Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia cùng khoảng 180 người trong khán phòng tại Dinh thự của Ngài. 101 người là thành viên hoặc bạn bè của Viện Tâm thức & Đời sống. Phần còn lại bao gồm Chư Tăng và quý Sư cô Tây Tạng đã tham gia vào các chương trình khoa học tại Đại học Emory, cũng như các sinh viên khoa học từ Men-tsee-khang (bệnh viện), Thư viện Tác Phẩm & Lưu trữ Tây Tạng, v.v., cũng như các Lạt ma và Viện chủ từ các Trung tâm tu học tại các Tu viện lớn ở Nam Ấn Độ.
Chủ tịch Viện Tâm thức & Đời sống, Susan Bauer-Wu chào đón Đức Ngài.
Cô nói: “Chúng con, những người bạn của Ngài tại Tâm thức & Đời sống, rất vui khi được có mặt ở đây. Đã 3 năm rồi - kể từ khi chúng con được trực tiếp diện kiến Ngài; và thật vui khi được nhìn thấy Ngài trông rất khoẻ mạnh. Sự kiện này là kết quả của những nỗ lực của Viện Tâm thức & Đời sống; và Tâm thức & Đời sống Châu Âu. Đã 35 năm trôi qua kể từ khi cuộc đối thoại Tâm thức & Đời sống đầu tiên diễn ra. Chúng con rất vui khi được trở lại đây!”
Đức Ngài trả lời: “Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc đối thoại về Tâm thức & Đời sống, và tôi cảm thấy chúng rất quan trọng. Trên thế giới nói chung, đã có quá nhiều sự chú ý đến thế giới vật chất, mà ít chú ý đến cuộc sống tinh thần. Chưa hết, khi chúng ta đề cập đến hạnh phúc và đau khổ, đó là những trải nghiệm nội tâm thuộc về tinh thần. Nếu chúng ta không có sự an lạc nội tâm, chúng ta sẽ không có được hạnh phúc.
“Nhiều cuộc xung đột mà chúng ta thấy trên thế giới là về vật chất, tài nguyên vật chất và quyền lực. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ và rút kinh nghiệm để có thể xây dựng một tương lai dựa trên nền tảng hòa bình, hạnh phúc và đoàn kết.
“Gốc rễ của sự an lạc nội tâm chính là lòng từ bi. Đa số chúng ta - ngay từ lúc chào đời - mẹ của chúng ta đã chăm sóc chúng ta và cho chúng ta những bài học đầu tiên về lòng từ bi. Nếu không có điều này, chúng ta sẽ không tồn tại. Đây là cách mà cuộc sống của chúng ta bắt đầu. Là trẻ thơ, chúng ta được lớn lên trong bầu không khí từ bi. Chúng ta không ngại chơi đùa với các bạn nhỏ hàng xóm của mình. Khi còn bé, tôi thường chơi với những bạn nhỏ Hồi giáo và Trung Quốc ở khu vực gần đó mà không hề có suy nghĩ gì khác. Tất cả chúng tôi đều vui cười và sẵn sàng chơi đùa cùng nhau. Yếu tố quan trọng để tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp đó là sự nồng nhiệt.
“Đối với tôi, dường như chúng ta phớt lờ đi một điều gì đó trong nền giáo dục của mình. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, nếu chúng ta càng từ bi, thì ta càng đạt được sự bình yên trong tâm hồn, và với nó là sức mạnh nội tâm. Mặc dù trong cuộc sống của mình, chúng ta phải phụ thuộc vào rất nhiều người khác, nhưng lại có rất ít chỗ cho những giá trị nhân văn như vậy trong nền giáo dục hiện đại”.
Được mời nói vài lời mở đầu, Richie Davidson đã tuyên bố, “Thật tốt biết bao khi được ở giữa những người bạn mới và những người bạn cũ. Những người thuyết trình của chúng ta bao gồm một nhà nhân chủng học, một nhà tâm lý học, một nhà triết học về tâm thức và khoa học nhận thức; và một nhà khoa học nhận thức nghiên cứu về hành vi con người, các hệ thống xã hội, v.v.
