Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, ngày Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến Tsuglagkhang - Chùa Chính Tây Tạng, để cử hành Lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thi triển Thần thông - một sự kiện trong cuộc đời của Đức Phật. Do vì đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn, thế nên đây là lần đầu tiên Ngài xuất hiện trước công chúng kể từ khi rời khỏi Bồ Đề Đạo Tràng vào tháng Giêng năm 2020. Ngài quang lâm từ cổng Dinh thự của mình ngang qua khu vườn Chùa, mỉm cười vui vẻ và vẫy tay chào đám đông Hội chúng gồm những bậc phụ lão và cả những người trẻ tuổi đang tươi cười vui vẻ.
Sự kiện hôm nay là một phần của Đại lễ cầu nguyện do Ngài Jé Tsongkhapa thành lập tại Jokhang ở Lhasa vào năm 1409, sự kiện này vẫn được tiếp tục duy trì cho đến nay. Mỗi ngày của lễ hội được chia ra thành bốn thời: thời tụng kinh cầu nguyện sáng sớm, thời thuyết Pháp, thời cầu nguyện buổi trưa và thời cầu nguyện buổi chiều. Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, thời thuyết Pháp được dành để đọc từ Những câu chuyện về Tiền Thân của Đức Phật (Jatakamala), một Thi Truyện (truyện dưới dạng thi kệ) từ thế kỷ thứ tư - kể lại ba mươi bốn câu chuyện nổi tiếng nhất trong những kiếp trước đây của Đức Phật. Vào ngày thứ mười lăm của lễ hội - ngày Rằm trăng tròn, Ngài Tsongkhapa cũng đã cử hành một buổi lễ công cộng lớn về “Phát Bồ Đề Tâm” - nguyện vọng đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Khi đã an toạ trên Pháp Toà bên dưới ngôi Chùa và đối diện với hội chúng trong vườn, Đức Ngài nói với họ:
“Tôi đã từng nghĩ là sẽ đi Dehli vào lúc này để kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy mệt mỏi gì cả, thực ra thì tôi cảm thấy khá ổn với mọi thứ, vì vậy tôi quyết định không đi Delhi nữa. Thông thường, vào mùa đông, tôi thường đến Bồ Đề Đạo Tràng, nhưng một lần nữa, năm nay tôi quyết định nghỉ ngơi thư giãn và làm những việc dễ dàng hơn ở Dharamsala này. Tôi cũng đã thử tiên tri và kết quả cho biết rằng đó là điều tốt hơn tôi nên làm.
“Vì vậy, hôm nay, tôi sẽ đọc từ “Những Câu Chuyện Tiền Thân của Đức Phật”.
“Bây giờ câu hỏi là, chư Phật đã làm lợi ích cho chúng sinh như thế nào?
"Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Ngài đã chỉ ra thực tại mà Ngài đã kinh nghiệm trải qua và những phương pháp để xoa dịu những tâm thức phiền não - bằng cách đó các Ngài đã giải thoát cho chúng sinh.
“Đầu tiên Đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế, sau đó, tại Núi Linh Thứu, Ngài đã trình bày về cốt lõi của giáo lý của mình, giáo lý Trí Tuệ Bát Nhã được tóm tắt trong Bát Nhã Tâm Kinh mà chúng ta thường hay đọc tụng.
“Tôi cố gắng hết sức để suy ngẫm về Giáo lý Tánh Không - điều mà tôi cảm thấy thật là hữu ích khi giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình. Tôi cũng ghi nhớ thuộc lòng những điều mà Ngài Tịch Thiên đã viết:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm,
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?" 30/7
“Cảm xúc tiêu cực sẽ gây ra sự bất hạnh. Nếu quý vị có thể làm cho chúng giảm bớt, tự nhiên quý vị sẽ cảm thấy bình yên. Người Tây Tạng chúng ta có sự kết nối tâm linh đặc biệt với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Bồ Đề Tâm - tâm nguyện giúp đỡ những chúng sinh khác và niềm khát khao đạt được Phật quả”.
