Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay cuộc gặp gỡ giữa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà lãnh đạo thanh niên của Học viện Hòa bình Hoa Kỳ đã được tiếp tục. David Yang, người điều hành, nhắc nhở mọi người rằng ngày hôm qua họ đã thảo luận về cách mà trẻ em của chiến tranh có thể trở thành những nhà lãnh đạo vì hòa bình. Ông khẳng định rằng xây dựng hòa bình là một sự nỗ lực tinh thần, và sau khi khám phá sự thân thuộc và lòng từ bi ngày hôm qua, chủ đề thảo luận hôm nay sẽ là yên bình nội tâm và cam kết bình đẳng và công lý.
Để bắt đầu, Angie đến từ Colombia, một nhà tâm lý học đam mê những thách thức xã hội, sự đa dạng và đa văn hóa - đã nói về tình yêu của cô ấy đối với giáo dục và học tập. Trong công việc của mình, cô ấy cố gắng làm cho giáo dục trở nên hấp dẫn hơn đối với nhiều người hơn.
Esra đến từ Sudan, tham gia sâu vào việc tạo ra nội dung và sử dụng nó để tạo ra sự khác biệt, giúp các cá nhân và tổ chức thoả mãn tầm nhìn của họ. Cô ấy cố gắng tạo ra tác động tích cực cho xã hội và tích cực trong giáo dục và xây dựng hòa bình thông qua các bài viết và các khóa học giáo dục của mình. Nhờ tham gia vào chương trình giáo dục mà học sinh của Esra được học về sự bình yên nội tâm.
Patrick từ Nam Sudan, quan tâm đặc biệt đến tuổi trẻ, hòa bình và an ninh. Cậu ta ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng chính sách và ra quyết định nhằm tạo ra những thay đổi tích cực. Cậu ấy giải thích rằng vào năm 2016, cậu thấy mình đã bị mắc kẹt ở một đất nước khác như thế nào; và nhận ra rằng mình đã cảm thấy mệt mỏi như thế nào khi không thể đóng góp vào việc cứu vãn đất nước của mình. Điều này đã thúc đẩy cậu ta tham gia xây dựng hòa bình với những người trẻ khác.
Arij đến từ Tunisia, là một người điều khiển cuộc tranh luận. Khi bắt đầu nói trước đám đông, cô ấy rất lo lắng, nhưng khi đã có được kỹ năng nói trước đám đông vững chắc đã giúp cô ấy có thể tổ chức các buổi hội thảo về các chủ đề khác nhau liên quan đến hòa bình và tạo ảnh hưởng tích cực. Bản thân đã có được sự tự tin, cô ấy cũng đã học cách huấn luyện người khác nói lên ý kiến của mình. Cô nhận xét rằng một số người mất hy vọng rằng Tunisia sẽ tìm thấy hòa bình, nhưng cô quyết tâm không tuyệt vọng.
Hazhir là một người Kurd đến từ Iraq. Anh ta là một nhà phân tích chính trị và kinh tế và là nhà báo đã đưa tin về cuộc chiến chống IS. Kể từ đó, anh đã tham gia vào việc cung cấp nơi ở và thực phẩm cho những người tị nạn. Anh nói rằng khi tự hỏi bản thân mình muốn gì, anh nhận ra rằng trên hết, anh và người dân Kurdistan muốn bình đẳng. Anh ấy nói rằng rất khó để cảm thấy bình yên trong nội tâm khi người khác thường xuyên lừa dối bạn và từ chối các quyền của bạn. Trong bối cảnh như vậy, người Kurd đang cố gắng bảo tồn bản sắc của họ.
Roya đến từ Libya, tập trung vào việc lãnh đạo và hỗ trợ các dự án thúc đẩy hòa bình và hòa giải, gắn kết nghệ thuật và văn hóa, phát triển, ổn định kinh tế và giáo dục. Cô nói rằng khi nhận ra rằng mình có khả năng mang lại sự thay đổi, cô ấy cũng khuyến khích những người khác hiểu rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ người khác. Chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt.
