Leh, Ladakh, UT, Ấn Độ - Sáng nay, Đức Ngài đã quang lâm trên chiếc xe golf từ Dinh thự của mình đến khán đài được che bằng lều nằm ở cuối sân bãi thuyết Pháp Shewatsel. Ước tính có khoảng hơn 45.000 người đã vân tập về đây để lắng nghe Ngài luận giải về "Nhập Bồ tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên.
Nhiều người tập trung hai bên đường, háo hức được nhìn thấy Đức Ngài khi Ngài quang lâm. Lúc Ngài vẫy tay với họ, nhiều người đã khóc vì vui mừng. Trước khi bắt đầu giảng dạy, Ngài đã cúi chào tất cả Hội chúng từ phía trước khán đài.
Trước tiên, Đức Ngài chúc mừng nhóm sinh viên trẻ đang tranh biện về đề tài “Tâm và Tâm Sở” khi Ngài đến. Ngài nói với họ rằng cách hiệu quả nhất để nghiên cứu Phật giáo là khám phá các giáo lý sử dụng logic và lý trí, một phương pháp tiếp cận có nguồn gốc từ Truyền thống Nalanda. Chính lập trường hợp lý này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học.
Đức Ngài nói với Hội chúng: “Lòng nhân ái là chìa khóa của hạnh phúc. Chúng ta trải nghiệm điều đó ngay từ khi mới chào đời, và ngay cả khi về cuối đời, chúng ta cũng sẽ cảm thấy thoải mái và thư thái hơn nếu được bao quanh bởi những người thân yêu và bạn bè nồng hậu. Tóm lại, chúng ta thuộc những động vật xã hội sống theo quần thể; nếu chúng ta có trái tim ấm áp nhiệt thành đối với người khác, thì chúng ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Có một câu ngạn ngữ của người Tây Tạng rằng: 'Lòng ấm áp dẫn đến hạnh phúc và thành công'.
“Người ta cũng nói rằng kẻ được gọi là kẻ thù của bạn có thể là người thầy tốt nhất của bạn. Mặc dù người dân Tây Tạng đã phải đối mặt với cực kỳ khó khăn và khốn khổ dưới bàn tay của những người Cộng sản Trung Quốc, nhưng tôi luôn khuyên họ không nên nuôi dưỡng cảm giác sân hận hoặc báo thù.
“Nếu chúng ta giữ những cảm xúc tiêu cực đối với kẻ thù của mình, với ý định trả đũa họ, điều đó sẽ không giúp chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta cảm thấy thương cho những người có hành động tiêu cực - hãy ghi nhớ rằng lòng nhân ái và sự tha thứ là nguyên nhân sâu xa của hạnh phúc. Cho dù mục tiêu là gì đi nữa, nhưng là một tu sĩ Phật giáo, tôi không bao giờ chủ trương dùng vũ lực để đạt được mục tiêu đó.
“Người dân Ladakh và Tây Tạng đã có mối quan hệ rất thân thiết từ xa xưa. Nếu người dân ở vùng Hy mã Lạp Sơn, từ Ladakh đến Arunachal Pradesh, có thể bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo của mình, thì họ sẽ có sự đóng góp to lớn vào sự hưng thịnh của Phật giáo trên thế giới.
“Lòng dũng cảm và tinh thần của người dân Tây Tạng là không hề khuất phục và họ có niềm tin và sự tín nhiệm vững chắc vào tôi. Giữ gìn cho di sản văn hóa Phật giáo của chúng ta tồn tại ở các vùng Hy Mã lạp Sơn đương nhiên sẽ mang lại lợi ích cho người dân Tây Tạng. Cuộc đấu tranh cho tự do và nhân phẩm của chúng ta dựa trên sự thật và công lý; và nó sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất bằng cách dựa vào tinh thần bất bạo động ‘ahimsa’, nghĩa là tuân thủ nguyên tắc bất bạo động và không gây tổn hại. Vì ngày càng có nhiều anh chị em ở Trung Quốc tin theo đạo Phật, nên tôi tin tưởng rằng chẳng bao lâu nữa - mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.
