Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi tản bộ ngang qua sân để đến Chùa Chính vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mỉm cười và vẫy tay chào các thành viên của Hội chúng trong số ước tính khoảng 5000 người từ 55 quốc gia đang cung đón Ngài. Hôm nay, dường như Ngài đặc biệt chú ý đến những người cao tuổi, Ngài dừng lại nói vài lời với họ, trìu mến vỗ nhẹ vào đầu hoặc bàn tay của họ trước khi bước tiếp.
Sau khi Đức Ngài an toạ trên Pháp Toà, Vị Thầy Chủ Sám chủ trì tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Trung Quốc trong đó có 570 đệ tử Đài Loan cùng tham gia. Phát hiện một con mèo bị đi lạc trong đám đông, Đức Ngài đã yêu cầu đưa nó về lại cho chủ của nó để nó khỏi hoảng sợ. ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ được tụng lại bằng tiếng Tây Tạng.
Đức Ngài thông báo, “Hôm nay, những Pháp Hữu Trung Quốc của chúng ta đã yêu cầu tôi giảng về ‘Luận giải về Thích Lượng Luận' của Ngài Pháp Xứng. [Bản dịch của bản văn này có thể được tìm thấy trong phần Trực tiếp của trang web này]
“Trong lời cam kết soạn thảo bản văn, Ngài Pháp Xứng viết,
"Phần lớn người ta tham đắm việc đuổi theo thế tục,
Và thiếu đi sự dõng mãnh cần dành cho trí tuệ viên thông,
Không những không hứng thú và không cảm kích về giáo pháp thiêng liêng,
Mà còn bị che mờ bởi nhiễm ô của ác ý, thậm chí còn thù ghét Pháp.
Do đó, tôi không nghĩ rằng việc này (của tôi) sẽ mang lại lợi ích cho người khác,
Nhưng tâm trí tôi đã hình thành một nỗi ám ảnh, âu lo;
Được nuôi dưỡng bởi quá trình nghiên cứu dài lâu về học thức và kinh thánh,
Nên tôi đã quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này được hoàn thành.”
Đức Ngài tiếp tục: “Ngày nay, mọi người say mê theo đuổi lối sống vật chất. Trong khi tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy chúng ta trở nên tử tế, thì truyền thống Nalanda thúc giục chúng ta sử dụng trí thông minh của mình, để xem xét điều gì đã làm xáo trộn sự yên tâm của chúng ta. Chính trong tinh thần này, Ngài Pháp Xứng đã tiết lộ rằng sau thời gian dài nghiên cứu về mặt học thức và kinh thánh, Ngài có ý định soạn tác “Luận giải về Thích Lượng Luận” này.
“Một số học giả trước đây ở Tây Tạng đã chỉ trích cuốn sách này là ít quan tâm đến những người tìm kiếm sự giải thoát, vì nó không đề cập đến các giai trình và Đạo giác ngộ. Jé Tsongkhapa đã đề cập đến điều này trong bài Kệ tường thuật câu chuyên về việc học tập và thực hành của chính mình, ‘Sứ mệnh viên thành’.
Ở vùng đất phía Bắc này, nhiều người đồng thanh lên tiếng:
Rằng dù họ có nghiên cứu các bản văn về logic và nhận thức luận hay không, đều cho rằng,
“Không có thực hành tốt nhất nào về con đường đưa đến giác ngộ
Trong Tập Lượng Luận (Pramanasamucchaya)
Và trong số bảy luận thuyết [chẳng hạn như Thích Lượng Luận của Ngài Pháp Xứng.”
Nhưng họ cũng coi sự mặc khải thực sự có thẩm quyền,
Do Đức Văn Thù Sư Lợi ban cho Ngài Trần Na, nói một cách dứt khoát,
“Hãy viết cuốn sách này. Trong tương lai nó sẽ trở thành
Con mắt của tất cả chúng sinh lang thang trong luân hồi sinh tử.
Nhận thấy những [quan điểm] này là hoàn toàn ngớ ngẩn,
Tôi đặc biệt xem xét hệ thống logic một cách chuyên cần.
Ý nghĩa của bài Kệ kính lễ trong Tập Lượng Luận
Được thiết lập bởi chương Thành Lượng của Thích Lượng Luận của Ngài Pháp Xứng.
Qua đó chứng minh Đức Phật là một người có thẩm quyền thực chứng
Đối với những người kiếm tìm sự giải thoát tối cao;
Và sau đó tôi nhận ra được niềm tin sâu sắc biết bao!
Chỉ có Giáo huấn của Ngài mới thực sự là nơi nương vào trú ẩn
Đối với những người theo đuổi sự giải thoát hoàn toàn cùng tận,
Và tôi đã tìm thấy một niềm vui cực kỳ hỷ lạc hân hoan!
Khi làm sáng tỏ tất cả các chìa khóa đưa đến những Đạo lộ thênh thang,
Trải rộng khắp đối với Tiểu thừa và Đại Thừa Phật Giáo,
Được mở ra thông qua con đường logic, lý luận, biện chứng đạo.
