Shewatsel, Leh, Ladakh, UT, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Trung tâm Phật pháp của Hiệp hội Tự viện Ladakh - một hội trường cầu nguyện cộng đồng lớn ở Choglamsar, Ông Thupstan Chhewang - Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Ladakh và Acharya Tenzin Wangtak - Chủ tịch của Hiệp hội Toàn bộ Tự viện Ladakh và các đại diện khác đã có mặt để cung đón Ngài.
Ngài nói với họ: “Trong chuyến đi gần đây của tôi qua Ladakh và Zanskar, tôi rất cảm động trước sự tôn kính và tình cảm sâu sắc mà mọi người từ mọi thành phần trong cộng đồng đã thể hiện dành cho tôi. Nó khiến tôi cảm thấy rằng tôi cần phải sống lâu để phục vụ mọi người với tinh thần tận tâm như vậy. Sự thể hiện tình Huynh đệ như vậy giữa những người thuộc các truyền thống tâm linh khác nhau thật đáng khâm phục.
“Mọi người từ Ladakh đến Arunachal Pradesh đều có chung nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng, một nền văn hóa hòa bình và từ bi. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc về cách mà quý vị đang đóng góp vào việc bảo tồn nền văn hóa Phật giáo này. Nó có nguồn gốc từ Đại học Nalanda lịch sử, nơi mà việc học hành được dựa trên sự nghiên cứu một cách có lý lẽ.
“Vì Ladakh là một vùng biên giới, cho nên chuyến đi của tôi sẽ không được chú ý qua biên giới. Một vị Đạt Lai Lạt Ma tươi cười gặp gỡ những người thể hiện niềm tin và sự tín nhiệm sâu sắc nơi Ngài - không chỉ mang lại nguồn cảm hứng cho người Tây Tạng ở Tây Tạng, mà đối với họ còn là một nguồn tự hào. Bất chấp việc một số quan chức cộng sản bảo thủ gán cho tôi là phản động, khi họ nhìn thấy một Đạt Lai Lạt Ma luôn mỉm cười và luôn nỗ lực hết mình để phục vụ cho nhân loại, họ có thể nghi ngờ về những chính sách khắc nghiệt mà họ đã áp dụng đối với người Tây Tạng.
“Hơn nữa, ngay cả trong số những người Trung Quốc, ngày càng có nhiều mối quan tâm đến Phật giáo, đặc biệt là truyền thống Nalanda mà người Tây Tạng đã giữ gìn cho nó được tồn tại. Mặc dù Chủ tịch Mao đã nói với tôi vào năm 1955 rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, nhưng tôi cảm thấy rằng nếu ông ấy còn sống đến ngày hôm nay, ông ấy có thể sẽ rút lại lời nhận định đó.
“Trau dồi Bồ đề tâm, từ lâu đã trở thành công việc thực hành hàng ngày của tôi. Và sáng nay cũng vậy, khi tôi đến gặp quý vị, tôi đang thực hành công việc đó khi chúng tôi đi ngang qua Manthang-an dài ở Choglamsar, bức tường có hàng nghìn viên đá ghi những câu thần chú, bao gồm cả thần chú sáu âm của Đức Quán Thế Âm.
“Như tôi đã nói đi nói lại nhiều lần rằng, tất cả các tôn giáo lớn đều dạy về tình yêu thương và lòng từ bi, mặc dù họ áp dụng các quan điểm triết học khác nhau. Và đây là lý do vì sao tôi quan tâm đến việc cầu nguyện tại những nơi thờ tự của các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.
“Tôi sinh ra ở một vùng hẻo lánh của miền đông bắc Tây Tạng. Khi Nhiếp chính vương, Reting Rinpoché và các nhà chức sắc khác bao gồm Kewtsang Rinpoché dâng lời cầu nguyện tại Lhamo Latso - hồ linh thiêng đối với Palden Lhamo, cách Lhasa không xa, để tìm kiếm dấu hiệu về nơi mà họ đi tìm sự tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, họ đã nhìn thấy ba âm tiết tiếng Tây Tạng trên mặt nước: A, KA, và MA, chúng cũng giống như một ngôi nhà và môi trường xung quanh ngôi nhà ấy.
“Hóa ra, từ lúc sáng sớm Kewtsang Rinpoché và phái đoàn của ngài đã đến nơi sinh của tôi, tìm kiếm sự tái sinh của tiền thân của tôi; tôi được kể lại rằng tôi đã rất vui mừng và mong đợi những vị khách. Khi Kewtsang Rinpoché đến Taktser, ngôi làng của tôi gần Kumbum, ông ấy cảm thấy rằng đó chính là nơi mà ông ấy đã nhìn thấy ở Hồ Lhamo Latso.
“Một lúc sau khi nhóm tìm kiếm bước vào nhà chúng tôi, cậu bé hai tuổi này đã yêu cầu Kewtsang Rinpoché đưa cho cậu tràng hạt mà ông ấy đang đeo quanh cổ, và tự nhận đó là của mình. Trên thực tế, nó từng thuộc về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 vĩ đại. Khi Rinpoché hỏi đứa trẻ có nhận ra mình không, nó lập tức gọi, "Sera Aka!", có nghĩa là Lạt ma đến từ Tu viện Sera.
