Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ 30 thành viên cốt lõi của nhóm “Nghiên cứu Kinh nghiệm Giáo dục Học sinh” ở Ladakh sáng nay. Họ thưa với Ngài rằng kể từ khi triển khai chương trình ở Ladakh chỉ hơn một năm trước, họ đã đào tạo được 500 giáo viên để thực hiện việc đào tạo về cảm xúc, đạo đức và xã hội tại các trường học địa phương. Hôm qua, 150 giáo viên từ Leh và Kargil đã gặp nhau để thảo luận về kinh nghiệm làm việc với chương trình. Phát ngôn viên của họ đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã có tầm nhìn khuyến khích sự phát triển của việc Nghiên cứu Kinh nghiệm Giáo dục Học sinh.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với họ rằng: “Tôi rất vui khi được gặp gỡ quý vị! Khi những người Tây Tạng chúng tôi lưu vong ở Ấn Độ, chúng tôi đã chứng kiến nền dân chủ đang hoạt động và chúng tôi phát hiện ra rằng có những người mà - đối với họ - tôn giáo không có sự hấp dẫn gì mấy. Tất nhiên, thực hành tôn giáo có thể rất hữu ích, nhưng cũng có trường hợp người ta lợi dụng tôn giáo như một cái cớ để gây ra xung đột với người khác.
“Trong cuộc đời mình, tôi đã được thọ nhận những giáo lý thuộc các truyền thống Sakya, Kagyu và Nyingma, cũng như truyền thống Geluk, và tôi đã thực hành tất cả các giáo lý ấy. Nhưng tôn giáo không phải dành cho tất cả mọi người; và điều quan trọng là chúng tôi tìm cách khuyến khích mọi người phát triển những phẩm chất tích cực như tình yêu thương và lòng từ bi trên nền tảng của cuộc sống thế gian.
“Ngay từ khi chào đời, chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu của người mẹ. Chúng ta hình thành một mối quan hệ tự nhiên với người mẹ của mình mà không liên quan gì đến tôn giáo cả. Ở một số khía cạnh, sự trải nghiệm về lòng yêu thương và tình cảm này đã được tô điểm thêm bởi sự gắn bó, nhưng ở những khía cạnh khác, nó chỉ đơn giản là một sự phản ứng tự nhiên mà thôi.
“Mặc dù có rất nhiều người đã chết vì bạo lực trong thế chiến thứ nhất và thứ hai, nhưng ngày nay vẫn còn có những người dường như bị thúc đẩy bởi sự thôi thúc đánh đấu nhau - ngay cả khi điều đó gây ra chiến tranh thế giới thứ ba. Họ kiên trì phát triển vũ khí mạnh mẽ, không biết rằng nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân, thì bản thân họ cũng sẽ bị hủy diệt. Nếu chúng ta không nỗ lực xây dựng hòa bình thì toàn thể nhân loại sẽ chịu đau khổ.
“Cho dù mọi người theo sự thực hành tôn giáo hay không, thì tất cả chúng ta đều cần đến tình yêu thương và lòng từ bi. Đạo đức cơ bản bắt nguồn từ những phẩm tính này. Thật vậy, chiến tranh xảy ra chỉ vì thiếu đi tình thương yêu và lòng từ bi mà chúng ta dành cho nhau.
“Tôi là một hành giả Phật giáo, nhưng tôi cố gắng sử dụng những sự hướng dẫn để phát triển lòng từ bi và trình bày chúng trong bối cảnh thế tục. Thực hiện đạo đức thế tục cho phép chúng ta xây dựng và nâng cao sự trải nghiệm về lòng từ bi và tình cảm mà chúng ta học được từ những người mẹ của mình. Hãy nhìn những con vật, chúng thể hiện tình cảm với nhau mà không có sự can thiệp của tôn giáo. Tương tự như vậy, trẻ em bộc lộ tình cảm với nhau bất kể chúng thuộc tôn giáo, quốc gia hay chủng tộc nào. Trẻ em thể hiện sự thân thiện cởi mở mà người lớn cần nên noi theo.
“Chúng ta không cần phải tập trung vào những điều mà có thể sẽ chia rẽ chúng ta. Thay vào đó, điều chúng ta cần là ý thức về sự đồng nhất của nhân loại, nhận thức về việc tất cả chúng ta đều giống nhau như thế nào. Chúng ta phải nỗ lực xây dựng sự hài hòa trên toàn thế giới. Là con người, tất cả chúng ta đều có khuôn mặt giống nhau với hai mắt, mũi và miệng. Nếu chúng ta gặp ai đó có con mắt thứ ba, thì điều đó có lẽ sẽ thực sự rất kỳ lạ.
“Khi những người Tây Tạng chúng tôi lưu vong và gặp đủ hạng người khác nhau, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi cũng giống như họ. Mặc dù chúng tôi đã phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do sự xâm lược của Trung Quốc, nhưng ngày nay, khi người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu lũ lụt trên bình diện rộng lớn, chúng tôi chỉ có thể cảm thông và lo lắng cho họ mà thôi. Những thảm họa như vậy là một triệu chứng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Để thể hiện tình đoàn kết của tôi với người dân Trung Quốc, tôi hy vọng có thể đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ.
“Là những hành giả Phật giáo, chúng tôi luôn cầu nguyện,
Con cầu mong cho tất cả chúng sinh
Có được hạnh phúc và nhân của hạnh phúc.
Con cầu mong cho tất cả chúng sinh
Thoát khỏi khổ đau và nhân của đau khổ.
