Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India, - Hôm nay, đại diện của Gia đình Toàn cầu TCV và Hiệp hội Tây Tạng Bắc Mỹ (NATA), hai nhóm dâng cúng Lễ Cầu nguyện Trường thọ lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã dâng lên Ngài sự chào đón truyền thống khi Ngài quang lâm đến sân của Tsuglagkhang - chùa Chính Tây Tạng. Có những nhạc sĩ, ca sĩ và vũ công, những nhóm trong trang phục thuộc các vùng khác nhau của Tây Tạng. Đức Ngài mỉm cười và vẫy tay khi Ngài bước đi đều đặn về phía thang máy và một lần nữa khi Ngài đi vòng quanh Chánh Điện để đến phía cửa.
Ước tính có khoảng 5000 người đã vân tập để tham gia sự kiện này, bao gồm 700 người từ Gia đình toàn cầu của TCV và 150 người từ Hiệp hội Tây Tạng Bắc Mỹ -NATA. Ngoài ra còn có hàng trăm học sinh hiện đang theo học tại các trường TCV.
Trực tiếp đối diện với Đức Ngài, và dẫn đầu buổi lễ, là Ling Rinpoché. An toạ bên trái là Samdhong Rinpoché và Kirti Rinpoché, trong khi bên phải của Ngài là Ringu Tulku, Trụ trì Tu viện Namgyal, Thomtog Rinpoché và Dorjé Löbpön của Tu viện.
Buổi lễ bắt đầu bằng việc trì tụng lời cầu nguyện cầu khẩn các hóa thân trước đây của Đức Quán Thế Âm ở Ấn Độ và Tây Tạng do Trulshik Rinpoché sáng tác. Lời Cầu nguyện Trường thọ sau đó được dựa trên ‘Đức Vô Lượng Thọ hiện khởi sự Trường sanh Thuần tịnh’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm.
Khi hội chúng mang những lễ vật cúng dường diễu hành qua ngôi Chánh Điện bao gồm những quyển kinh, tượng và các cuộn vải, Thầy Sám Chủ đã thực hiện một nghi lễ cúng dường Mạn đà la. Ling Rinpoché khởi thân tiến về phía trước Đức Ngài để đọc lời tác bạch tôn vinh và thỉnh cầu.
Rinpoche bắt đầu: “Xin kính lễ Tam Bảo! Đây là lời thỉnh cầu từ các thành viên, các giáo viên, nhân viên, sinh viên của TCV trong quá khứ và hiện tại, cũng như từ những người dân Tây Tạng đang sinh sống ở Bắc Mỹ, xin được cung kính dâng lên Ngài - đối tượng tôn kính của tất cả người dân Tây Tạng.
“Mặc dù Ngài đã giác ngộ từ vô lượng A Tăng Kỳ kiếp trước đây, Ngài vẫn tiếp tục ban cho những giáo lý phù hợp với căn cơ của chúng sinh trên khắp không gian. Các sách của Kadam nói rằng Đức Quán Thế Âm đã xuất hiện nhiều lần trong hình tướng của con người. Ngài đã từng là những bậc Pháp Vương của Tây Tạng và là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất - đệ tử của Jé Tsongkhapa. Tiếp theo đó, Ngài đã là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm - người đã nhận lãnh vai trò trách nhiệm kép đối với các vấn đề thế tục và tâm linh của Tây Tạng. Chính phủ mà Ngài lãnh đạo đã có sự tham gia của các đại diện Tăng sĩ và Cư sĩ và nền dân chủ đã được báo trước ở đó là không phải là sự độc tài.
“Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã thực hiện nhiều sự thay đổi đối với hệ thống chính phủ và giáo dục của Tây Tạng. Ngài đã giới thiệu năng lượng thủy điện đến Tây Tạng và thiết kế đúc tạo ra một loại tiền tệ của Tây Tạng.
“Nhân duyên hội đủ, Ngài đã chào đời ở gần nơi sinh của Jé Tsongkhapa như đã được hiển thị từ những linh ảnh trong hồ thiêng của Đức Palden Lhamo. Ngài đã học hỏi với các Vị Giáo Thọ Sư của mình, Kyabjé Trijang Dorjé Chang và Kyabjé Ling Dorjé Chang. Ngài đã thọ Đại giới Tỳ kheo dưới sự hướng dẫn của Ling Rinpoché.
“Ngài chưa bao giờ bị dao động khỏi việc thực hành Bồ Đề Tâm; và đã gieo hạt giống giác ngộ trong tâm thức của vô số đệ tử. Với lòng dũng cảm tuyệt vời, Ngài đã ban truyền quán đảnh Thời Luân (Kalachakra) rất nhiều lần. Ngài đã nghiên cứu logic và triết học, cũng như đã nhận được nhiều quán đảnh, giáo lý, trao truyền và luận giải của Mật thừa.
