Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp một nhóm các nhà vận động vì hòa bình, hầu hết đến từ Châu Âu. Vị lãnh đạo của họ - Sofia Strel-Rever đến từ Pháp, đã nói rằng trái tim của họ tràn ngập niềm vui khi được gặp lại Đức Ngài. Cô thưa với Ngài rằng họ được truyền cảm hứng từ tấm gương mà Ngài đã nêu ra để phụng sự cho nhân loại. Cô báo cáo rằng nhóm đã tham gia cử hành “Ngày Lương Tâm” được Liên hợp quốc thông qua vào ngày 5 tháng 4. Sự kiện này được dành riêng để thiết lập các quyền tự do cơ bản và nhân quyền cho tất cả mọi người mà không có bất cứ sự phân biệt nào.
Stril-Rever hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng lương tâm tốt đẹp và tình yêu thương có thể đóng góp như thế nào cho nền hòa bình lâu dài trên thế giới; và Ngài đã trả lời:
“Là con người, tất cả chúng ta đều nhận được tình yêu thương của mẹ ngay từ lúc được sinh ra. Khi còn ấu thơ, chúng ta không ngần ngại chơi với những đứa trẻ khác mà không quan tâm đến những vấn đề như là: chúng đến từ đâu; hay chúng hoặc gia đình chúng tin vào điều gì. Tâm thái cởi mở này là bản chất cơ bản của con người chúng ta.
“Khi trưởng thành, quá nhiều người trong số chúng ta đã có cái nhìn về người khác dưới góc độ ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’ - dựa trên sự khác biệt thứ yếu về chính trị hoặc tôn giáo giữa chúng ta. Nếu ta muốn đóng góp vào nền hòa bình giữa chúng ta, thì ta phải tìm cách để hiểu rằng - là con người, về cơ bản, tất cả chúng ta đều như nhau. Chúng ta cùng chia sẻ những kinh nghiệm chung. Chúng ta được sinh ra theo cùng một cách và cuối cùng tất cả chúng ta đều phải chết.
“Việc coi trọng vào sự khác biệt về quốc tịch hay đức tin chỉ trở thành cái cớ để giết hại lẫn nhau mà thôi. Đó là điều không thể tưởng tượng được. Ngay cả loài động vật cũng sống chung với nhau một cách hòa bình hơn. Nếu muốn mọi thứ thay đổi thì 8 tỷ người chúng ta phải học cách chung sống cùng nhau trên hành tinh này. Chúng ta phải nhận ra tính đồng nhất của nhân loại. Đó là lý do tại sao, bất cứ khi nào tôi gặp một người mới, tôi luôn coi họ là một con người cũng giống như tôi. Và vì vậy mà tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại.”
Khi trả lời các câu hỏi về cuộc khủng hoảng khí hậu, Ngài nhận xét rằng; những thay đổi đang diễn ra dường như nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Ngài nhắc lại rằng - là con người, tất cả chúng ta đều như nhau; và chúng ta phải học cách - không những chỉ sống cùng nhau mà còn phải học cách cùng nhau làm việc vì lợi ích chung.
Ngài nói thêm: “Trong khi chúng ta vẫn còn thời gian, thì việc nuôi dưỡng tình huynh đệ và giúp đỡ lẫn nhau là điều hợp lý. Chúng ta cần tìm cách trưởng dưỡng tình yêu thương cơ bản của con người mà mẹ chúng ta đã dành cho ta khi ta vừa mới chào đời; và mở rộng lan toả tình yêu ấy đến với những người khác trong suốt quãng đời còn lại của mình.”
Khi được hỏi tôn giáo có thể ảnh hưởng đến tương lai của thế giới như thế nào, Ngài trả lời:
“Bản chất của tôn giáo là tấm lòng nhiệt thành nhân hậu chính. Đây là điều mà tất cả các tôn giáo đều truyền dạy, bất kể họ theo quan điểm triết học nào. Trái tim nhân hậu là cốt lõi tinh tuý; trau dồi trái tim nhân hậu này sẽ là điều giúp ích và có thể ảnh hưởng đến tương lai của thế giới.”