Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sau khi an toạ trên Pháp toà trong Chánh Điện của Chùa Chính Tây Tạng vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thông báo: “Hôm nay, tôi sẽ ban quán đảnh của Đấng Đại Bi, Đại Dũng - Đức Thắng Hải Quan Âm. Đức Quan Âm Thiên Thủ thuộc về loại Mật thừa Hành động, nhưng Đức Thắng Hải Quan Âm này thuộc về Mật Thừa Tối thượng Du Già. Trong khi các kinh dạy về chánh niệm, thì trong Mật Thừa Tối thượng Du Già có sự phân biệt giữa các khía cạnh thô của thân và tâm và các khía cạnh vi tế của thân và tâm.
“Tâm thức vi tế nhất được biết đến như là tâm thức nguyên sơ, là tâm tự phát của ánh sáng tịnh quang, là nền tảng tối hậu định danh một con người. Trong Mật Thừa Tối thượng Du Già, tâm tịnh quang được cho là không có bất kỳ sự tồn tại khách quan, độc lập nào - trong và của chính nó. Nó được hình thành khi ba trạng thái thị kiến của tâm - “hiện tướng” sáng rỡ, “tăng trưởng” đỏ và “cận - thành tựu” đen - tan rã. “Trong tất cả các bộ tục của Mật thừa, khi chúng ta thiền định về tính không đều liên quan đến thần chú “Om svabhava-shuddhah sarvadharmah svabhava-shuddho ham”. Trong Mật Thừa Tối thượng Du Già, tâm thức vi tế nhất, tâm tịnh quang nguyên sơ, được xem là chân lý tự nhiên. Tâm thức này được thiết lập như là không có bất kỳ sự tồn tại độc lập nào. Chúng ta phải hiểu về tâm tịnh quang nguyên sơ này là gì; và sử dụng nó trong sự thiền định của mình. Sau khi tất cả các yếu tố khác tan biến - từ cơ thể thô kệch, năng lượng khí, v.v., cho đến thị kiến “hiện tướng” trắng, “tăng trưởng” đỏ và “cận - thành tựu” đen vi tế nhất - thì chỉ còn lại tâm tịnh quang nguyên sơ mà thôi.
“Nếu quý vị có một số kiến thức hiểu biết về tính không, quý vị sẽ có thể sử dụng tâm tịnh quang nguyên sơ vi tế nhất này một cách sâu sắc để thiền định về nó. Để rèn luyện cho chính mình nhận biết được tâm tịnh quang nguyên sơ này, quý vị có thể sử dụng tâm vào lúc ngủ. Khi quý vị đi vào giấc ngủ, các trạng thái thô hơn của tâm thức sẽ tan biến. Sau đó, những gì được gọi là chín sự giao thoa sẽ xảy ra. Điều này không liên quan đến việc đạt được mức độ thiền định cao. Khi quý vị đi ngủ, tâm thức trở nên vi tế hơn và quý vị trải qua quá trình hoà tan. Tâm tịnh quang nguyên sơ của thời điểm ngủ hiển lộ và quý vị có thể sử dụng nó để thiền định về tính không.
“Điều này nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng chúng ta không đề cập đến một điều gì đó mà hoàn toàn không tồn tại. Chúng ta đang nói về tâm tịnh quang và chính từ nơi tâm vi tế nhất của tịnh quang này mà tâm phát sinh. Không có sự khác biệt về bản chất giữa tâm tịnh quang tự phát của chúng ta và tâm của Đức Phật.
“Khi còn thức, chúng ta không thể nắm bắt được tâm thức vi tế này, vì tâm của chúng ta bị phân tán bởi các cấp độ thô hơn của tâm thức. Khi quý vị thực hành Mật thừa, tất cả những phiền não về tinh thần, những cảm xúc tiêu cực, v.v., đều được coi là tâm thức thích phiêu lưu. Tâm tịnh quang không có những trạng thái tâm thức thô thiển như vậy. Tâm tịnh quang là tâm duy trì tiếp tục cho đến khi trở nên giác ngộ”.
Trà và bánh mì đã được phục vụ phân phát cho mọi người; và một bài kệ tán thán có liên quan đến tên của Ngài đã được đọc để ban phước gia trì.
Con khẩn cầu Ngài, hỡi Đấng Tối Tôn, bậc Liên Hoa Giáo Chủ!
Ngài là Đấng Vinh Quang kiên định có Diệu Thuyết Biện Tài
Chiếc bình Minh Kiến của Ngài chứa đầy cam lộ của Trí Tuệ Vô Song
Trang sức điểm tô cho Đại dương phô diễn của bậc Hộ trì Giáo Pháp!