Sophia đến từ Venezuela, kể lại rằng cô và người bạn thân nhất của mình đã tham gia tranh cử vào vị trí Tổng thư ký của tổ chức Liên hợp quốc ở trường của họ. Đầu tiên, các học sinh có ấn tượng rằng bạn của Sophia sẽ phù hợp nhất và cô ấy sẽ ít phù hợp nhất với vị trí này. Tuy nhiên, mọi người đều ngạc nhiên khi cô thực sự được bầu chọn. Cô ấy nói rằng cô ấy đã học được rằng nếu bạn sắp trở thành một nhà lãnh đạo, bạn phải tự tin.
David Yang nói với Đức Ngài rằng Ngài được coi là nhà lãnh đạo liên quan đến sự yên bình nội tâm. Ông thỉnh cầu Ngài mô tả cảm giác của mình khi phải rời khỏi Tây Tạng.
Ngài trả lời: “Trước hết, có một mối nguy hiểm cho cộng đồng của tôi và cho cuộc sống của chính tôi. Tôi trốn thoát vì tình hình trở nên cấp bách. Khi các sĩ quan quân đội Trung Quốc muốn biết Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ở đâu trong Cung điện Norbulingka, chúng tôi không biết liệu có như vậy họ mới có thể bảo vệ khỏi các cuộc bắn phá như họ tuyên bố hay không, hay họ có thể dễ dàng nhắm mục tiêu vào tôi hơn. Sau khi trở thành người tị nạn, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn vì được tự do.
“Trong hoàn cảnh hiện giờ, tất cả bảy tỷ người đang sống ngày nay đều muốn được bình đẳng. Như tôi đã nói, tất cả chúng ta đều như nhau. Không ai tốt hơn hoặc xứng đáng hơn bất kỳ ai khác. Liên Hiệp Quốc không nên chỉ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị mà còn là đại diện của những con người bình thường. Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thực tế vào hoàn cảnh mà chúng ta đang gặp phải; vì tất cả chúng ta đều phải sống cùng nhau.
“Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về lợi ích chung, giống như Liên minh châu Âu. Chúng ta cần một Liên minh Nhân loại.”
Khi trả lời các câu hỏi do các nhà lãnh đạo thanh niên đặt ra, Đức Ngài đã nói về việc đưa ra các quyết định. Ngài giải thích rằng, mặc dù đã từ chức mọi hoạt động chính trị, nhưng bất cứ khi nào có quyết định, Ngài luôn hỏi ý kiến những người có liên quan.
Đức Ngài được hỏi liệu một số người của Ngài có thể muốn chống lại người Trung Quốc hay không. Ngài đồng ý rằng có một số người đã làm như thế. Tuy nhiên, Ngài mô tả đó là một phản ứng cảm xúc hơn là kết quả của việc suy nghĩ mọi thứ một cách thực tế. Ngài nói, cách đây 30 năm, dư luận thế giới được coi là ít hơn. Ngày nay, nó có thể tạo ra sự khác biệt. Ngài tái khẳng định, đây là thời điểm mà các vấn đề cần phải được giải quyết thông qua đối thoại.
Ngài nhắc lại rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Ngài cho biết chúng ta có thể thấy điều này ở những đứa trẻ không quan tâm đến sự khác biệt bề ngoài. Sự phân biệt đối xử giữa chủng tộc này hay chủng tộc kia, quốc tịch này hay tôn giáo nọ - là một lối suy nghĩ đã lỗi thời.
Đức Ngài nói rõ, “Khi chúng tôi rời Tây Tạng, chúng tôi đã nghĩ về sự khác biệt giữa người Tây Tạng và những người Cộng sản Trung Quốc. Nếu chúng tôi coi những gì chúng ta có chung là con người; và rằng đất đai thuộc về loài người nói chung, thì kết quả có thể đã khác.
“Tôi cảm thấy chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào những gì đã qua. Chúng ta phải nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ khác nhau. Hóa ra, tôi thấy việc trở thành người tị nạn là điều rất hữu ích."
Khi được hỏi liệu sẽ có một vị Đạt Lai Lạt Ma thứ mười lăm hay không, và nếu có thì Ngài sẽ sinh ra ở đâu, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời với một nụ cười khúc khích rằng đó là việc của Ngài.
