phật giáo Tây Tạng sâu sắc hơn chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Trái ngược với hệ tư tưởng đó, người Tây Tạng đã thực hiện một kiểu dân chủ Phật giáo trong các tu viện và Ni viện của họ. Truyền thống của Tây Tạng rất rộng lớn, sâu sắc và có tiềm năng kết hợp với khoa học hiện đại.
Đức Ngài tiết lộ rằng vì hôm nay là thứ Hai nên sáng nay, Ngài đã tham khảo ý kiến của các bác sĩ đã bắt mạch, kiểm tra nước tiểu, v.v. cho Ngài; họ đánh giá rằng Ngài hoàn toàn khoẻ mạnh. Ngài đã cười và thốt lên một cách hào hứng, “Lhamo Döndhup kyi hee hee.”
Khi đọc qua những bài Kệ trong ‘Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Nhiếp Tụng’, Đức Ngài đã ghi nhận sự kính trọng dành cho những dòng truyền thừa của Hành vi quảng đại và Tri kiến sâu xa về Đạo lộ Giải thoát và những bậc tiền bối của họ - Ngài Long Thọ và Ngài Vô Trước. Sự thực hành của họ đáp ứng được các mục tiêu ngắn hạn và mục đích tối hậu.
Bài Kệ sau đây nêu lên bốn phẩm chất tuyệt vời của “Các giai trình của Đạo Giác Ngộ”.
"Bạn sẽ biết rằng các giáo lý vốn không hề mâu thuẫn,
Biết cách xem tất cả kinh điển như giáo huấn cho bản thân,
Bạn sẽ dễ dàng khám phá ra tôn ý của bậc Thầy Chiến Thắng,
Và cũng sẽ được thoát khỏi những vực thẳm sâu của trọng tội."
Khi điệp khúc, ‘Tôi - một hành giả Du già, đã thực hành theo cách này; bạn - người khát khao giải thoát, cũng nên làm như vậy’, lần đầu tiên xuất hiện, Đức Ngài đã giải thích rằng đây là những gì mà Ngài Tsongkhapa đã viết ban đầu. Tuy nhiên, khi bản văn của Ngài được tụng như một lời cầu nguyện, thì những dòng này đã được điều chỉnh lại để tụng: "Đây là điều mà vị thầy thánh thiện và đáng kính của tôi đã làm; và tôi - người tìm kiếm sự giải thoát, cũng sẽ làm như vậy."
Một khát vọng tự do thực sự sẽ không thể phát sinh,
Nếu không nỗ lực xem xét những nhược điểm của khổ đau thực sự;
Trừ khi bạn nghĩ về nguồn gốc của những điều đau khổ đó -
Những quá trình liên quan đến dòng sinh tử luân hồi;
Thì bạn sẽ không biết cách để cắt đứt gốc rễ của khổ đau.
Câu này đánh dấu sự khởi đầu trên con đường của một người có căn cơ trung bình.
Đức Ngài nhận xét rằng, nếu như Ngài vẫn còn ở Tây Tạng, thì Ngài sẽ không thể đào sâu và mở rộng được sự hiểu biết của mình về thế giới. Đúng như vậy, khi sống lưu vong, Ngài đã gặp gỡ đủ loại hạng người từ mọi tầng lớp của xã hội và học hỏi từ họ. Hơn thế nữa, những đổi mới về công nghệ, chẳng hạn như internet và điện thoại di động, có nghĩa là Ngài có thể trao đổi quan điểm của mình với mọi người ở khắp mọi nơi.
Ngài đã kể lại những nhận xét của Appa Pant - cựu Cán bộ Chính trị của Ấn Độ tại Vương quốc Sikkim, khi ông đến thăm Ngài lúc Ngài đang ngụ tại Swarag Ashram. Nhìn ra khung cảnh xa xăm, ông ấy nói, "Thật là tốt vì Ngài sẽ ngụ lại nơi đây, nơi mà ánh sáng từ lời nói của Ngài sẽ lan tỏa đến khắp thế giới."
Trong một dịp khác, một đại diện của Quốc hội ở Hoa Kỳ đã nêu lên rằng: mặc dù Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gồm có cả một triệu binh sĩ, nhưng họ không thể vượt qua nỗi một mình Đạt Lai Lạt Ma đơn độc.
Với câu mở đầu:
“Bố thí là viên ngọc Như Ý
Thoả mãn mọi hy vọng của chúng sinh”,
bản văn bắt đầu mô tả về việc thực hành sáu Ba La Mật; bao gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Thiền định chính là vị vua thống trị được tâm thức. Một khi an toạ, duy trì bất động như sơn vương.
Khi được hướng dẫn, nó tương tác với mọi đối tượng đức hạnh, Và tạo ra niềm hạnh phúc tuyệt vời của một thân tâm nhu nhuyến.
Trí tuệ là con mắt để nhìn thấy giáo lý “như thị” uyên thâm;
Là con đường giúp nhổ sạch gốc rễ sự sinh tử thế gian,
Là kho tàng kiến thức được tụng ca trong muôn vàn kinh điển,
Nổi danh là ngọn đèn ngời sáng xua tan màn đêm tối vô minh.