Tiếp theo đó là phần tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, bài cầu nguyện Chư Đạo Sư của dòng truyền thừa đề cập đến một số vị Đạt Lai Lạt Ma trước đây. Cuối cùng, Sikyong Penpa Tsering - Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong, Khenpo Sonam Tenphel, và Phó Chủ tịch Hạ Nghị Viện - Dolma Tsering, đã cùng tham gia cúng dường Mạn Đà La lên Đức Ngài.
Trong khi mọi người thưởng thức uống trà bơ và ăn cơm ngọt, Đức Ngài nhắc lại một dịp ở Tây Tạng khi một trong những viên quan chức tham dự một buổi lễ kỷ niệm - đã bị dính một hạt cơm trên bộ ria mép. Thay vì khiến cho ông ta cảm thấy khó xử bằng cách thẳng thừng chỉ ra sự sơ suất này, thì một trong những người tham dự đã thốt ra một vài dòng thơ mà viên quan chức này hiểu ra được vấn đề và lau sạch bộ ria mép của mình.
“Tôi đã đề cập rằng người Tây Tạng có mối quan hệ đặc biệt với Đức Quán Thế Âm. Chúng ta thấy điều này liên quan đến Vua Songtsen Gampo, người đã rất thông minh và có tài năng. Ông quyết định tạo ra một loại chữ viết Tây Tạng, nhưng - mặc dù có quan hệ gần gũi với Trung Quốc và nền văn hóa của Trung Quốc, nhưng Đức Vua đã chọn không dựa trên truyền thống Trung Quốc mà lấy chữ viết Phạn ngữ Devanagari làm mẫu. Dạng chữ viết này vẫn được sử dụng phổ biến trên toàn bộ Tây Tạng.
“Sau đó, vào thế kỷ thứ 8, Vua Trisong Detsen, đã mời Ngài Tịch Hộ từ Ấn Độ - người đã thiết lập Giáo Pháp ở Tây Tạng mà Đức Phật mô tả là: "Giáo Pháp tựa Cam lồ, thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha”. Đó là thời điểm mà chúng ta bắt đầu dịch văn học Phật giáo sang tiếng Tây Tạng. Bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm loại bỏ văn hóa Tây Tạng, và với Giáo Pháp của Đức Phật, chúng ta đã giữ gìn cho truyền thống Phật giáo được tồn tại. Một phần lý do cho điều này chính là nhờ vào đức tin kiên định của người dân Tây Tạng đối với Đức Quán Thế Âm. Và theo thời gian, ngày càng có nhiều người ở Trung Quốc quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng.
“Giáo lý mà chúng ta bảo tồn phù hợp với sự thật như nó vốn là. Có rất nhiều tín ngưỡng trên thế giới, nhưng Phật giáo là tín ngưỡng duy nhất được thiết lập dựa trên lý luận và logic. Tôi đã nghĩ về vai trò của mình trong vấn đề này, tôi được sinh ra ở Amdo, gần Tu viện Kumbum. Các mẫu tự A, Ka, Ma phản chiếu trên mặt hồ Lhamo Latso đã dẫn đến việc mọi người tìm ra được tôi. Sau đó, tôi đến miền Trung Tây Tạng, nơi tôi đắm mình trong việc nghiên cứu và tìm hiểu về Phật giáo. Sau đó, khi rời khỏi Tây Tạng và sống cuộc đời lưu vong, tôi đã gặp được nhiều người có kiến thức nền tảng về khoa học và nhiều người trong số họ đã tỏ ra quan tâm đến những gì mà Phật giáo đã đề cập về tâm thức và cảm xúc.
“Chúng ta đã tụ hội về đây vào dịp đặc biệt này để nhắc nhở bản thân rằng kho báu này - lời dạy của Đức Phật - chỉ có thể được bảo tồn thông qua học tập và thực hành, và khi thực hiện như thế chúng ta có thể mang lại lợi ích cho người khác ở nhiều nơi trên thế giới. ‘Nhập Trung Quán Luận’ nói rõ rằng, ngay cả những bậc thầy uyên bác như Ngài Thế Thân và Ngài Trần Na cũng không hiểu được rốt ráo về Giáo lý tánh Không. Tuy nhiên, ở cuối Chương Sáu có nói rằng:
"Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt." 6.224
“Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng.” 6.226
“Lời dạy này, dựa trên lý luận, giúp chúng ta đối phó với những cảm xúc tiêu cực bên trong nội tâm mình.”
