Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được Hiệp hội Phật giáo Ladakh (LBA) và Hiệp hội Tu viện toàn Ladakh (LGA) mời dùng bữa tiệc trưa tại khu vườn Abispang của Tu viện Spituk. Các tín hữu trong những bộ trang phục đẹp nhất của họ với những bó hoa trong tay - đã xếp hàng cung nghinh dọc theo con đường mà xe của Ngài đi ngang qua.
“Người dân Ladakh đã cho tôi thấy được lòng sùng mộ lớn lao và có niềm tin chân thành rõ ràng vào lời dạy của Đức Phật. Tôi cũng rất vui khi thấy tình hữu nghị và tình bạn thân thiết tồn tại ở đây giữa người Hồi giáo, Phật tử và những người thuộc những tín ngưỡng khác.
“Sau khi Tây Tạng mất tự do, tôi phải sống lưu vong, và kể từ đó tôi đã chứng kiến đức tin kiên định không lay chuyển và sự cống hiến tận tuỵ của người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn từ Ladakh đến Arunachal Pradesh. Nhân dịp này cũng vậy, tôi đã có thể đến Ladakh và ban một số giáo lý. Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người ở đây, giáo dân, tu sĩ, những người bạn Hồi giáo của chúng tôi và những người khác về tình bằng hữu và tấm lòng nồng hậu của họ. Người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn luôn ôm chặt tôi trong trái tim của họ và tôi cũng cảm thấy gần gũi với họ”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc câu kệ đầu tiên của bài Xưng tán Đức Văn Thù:
Con kính lễ Đức Văn Thù Sư Lợi,
Thật rạng ngời với phong thái trẻ trung,
Với vầng quang của trí tuệ hào hùng
Ngài xua tan màn vô minh tăm tối.
“Tôi đã thực hành pháp của Đức Văn Thù, kết hợp với sự thực hành các khía cạnh an bình và phẫn nộ của Đức Văn Thù trong nhiều năm. Như bài kệ này đã nói rõ, Đức Văn Thù Sư Lợi giúp xua tan bóng tối vô minh, về cơ bản - sự vô minh này liên quan đến quan niệm sai lầm vì cho rằng chúng sinh và vạn vật tồn tại một cách độc lập và khách quan. Sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của sự vật cũng mang lại sự rõ ràng trong cách ứng xử hàng ngày của chúng ta.
“Tất cả chúng ta đều được thấm đượm trong tình thương của mẹ ngay từ lúc chào đời. Đây là cách mà cuộc sống của chúng ta được bắt đầu và đó là lý do vì sao nó trở nên quan trọng khi chúng ta tiếp tục sống cuộc sống của mình trong ánh sáng của tình yêu thương và lòng từ bi.
“Ở khắp nơi trên thế giới người ta đều nói về hòa bình. Nhưng liệu nó có đơn giản như từ trên trời rơi xuống không? Không! Nó sẽ không như thế! Nói chung, chúng ta chiến đấu để giành phần chiến thắng cho chính mình và đánh bại đối thủ. Nếu chúng ta có ý thức mạnh mẽ hơn về sự thống nhất của nhân loại thì sẽ tốt hơn nhiều. Đã có rất nhiều người phải bỏ mạng trong các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, nhưng nó đã mang lại điều gì tốt đẹp đâu? Chúng ta phải cố gắng giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và thảo luận, chứ không phải bằng cách sử dụng vũ khí. Chúng ta nên bảo vệ cuộc sống của người khác.
“Ngay từ lúc sinh ra, chúng ta tồn tại được là nhờ vào tình thương yêu và lòng nhân ái của mẹ. Nếu chúng ta tiếp tục sống cuộc sống của mình trên nền tảng của tình yêu thương và lòng bi mẫn đó, thì ta sẽ tìm thấy được sự an lạc nội tâm thực sự và có thể đóng góp cho nền hòa bình trên thế giới.
“Tôi đã 88 tuổi, gần 90. Tôi đã từng chứng kiến cảnh bạo lực như vậy trong cuộc đời của mình. Vũ khí hạt nhân đã được sử dụng vào thời kỳ cuối của chiến tranh thế giới thứ hai - thật đáng buồn! Thay vì nghĩ về người khác dưới khái niệm “chúng ta” và “bọn họ” và chỉ tập trung vào phía mình, chúng ta nên hướng tới hòa bình và chung sống hài hòa với nhau trên thế giới. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể tạo ra một thế giới không còn bạo lực hay sợ hãi nữa.”
Ngài chỉ ra rằng trong lịch sử con người cũng đã đấu tranh với nhau nhân danh tôn giáo. Tuy nhiên, vì tất cả các tôn giáo đều truyền tải một thông điệp thiết yếu về tình yêu thương và sự phục vụ tha nhân; còn những người khác thì lại đánh đấu nhau trên cơ sở của tôn giáo thì thật là một điều mâu thuẫn. Ngài nói thêm rằng, có những sự khác biệt về triết học, nhưng đây là sự khác biệt mà chúng ta nên tôn trọng chứ không phải để đấu nhau. Chúng ta nên hướng tới sự hòa hợp giữa các tôn giáo mà chúng ta đã tìm thấy được ở Ladakh.
Những quả mơ và táo mà Ngài được cúng dường đã khiến cho Đức Ngài nhớ đến những quả mơ mọc rất nhiều ở Norbulingka. “Tôi thường ngồi dưới gốc cây và dùng gậy để khèo hái chúng. Chúng tôi cũng có táo nhưng không ngon bằng những quả này.” Sau đó, Đức Ngài cắn một quả táo để cho thấy hàm răng của Ngài vẫn còn chắc khỏe như thế nào; và rằng Ngài chưa hề mất một chiếc răng nào mà Ngài đã nhận được từ mẹ của mình.
Ngài đã đề cập đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu triết học và logic, điều này thực sự giúp ta đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Ngài nói, cầu nguyện là một việc, nhưng nếu quý vị nghiên cứu học hỏi thì nó sẽ giúp quý vị giảm bớt sự vô minh của mình. Ngài tiết lộ rằng, từ kinh nghiệm của chính bản thân, Ngài nhận thấy rằng thiền định về Bồ đề tâm và quan điểm về tánh Không đã thực sự củng cố sự an lạc trong tâm hồn.
“Tôi muốn cảm ơn Chính quyền Lãnh thổ Liên minh địa phương, cảm ơn Chính phủ Ấn Độ về tất cả sự giúp đỡ của họ trong thời gian tôi ở đây. Tôi cũng xin cảm ơn những người tổ chức sự kiện này và những vị khách quý đã đón tiếp tôi ở đây ngày hôm nay.
"Tôi không có gì khác hơn để nói cả! Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong những năm tới. Xin cảm ơn."
Sau bữa tiệc trưa, khi chuẩn bị rời đi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có vài lời cuối cùng muốn nói thêm.
“Quý vị đã mời tôi đến đây với niềm vui và sự ăn mừng, điều mà tôi muốn nói là - Tashi Delek.
“Ở những nơi khác tại Ấn Độ, đôi khi có sự phân biệt giữa đẳng cấp này với đẳng cấp khác. Tuy nhiên, quý vị nên biết rằng tất cả con người đều giống nhau, không cần coi người này là cao trọng, hoặc người khác là thấp hèn. Còn chúng ta, tất cả đều là đệ tử của Đức Phật. Tất cả chúng ta đều có Phật tánh giống nhau và có khả năng đạt được Phật quả. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu chúng ta nỗ lực phát triển Bồ đề Tâm bằng cách nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với mọi người.
"Đó là tất cả những gì tôi muốn nói! Xin cảm ơn!”