Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Hôm nay - Ngày Trái Đất năm 2022 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ những người tham gia trong cuộc Đối thoại vì Tương lai của Chúng ta - do một số tổ chức ở Dharamsala triệu tập. Khi bước vào phòng, Đức Ngài đã mỉm cười và chào các vị khách của mình "Chào buổi sáng".
Trước hết, nhà sáng tạo giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu - Sonam Wangchuk - đã trình bày lên Đức Ngài một khối băng - giải thích rằng nó đã được lấy từ một tảng băng trên đèo Kardungla ở Ladakh để làm nổi bật tính cấp bách của sự biến đổi khí hậu trên Cao nguyên Tây Tạng. Sự việc này được thực hiện bởi một nhóm thanh niên đi xe đạp, các phương tiện công cộng và xe điện để truyền tải một thông điệp - "Hãy sống đơn giản để chúng tôi ở vùng núi non có thể đơn giản sống.”
Trong câu trả lời của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với đại chúng, “Tôi thực sự rất ngưỡng mộ rằng ngày càng có nhiều người thể hiện sự quan tâm đối với môi trường. Sau cùng, nước vẫn là nền tảng cơ bản đối với sự sống của chúng ta. Trong những năm tới, chúng ta phải có trách nhiệm thực hiện các bước để bảo tồn những con sông lớn là nguồn cung cấp nước cho rất nhiều người. Trong suốt cuộc đời của mình, tôi đã từng chứng kiến lượng tuyết rơi ở Tây Tạng bị giảm đi và do đó lượng nước của các con sông cũng giảm thiểu.
“Trước đây, chúng ta lấy nước là điều hiển nhiên. Chúng ta cảm thấy rằng mình có thể sử dụng nó một cách không hạn chế mà không cần phải suy nghĩ nhiều về nguồn gốc của nó. Bây giờ, chúng ta cần phải cẩn thận hơn trong việc giữ gìn nguồn nước của mình. Tôi tin rằng chúng ta có công nghệ để biến nước mặn, nước biển, thành nước ngọt; điều đó giúp chúng ta có thể phủ xanh sa mạc ở nhiều nơi và trồng nhiều cây lương thực hơn.
“Bây giờ, chúng ta có trách nhiệm để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được hưởng nguồn nước trong lành. Đây là một cách thể hiện lòng từ bi đối với họ. Nếu chúng ta không nỗ lực, sẽ có nguy cơ thế giới của chúng ta sẽ trở thành sa mạc. Nếu điều đó xảy ra, thì hành tinh xanh xinh đẹp này có thể sẽ trở thành một tảng đá trắng khô cằn và chẳng có nước non gì cả.
“Tôi thường nghĩ rằng - không có nước, chúng ta không thể tồn tại. Một số bạn bè Ấn Độ của tôi nói rằng, có một giải pháp là ta nên trồng nhiều cây cối hơn - và điều đó sẽ hữu ích. Bạn tôi - Sunderlal Bahuguna - yêu cầu tôi hứa là sẽ làm bất cứ điều gì có thể, bất cứ khi nào có thể - để khuyến khích mọi người trồng trọt và chăm sóc nhiều cây cối hơn, và tôi sẽ cố gắng thực hiện mong ước của ông ấy”.
Martin Bursik, cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường của Cộng hòa Séc, cảm ơn Đức Ngài vì đã là nguồn cảm hứng đưa nhóm các nhà bảo vệ môi trường này lại với nhau. Ông đã nêu lên bốn chủ đề trọng tâm trong cuộc đối thoại của họ.
1. Tình trạng của hành tinh như được mô tả trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính Phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
2. Vai trò của công nghệ - chẳng hạn như điện gió, điện mặt trời, v.v. trong việc bù đắp khủng hoảng khí hậu.
3. Tây Tạng được một số nhà môi trường coi là tương đương với Cực thứ Ba. Không những các sông băng của Tây tạng đang bị giảm thiểu, mà còn do khí mê-tan được giải phóng từ lớp băng vĩnh cửu đang tan chảy.
4. Dân chủ năng lượng. Làm thế nào để thay đổi mô hình năng lượng để những người bình thường được tham gia trực tiếp hơn.
Bursik thưa với Đức Ngài rằng, kết quả của cuộc “Đối thoại vì Tương lai của Chúng ta” này, là một bản tuyên ngôn sẽ được chuẩn bị để tuyên bố tại Ai Cập vào thời điểm diễn ra cuộc Hội nghị Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) nhằm thực hiện các bước để bảo vệ Cao nguyên Tây Tạng và ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Đức Ngài trả lời: “Trước đây, chúng ta coi khí hậu của mình là điều hiển nhiên, ta nghĩ nó chỉ là một phần của thiên nhiên. Nhưng một số thay đổi đã diễn ra có liên quan đến hành vi của chúng ta, vì vậy chúng ta phải giáo dục mọi người về các yếu tố góp phần gây ra sự biến đổi khí hậu. Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp để giữ gìn môi trường của mình. Điều này có nghĩa là - việc hiểu biết cơ bản về sự biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đối với môi trường là một phần của nền giáo dục thông thường.
