Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Cơn mưa lớn kéo dài suốt đêm qua đã tạnh dần khi xe của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa Ngài đến cổng Dinh thự của Ngài sáng nay. Ngài đã được cung đón bởi các thành viên hội đồng của Tổ chức Bảo tồn Truyền thống Đại thừa (FPMT), những người này sau đó đã hộ tống Ngài đến Chánh Điện Tsuglagkhang. Giữa sân chùa có trải một tấm thảm đỏ rải đầy cánh hoa. Ở đầu lối đi, Chư Tăng Ni đang cung đón Đức Ngài với những bó hoa tươi thắm. Theo thông lệ của mình, Ngài đã dừng lại nhiều lần trên đường để chào đón các thành viên của công chúng.
Bước vào Chùa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào mừng Sikyong Penpa Tsering, Hạ Viện Khenpo Sonam Temphel và Chánh án (điều hành) Karma Dadul, những vị khách của sự kiện này. An toạ đối diện với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là Thamthog Rinpoché - Trụ trì Tu viện Namgyal; Trụ trì Tu viện Kopan - Geshé Chonyi, Lobpön mới được bổ nhiệm của Tu viện Namgyal - Lobsang Dhargyey và Yangsi Rinpoché. Phía sau những Vị này là Vị Thầy Chủ Sám của Kopan - Geshé Losang Sherab chủ trì cho chương trình này.
Ba trăm năm mươi thành viên của FPMT, trong đó có 150 người nước ngoài, đã tham gia buổi lễ hôm nay. Lễ cúng dường Trường thọ này dựa trên nghi thức 'Cúng dường Bậc Thầy Tâm Linh' được gọi là 'Hạnh phúc và Tánh không Bất khả phân: Nghi thức về Con đường Thâm sâu của Cúng Dường Đạo Sư’. Trà và cơm ngọt theo nghi lễ đã được phục vụ và trong thời gian tạm nghỉ giải lao để cúng dường trà và cơm ngọt, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu trước hội chúng.
“Hôm nay, quý Vị đang dâng lời cầu nguyện cho sự trường thọ của tôi. Trên thế giới này, những người có niềm tin vào giáo lý của Đức Phật, đặc biệt là những người từ vùng Hy Mã Lạp Sơn - cảm thấy có mối liên hệ đặc biệt với Đức Quán Thế Âm cũng coi như họ có mối liên hệ với tôi. Nếu tôi có thể sống trường thọ, tôi sẽ có thể phụng sự cho Giáo Pháp và chúng sinh.
“Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng cuối cùng hoàn cảnh của nó đã thay đổi. Theo thời gian, giáo lý của Đức Phật đã lan rộng đến Tây Tạng và hoàn cảnh ở đó cũng đã thay đổi. Mặc dù các truyền thống Phật giáo không được biết đến rộng rãi ở phương Tây, nhưng ngày nay - ở đó - người ta đang ngày càng quan tâm nhiều đến Phật Giáo.
“Tôi quyết tâm hoạt động vì sự hưng thịnh của Giáo Pháp Đức Phật và lợi ích của tất cả chúng sinh, như Jé Tsongkhapa đã viết trong bài Kệ ở cuối 'Đại luận về các Giai trình của Đạo Giác Ngộ':
Ở những nơi mà Giáo Pháp trân quý tuyệt vời chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!"
“Vì vậy, nếu những lời cầu nguyện hôm nay có hiệu quả thì mọi người đều sẽ được lợi lạc. Tây Tạng và các vùng lân cận của dãy Hy Mã Lạp Sơn đều có mối liên kết lâu đời với các Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi quyết tâm làm việc vì lợi ích của những người sống ở những nơi này. Ngoài ra, hiện nay có các nhà khoa học trên khắp thế giới đang quan tâm đến những lời dạy của Đức Phật đề cập đến sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Tôi cũng muốn giúp đỡ họ thật nhiều trong khả năng có thể.
“Vì những mục đích này, được trợ duyên bởi những lời cầu nguyện và sự cống hiến tận tuỵ của Quý vị, tôi cảm thấy mình có thể sống thêm hai mươi năm nữa hoặc lâu hơn. Tôi rất muốn mọi người - đặc biệt là những người không theo tôn giáo hoặc không quan tâm đến các vấn đề tâm linh - biết được tầm quan trọng của việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi; cũng như đạt được sự bình yên trong tâm hồn.