Nói chuyện với các cháu học sinh đang đi học, Đức Ngài đã nói rằng Ngài đã yêu cầu sự giúp đỡ của Thủ tướng Ấn Độ - Pandit Nehru - để thành lập những trường học dành riêng cho học sinh Tây Tạng có thể học bằng tiếng Tây Tạng. Ngài nhận xét rằng mặc dù họ phải sống lưu vong, nhưng người Tây Tạng ở Ấn Độ và ở những nơi khác vẫn luôn tiếp tục cảm thấy gần gũi với truyền thống, tôn giáo và văn hóa của riêng mình. Ngài nói rằng Ngài đã làm hết sức mình; và họ cũng nên cố gắng hết sức để bảo tồn di sản này.
Ngài thừa nhận rằng Ngài đang già đi; nhưng tuyên bố rằng Ngài sẽ sống đến một thập kỷ hoặc hơn thế nữa, Ngài có thể dìu dắt và động viên mọi người. Ngài nói rằng Ngài cảm thấy đầu gối bị đau, nhưng - ngay cả phải chống gậy thì Ngài vẫn có thể lãnh đạo được.
“Chúng ta có thể tụ hội ở đây vào dịp Đại lễ cầu nguyện và ta mong các con hãy khơi dậy lòng can đảm của mình. Hãy coi mình là những đệ tử của Đức Phật, của Thánh Long Thọ và chư đệ tử của Ngài, cũng như Ngài Trần Na và các môn đồ của Ngài. Hãy đặt câu hỏi về những gì mà mình đã nghe được. Phải hỏi tại sao? Các vị Giáo Thọ dạy triết trong trường học không nên chỉ dạy về thơ ca, mà còn phải dạy cả về tư tưởng triết học nữa”.
Đức Ngài đã đọc từng trang của ‘Những câu chuyện Tiền Thân của Đức Phật’ (Jatakamala) và đọc một chút từ ‘Câu chuyện về Vishvantara’ và điều đó đã hoàn thành viên mãn truyền thống lâu đời về việc đọc cuốn sách này. Ngài nhận xét rằng cốt lõi của lời dạy của Đức Phật là kỷ luật tâm thức. Lưu ý rằng Ngài tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn, Ấn Độ giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái, Đạo Sikh, v.v., Ngài nhận xét rằng chỉ có Phật giáo được thành lập dựa trên lý luận và logic.
Ngài nói: “Với tư cách là vị khách của Chính phủ Ấn Độ, tôi đang sống lưu vong ở đây, nhưng tư tưởng của tôi luôn hướng về Tây Tạng và truyền thống văn hóa Tây Tạng của chúng ta.”
Tiếp theo sau đó, trong khoá lễ đơn giản tập trung vào việc phát Bồ Đề Tâm, Đức Ngài đã khuyên thính chúng hãy cảm thấy tin chắc rằng họ đang thọ nhận được giới nguyện đạt được Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh từ một vị đệ tử đích thực của Đức Phật. Ngài khuyến khích họ - với tư cách là những đệ tử của Đức Quán Thế Âm - hãy suy ngẫm về những giáo lý có liên quan đến vô thường, khổ đau, vô ngã và tính Không; và quyết tâm duy trì cho truyền thống này được tồn tại.
Buổi thuyết giảng được kết thúc bằng một lễ cúng dường Mạn Đà La tạ ơn, cũng như đọc tụng ‘Lời nguyện cầu cho Giáo Pháp hưng thịnh’ và những bài Kệ Cát Tường.
Đức Ngài đã đi tản bộ khoảng một phần ba quãng đường ngang qua sân, mỉm cười và vẫy tay chào các thành viên của thính chúng - trước khi bước lên xe ô tô để trở về Dinh thự của mình.