Elizabeth Wathuti - nhà hoạt động khí hậu đến từ Kenya - đã hỏi Đức Ngài rằng chúng ta có thể kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động vì tình yêu thương và lòng từ bi như thế nào. Ngài nói với cô ấy rằng, chúng ta có thể cho họ biết rằng - bằng cách chăm sóc cho người khác, là chúng ta đang đích thực chăm sóc cho bản thân mình. Ngài chỉ ra rằng, sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng là nguồn gốc của sức khỏe và hạnh phúc của mỗi cá nhân. Ngài đã trích dẫn một số câu thơ của Ngài Tịch Thiên - bậc thầy Phật giáo Ấn Độ vào thế kỷ thứ 8:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
Đức Ngài lưu ý rằng: “Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều mỉm cười vui vẻ và coi những người mà tôi gặp gỡ thì họ cũng đều là con người giống như tôi. Nghĩ về người khác với khái niệm ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’, hoặc đặt nặng vào việc họ không giống chúng ta như thế nào, sẽ dẫn đến sự thiếu tin tưởng và tách biệt. Vì chúng ta phải sống cùng nhau cho nên sẽ hữu ích hơn nhiều nếu chúng ta nghĩ rằng cả bảy tỷ con người - về cơ bản - đều giống như nhau”.
Kim Stanley Robinson, người mô tả bản thân mình là một nhà văn khoa học viễn tưởng, đã hỏi rằng Phật giáo có thể giúp gì cho khoa học. Đức Ngài nói với ông rằng, các nhà khoa học quan tâm đến việc thảo luận về các phương pháp để đạt được sự bình yên trong tâm hồn; bởi vì họ nhận ra rằng nếu tâm trí bị xáo trộn thì mọi người sẽ không có được hạnh phúc. Ngài nhấn mạnh về lợi ích của việc khám phá thêm về ý thức tinh thần và học cách rèn luyện nó trên cơ sở lý luận.
Tsering Yangki, một nữ doanh nhân Tây Tạng đến từ Canada, muốn biết cách làm thế nào để việc kinh doanh và nền kinh tế trở thành một phần của giải pháp đối với sự thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Đức Ngài trả lời rằng, trong khi công nghệ là một yếu tố trong việc cải thiện sự thoải mái tiện nghi về vật chất, thì sự thay đổi quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện được - đó là rèn luyện tâm thức của mình.
Arash Aazami, một nhà cải cách hệ thống năng lượng, đã tuyên bố rằng năng lượng rất dồi dào; tuy nhiên, chúng ta đang đấu tranh để giành lấy nó. Ông hỏi làm thế nào chúng ta có thể cân bằng được nhu cầu của tự nhiên, con người và nền kinh tế.
Đức Ngài trả lời: “Sự phát triển vật chất vừa cần thiết vừa hữu ích; tuy nhên, có một sự giới hạn đối với những thứ có thể đạt được. Trong khi đó, sự trau dồi tâm thức là một phương pháp hiệu quả hơn để giải quyết nhu cầu của chúng ta. Đức Phật đã thực hành khổ hạnh trong sáu năm để phục vụ những người khác. Ngài Milarepa - một hành giả Du Già Tây Tạng và - trong sự ấn tượng gần đây - Mahatma Gandhi - sống trong hoàn cảnh thiếu thốn nhất, nhưng cả hai vị ấy đều đạt được sự thỏa mãn về tinh thần ở mức độ vô cùng sâu sắc.
“Sự khai thác thiên nhiên quá mức đã gây ra những hậu quả tiêu cực. Chúng ta phải có một tầm nhìn rộng thoáng hơn, lâu dài hơn; và lấy sự an lạc nội tâm làm mục tiêu chính của mình”.
Vibha Dhawan, Tổng giám đốc TERI, Viện Năng lượng và Tài nguyên có trụ sở tại New Delhi, đã hỏi về cách làm thế nào để chúng ta có thể đem đạo đức, lòng từ bi và lối sống ít coi trọng về vật chất - trở về với môi trường tự nhiên, lành mạnh và an toàn. Đức Ngài đã nhận xét rằng, với tư cách là con người, chúng ta đều là những người anh chị em của nhau và chúng ta phải sống cùng nhau. Và nếu như thế, thì sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta sống trong tự do, không bị kiểm soát chặt chẽ và nuôi dưỡng lòng khoan dung hơn đối với quan điểm của người khác.
Christa Meindersma - người điều hành cuộc gặp gỡ này, là một luật sư quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế và giải quyết xung đột -đã thưa với Đức Ngài rằng; tất cả những người tham gia đã vui mừng như thế nào khi được diện kiến Ngài hôm nay. Cô ấy nói thêm rằng, bây giờ họ sẽ tiến hành cuộc đối thoại của họ và kêu gọi hành động.
Cô tuyên bố: “Sự sống còn của hành tinh này - ngôi nhà duy nhất của chúng ta - đang nằm trong tay của chúng ta. Chúng tôi muốn được quay trở lại nữa, nếu có thể, xin mời hãy gặp nhau vào Ngày Trái Đất năm sau ạ!”.
Đức Ngài trả lời rằng trong vòng mười đến mười lăm năm tới, theo thời gian, Ngài sẽ luôn sẵn sàng để gặp lại mọi người.