Đức Ngài nhắc lại rằng quán đảnh Thắng Hải Quán Âm (Jinasagara) - Gyalwa Gyatso - mà Ngài sắp ban truyền hôm nay thuộc loại Mật Thừa Tối thượng Du Già. Ngài giải thích rằng nó sẽ liên quan đến các quán đảnh bình, quán đảnh bí mật, quán đảnh trí tuệ và quán đảnh ngữ. Ngài nhắc hội chúng về việc Ngài đã yêu cầu họ kiểm tra những giấc mơ của họ trong đêm qua. Ngài lưu ý rằng nếu họ nhìn thấy vị thần trong giấc mơ của mình, thì đó là một dấu hiệu tốt. Mơ thấy mình trèo lên một nơi nào đó cũng được coi là tích cực, ngược lại nếu thấy mình leo xuống thì không được xem là tích cực lắm. Nói chung, nếu quý vị thức dậy trong trạng thái tinh thần vui vẻ thì điều đó là rất tốt. Ngài cũng nói rõ rằng luôn có cách có thể đối trị được với những gì mà chúng ta coi là điềm xấu.
Đức Ngài tuyên bố rằng sau khi truyền quán đảnh nhập môn ngày hôm qua, Ngài cảm thấy thật may mắn khi được truyền quán đảnh chính thức vào ngày hôm nay. Ngài nhắc nhở thính chúng rằng người Tây Tạng đã có mối liên kết đặc biệt với Đức Quán Thế Âm - ít nhất là từ thời của Vua Songtsen Gampo.
Sau đó, đệ tử của Ngài Tịch Hộ là Liên Hoa Giới đã được Vua Trisong Detsen mời đến Tây Tạng để thách thức quan điểm của các thiền giả Trung Hoa - những người khẳng định rằng thực hành thiền thì quan trọng và hiệu quả hơn việc nghiên cứu trên cơ sở logic và lý luận. Nhà vua đánh giá rằng phương pháp học thuật và lý luận của Ngài Tịch Hộ và Liên Hoa Giới thì phù hợp với người Tây Tạng hơn. Đức Vua bày tỏ sự tôn trọng của mình đối với Chư Tăng Trung Quốc, nhưng đề nghị rằng họ không cần phải ở lại Tây Tạng.
Đức Ngài nhắc lại rằng người Tây Tạng có mối liên hệ đặc biệt với Đức Quán Thế Âm, điều đó được thể hiện qua việc họ thường xuyên trì tụng thần chú Lục Tự Chơn Ngôn và sự quan tâm đầy lòng bi mẫn của họ đối với tất cả các loài sinh vật sống - đến mức họ cẩn thận không giết cả những con côn trùng bé nhỏ.
Khi bắt đầu truyền quán đảnh, Đức Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trưởng dưỡng Bồ đề Tâm, khát vọng đạt được sự giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Ngài nói rõ thêm một lần nữa rằng, ngay khoảnh khắc thức dậy vào buổi sáng, Ngài luôn quán chiếu về Bồ đề Tâm và khẩn cầu Đức Quán Thế Âm gia trì để Ngài có thể trưởng dưỡng Tâm Bồ Đề ấy. Ngài nói rõ rằng Giới luật căn bản là không được làm hại ai cả và chỉ giúp đỡ cho họ mà thôi. Ngài đã trích dẫn những bài Kệ quan trọng trong cuốn ‘Nhập Bồ tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
Đức Ngài đã khuyến khích thính chúng nên cam kết rằng kể từ hôm nay, họ sẽ không làm hại ai mà chỉ giúp đỡ người khác mà thôi.
Ngài nói với họ: “Trọng tâm của việc thiền định của tôi là Bồ Đề Tâm, và nó đã mang lại cho tôi sự bình yên trong tâm hồn. Bồ Đề Tâm là nền tảng cho cảm giác hoan hỷ của chính tôi cũng như niềm vui của người khác. Tương tự như thế, nền hòa bình trên thế giới sẽ chỉ xuất hiện khi có nhiều người hơn cùng thể nghiệm tâm thái từ bi và yên bình”.
Đức Ngài đã dẫn dắt đại chúng trong suốt quá trình thực hiện Du già Toàn Diện. Ngài khuyến khích họ trước tiên hãy quán chiếu về Bồ Đề Tâm và quán tưởng ý nghĩ đó như một đĩa mặt trăng tròn nơi vị trí tim của mình. Tiếp theo, Ngài khuyến khích họ quán chiếu về tính không và quán tưởng sự hiểu biết đó như một chày kim cang trắng đứng trên đĩa mặt trăng ấy. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải trau dồi sự quán tưởng này hàng ngày.
Ngài đã truyền Bồ tát Giới và Mật Giới; và khuyên bảo mọi người giữ bí mật về việc thực hành.
Khi kết thúc lễ quán đảnh, Ngài đã mô phỏng về việc Đức Phật đưa ra lời thọ ký về sự giác ngộ của những thính chúng đang lắng nghe Ngài. Với việc ban truyền quán đảnh Kim Cương Sư đặc biệt này, bốn quán đảnh của Thắng Hải Quán Âm đã được hoàn tất viên mãn.
Tai Situ Rinpoché đã trước tác bài Cầu nguyện Trường thọ dâng lên Ngài, bản photo của bài Cầu nguyện được phân phát cho đại chúng. Khi mọi người trì tụng, các thành viên của cộng đồng Palpung và Chango đã đi diễu hành qua Chánh Điện và dâng các phẩm vật cúng dường lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài đón nhận và tỏ lòng biết ơn họ bằng một nụ cười và đưa cánh tay lên vẫy chào.
Buổi lễ được kết thúc với thời trì tụng bài “Lời Chân Thật”.