“Với đầy đủ khả năng của tất cả những kiến thức này, Ngài đã chấp nhận đảm gánh trách nhiệm về mặt tâm linh và thế tục đối với nhân dân Tây Tạng vào năm mười sáu tuổi. Ngài đã cải cách hệ thống chính quyền Tây Tạng và đưa ra ý thức về công lý. Giảng dạy Giáo lý cho hàng trăm ngàn người, Ngài cũng đã gieo những hạt giống của con đường tâm linh.
“Ngài đã đi khắp thế giới và tiếp xúc với rất nhiều hạng người khác nhau. Ngay cả những học giả uyên bác nhất cũng không phù hợp với Ngài khi đưa ra lời giải thích. Ngài đã phục vụ Giáo Pháp và chúng sinh theo những phương cách quảng đại và thâm sâu.
“Sau khi Tây Tạng bị chiếm đóng và áp đặt chế độ áp bức của cộng sản Trung Quốc, Ngài đã sống cuộc đời lưu vong và hàng chục ngàn người Tây Tạng đã cùng theo sống lưu vong với Ngài. Với tầm nhìn xa rộng, Ngài đã thấy được những gì mà người tị nạn Tây Tạng cần được cung cấp. Ngài đã thiết lập các khu định cư nơi họ có thể sinh sống. Ngài thiết lập các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe cho họ. Ngài đã thiết lập lại các trung tâm học tập lớn của các Tu viện, cũng như các tổ chức như Viện Trung ương Nghiên cứu Cao cấp về Tây Tạng, đã đào tạo ra nhiều bậc học giả đủ tiêu chuẩn để trở thành các Viện Chủ.
“Học sinh từ các vùng Hy Mã Lạp Sơn và Mông Cổ đã được chào đón tại các trung tâm học tập này, nơi truyền thống học tập nghiêm túc vẫn luôn được tiếp tục, không hề bị suy giảm.
“Ngài đã chỉ trích việc thực hành của Shukden hay Dolgyal.
“Với tấm lòng từ ái của mình, Ngài đã truyền bá Giáo Pháp ngay cả ở những vùng đất mà trước đây chưa từng được nghe đến những lời dạy của Đức Phật.
“Ngài đã hoạt động để tạo ra sự hài hòa giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau của Tây Tạng, và sự hài hoà giữa các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới.
“Ngài đã đánh giá lại lời dạy của Đức Phật về ba hạng mục - khoa học, triết học và tôn giáo; đồng thời ủy thác việc biên soạn cuốn sách có tựa đề ‘Khoa học và Triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ’. Ngài đã tạo ra một cầu nối mới giữa khoa học hiện đại và kiến thức truyền thống của Ấn Độ.
“Với tầm nhìn để giải quyết vấn đề Tây Tạng theo cách đôi bên cùng có lợi, Ngài đã xây dựng Phương pháp Tiếp cận Con đường Trung đạo, một cách tiếp cận thế tục, bất bạo động. Dựa trên di sản hòa bình của mình, Ngài đã được trao các giải thưởng như Giải Nobel Hòa bình và Huy chương Vàng của Quốc hội.
“Được truyền cảm hứng từ tầm nhìn của Ngài, những người Tây Tạng sống bên trong Tây Tạng đã phải sống lưu vong để được học hành; và các học giả đã được đào tạo trong thời gian lưu vong đã quay trở lại Tây Tạng để giảng dạy.
“Ngài đã nâng cao nhận thức về nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ môi trường tự nhiên của thế giới.
“Ngài đã khuyến khích việc giới thiệu một hệ thống dân chủ giữa những người Tây Tạng lưu vong, trong đó tất cả người lớn, đàn ông và phụ nữ, đều có thể tham gia. Năm 2001, Ngài bắt đầu nghỉ hưu và đến năm 2011, Ngài đã bàn giao tất cả trách nhiệm thế tục của mình cho ban lãnh đạo được bầu chọn.
“Ngài đã cống hiến cuộc đời mình cho lợi ích của chúng sinh; và tiết lộ rằng Ngài được hướng dẫn bởi bốn cam kết. Theo điều đầu tiên, Ngài cam kết thúc đẩy các giá trị của con người. Cam kết thứ hai liên quan đến việc khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Cam kết thứ ba liên quan đến sự tín nhiệm mà người dân Tây Tạng đã đặt vào nơi Ngài và vai trò của Ngài với tư cách là phát ngôn viên của họ. Điều này mở rộng để nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giữ cho văn hóa Tây Tạng được tồn tại và bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Cuối cùng, Ngài đã tuyên bố sự cống hiến của mình trong việc phục hồi mối quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là vì nó liên quan đến sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
“Chúng con không thể nào báo đáp được đầy đủ về lòng từ mẫn mà Ngài đã thể hiện dành cho chúng con - người dân Tây Tạng và chúng sinh nói chung. Tuy nhiên, để bày tỏ lòng biết ơn của mình, chúng tôi xin được thực hiện nghi lễ này bao gồm những phẩm vật cúng dường khác nhau và những lời cầu nguyện nhiệt thành để thỉnh cầu Ngài trụ thế lâu dài. Cuộc sống của Ngài là vô cùng quan trọng đối với người dân Tây Tạng; nó không thể thiếu vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Chúng con cầu nguyện Ngài sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm dành cho tất cả chúng sinh, đặc biệt là người dân Tây Tạng.”
