Padum, Zanskar, Ladakh, UT, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm Eid Gah thể theo lời thỉnh cầu của cộng đồng Hồi giáo Padum. Ngài đã được cung đón bởi một trong những nhà lãnh đạo của cộng đồng, sau đó Imam địa phương đã dâng một lời cầu nguyện. Đức Ngài lần lượt chào mừng các thành viên của giáo đoàn đang ở phía trước Ngài, trong số họ bao gồm những người lớn và các cháu học sinh.
Ngài nói với họ: “Là một tu sĩ Phật giáo, bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều khuyến khích mọi người nên vun đắp sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều khuyên những tín đồ của mình nên phát triển tình yêu thương và lòng từ bi; và làm việc vì lợi ích của tha nhân. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, tôi đều đến thăm viếng những nơi thờ phượng khác nhau, giống như tôi đã đến Eid Gah này vào sáng nay.
"Thật đáng buồn khi thấy những cuộc xung đột nổ ra giữa những người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau, thậm chí còn buồn hơn khi phải chứng kiến cảnh cãi vã giữa các thành viên thuộc các giáo phái khác nhau của cùng một tôn giáo, như chúng ta đã thấy giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shia ở Afghanistan.
"Mặc dù các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta khẳng định những quan điểm triết học khác nhau, nhưng mục đích chung của họ là khuyến khích những tín đồ của mình trở thành những con người lương thiện.
“Trong những năm qua, sự phát triển về vật chất đã ổn định trên khắp Ấn Độ; và tôi nhận thấy Zanskar cũng trở nên thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, hạnh phúc bền lâu chủ yếu đến từ việc tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn; và sự bình yên trong tâm hồn không phải từ trên trời rơi xuống được. Chúng ta cần phải nỗ lực phối hợp để đối xử tốt với nhau, sống hòa thuận với nhau và vun đắp tình anh chị em sâu sắc trong cộng đồng. Chúng ta cần phải suy ngẫm về tính đồng nhất của nhân loại và - khi còn bé - chúng ta chỉ có thể sống sót được nhờ vào tình cảm và lòng yêu thương của mẹ dành cho chúng ta mà thôi."
Đức Ngài nhắc lại mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa người Tây Tạng địa phương và cộng đồng Hồi giáo nhỏ ở Lhasa. Họ được mời tham dự tất cả các lễ hội được chính phủ Tây Tạng coi là dấu hiệu của sự tôn trọng. Phần lớn họ là những thương nhân nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ, nhưng cũng mang những tin tức và thông tin từ thế giới bên ngoài về cho người Tây Tạng.
"Tôi rất vui khi thấy rằng ở đây các cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo ở Zanskar sống hòa thuận gắn bó với nhau, thế nên hôm nay tôi muốn được cảm ơn các anh chị em Hồi giáo của chúng ta một lần nữa! vì mối quan hệ gần gũi giữa khu vực này với Tây Tạng, cho nên sự hài hòa trong toàn bộ khu vực Hy Mã Lạp Sơn là rất quan trọng - nơi mà đã phát triển được nền văn hóa Phật giáo sâu sắc bắt nguồn từ Truyền thống lịch sử Nalanda mà chúng tôi đang cố gắng duy trì.
"Tôi được sinh ra ở phía đông bắc Tây Tạng - nơi cũng có một cộng đồng Hồi giáo lớn, vì vậy ngay từ lúc còn bé tôi đã quen thuộc với những người theo đạo Hồi. Thật ra, vị lãnh đạo Hồi giáo địa phương - Ma Bufang - đã quan tâm đặc biệt đến tôi; và thậm chí trước khi Chính phủ Tây Tạng ở Lhasa tuyên bố rằng tôi là hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, thì ông ấy đã nói rằng đó là phán quyết của chính ông ấy.
Đức Ngài tiếp tục nói chuyện với một nhóm sinh viên và thanh niên về Học tập Đạo đức, Tình cảm, Xã hội; có liên quan đến việc giáo dục trái tim và khối óc. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của hơn 4000 thành viên của công chúng.
