Shey, Leh, Ladakh, UT, Ấn Độ - Ủy ban Điều phối Hồi giáo Ladakh Leh, Ladakh UT, đã tổ chức tiệc chiêu đãi tại Shah-e-Hamdan, Masjid Sharif, Shey vào sáng nay để vinh danh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài đã được cung đón bởi các nhà lãnh đạo của cả cộng đồng Sunni và Shia, sau đó Imam địa phương đã dâng cúng dường một buổi lễ cầu nguyện.
Trước khi diễn ra chương trình chính thức, Đức Ngài đã cầu nguyện tại Masjid Sharif - được xây dựng vào năm 1382 - gần với nơi tổ chức chương trình chính thức. Sau đó, Đức Ngài chào mừng các thành viên của giáo đoàn, bao gồm đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, ban lãnh đạo được bầu của Hội đồng phát triển miền núi tự trị Ladakh (LADHC), và các thành viên của cộng đồng Hồi giáo địa phương.
Đức Ngài nói với họ rằng Ngài luôn vui mừng khi được gặp gỡ với các anh chị em Hồi giáo của mình. Ngài nhớ lại rằng nhiều người Hồi giáo sống gần nơi sinh của Ngài ở phía đông bắc Tây Tạng; và do đó Ngài đã quen thuộc với mô hình cầu nguyện hàng ngày của người Hồi giáo. Khi còn là một đứa bé hoạt bát và sôi nổi, những người bạn chơi của Ngài lúc ấy bao gồm nhiều trẻ em Hồi giáo và tất cả đều hòa thuận với nhau.
Ngài giải thích: “Sau đó, khi tôi đến Lhasa, người Tây Tạng và cộng đồng Hồi giáo nhỏ trong thành phố có mối quan hệ rất tốt đẹp và thân thiện. Họ liên tục được mời tham dự tất cả các lễ hội được chính phủ Tây Tạng quan sát như một dấu hiệu của sự tôn trọng. Hầu hết trong số họ là những thương gia nhập khẩu hàng hóa từ Ấn Độ, nhưng họ cũng hoàn thành một vai trò quan trọng khác là mang tin tức và thông tin từ thế giới bên ngoài về cho Tây tạng.
“Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc vào những năm 1954-55, tôi đã gặp một số nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Mao. Lần cuối cùng tôi gặp ông ấy, trước khi tôi trở lại Tây Tạng, Ông Mao đã khen rằng tôi có đầu óc khoa học. Ông ấy cho tôi lời khuyên về cách lãnh đạo, nhưng cuối cùng ông nói rằng “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.
“Như mọi thứ đã diễn ra, 'sự thay đổi tư duy khoa học' của tôi có nghĩa là tôi đã tham gia vào các cuộc trao đổi sâu rộng với các nhà khoa học về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc, những phương pháp để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn.
Đức Ngài tiếp tục: “Là một tu sĩ Phật giáo, tôi đã có thể liên lạc với các Phật tử từ các quốc gia khác, những người theo cả Truyền thống Phạn ngữ và Pali.
“Về cơ bản, tất cả chúng ta đều giống nhau ở phương diện mong muốn được hạnh phúc và sống có ý nghĩa. Ngoài ra, mặc dù các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta khẳng định các quan điểm triết học khác nhau, nhưng mục đích chung của họ là khuyến khích những tín đồ của mình có tấm lòng nhiệt thành nhân hậu”.
Đức Ngài nói rằng, vì chủ yếu tập trung vào các mục tiêu vật chất, cho nên nền giáo dục hiện đại không đủ khả năng để phát triển sự an lạc nội tâm. Ngài nhận xét rằng, nếu nền giáo dục hiện đại được kết hợp với các nguyên tắc từ bi lâu đời của Ấn Độ - ‘karuna’ và bất bạo động - ‘ahimsa’ thì sẽ hoàn thiện hơn nhiều. Mahatma Gandhi đã dạy về ‘ahimsa’ trong khía cạnh bất bạo động và cách tiếp cận của ông để giải quyết tranh chấp đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều cuộc xung đột nảy sinh do sự giận dữ, sợ hãi và ganh tị - có thể được giải quyết nếu chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi đối với tha nhân.
Trong hàng trăm năm qua, người dân ở vùng Hy Mã Lạp Sơn - từ Ladakh ở phía tây cho đến Arunachal Pradesh ở phía đông - đã chia sẻ một truyền thống tâm linh chung, một nền văn hóa từ bi, với người dân Tây Tạng. Đó là một truyền thống có nguồn gốc từ nền văn hóa Phật giáo sâu sắc bắt nguồn từ Truyền thống lịch sử Nalanda. Tất cả chúng tôi đang nổ lực để giữ gìn cho truyền thống ấy được tồn tại. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài rất cảm động trước ý nghĩa sâu sắc của đức tin và sự tín nhiệm mà người dân ở vùng Hy Mã Lạp Sơn đã thể hiện đối với Ngài.
Ngài nhận xét: “Người Tây Tạng đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong hơn sáu thập kỷ qua, nhưng chúng tôi đã cố gắng giữ gìn cho nền văn hóa của mình được tồn tại, trong khi tinh thần của người dân Tây Tạng vẫn không hề bị lay chuyển.”
Ngài bày tỏ sự cảm kích sâu sắc đối với cách mà người Hồi giáo và Phật tử đã sống hòa thuận gắn bó với nhau ở Ladakh, Ngài cảm ơn họ. Ngài kết thúc bằng cách tuyên bố rằng người dân Ladakh từ lâu đã gần gũi với trái tim của Ngài.