Ngẫm lại điều này, sứ mệnh của tôi đã viên thành tốt đẹp biết bao!
Xin thành kính tri ân Ngài - Đấng Vinh quang Trí tuệ Tối cao!
“Điều quan trọng là phải nghiên cứu “Luận giải về Thích Lượng Luận” vì nó sử dụng lý trí và logic để chứng tỏ rằng Đức Phật là một Bậc hướng dẫn đáng tin cậy. Do đó, Jé Rinpoché đã nghiên cứu nó”.
Đức Ngài nhận xét rằng chúng ta đang sống trong thời đại khoa học và các nhà khoa học đang ngày càng tỏ ra quan tâm đến những điều mà Đức Phật dạy về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc; cũng như cách mà những sự hiểu biết liên quan sẽ giúp chúng ta đạt được sự bình an trong tâm hồn. Ngài chỉ ra rằng, yếu tố chính góp phần vào sự bình an nội tâm đó là rèn luyện lòng vị tha - tình yêu thương và tâm từ bi. Ngài lưu ý rằng, khi tâm của bạn được bình yên, thì bạn sẽ ngủ ngon giấc mà không cần phải dùng đến thuốc ngủ.
Đức Ngài đã đề cập đến kế hoạch lâu dài của mình là tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà giáo dục ở Delhi để tìm ra phương pháp đưa việc trưởng dưỡng lòng từ bi vào chương trình giáo dục phổ thông. Ngài tin rằng điều đó có thể khả thi, bởi vì karuna và ahimsa - tâm từ bi và bất bạo động - đã được đề cao ở Ấn Độ trong hàng nghìn năm. Chính trên cơ sở đó, Ngài Mahatma Gandhi đã có thể thúc đẩy tinh thần bất bạo động làm chủ đề cơ bản của Cuộc đấu tranh Tự do của Ấn Độ.
Đức Ngài tiết lộ, “Ngay khi tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi liền trưởng dưỡng Bồ đề Tâm, bắt nguồn từ tình yêu thương và lòng từ bi; và chính từ đó tôi tìm thấy được dũng khí để làm việc cho người khác.
“Chúng ta nói rằng Đức Phật có những phẩm hạnh đáng được chú ý, không phải vì những thần thông mà Ngài đã thi triển, mà là vì những điều mà Ngài đã dạy. Nếu chúng ta muốn mang lại hòa bình trên thế giới, ta cần phải chú ý đến việc làm thế nào để đạt được sự bình an trong nội tâm của chính mình”.
Đức Ngài bắt đầu đọc Chương Hai của Luận giải về Thích Lượng Luận, Thiết lập Hướng dẫn Đáng Tin Cậy. Ngài đề cập đến lời giải thích về các mức độ vi tế của tâm thức được ghi lại trong Mật thừa Du già Tối thượng, và tiết lộ rằng có hai nhóm nhà khoa học riêng biệt đang kiểm tra những hiện tượng này.
Sau khi đọc đến câu 152, Đức Ngài khuyên rằng chúng ta càng nghiên cứu lời dạy của Đức Phật, chúng ta sẽ càng hiểu rõ hơn. Ngài thừa nhận rằng nếu chúng ta muốn biết thêm về việc sử dụng logic và lý luận, thì cuốn “Luận giải về Thích Lượng Luận” là cuốn sách để chúng ta dựa vào. Tuy nhiên, để có một cái nhìn triết học chính xác, chúng ta cần chuyển sang cuốn “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng, trong phần trình bày tư tưởng của Trung Quán Ứng Thành Phái.
Đức Ngài nhận xét, “Sau khi nghiên cứu các giáo lý, nếu quý vị có thể suy ngẫm về chúng và làm cho bản thân mình quen thuộc với chúng, thì chúng sẽ trở thành một phần trong kinh nghiệm của chính quý vị.”
Ngài trích dẫn các câu 34-38 từ Chương Sáu của “Nhập Trung Quán Luận” nêu lên bốn điều phi lý hợp lý sẽ xảy ra sau đó nếu ta khẳng định rằng mọi thứ tồn tại độc lập. Mặc dù các pháp không có bất kỳ sự tồn tại độc lập, khách quan nào từ phía của chúng, nhưng điều này không có nghĩa là chúng hoàn toàn không tồn tại. Chúng tồn tại bằng cách phụ thuộc vào các yếu tố khác và vào sự gán đặt tên gọi, định danh.
Đức Ngài đề nghị rằng nếu chúng ta làm cho mình quen thuộc hơn với sự hiểu biết này, chúng ta sẽ có thể làm suy yếu cảm giác cho rằng mọi thứ tồn tại độc lập. Và khi ta hiểu rằng, tất cả chúng ta đều bị áp đảo, dày vò bởi sự bám chấp rằng các pháp thực sự tồn tại, khi đó chúng ta sẽ cảm động trước lòng từ bi dành cho chúng sinh rộng lớn như không gian.
Ngài kết luận, “Hôm nay chúng ta dừng lại ở đây, ngày mai sẽ tiếp tục.”