“Gần đây, chúng ta đã thấy những thay đổi khác nhau trên thế giới bao gồm biến đổi khí hậu và sự gia tăng bệnh trầm cảm. Kể từ sau đại dịch, người ta đã thấy rõ rằng sự cô đơn là mối đe dọa lớn hơn đối với sức khỏe so với bệnh béo phì. Chúng ta cần phải thừa nhận nhiều hơn về tính liên kết của chúng ta. Chúng tôi muốn khám phá ý nghĩa của việc trở thành một động vật xã hội, làm thế nào chúng ta có thể vượt qua sự phân cực - yếu tố gây ra mối đe dọa đối với nền dân chủ. Chúng tôi muốn điều tra những cạm bẫy của tính kết nối liên quan đến AI (trí tuệ nhân tạo). Chúng tôi muốn làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
“Con xin thay mặt cho tất cả các đồng nghiệp của con ở đây, xin được dâng lời tri ân lên Ngài về sự cống hiến của Ngài trong việc gặp gỡ các nhà khoa học và học giả chúng con trong 35 năm qua. Các cuộc gặp gỡ của chúng ta đã có sức ảnh hưởng lớn lao. Xin Ngài hãy luôn được Pháp thể khinh an và trụ thế trường thọ!”.
Đức Ngài trả lời: “Sự bình yên trong tâm hồn là điều quan trọng, ngay cả khi nó chỉ đóng góp cho vấn đề sức khỏe tốt. “Nó mang lại sự tự tin và thoát khỏi nỗi sợ hãi. Có lẽ các chuyên gia não bộ có thể làm sáng tỏ điều này. Tôi hiểu rằng giấc ngủ ngon và những giấc mơ có thể ảnh hưởng tích cực đến não bộ; và sự bình yên trong tâm hồn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho điều này.
“Tôi đã phải đối mặt với sóng gió trong cuộc sống của mình, nhưng tôi cũng đã nghiên cứu tâm lý học như được trình bày trong Truyền thống Nalanda và tôi cảm thấy rằng nó rất hữu ích.”
Người điều hành Roshi Joan Halifax đã giới thiệu người thuyết trình đầu tiên, Joseph Henrich, một nhà nhân chủng học tại Harvard, người đã kết hợp nhiều lĩnh vực trong chuyên môn của mình. Ông đã xem xét cách thức di truyền và văn hóa hình thành tâm thức của chúng ta.
Henrich bắt đầu: “Nghiên cứu của tôi xem xét điều gì đã tạo nên con người chúng ta. Loài người chúng ta đã trải dài khắp thế giới hơn 100.000 năm. Tại sao loài của chúng ta lại chiếm ưu thế như vậy? Thông thường, nghiên cứu chỉ ra các yếu tố như ngôn ngữ, việc sử dụng các công cụ và sự hợp tác xã hội đã tạo nên con người như thế nào. Văn hóa của chúng ta là tích lũy. Chúng ta học hỏi, sửa đổi, trau dồi và tinh chỉnh những gì cuối cùng được truyền lại.
“Văn hóa đã hình thành khuynh hướng di truyền và bản chất của chúng ta. Cách suy nghĩ của chúng ta đã định hình cơ thể và tâm thức của chúng ta. Ví dụ, con người chúng ta học cách đốt lửa và nấu ăn, điều này đã làm thay đổi tâm sinh lý của chúng ta. Khi chúng ta học hỏi từ những người khác, những thay đổi sẽ trở thành chuẩn mực xã hội và các khía cạnh của ngôn ngữ."
Đức Ngài nói thêm vào, “Tôi tin rằng điều quan trọng là ý tưởng về sự hợp nhất của tất cả con người. Khi theo đuổi lối suy nghĩ cũ, chúng ta đã tham gia vào quá nhiều bạo lực và chiến tranh, trong khi bây giờ chúng ta phải học cách chung sống cùng với nhau”.
Henrich tiếp tục: “Vấn đề đặt ra là, làm thế nào chúng ta có thể xây dựng được ý thức mạnh mẽ hơn về sự hợp nhất.” Chúng tôi thấy rằng, chúng ta đưa ra các quy tắc, chúng ta phát triển một tâm lý phụ thuộc lẫn nhau có thể được thể hiện như chia sẻ thức ăn. Sự sống còn của người khác ảnh hưởng đến sự sống còn của chính chúng ta. Khi chúng ta nghiên cứu các xã hội khác, chúng ta bắt gặp những thói quen ăn uống phổ biến.
