Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Tsuglagkhang - Chùa Chính Tây Tạng, vào sáng nay, trước khi an toạ vào Pháp Toà của mình, Ngài đã chào Jangtsé Chöjé - Hoà Thượng Gosok Rinpoché, người đang ngồi bên trái Pháp Toà và Sharpa Chöjé - Hoà Thượng Lobsang Dorjé - người đang ngồi bên phải Pháp Toà.
‘Bát Nhã Tâm Kinh’ được tụng đầu tiên bằng tiếng Trung Quốc và sau đó bằng tiếng Tây Tạng.
Trước khi tiếp tục đọc ‘Luận giải về Thích Lượng Luận’, Đức Ngài đã đề cập đến một bài Kệ từ một bản văn Mật thừa về tính không và bản chất của tâm, chỉ ra rằng sự tồn tại trong vòng luân hồi không phải là sự tồn tại cố hữu.
Ngài tiếp tục “Trong thế giới này, mọi thứ dường như tồn tại độc lập, nhưng khi chúng ta cố gắng xác định danh tính của chúng, thì chúng ta không thể tìm được. Hiểu được rằng các pháp vốn không hề có bất kỳ bản chất thiết yếu nào - sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự tồn tại trong vòng luân hồi. Quan niệm sai lầm của chúng ta rằng mọi thứ vốn dĩ có sự tồn tại - có thể bị loại bỏ. Chúng ta có thể quan sát thấy rằng trong cuộc sống hàng ngày, khi chúng ta tức giận hoặc tham ái vào một cái gì đó hoặc một người nào đó, đối tượng của sự tức giận hoặc tham ái của chúng ta dường như vốn dĩ đang tồn tại.
“Sự tham ái, sân giận và thù hận đều bắt nguồn từ vô minh. Chúng quấy nhiễu sự an lạc nội tâm của chúng ta. Nhưng khi chúng ta có thể loại bỏ sự bám chấp vào ý niệm về sự tồn tại cố hữu, ta có thể tiến bộ trên bước đường tu tập.
“Trong Chương 22 của “Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận”, ngài Long Thọ viết về cách mà chúng ta không thể xác định chính xác danh tính hoặc sự tồn tại độc lập ngay cả của Đức Phật, Đức Như Lai, Đấng Như Thị.”
"Không phải là các uẩn
Cũng không khác các uẩn
Các uẩn không trong Ngài,
Ngài không trong các uẩn,
Đức Như Lai vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Vậy Như Lai là ai?" 22.1
Đức Ngài nói thêm rằng Ngài thường lặp lại điều này để áp dụng cho bản thân và suy ngẫm về nó cho phù hợp:
"Tôi không là các uẩn
Cũng không khác các uẩn
Các uẩn không trong tôi,
Tôi không trong các uẩn,
Tôi thật sự vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Như vậy tôi là ai?"
“Trong hàng trăm năm qua, con người đã chiến đấu và giết hại lẫn nhau. Để làm điều đó, họ đã phát triển những vũ khí sát thương hơn bao giờ hết. Nhưng nếu chúng ta hỏi điều gì thực sự làm xáo trộn sự an lạc nội tâm của chúng ta, thì đó chính là sự phiền não về tinh thần, cảm xúc xáo trộn. Bản chất của tâm thức là trong sáng, rõ ràng và trống rỗng.
“Tất cả các tôn giáo đều dạy chúng ta đối xử tốt với nhau, nhưng tính năng đặc biệt của truyền thống Ấn Độ là để xem xét bản chất cái “ngã” của chính mình. Một số người trong số họ mô tả một cái “tôi” được gọi là "atman". Phật giáo không công nhận điều này. Điều mà Phật giáo khẳng định là con người chỉ dường như tồn tại một cách cố hữu. Nếu chúng ta nhìn nó theo quan điểm của nguyên nhân và kết quả, thì không có gì có thể được tìm thấy rằng nó vốn dĩ tồn tại. Cách mà chúng ta nhận thức sai lầm về sự tồn tại của “ngã” - là nguyên nhân gây ra mọi vấn đề rắc rối của chúng ta. Nó góp phần vào thái độ ái trọng tự thân của chúng ta; và điều đó có nghĩa là chúng ta ít quan tâm đến người khác”.
Đức Ngài đã đề cập đến những bài Kệ mở đầu trong cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng kính lễ tán thán đối với lòng từ bi.
"Chư Vị Thanh Văn và Duyên Giác
Phát sinh từ Chư Phật Đại Hùng
Chư Phật sinh ra từ Bồ Tát
Và chư Bồ Tát sinh từ nhân
Của Bồ Đề Tâm kết hợp với
Tâm thức từ bi và trí tuệ
Liễu ngộ được nguyên lý Bất Phân." 1.1
"Như duy chỉ Tâm Từ được chấp nhận
Là hạt giống của Phật Quả viên dung,
Nhờ vào nước tưới tẩm và nuôi dưỡng,
Mà quả lành - nguồn tận hưởng dài lâu.