Đức Ngài nhận xét: “Thời gian cứ mãi trôi đi; không gì có thể ngăn cản nó được. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể định hình được tương lai. Càng từ bi, quý vị sẽ càng tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ngày nay có xu hướng không cải thiện đủ về bản chất cơ bản của con người. Tuy nhiên, vì con người có khả năng tự nhiên để suy nghĩ thấu đáo mọi thứ, cho nên giáo dục chính là yếu tố then chốt để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
“Cho dù quý vị có tin vào tôn giáo hay không thì đó chỉ là một vấn đề riêng tư. Tuy nhiên, chúng ta cần có trách nhiệm chung trong việc tạo ra các điều kiện có lợi cho hòa bình trên thế giới. Vì sự xung đột không thể giải quyết bằng vũ lực, cho nên mục tiêu của chúng ta phải là một thế giới phi quân sự.
“Bản chất thiết yếu của chúng ta là lòng từ bi. Ngay từ lúc chúng ta chào đời, mẹ đã chăm sóc cho chúng ta. Nếu không có sự chăm sóc này, chúng ta sẽ không thể sống sót. Trải nghiệm này chính là cơ hội đầu tiên của chúng ta để học được rằng - lòng từ bi chính là gốc rễ của mọi hạnh phúc. Tuy nhiên, sự cảm kích tự nhiên về lòng từ bi này dường như sẽ bị phai nhạt khi chúng ta cắp sách đến trường. Chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng - sức khỏe tốt và trạng thái tâm hồn bình yên được dựa trên tình yêu thương và lòng từ bi.
“Nền giáo dục hiện đại sẽ hoàn thiện hơn nếu nó kết hợp được với kiến thức Ấn Độ cổ đại - bao gồm các nguyên tắc lâu đời của ‘karuna’ (lòng từ bi) và ‘ahimsa’ (bất bạo động), theo quan điểm của đạo đức thế tục.”
Đức Ngài giải thích rằng sự giáo dục của chính Ngài đã bắt đầu khi Ngài còn là một đứa bé; và Ngài đã nhận được những chỉ dẫn về logic và lý luận, cũng như trong việc rèn luyện tâm thức. Ngài tiết lộ rằng cho dù bạn theo truyền thống nào thì đó chỉ là vấn đề cá nhân, Ngài đã nhận được những giáo lý thuộc về tất cả các truyền thống Phật giáo chính của Tây Tạng. Và mục đích thiết yếu của tất cả các truyền thống ấy chính là để trưởng dưỡng sự an lạc trong tâm hồn.
Khi một thành viên của khán giả đặt câu hỏi về cách thức thực hành kiểm soát sinh sản có thể góp phần hạn chế dân số ngày càng gia tăng của thế giới, Đức Ngài trả lời rằng điều quan trọng là phải đánh giá về hoàn cảnh và hành động sao cho phù hợp.
Khi cuộc gặp gỡ kết thúc, Đức Ngài khuyên những người trẻ tuổi đang ở phía trước Ngài, nên nghiên cứu những điều mà Đức Phật đã dạy trong tam Tạng: Kinh, Luật và Luận - và tham gia vào việc thực hành Tam Vô Lậu Học: Giới, Định và Tuệ.
Cuối cùng, Ngài ban khẩu truyền vầ các thần chú của Đức Văn Thù Sư Lợi và Thánh Tara, Ngài nhận xét rằng việc trì tụng thần chú của Đức Văn Thù Sư Lợi sẽ giúp các học sinh về việc học hành trước mắt, trong khi về lâu dài, nó sẽ dẫn họ đến với Phật quả.
Đức Ngài nói với Hội chúng rằng Ngài rất vui khi có cơ hội được nói chuyện với những người trẻ tuổi, Ngài nói thêm rằng tầm quan trọng của việc trau dồi Bồ Đề Tâm và trí tuệ hiểu biết Tánh không, vốn là bản chất của giáo lý Đức Phật. Khi chào tạm biệt thính giả, Ngài đã nói rằng “Hẹn gặp lại quý vị lần sau nhé!.”