“Hiện giờ tôi đã 87 tuổi; và tôi nghĩ mình có thể sống thêm 15 hoặc 20 năm nữa, vì vậy liệu sẽ có hay không có Đạt Lai Lạt Ma thứ mười lăm không phải là mối quan tâm chính của tôi lúc này. Có lẽ tôi sẽ được sinh ra trên hành tinh này vì tôi có mối liên hệ với thế giới này. Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên nói rằng Ngài muốn được sinh ra ở Tây Tạng để có thể tiếp tục phục vụ người dân Tây Tạng và Phật pháp.
“Quyết tâm của tôi là phục vụ chúng sinh, nhưng tôi đặc biệt quen thuộc với hành tinh này và con người của hành tinh này. Nhưng tôi sẽ sinh ra ở đâu, tôi không biết. Tôi có mối liên hệ với Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Tôi giống như người đại diện của Ngài ấy, vì vậy đó có thể là vấn đề mong muốn của Ngài ấy.
“Có một hồ nước nổi tiếng ở Tây Tạng và ba chữ cái được tiết lộ trên bề mặt của nó cho biết nơi tôi sinh ra. "A" cho Amdo, "K" cho Kumbum và "M" đề cập đến tên tôi là Lhamo Dhondup. Việc sử dụng những năng lực bí ẩn như vậy có thể giúp chúng ta nhìn xa hơn về phía trước”.
David Yang đã giới thiệu thêm năm nhà lãnh đạo thanh niên sẽ nói về bình đẳng và công lý.
Gloria đến từ Nam Sudan, quan tâm sâu sắc đến các vấn đề nhân quyền và quyền công dân. Cô thúc đẩy việc miễn thuế đối với các sản phẩm vệ sinh để giảm bớt sự bất bình đẳng về giới tính, đặc biệt là trong các trường học. Cô kể lại câu chuyện về một người bạn cùng trường đã rất ngạc nhiên khi cô có kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở tại trường. Bất chấp sự giúp đỡ của bạn bè, cô cảm thấy xấu hổ trước những bình luận chế giễu của các bạn học khác. Ngày hôm sau cô đã không đến trường.
Gloria tự hỏi bản thân, tại sao một chức năng tự nhiên của cơ thể lại mang đến sự xấu hổ như vậy. Cô quyết định rằng mình phải làm gì đó để giúp các cô gái hiểu về cơ thể của mình và giảm bớt sự kỳ thị về kinh nguyệt. Cô nhận thức sâu sắc rằng trẻ em gái cũng có quyền được học hành.
Đức Ngài nhận xét rằng không nên đưa ra các quyết định dưới sự đe dọa của vũ lực hoặc do hậu quả của sự bắt nạt. Đó là một lối suy nghĩ cũ kỹ. Giờ đây, tất cả chúng ta đều bình đẳng và có quyền quyết định mọi thứ cho chính mình.
Mamdouh đến từ Syria, đã dẫn đầu hai dự án xây dựng và phát triển hòa bình trong thời chiến để giúp đỡ những người thương vong trong chiến tranh, người khuyết tật, cộng đồng địa phương và người tị nạn nội địa. Cậu ấy mô tả rằng đã thất vọng khi cố gắng mang lại sự thay đổi. Cậu nói rằng cậu đã đập cửa trong mười năm - đôi khi họ mở cửa, đôi khi họ không. Chúng tôi đang cố gắng - cậu ấy tuyên bố - và tất cả chúng ta đều có thể giúp đỡ.
Mohamed đến từ Somalia, có kinh nghiệm thực tiễn trong các lĩnh vực tư pháp sau xung đột, chính quyền địa phương và xây dựng hòa bình. Cậu ta nói về việc gặp một người phụ nữ mà vụ kiện pháp lý đã kéo dài trong nhiều năm. Cậu coi đây là một trường hợp công lý bị trì hoãn vì công lý bị từ chối. Cậu ấy nhận thấy rằng mặc dù các quyền được quy định trong hiến pháp, nhưng mọi người không thể thực hiện chúng. Nhiều người đã rời khỏi đất nước để tìm kiếm các lựa chọn khác, nhưng cậu ấy cảm thấy rằng nếu mình không ở lại, thì ai sẽ ở lại để xây dựng một Somalia hòa bình hơn?
Đức Ngài nhận xét rằng thế giới đang trở nên dân chủ hơn, vì vậy mọi người có thể lên tiếng và tiếng nói của họ có thể được lắng nghe.
