Shewatsel, Leh, Ladakh, UT, Ấn Độ - Hơn 6500 thành viên của cộng đồng người Tây Tạng sống ở Ladakh, bao gồm các nam sinh và nữ sinh, cũng như những người du mục từ Changtang (những vùng cao nguyên phía Bắc) của Ladakh, đã tập trung hôm nay tại Trường Làng trẻ em Tây Tạng ở Choglamsar ở vùng ngoại ô Leh. Họ đã thực hiện buổi cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng hàng loạt sự biểu diễn các ca khúc và vũ điệu. Trong bài phát biểu của Đức Ngài dành cho họ, Ngài đã kể lại hoàn cảnh đã khiến cho Ngài và hàng chục nghìn người Tây Tạng phải đến tị nạn ở Ấn Độ.
“Một trong những yếu tố gây ra Cuộc Khởi Nghĩa ở Lhasa vào tháng 3 năm 1959 là: chính quyền quân sự Trung Quốc đóng tại Lhasa đã mời tôi tham dự một buổi biểu diễn của các nghệ sĩ Trung Quốc mới đến. Tôi đã đồng ý đi xem. Tuy nhiên, ngay sau khi công chúng Tây Tạng biết về các điều khoản và điều kiện của lời mời do Tổng phụ trách Trung Quốc đưa ra - rằng tôi không nên đi cùng với bất kỳ vệ sĩ nào - nên những người dân Tây Tạng đã nói rõ rằng họ sẽ không cho phép chuyến thăm viếng và xem biểu diễn này xảy ra.
“Vào thời điểm này, người dân Tây Tạng đã hoàn toàn không còn tin tưởng vào chính quyền Cộng sản và không còn hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện. Do đó, hơn 10.000 người Tây Tạng đã bao vây Cung điện Norbulingka để bảo vệ Cung điện. Ngoài ra, họ còn cầu xin tôi đừng đến trại quân sự Trung Quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
“Trong khi đó, các đại diện của quân đội Trung Quốc đã kêu gọi các quan chức của tôi cung cấp cho họ biết chính xác nơi tôi đang ở trong cung điện để họ có thể tránh pháo kích vào tòa nhà đó nếu họ cảm thấy bị bắt buộc phải tấn công. Đây là một yêu cầu không bình thường và rất đáng khả nghi khiến cho mọi người không một ai có thể yên tâm cả.
“Sau khi tìm kiếm lời khuyên từ một số nguồn, bao gồm cả việc tiên tri thần bí, tôi đã quyết định rời Norbulingka vào khoảng 10 giờ tối ngày 17 tháng 3. Trước khi rời đi, tôi đã gửi lời chào tạm biệt đến vị thần bảo hộ Mahakala - Vị có bức tượng đứng ở một trong những sảnh cầu nguyện.
“Vào cuối cuộc hành trình bấp bênh của chúng tôi để đến với tự do, khi chúng tôi đến gần biên giới của Ấn Độ gần vùng Tawang, chúng tôi nhận được một thông điệp rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ chào đón chúng tôi. Thật là nhẹ nhõm khi được gặp các quan chức Ấn Độ, một số người trong số họ đã là bạn của tôi khi tôi đến Ấn Độ để tham gia lễ kỷ niệm Đức Phật Đản Sinh vào năm 1956.
“Mặc dù chúng tôi là những người tị nạn lưu vong, nhưng chúng tôi đã được đối xử như “những vị khách của nhân dân và Chính phủ Ấn Độ”. Lòng tốt của họ đối với chúng tôi trong hơn sáu thập kỷ qua là vô cùng vĩ đại. Chúng tôi sẽ mãi mãi biết ơn họ."
Đức Ngài đã trích dẫn một bài Kệ trong phần Hồi Hướng sau cùng của ‘Đại Luân về Giai trình của Đạo Giác Ngộ’ của Jé Tsongkhapa:
Trong khi thành tâm tinh tấn trong mười thiện nghiệp
Của phương tiện tối thượng thuộc truyền thống Đại thừa,
Cầu mong con luôn được chư thần quyền năng gia hộ
Nguyện đại dương may mắn tỏa khắp muôn nơi.
Đức Ngài nói thêm rằng trong suốt những năm qua, Ngài đã được hướng dẫn bởi một nguyện vọng mà Ngài Tsongkhapa đưa nêu lên ở một đoạn khác trong cùng một bản văn:
Ở những nơi mà Giáo Pháp trân quý tuyệt vời chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Với tâm cảm xúc sâu sắc vô biên bởi lòng từ ái vĩ đại này!
Đức Ngài đã mô tả tinh thần của người dân Tây Tạng là không hề khuất phục. Ngài nói rằng niềm tin và sự tín nhiệm của họ dành cho Ngài là không hề lay chuyển. Hơn nữa - Ngài nói - người dân Tây Tạng rất đoàn kết và kiên cường trong cách tiếp cận cuộc sống của họ.
Đức Ngài tiếp tục: “Người dân của vùng Hy Mã Lạp Sơn cùng chia sẻ một di sản văn hóa Phật giáo với người Tây Tạng. Vì lòng dũng cảm kiên định của họ, những người cộng sản Trung Quốc đang đặt vấn đề về chính sách của họ đối với người Tây Tạng. Trong số các học giả và nhà khoa học, có rất nhiều người đã quan tâm đến việc học hỏi từ truyền thống của chúng ta, đặc biệt là về những kiến thức mà chúng ta hiểu biết về tâm thức và cảm xúc, và các phương tiện để giải quyết những cảm xúc tiêu cực.“Thời đại đang thay đổi và sự thật sẽ chiếm ưu thế. Có những dấu hiệu cho thấy rằng - không bao lâu nữa - mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn ở Trung Quốc. Vì vậy, hãy luôn mạnh mẽ và duy trì tình nghĩa anh chị em nhé! Hãy vui vẻ và giữ cho tinh thần thật thoải mái!”
Trở lại với người dân trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, Đức Ngài thúc giục họ nên tích cực quan tâm đến lời dạy của Đức Phật bằng cách lắng nghe các Thầy giảng Pháp và nghiên cứu giáo lý sách vở, suy ngẫm về những gì mình đã học và thực hành những gì mình đã hiểu.
Cuối cùng, Đức Ngài cho biết rằng Ngài rất vui khi thấy có rất nhiều gương mặt trẻ trong số khán thính giả - một dấu hiệu cho thấy tương lai tươi sáng đang mở rộng ở phía trước.