Ling Rinpoché sau đó dâng lên Đức Ngài - trước tiên là cúng dường Mạn đà la, sau đó là tượng Phật Vô Lượng Thọ, một cuốn Kinh và một bảo Tháp, những biểu tượng này đại diện cho thân, khẩu và ý của một vị Phật. Tiếp theo, Rinpoche dâng lên cúng dường một bình cam lồ trường thọ, một bát thuốc trường sinh và một cây đũa phép trường thọ. Tiếp theo là những chiếc bánh nghi lễ có hình dạng và màu sắc khác nhau đại diện cho bốn loại hoạt động - ái kính, tăng ích, an hoà, hàng phục. Có một cái khay mang tám biểu tượng cát tường, lọng báu, cá vàng, v.v. Tiếp theo là một khay đựng tám biểu tượng hoàng gia, bánh xe, đồ trang sức, hoàng hậu, v.v. và cuối cùng là tám chất cát tường, bao gồm các vật chất được dâng lên Đức Phật và được Ngài ban phước cho chúng - một vỏ ốc xà cừ xoắn về phía bên phải, sữa chua, cỏ durva, màu đỏ son, quả bilva, một chiếc gương, thuốc giwang và hạt cải mù tạt trắng.
Lời cầu nguyện Trường thọ dành cho Ngài do hai vị Giáo Thọ Sư của Ngài soạn tác đã được trì tụng; và tiếp theo đó là lời khẩn cầu các vị Hộ Pháp của Tây Tạng do Đức Ngài trước tác. Có một đoạn nhạc xen kẽ khi trẻ em từ TCV trình diễn và hát một bài hát có điệp khúc là “Nguyện cầu Ngài trường thọ”.
Đức Ngài tuyên bố: “Hôm nay, những người Tây Tạng lưu vong, những người thâm niên và trẻ tuổi, đã dâng lời cầu nguyện này cho sự trường thọ của tôi. Và mặc dù họ không hiện diện ở đây với chúng ta, nhưng họ được tham gia bởi vài triệu người Tây Tạng ở Tây Tạng, những người đã thể hiện niềm tin và sự quan tâm hết lòng đối với tôi. Thậm chí có thể có những người ở những nơi khác trên thế giới đã nghe được rằng buổi lễ này đang diễn ra.
“Tây Tạng được biết đến như là vùng đất có sự kết nối đặc biệt với Đức Quán Thế Âm. Tôi là người đã được Đức Quán Thế Âm ban phước gia trì và có mối liên kết với Ngài thông qua duyên nghiệp và những lời cầu nguyện. Tôi đã cố gắng làm việc cho sự hưng thịnh của Giáo Pháp và văn hóa Tây Tạng; và tôi cống hiến bất kỳ đóng góp nào mà tôi có được bằng cách thực hành Pháp của Đức Quan Thế Âm. Tôi sẽ sống thêm hai thập kỷ nữa vì lợi ích của người dân Tây Tạng và vì sự nghiệp của Tây Tạng.
“Tôi thiền định về Bồ đề Tâm và tánh không mỗi ngày, nhờ đó tôi cảm thấy thoải mái trong tâm thức và khỏe mạnh về thể chất. Bồ Đề Tâm là pháp thực hành chính của tôi. Nó mang lại cho tôi sức mạnh nội tâm, thoát khỏi mọi lo lắng và sợ hãi. Tôi cũng kêu gọi tất cả quý vị hãy tinh tấn để phát triển Bồ đề Tâm, hãy cảm thấy tự tin rằng quý vị đã được Đức Quán Thế Âm ban phước.
“Tôi đang già đi, nhưng tôi vẫn có thể nói chuyện. Những ai có duyên với tôi trong kiếp này sẽ được Đức Quán Thế Âm chăm sóc từ kiếp này sang kiếp khác cho đến khi giác ngộ”.
Sau đó, Đức Ngài đã đọc một bản truyền trao một Nghi quỹ có tựa đề 'Sự bất khả phân của Bậc Thầy Tâm Linh và Đức Quán Thế Âm' mà Ngài đã sáng tác nhiều năm trước, thể theo sự thỉnh cầu của Phụ tá Nội các - Shankawa Gyurme Sonam Tobgyal - người, với đức tin và sự cúng dường chân thành, đã cầu xin Đức Ngài viết một nghi quỹ đơn giản và đầy đủ về sự bất khả phân của Đức Quán Thế Âm và chính Ngài.
Đức Ngài tiết lộ: “Tôi đã làm cho cuộc sống này trở nên đáng giá, và tôi quyết tâm tiếp tục hành trạng này. Vấn đề Tây Tạng sẽ được giải quyết.”
Buổi lễ được kết thúc bằng những bài tụng Cầu nguyện cho sự hưng thịnh của Giáo Pháp của Đức Phật và Bài Cầu Nguyện về “Lời Chân Thật”.