Isabela đến từ Colombia, được tiến hành để bảo vệ nhân phẩm và các quyền cơ bản. Cô kể về cú sốc của mình khi mẹ cô nói với cô rằng cha của bà đã chỉ cho bà cách sử dụng súng khi bà chỉ mới bốn tuổi và đặt một khẩu súng dưới gối của bà để phòng vệ. Isabela đã tự hỏi mình tại sao mọi người lại phải sống trong sợ hãi như vậy; và cô quyết định trở thành một luật sư. Cô ấy quan tâm đến việc bảo vệ phẩm giá con người và thấy rằng tất cả trẻ em đều được tiếp cận với giáo dục.
Nissa đến từ Libya, tuyên bố rằng cô là một nhà hoạt động về biến đổi khí hậu. Cô mô tả bị cảm động bởi bộ phim “Một Sự Thật Bất Tiện”, bộ phim đã đánh thức cô về sự thật của sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Cô quyết định dạy trẻ em về những điều này, và cảm thấy bối rối khi thấy rằng trẻ em có thể dễ dàng hiểu được những điều mà các nhà lãnh đạo toàn cầu dường như không thể hiểu.
Đức Ngài đồng ý, “Biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta phải thực hiện các bước để làm xanh thế giới bằng cách trồng và chăm sóc nhiều cây hơn. Gần đây tôi đã ở Ladakh, nơi môi trường cát khô đang thay đổi vì có nhiều cây hơn. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu, chúng ta không thể đủ khả năng và thời gian để đánh đấu lẫn nhau. Chúng ta phải làm việc cùng nhau”.
Trả lời các câu hỏi một lần nữa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng chúng ta cần nhìn mọi thứ từ một góc độ rộng lớn hơn. Về Tây Tạng, Ngài đề cập đến di sản văn hóa sâu sắc của người Tây Tạng, bao gồm sự hiểu biết sâu sắc về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Nền văn hóa này đã được duy trì và tồn tại. Ngài hóm hỉnh lưu ý rằng rất ít người Tây Tạng trở thành Cộng sản, nhưng khá nhiều người Trung Quốc đã trở thành Phật tử.
Đức Ngài báo cáo rằng các giáo sư ở các trường đại học Trung Quốc đã đọc những cuốn sách do những người Tây Tạng lưu vong xuất bản về khoa học và triết học trong văn học Phật giáo. Họ thừa nhận rằng Phật giáo Tây Tạng đã thực sự bảo tồn được Truyền thống Nalanda, áp dụng một phương pháp tiếp cận tìm tòi nghiên cứu khoa học.
Khi được hỏi làm thế nào để đạt được công lý mà không đánh mất lòng từ bi, Đức Ngài nhận xét rằng, điều quan trọng là tránh làm tổn hại. Ngài nói thêm rằng việc giúp đỡ chúng sinh có thể là cội nguồn của sự mãn nguyện lớn lao.
Ngài nói thêm, “Tất cả chúng ta, và cả loài động vật cũng vậy, đều có những quyền cơ bản mà chúng ta cần phải bảo vệ.”
Khi được yêu cầu nêu lên cách mà Ngài đã làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng; trước tiên bạn nên trung thực và thứ hai bạn nên hành động vì lòng từ bi. Đó là điều đúng đắn cần làm. Điều chính yếu là tha thứ và thực hành lòng từ bi.
David Yang cảm ơn các thành viên trong văn phòng của Đức Ngài, những Vị thị giả của Ngài và nhóm nghe nhìn (nhóm phụ trách việc quay phim và phát sóng trực tiếp). Ông cảm ơn 26 lãnh đạo thanh niên - những người đại diện của hy vọng cho tương lai. Và cuối cùng, ông ấy cảm ơn sự đóng góp đầy cảm hứng của Ngài.
Đức Ngài trả lời: “Xin cảm ơn! Là một phần của bảy tỷ người đang sống ngày nay, chúng ta có trách nhiệm làm việc để tạo ra một nhân loại hạnh phúc và một thế giới hòa bình."
Sau đó, Ngài mời các lãnh đạo thanh niên và các nhân viên hỗ trợ USIP cùng dùng cơm trưa với Ngài.