Đức Ngài đề cập rằng vào thế kỷ thứ 7, mặc dù có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, nhưng Hoàng đế Tây Tạng thứ 33 - Songtsen Gampo đã chọn cách tạo ra một phương thức chữ viết Tây Tạng dựa trên bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ. Do đó, khi bậc Đạo sư Ấn Độ - Ngài Tịch Hộ - đến viếng thăm Tây Tạng vào thế kỷ 8, thể theo lời mời của Vua Tây Tạng Trisong Detsen, Ngài đã thúc giục người Tây Tạng nên dịch các tài liệu Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng, điều này đã giúp cho người Tây Tạng tìm hiểu về Phật giáo bằng ngôn ngữ của chính họ thay vì phải dựa vào tiếng Pali hoặc tiếng Phạn.
Sau đó, Đại Viện Trưởng Tịch Hộ đã khuyên quốc vương Tây Tạng nên mời học trò của mình là Liên Hoa Giới đến Tây Tạng. Mục đích là để ông tranh luận về giá trị của việc nghiên cứu Phật giáo theo truyền thống Nalanda so với quan điểm được các Tăng Sĩ Trung Quốc khẳng định rằng sự giác ngộ có thể đạt được ngay lập tức một cách đột ngột (đốn ngộ) được bộc lộ chỉ qua thiền định. Cuối cùng, Trisong Detsen đã đánh giá rằng quan điểm của Ngài Liên Hoa Giới là phù hợp hơn với đối với tích cách của người Tây Tạng.
Đức Ngài chỉ ra rằng hơn 300 tập Kinh Tạng (Kangyur) và Luận Tạng (Tengyur) đã đề cập đến nhiều ý tưởng tôn giáo, triết học, nhận thức luận và khoa học; và ngày nay tiếng Tây Tạng vẫn là ngôn ngữ chính xác nhất để nghiên cứu về các ý tưởng này.
Gần đây, hai tập trong bộ sách 'Khoa học và Triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ' đã được xuất bản bằng bản dịch tiếng Trung Quốc. Bộ sách này chứa các tài liệu có nguồn gốc từ Kinh tạng (Kangyur) và Luận tạng (Tengyur) và đã khiến cho các giáo sư ở một số trường đại học Trung Quốc phải thừa nhận rằng Phật giáo Tây Tạng rõ ràng là đã bảo tồn được Truyền thống Nalanda - một sự thừa nhận về phương pháp tiếp cận khoa học và hợp lý của nó.
“Vào những năm 1960, tôi đã đến thăm những người tị nạn Tây Tạng ở Quận Chamba của Himachal Pradesh, trong số họ có một số lượng lớn các Chư Tăng-học giả, những người đang làm công nhân xây dựng về đường xá. Mặc dù những vị Tăng Sĩ này thậm chí còn không đủ Pháp phục để mặc, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt, cho nên chúng tôi đã tổ chức "lễ sám hối Bố Tát mỗi tháng hai lần" ngay tại chỗ và theo sau đó là cuộc tranh luận về triết lý Phật giáo. Tôi vô cùng xúc động trước những khó khăn mà họ đang phải trải qua.
Đức Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân Ladakh bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo sâu sắc của họ thông qua việc nghiên cứu các bản văn Phật giáo. Ngài trích dẫn kinh nghiệm của chính mình về việc nghiên cứu nghiêm túc các luận thuyết Phật giáo dẫn đến việc Ngài đã tốt nghiệp với tư cách là một Tiến Sĩ xuất sắc Lharampa Geshé. Ngài đã trích dẫn một đoạn thơ của La Hán Sakalha trong Luật tạng:
“Con phải làm cho đời mình thật đầy ý nghĩa
Thông qua sự học hành và thiền định tinh chuyên
Con không bao giờ được hài lòng hay cảm thấy an yên
Với việc chỉ biết mặc chiếc áo cà sa của người Tu sĩ.”
Đức Ngài thúc giục cả những Tăng Sĩ xuất gia lẫn Cư Sĩ tại gia nên nghiên cứu Tam Tạng - Kinh, Luật, Luận - bao gồm những lời của Đức Phật, và tham gia vào việc thực hành Tam Vô lậu Học - Giới, Định, Tuệ. Ngài nhắc lại giá trị của việc dựa vào logic và lý trí hơn là dựa vào niềm tin đơn thuần.
Sau khi trình bày tóm tắt ngắn gọn về cuộc đời của Thánh giả Tịch Thiên, Đức Ngài bắt đầu đọc ‘Nhập Bồ tát Hạnh’. Ngài đã giải thích cặn kẽ những điểm xác thực trong các câu khi Ngài đọc đến và hoàn tất chương đầu tiên vào ngày hôm nay. Ngài sẽ đọc tiếp vào ngày mai.