“Và mặc dù chúng ta chỉ có một ý tưởng mơ hồ về ý nghĩa của “tất cả chúng sinh”, nhưng ít nhất chúng ta có thể nghĩ đến “tất cả chúng sinh trên trái đất này”.
“Như tôi đã nói, tôi rất thông cảm với người dân Trung Quốc đang phải vật lộn với những trận lũ lụt này và tôi hy vọng họ có đủ can đảm để vượt qua những thách thức mà họ đang phải đối mặt. Kinh điển của chúng tôi đề cập rằng thế giới cuối cùng rồi cũng sẽ bị hủy diệt bởi nước, lửa hoặc gió; và sự nóng lên toàn cầu dường như ngụ ý về yếu tố lửa.
“Khi lần đầu tiên tôi đến Ladakh, một trong những người bạn đồng hành của tôi đã rất buồn vì những ngọn đồi cằn cỗi. Do những nỗ lực không ngừng mà quý vị đã thực hiện việc trồng trọt cây cối, v.v., và mọi thứ đã thay đổi.
“Ở Dharamsala và những nơi khác trên vùng đồng bằng của Ấn Độ vào thời điểm này trong năm, trời ẩm ướt và có mưa. Khi đến Ladakh, tôi thật sự thích thời tiết khô ráo và nhiệt độ vừa phải của Ladakh. Tôi cũng biết ơn vì tình cảm mà quý vị đã dành cho tôi. Xin cảm ơn."
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa sự đồng cảm và lòng từ bi, Ngài giải thích rằng lòng từ bi là việc làm liên quan đến việc giải thoát người khác khỏi khổ đau. Ngài đề cập rằng có ba loại khổ đau: khổ khổ (khổ vì đau khổ); hoại khổ (đau khổ vì sự thay đổi, hoại diệt) và hành khổ (đau khổ vì sự chi phối tràn ngập trong vòng luân hồi). Ngài nói thêm rằng bao lâu chúng ta còn bị chi phối dưới sự ảnh hưởng của nghiệp báo và sự huyễn hoá, thì chúng ta vẫn sẽ còn chịu đau khổ. Đây là những hoàn cảnh mà từ đó chúng ta đi tìm kiếm sự tự do, giải thoát.
Ngài nói rằng Ngài đã thiền định trong nhiều năm về Bồ Đề Tâm và trí tuệ hiểu biết tánh không. Kết quả là, Ngài đã thành tựu được kinh nghiệm về con đường tích lũy (tư lương đạo) và mong muốn đạt được con đường chuẩn bị (gia hành đạo). Vượt lên trên đó là kiến đạo, đạt được quả vị Diệt Đế (sự chấm dứt thực sự) và Sơ Địa (Bồ tát Địa đầu tiên). Từ đó, vấn đề là tiến lên các đạo lộ và và các Bồ Tát Địa cho đến khi đạt được Phật quả. Khi quý vị thấy rằng việc đạt được những quả vị này thực sự là điều có thể khả thi, điều đó mang lại sự tự tin lớn lao rằng quý vị đã làm cho cuộc sống con người của mình trở nên thật xứng đáng.
Khi được hỏi về những gì có thể được thực hiện để giảm thiểu việc lạm dụng ma túy, Ngài trả lời rằng đây là một vấn đề bắt nguồn từ sự thiển cận. Những người tìm đến với ma túy vì họ không tìm thấy giải pháp nào khác cho những vấn đề rắc rối của họ; và họ bị thu hút bởi những loại thuốc mang lại sự thỏa mãn ngắn hạn. Những người trẻ tuổi cần nhìn cuộc sống của họ trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Cha mẹ và giáo viên nên khuyên bảo những người mà họ chăm sóc - cần phải tiếp nhận một tầm nhìn rộng lớn hơn và cởi mở hơn về những gì mà họ có thể làm.
Cuối cùng, có câu hỏi trình lên Ngài rằng, Ngài sẽ đưa ra lời khuyên gì cho một giáo viên Nghiên cứu Kinh nghiệm Giáo dục Học sinh - người mới bắt đầu tham gia chương trình. Ngài gợi ý rằng trong vấn đề giáo dục, không cần phải giới thiệu về những ý tưởng tôn giáo như: sự tồn tại của kiếp trước và kiếp sau. Điều quan trọng hơn nhiều là tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn - tại đây và ngay bây giờ. Nên lấy đạo đức thế tục làm cơ sở để khắc phục các vấn đề.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng Ngài đã tìm cách trau dồi Bồ đề Tâm, cũng như trí tuệ về Tánh Không trong suốt cuộc đời của mình, nhưng Ngài nhận ra rằng loại trải nghiệm này không dành cho tất cả mọi người. Tất cả những gì Ngài đạt được đều là kết quả của sự nỗ lực.
Ngài chỉ ra rằng việc cầu nguyện Đức Quán Thế Âm - hiện thân của lòng từ bi - là một phương tiện để đạt được sự tăng trưởng nội tâm. Tương tự như vậy, hướng về Đức Văn Thù Sư Lợi có thể giúp chúng ta cải thiện trí thông minh và trí tuệ bằng cách xua tan bóng tối vô minh khỏi tâm thức của chúng ta.
Ngài lưu ý rằng ngày càng có nhiều nhà khoa học hiện đại chú ý và học hỏi từ những gì mà Truyền thống Nalanda đã dạy về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Ngài cảm ơn các đại biểu đã đến đây để gặp gỡ Ngài.