“Tuy nhiên, cũng sẽ rất tốt để tự nhắc nhở mình về những gì mà A La Hán Sagala đã đề cập trong Luật tạng Vinaya rằng:
“Chớ hài lòng với việc chỉ khoác lên mình chiếc Tăng bào Tu sĩ.
Hãy học tập và nghiên cứu về nội dung của Tam Tạng Điển Kinh.
Hãy dấn thân thực hành Tam Vô Lậu Học của Giới, Tuệ, Định.
Hãy thực hành Giáo Pháp với tất cả sự nỗ lực nhiệt tình.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng tình hình ở Tây Tạng vẫn còn căng thẳng, nhưng ở Mông Cổ, Phật giáo đang được hồi sinh. Ngài nhắc lại nguyện vọng của Jé Tsongkhapa: “Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy; Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!”. Ngài khuyến khích Hội chúng - những người đang lắng nghe Ngài - hãy cố gắng hết sức để thực hành Giáo Pháp vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hành, lưu ý rằng những người giảng dạy mà không có sự hỗ trợ của sự thực hành cá nhân thì hiếm khi đạt được hiệu quả. Phụng sự Đạo Pháp và chúng sinh cần phải được bắt nguồn từ sự học tập và thực hành.
Đức Ngài tiếp tục: “Hôm nay, Lễ cầu nguyện trường thọ này, được dâng cúng bởi FPMT - một tổ chức có nhiều trung tâm trên khắp thế giới đã được lãnh đạo bởi Zopa Rinpoché trong một thời gian dài. Rinpoche là một người rất đáng tin cậy. Rinpoché vừa viên tịch và tôi cầu nguyện cho sự tái sinh của Rinpoche có thể phụng sự cho Giáo Pháp và chúng sinh trong kiếp sau.
“Nếu tất cả chúng ta đều cùng thực hành thì đạo Phật sẽ không bị mai một mà còn tồn tại thêm vài thế kỷ nữa. Chúng ta noi theo những bậc thầy vĩ đại và uyên bác như Ngài Long Thọ - người đã giữ gìn Giáo Pháp của Đức Phật không chỉ dựa trên cơ sở niềm tin, mà còn dựa trên lý trí. Đây là phẩm chất độc đáo của Truyền thống Nalanda. Chúng ta xem xét những lời dạy dưới ánh sáng của lý trí và chấp nhận chúng một cách phù hợp.
“Zopa Rinpoché thực sự đã làm hết sức mình. Ngài đã phụng sự vô cùng tận tuỵ cho Giáo Pháp và làm lợi lạc cho chúng sinh. Tôi hy vọng sự tái sinh của Rinpoche cũng sẽ là một người đích thực Hộ trì Chánh Pháp; và tôi cầu nguyện cho điều đó có thể được như vậy. Quý vị cũng nên cầu nguyện như thế.”
Buổi lễ được tiếp tục với lễ cúng dường ‘tsog’. Các thành viên hội đồng FPMT đã tham gia cúng dường một mạn đà la, cũng như ba biểu tượng giác ngộ, dâng một bức tượng Phật, một cuốn kinh và một hộp hình Bảo Tháp lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngoài ra, còn có cúng dường cây tích trượng, tượng trưng cho 37 yếu tố giác ngộ, Pháp phục Tăng Sĩ và các trang bị khác dành cho Tăng Sĩ, bảy biểu tượng hoàng gia, tám biểu tượng cát tường và tám chất cát tường. Trong khi đó, một đoàn diễu hành gồm các thành viên FPMT, tu sĩ và cư sĩ, diễu hành ngang qua Chánh Điện mang theo những phẩm vật cúng dường.
Buổi lễ được kết thúc với những lời cầu nguyện hồi hướng, bài 'Lời cầu nguyện cho sự hưng thịnh của Giáo pháp Đức Je Tsongkhapa', một bài cầu nguyện có tựa đề "Làm hưng thịnh Giáo pháp của Đức Phật”; “Lời cầu nguyện cho sự truyền bá giáo lý của Đức Phật bất phân Bộ phái”; và cuối cùng là “Bài cầu nguyện về những Lời Chân Thật”.
Khi rời khỏi Chánh Điện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cố gắng thu hút sự chú ý của càng nhiều thành viên trong đám đông. Ngài vẫy tay chào những người ở xa hơn. Xuống đến sân Chùa, Ngài lên chiếc ô tô, từ từ trở về Dinh thự của mình, vừa đi vừa mỉm cười và vẫy tay chào mọi người.