Thế nên con xin ngợi khen xưng tán
Tâm Từ Bi ngay khoảnh khắc ban đầu!" 1.2
"Trước tiên, với suy nghĩ "Tôi là", họ bám chấp vào cái “tôi” - tự ngã;
Tiếp theo, với ý nghĩ "của tôi," họ trở nên tham ái với những vật dụng như cái xô trên guồng nước,
Họ quay mãi mà không hề kiểm soát được;
Con kính lễ lòng từ bi quan tâm đến những chúng sinh khổ đau phiền trược như thế này!" 1.3
Đức Ngài quan sát: chúng ta nói với hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được sự hòa bình trên thế giới, nhưng những gì chúng ta cần làm là củng cố hòa bình trong chính nội tâm chúng ta bằng cách làm suy yếu đi cách mà chúng ta bám chấp vào những thứ mà ta cho rằng chúng tồn tại độc lập. Cho đến khi nào chúng ta chưa đánh bại được quan niệm sai lầm này, thì ta sẽ không thực hiện được tâm nguyện của mình.
Khi cầm cuốn 'Luận giải về Thích Lượng Luận' từ nơi Ngài dừng lại ngày hôm qua, Đức Ngài đã đưa ra quan điểm rằng tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều sử dụng logic và lý luận. Tương tự như thế, mặc dù tất cả các trường phái tư tưởng của Phật giáo đều thảo luận về sự vô minh, nhưng chính Trung Quán Ứng Thành Phái mới giải thích chính xác về điều đó.
Hôm nay, Đức Ngài đã đọc đến bài Kệ 281 và tuyên bố rằng Ngài sẽ đọc những bài Kệ còn lại vào ngày mai. Trong khi chờ đợi, Ngài thông báo rằng Ngài muốn tiến hành một buổi lễ Nhất thiết Du già Phát tâm, điều mà Ngài thực hành hàng ngày. Nó liên quan đến việc phát khởi Bồ Đề Tâm thông thường - Tâm Bồ Đề khát khao đạt được sự giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh; và sau đó quán tưởng niềm khao khát này như một đĩa mặt trăng ở vị trí tim của chúng ta. Phần thứ hai của sự thực hành là phát khởi Bồ Đề Tâm tối thượng - trí tuệ thấu hiểu tánh không - và quán tưởng nó như một kim cương chuỳ năm chấu màu trắng đứng trên đĩa mặt trăng.
Đức Ngài đã dẫn dắt Hội chúng trì tụng thần chú của Nhất thiết Du già Phát tâm: Om Sarva Yoga Chitta Utpadaya Mi và nhận xét rằng hai phương pháp thực hành này, trí tuệ thấu hiểu tánh không và trưởng dưỡng Bồ đề tâm, là nguyên nhân tối hậu của Phật quả. Ngài tuyên bố rằng mặc dù Ngài đã nhận được nhiều quán đảnh Mật thừa, nhưng hai pháp hành này là cốt lõi của sự thực hành của chính Ngài, và khuyến khích những người đã xem Ngài là Thầy của mình thì cũng hãy đưa hai pháp hành này vào sự thực hành cốt lõi của mình. Cuối cùng, Ngài nói về tình hình ở Tây Tạng.
“Hiện tại, có thông tin cho rằng người Tây Tạng ở Tây Tạng đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng do đại dịch coronavirus đang lan rộng ở Tây Tạng. Công chúng đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn.
“Ở một mức độ nào đó, cuộc đấu tranh Tây Tạng-Trung Quốc có liên quan đến lời dạy của Đức Phật. Người Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể thay đổi tư duy và hành vi của người dân Tây Tạng, vốn bắt nguồn từ tôn giáo và văn hóa của họ. Đúng hơn, truyền thống Phật giáo Tây Tạng và nền văn hóa liên kết của nó sẽ dần dần lan rộng hơn và xa hơn vào chính đất nước Trung Quốc. Quý vị không cần phải cảm thấy nản lòng khi đối mặt với những khó khăn tạm thời. Người Tây Tạng chúng ta có một sự kết nối nghiệp duyên đặc biệt với Đức Quán Thế Âm - vị thần hộ mệnh của chúng ta. Vì vậy, quý vị nên cầu nguyện ba vị thần giác ngộ ở Lhasa: Jowo Lokeshvara, Jowo Shakyamuni, và Jowo Akshobyavajra.
“Mặc dù quý vị ở cách xa tôi về mặt thể chất, nhưng vì chúng ta có một mối liên hệ đặc biệt dựa trên nghiệp duyên và lời cầu nguyện của chúng ta, nên quý vị có thể nghĩ về tôi, Gyalwa Rinpoche, Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Điều quan trọng nhất là quý vị nên cảm thấy thoải mái và tin tưởng rằng sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng.
“Về phần bản thân tôi, bây giờ tôi đã 87 tuổi và sức khỏe vẫn tốt. Các bác sĩ của tôi, sau khi kiểm tra, đã đảm bảo với tôi rằng tôi sẽ sống thêm được từ 15 đến 20 năm nữa. Vì vậy, hỡi đồng bào Tây tạng của tôi đang sống ở xứ sở Tây Tạng, quý vị hãy cảm thấy thanh thản, thoải mái và hạnh phúc.
“Trung Quốc đang thay đổi. Sẽ đến ngày chúng ta - những người Tây Tạng lưu vong và những người Tây Tạng ở Tây Tạng, sẽ được đoàn tụ và có thể cùng nhau thiền định về Bồ đề Tâm và quan điểm Tánh không. Tôi xin gửi đến quý vị lời chào của tôi - “Tashi Delek”. Xin cảm ơn quý vị!”