“Theo đúng lịch trình thời khoá, tôi đến Lhasa và thực hiện thọ lãnh ba loại giới nguyện: Upasaka (Giới dành cho cư sĩ Phật giáo), giới Sa di và giới Tỳ kheo - Cụ túc giới; phát nguyện trước tượng Quán Thế Âm ở Jokhang - ngôi chùa chính ở Lhasa. Ngoài ra, khi còn nhỏ, tôi đã bắt đầu học Phật pháp với các Giáo Thọ Sư của mình, người đứng đầu là Yongzin Ling Rinpoché.
“Tôi đã có cơ hội ghi nhớ thuộc lòng các bản văn kinh điển của Phật giáo và nghiên cứu chúng rất chi tiết. Tôi cũng rất biết ơn vì những nghiên cứu này đã chuẩn bị cho tôi những cuộc thảo luận sâu sắc với các nhà khoa học, đặc biệt là về triết học Phật giáo, cũng như tâm lý học Phật giáo, mà tôi tin rằng có nhiều đóng góp vào việc hiểu rõ hơn về phương pháp rèn luyện tâm thức và cảm xúc từ quan điểm thế tục, học thuật.”
Khi kết thúc, Đức Ngài khuyên thính chúng nên suy nghĩ về việc trau dồi Bồ Đề Tâm, và khuyên họ nên có tấm lòng ấm áp nhân hậu, sống hòa thuận với người khác và giúp đỡ họ bất cứ khi nào có thể.
Tiếp theo, Đức Ngài có một cuộc viếng thăm ngắn để từ giã Cựu Pháp Chủ Gaden Tripa - Rizong Rinpoché, năm nay 96 tuổi, tại Dinh thự của Rinpoche ở Leh. Rinpoche là người mà từ đó Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thọ nhận được nhiều giáo lý từ ngài.
Đức Ngài đã tham dự bữa tiệc trưa chia tay do Hiệp hội Phật giáo Ladakh (LBA) và Hiệp hội Tự Viện Ladakh tổ chức để vinh danh Ngài tại Abi Pang Spituk, một công viên lớn ở ngoại ô Leh. Trong số những người hiện diện, có mặt các quan chức ưu tú, cũng như các đại diện được bầu chọn của LAHDC, các quan chức cấp huyện, đại diện của các cộng đồng tôn giáo và các thành viên của quần chúng.
Ông Thupstan Chhewang - Chủ tịch LBA đã có bài phát biểu chào mừng ngắn gọn, trong đó ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về chuyến viếng thăm của Đức Ngài tới Ladakh, trước khi thỉnh cầu Đức Ngài phát biểu trước hội chúng.
Ngài bắt đầu bằng cách nêu rõ rằng Ngài đã vui mừng như thế nào khi được nhìn thấy rất nhiều người - cư sĩ và Tăng chúng. Ngài đề cập một lần nữa rằng, khu vực Hy Mã Lạp Sơn - từ Ladakh cho đến Arunachal Pradesh - đều có chung một nền văn hóa Phật giáo với người dân "Vùng đất tuyết Tây Tạng". Ngài cảm ơn họ vì sự quan tâm sâu sắc đến nền văn hoá ấy và sự ủng hộ của họ đối với những nỗ lực để giữ gìn cho nó được tồn tại. Ngài cũng cảm ơn vì sự tận tâm của họ và sự tin tưởng mà họ đã thể hiện đối với con người của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ngài nhận xét: “Chúng ta đã có thể giữ gìn cho truyền thống Phật giáo Nalanda tồn tại trong nhiều thế kỷ qua, bởi vì nó có tiềm năng giúp cho mọi người phát triển niềm hạnh phúc và sự bình yên trong tâm hồn. Lời khuyên chính của truyền thống này là không làm tổn hại đến bất kỳ sinh vật nào. Tất cả chúng ta đều đã nhận thức được lòng từ bi ngay từ thời thơ ấu của mình, vì vậy chúng ta phải giúp đỡ người khác và tránh làm tổn hại họ. Lời khuyên đơn giản này có thể mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại”.
Đức Ngài cũng nhắc lại tình bạn của Ngài với các thành viên của cộng đồng Hồi giáo ở Lhasa khi Ngài còn trẻ. Và Ngài nhắc lại sự cảm kích của mình rằng với tư cách là những láng giềng của Tây Tạng, người dân vùng Hy Mã lạp Sơn đã giữ gìn cho di sản văn hóa Phật giáo Tây Tạng được tồn tại, trong khi người dân Tây Tạng ở Tây Tạng đang phải chịu đựng sự kiểm soát của một đảng cộng sản đàn áp.
Cuối cùng, Đức Ngài khuyên tất cả những người xung quanh Ngài hãy sống thật vui vẻ hạnh phúc và ghi nhớ tầm quan trọng của trái tim nhiệt tình nhân hậu. Lời cuối cùng của Ngài là: “Hẹn gặp lại quý vị vào năm sau" - đã được đón nhận bằng những tràng pháo tay hân hoan nồng nhiệt.