“Tâm lý dân tộc cho thấy đã có sự tiến hóa văn hóa. Chúng ta chia sẻ tài năng với những người khác giống như chúng ta. Chúng ta cần xem xét cách xây dựng tâm lý học toàn cầu. Nông nghiệp dẫn đến xung đột. Chúng ta có thể học hỏi từ việc thay đổi văn hóa đã được sử dụng như thế nào và xây dựng bản sắc toàn cầu phù hợp với các nhóm địa phương. Sự hiểu biết sâu sắc về bản chất con người có thể giúp chúng ta giải quyết những thách thức mà chúng ta phải đối mặt”.
Roshi Joan Halifax yêu cầu Henrich đổi chỗ cho người thuyết trình tiếp theo - Molly Crockett - người mà cô mô tả là một nhà khoa học khác. Cô ấy đã kết hợp nhiều yếu tố khác nhau lại với nhau để góp phần tìm hiểu bản chất con người.
Đức Ngài nhận xét, “Bây giờ chúng ta phải nghĩ về tương lai mà không sao chép lại quá khứ. Chúng ta phải có một tầm nhìn rộng hơn, không chỉ liên quan đến bản thân với quốc gia của tôi, cộng đồng của tôi, v.v. mà chúng ta phải nghĩ về toàn thể nhân loại; về sự hợp nhất của tất cả loài người.”
Molly Crocket mở đầu bài thuyết trình của mình và nói: “Con đã đồng ý với tất cả những gì mà Ngài đã nói từ trước đến nay. Khoa học hiện đại phần lớn đồng ý với Ngài rằng chúng ta về cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, cũng có nhiều người tin rằng con người về cơ bản là ích kỷ và chia rẽ lẫn nhau.
“Ý tưởng rằng con người ích kỷ đã ảnh hưởng đến chính sách, như chúng ta đã thấy trong đại dịch. Nhưng những nhận xét này không dứt khoát hoặc không đầy đủ; vì chúng ta cũng biết rằng việc giúp đỡ người khác khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Khi chúng ta làm điều này, các phần tương tự của não được kích thích như khi chúng ta thưởng thức đồ ăn ngon hoặc ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Tính ích kỷ là một trở ngại để làm việc cùng nhau.
“Chúng ta cần tập trung vào mức độ kết nối của chúng ta. Chúng tôi cần kể một câu chuyện tích cực hơn”.
Đức Ngài nói thêm, “Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, và tất cả chúng ta đều có quyền được làm như vậy. Đây là lẽ thường tình, và chúng ta không cần vũ khí để thực hiện điều đó”.
Crocket tiếp tục: “Một phần của vấn đề giữa Nga và Ukraine là do những câu chuyện thù hận giữa họ. Mọi thứ không nhất thiết phải như vậy. Ta có thể cố gắng kể những câu chuyện tích cực hơn. Người ta quan sát thấy rằng khi mọi người đến với nhau, chẳng hạn như để tham dự lễ quán đảnh Kalachakra hoặc một loại lễ hội khác, sẽ có những thay đổi trong cách mọi người nhìn nhận về bản thân họ."
Đức Ngài nhận xét rằng cả cuộc đời của Ngài là cống hiến cho việc đạt được hòa bình thực sự trên thế giới.
Crocket nhận xét, “Trước đó Ngài đã nói về giáo dục thế tục, nghiên cứu của chúng con cho thấy rằng khi mọi người đến với nhau và dành thời gian cho nhau trong một bối cảnh tích cực, thì họ cảm thấy gắn kết với nhau hơn”.
Trả lời câu hỏi về khả năng lãnh đạo, Đức Ngài gợi ý rằng ở các quốc gia dân chủ, các nhà lãnh đạo xuất hiện trong số công chúng. Ngài nói thêm rằng những gì chúng ta cần là các nhà lãnh đạo phải biết khuyến khích lòng nhân ái.
Đức Ngài đã cười và nêu lên rằng, cũng có những nhà lãnh đạo quan tâm hơn đến việc thực thi quyền lực, nhưng quyền lực của họ không có hiệu quả khi liên quan đến việc làm giảm sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Molly Crocket nhận xét rằng các nhà lãnh đạo có thể giúp tất cả chúng ta hòa thuận với nhau hơn. Cô ấy hỏi làm thế nào mà khi ý thức về sự hợp nhất và sự kết nối tạo ra sự khác biệt một cách rõ ràng, thì nhiều người nghĩ rằng sự ích kỷ là một thực tế.