Đức Ngài đã đề cập đến bốn sự nguỵ biện hợp lý mà trong ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng giải thích là - sẽ xảy ra nếu sự tồn tại khách quan được khẳng định. Ngài cho biết rằng Ngài suy ngẫm về bốn điểm này mỗi ngày trong quá trình thiền định của mình. Ngài tiếp tục: cho dù bạn nghĩ về bản ngã của con người, về ý thức hay về bất cứ điều gì, thì mọi thứ đều xuất hiện trong sự tồn tại độc lập, khách quan. Khi đối tượng của sự phủ định xuất hiện trong tâm thức bạn và bạn muốn bác bỏ nó, là bạn đang tiến hành phân tích về cách mà các pháp tồn tại.
1) Tâm thức của các bậc Thánh thấm nhuần tánh không dựa vào sự phân tích của chính mình về việc liệu các pháp vốn dĩ có bất kỳ đặc điểm nội tại nào hay không. Nếu các pháp có những đặc điểm như vậy, thì chúng sẽ được tìm thấy bởi tâm thức của các bậc Thánh. Nếu các pháp có bất kỳ sự tồn tại nội tại nào, thì sự thiền định về tính không của các bậc Thánh sẽ hủy diệt tự tướng đó của các pháp - (điều này thật vô lý về mặt logic).
"Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi.
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu,
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại." (6/34)
2) Nếu các pháp có một tự tuớng nội tại, không phụ thuộc vào các yếu tố khác, thì sự thật thông thường (tục đế) sẽ phải chịu được sự phân tích cuối cùng - (điều đó là phi lý về mặt logic). Nếu chúng ta có thể chỉ ra một tự tính, nó sẽ phải chịu được sự phân tích tối hậu. Tuy nhiên, bậc Hành giả không tìm thấy gì cả, không phải cái này cũng chẳng phải cái kia, để chỉ ra. Các trường phái khác cho rằng đối tượng của nhận thức hợp lệ phải là một cái gì đó khách quan ngoài kia, nhưng nhận thức hợp lệ là nhận thức mà đối tượng tồn tại như nó được nhận thức.
Các trường phái tư tưởng thấp hơn thì cho rằng cần có một nhận thức hợp lệ với các đặc điểm tự xác định. Nếu đúng như vậy, thì đối tượng đó sẽ đáp ứng được sự phân tích tối hậu. Trên thực tế, không có đối tượng nào có sự tồn tại cố hữu - nó chỉ được định danh một cách quy ước mà thôi.
"Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát." (6.35)
Nếu các pháp có bất kỳ thành phần thiết yếu nào trong bản thân nó, thì nó sẽ dẫn đến sự nguỵ biện hợp lý của sự phân tích tối hậu của thực tế thông thường (tục đế).
3) Nếu các pháp có tự tánh kiên cố lại phát sinh từ một nguyên nhân nào đó, thì sản phẩm tối hậu không thể bị phủ nhận. 4) Lời Phật dạy rằng các pháp không có tự tính sẽ không đúng. Khi chúng ta nói rằng một thứ gì đó là không, thì chính điều chúng ta đang phân tích - được cho là không hề có sự tồn tại cố hữu hoặc tự tánh của nó.
"Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường.
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn?" (6.36)
"Những thứ trống rỗng phụ thuộc vào sự hội tụ
- chẳng hạn như sự phản chiếu, v.v. - không phải là không nhận thức được." 6,37
Đức Ngài kết luận rằng khi suy ngẫm kỹ hơn về những bài Kệ kết thúc chương sáu của cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’, Ngài mong đạt được quả vị kiến đạo.
"Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt." 6.224
"Dù tâm Ngài có thể an trú triền miên trong cảnh giới tịch diệt;
Ngài vẫn khởi Bi Tâm đối với chúng sanh không được chở che;
Tiến xa hơn nữa - nhờ vào tuệ giác - Ngài đã vượt trội hơn
Tất cả các hàng Thanh Văn, Duyên Giác - Bích Chi Phật.” 6.225
“Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Đấng Chiến Thắng Huy hoàng.” 6.226
Ngài nói thêm rằng Ngài Nguyệt Xứng đã cảnh báo rằng giáo lý “như thị” - như đã được giải thích - là sâu sắc và đáng sợ nhất, nhưng những người đã từng có kinh nghiệm của thói quen trong quá khứ thì chắc chắn sẽ nhận ra giáo lý ấy; mặc dù những người khác - cho dù có học thức uyên bác - thì cũng sẽ không thể hiểu được nó.
Đức Ngài đã tiến hành công việc chuẩn bị cho các nghi thức nhập môn của lễ quán đảnh Quán Thế Âm mà Ngài sẽ ban truyền vào ngày mai. Trong khi tiến hành sự chuẩn bị này thì hội chúng đồng niệm ‘Om mani padme hung’. Ngài khuyến khích họ nên bước vào mandala để đảm bảo rằng họ sẽ được Đức Quán Thế Âm chăm sóc và hộ trì từ đời này qua đời khác.
Các nghi thức nhập môn bao gồm phát Bồ đề tâm, phân phát nước ban phước gia trì, dây hộ trì, cũng như những đoạn cỏ kusha ngắn và dài. Mọi người được khuyến khích nên kiểm tra những giấc mơ của mình.
Khi kết thúc tiến trình của ngày hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quả quyết với đại chúng rằng:
"Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào ngày mai nhé!”