Đức Ngài trả lời: “Điều đó có liên quan đến những hạn chế trong giáo dục của chúng ta và xu hướng suy nghĩ về vật chất của chúng ta. Chúng ta phải huấn luyện học sinh thấy được rằng tấm lòng nhiệt tình là tích cực và có lợi. Đây là chìa khóa thực sự của hạnh phúc và sức mạnh nội tâm”.
Joe Henrich thừa nhận tính hợp nhất của con người, nhưng nhận thấy rằng chúng ta cũng cần những mối liên hệ địa phương. Ông hỏi làm thế nào để hòa giải căng thẳng giữa các cộng đồng địa phương và toàn cầu.
Đức Ngài trả lời: “Chúng ta thuộc các quốc gia khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau và có những cách suy nghĩ khác nhau, nhưng đồng thời chúng ta luôn có thể nhận ra rằng, điều gắn kết chúng ta lại với nhau đó là chúng ta đều là con người. Nhiều thế kỷ trước, người Tây Tạng đã dịch văn học Phật giáo từ tiếng Pali và tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Ngôn ngữ đã thay đổi nhưng nội dung thì vẫn như cũ”.
Molly Crocket hỏi về sự tức giận mà mọi người cảm thấy về sự bất công trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Cô ấy thừa nhận rằng sự tức giận có thể làm phiền, nhưng cho rằng đôi khi sự tức giận có thể mang lại sự thay đổi. Đức Ngài đồng ý rằng đôi khi rõ ràng là những lời nói thô tháo hoặc hành động nghiêm khắc dường như là hợp lý, bởi vì chúng cuối cùng đều có động cơ tốt. Ngài đã nêu lên một ví dụ về nét biểu hiện sự cấm đoán nghiêm khắc trên khuôn mặt của Vị Thầy Giáo Thọ khi Ngài còn là một cậu bé.
Henrich lưu ý rằng thế giới đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn trong 50 năm qua, điều mà Đức Ngài đã đồng ý. Ông nhận xét rằng ngày càng có xu hướng theo chiều hướng tiếp cận dân chủ hơn. Mệnh lệnh quần chúng được tôn trọng rộng rãi hơn và quan điểm của nó có trọng lượng hơn. Tuy nhiên, công chúng cũng cần tự nhắc nhở mình phải có trách nhiệm của toàn thể nhân loại.
Ngài nói, “Có một nhu cầu cấp bách về việc tìm kiếm các giải pháp phi quân sự, giải quyết các vấn đề thông qua thảo luận. Đây là tình hình mới ngày nay. Chúng ta phải sống cùng chung với nhau, không có sự phân chia ra thành ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’.”
Người điều phối chương trình đã mời John Dunne tổng kết phiên họp. Ông đặt ra một câu hỏi là chúng ta có thể dạy điều gì để có thể thúc đẩy một nền văn hóa toàn cầu hơn. Ngài đã trả lời về điều đó bằng một bài Kệ trong ‘Nhập Bồ tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên:
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
Đức Ngài đã đồng ý và thêm vào bài Kệ sau từ cùng một cuốn sách:
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
Ngài đề cập đến những bài Kệ mạnh mẽ khác trong cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng nói rõ rằng việc thực hành từ bi và trí tuệ liễu ngộ tánh Không hoạt động giống như đôi cánh của một con chim lớn bay đến trạng thái giác ngộ của tâm thức.
Được mời để bế mạc phiên họp, Richie Davidson cảm ơn Đức Ngài về những cơ hội mà Ngài đã ban cho vào buổi sáng.
Cậu ấy tiếp tục “Con đã nghe Ngài nói với một nhóm đông người Tây Tạng rằng các nghi lễ và lời cầu nguyện là không đủ. Chúng ta cần phải rèn luyện trí óc của mình. Mỗi con người đều có khả năng và quyền đạt được hạnh phúc. Chúng ta có thể làm gì để giúp một người bình thường rèn luyện trí óc? Trước đây ít có người đánh răng, bây giờ hầu như ai cũng đánh răng cả. Có một số phương pháp thực hành nào đơn giản và dễ hiểu tương tự như vậy mà tất cả chúng ta đều có thể áp dụng không ạ?"
Câu trả lời của Đức Ngài ngắn gọn và đi vào trọng tâm.
“Chúng ta phải cho mọi người biết rằng trái tim ấm áp là nguồn gốc của sự an lạc nội tâm, của sự bình yên trong tâm hồn, sức mạnh nội tâm và sự tự tin. Tôi dựa vào những nỗ lực của quý vị để chia sẻ điều này với những người khác”.