Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, mặc dù thời tiết lạnh và ẩm ướt trái mùa vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn đến để gặp gỡ gần 500 sinh viên vừa mới tốt nghiệp hoặc hiện đang theo học Khóa học Thạc sĩ Nalanda, hoặc khóa học Văn bằng Nalanda do Trụ sở Tây Tạng ở New Delhi cung cấp. Hiện tại có hơn 4000 sinh viên từ 98 quốc gia đã đăng ký các khóa học do Tiến Sĩ Geshé Dorji Damdul điều hành từ Trụ sở Tây Tạng.
Tiến sĩ Kaveri Gill đã giới thiệu các sinh viên và nhân viên của Trụ sở Tây Tạng với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và cảm ơn Ngài đã gửi đến cho họ một vị Thầy tầm cỡ như Tiến Sĩ Geshé Dorji Damdul.
Sau đó, Tiến Sĩ Geshé Dorji Damdul đã cúng dường ba bức tượng và một tấm áp phích có khung liên quan đến các Khóa học Nalanda lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tiến Sĩ bày tỏ lòng kính trọng chân thành đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Sikyong - Penpa Tsering, Phó Chủ tịch Hạ viện Tây Tạng, và cựu Ngoại trưởng Ấn Độ - Tiến sĩ Nirupama Rao.
Tiến Sĩ Geshé Dorji Damdul thưa với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, “Tất cả chúng con đều là học trò của Ngài. Chúng con tìm cách học hỏi từ Ngài. Trong thế kỷ trước, Ngài Mahatma Gandhi là nhà vô địch của tinh thần bất bạo động - ‘ahimsa', nhưng trong thế kỷ hiện tại, Đức Ngài chính là nhà vô địch của lòng từ bi - ‘karuna'.”
Tiến Sĩ bày tỏ sự kính trọng đối với tất cả những người đã giúp tạo ra các chương trình tại Trụ Sở Tây Tạng và đặc biệt đề cập đến Tempa Tsering, Jetsun Pema và Doboom Rinpoché. Ông cũng thừa nhận rằng điều này cũng sẽ không thể diễn ra nếu không có sự hỗ trợ lớn lao của Bộ Văn hóa Chính phủ Ấn Độ và Ông đã bày tỏ lòng biết ơn đối với họ.
“Chúng con đang cố gắng tiếp nối ngọn đuốc từ bi và trí tuệ mà Đức Ngài đã giương cao bằng cách thúc đẩy các giá trị cơ bản của con người. Với sự giúp đỡ của Telo Tulku, gần đây chúng con cũng đã mở rộng các hoạt động liên quan đến các Khóa học Nalanda cho những người nói tiếng Nga.
“Chúng con hy vọng rằng đạo đức phổ quát sẽ được Liên Hợp Quốc thông qua. Chúng con cầu nguyện rằng các nhà lãnh đạo thế giới có thể học hỏi từ Đức Ngài khi chúng ta hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình, tự do và an ninh. Mong rằng thế giới sẽ được tiếp tục tận hưởng ánh sáng mặt trời từ sự lãnh đạo của Ngài.”
Ông Deepesh Thakkar - điều phối viên trưởng của các Khóa học Nalanda, đã chào mừng các vị khách chính và giải thích rằng Trụ sở Tây Tạng đã thiết lập các khóa học dài hạn, trung bình và ngắn hạn lần lượt là 6 năm, 14 tháng và một tháng rưỡi, để phù hợp với nhu cầu của học viên. Nhóm đầu tiên hoàn thành khóa học Thạc Sĩ sáu năm của Nalanda đã vừa mới tốt nghiệp trong thời gian gần đây.
Thakkar nhận xét rằng Tiến Sĩ Geshé Dorji Damdul là ngọn đèn dẫn đường. Ông lưu ý rằng trong số học sinh, số lượng học sinh nữ gấp đôi học sinh nam; và độ tuổi của các học sinh dao động từ 14 đến 80 tuổi.
Ông khẳng định, “Mục tiêu của chúng tôi không phải để truyền bá đạo Phật mà là chia sẻ kiến thức mà nó đảm bảo an toàn để giúp được càng nhiều người càng tốt để trở thành những con người tử tế hơn, hạnh phúc hơn. Từ tận đáy lòng mình, chúng con xin thành kính tri ân Ngài! và cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với người dân Tây Tạng đã cống hiến hàng thế kỷ để bảo tồn Truyền thống Nalanda.
Ngài mỉm cười nói chuyện với khán giả. “Chào buổi sáng các anh chị em Pháp Hữu của tôi. Thật tốt khi chúng ta có cơ hội này để gặp gỡ nhau. Xin cảm ơn tất cả những người đã làm việc để tổ chức cho cuộc gặp gỡ này. Sống cuộc đời lưu vong đã lâu, tôi đã gặp được rất nhiều người khác nhau trong những dịp như thế này và chúng tôi đã học hỏi lẫn nhau.
“Về giáo lý của Đức Phật, Jé Tsongkhapa đã viết ở phần cuối của 'Đại Luận về Các Giai Trình của Đạo Giác ngộ’:
Ở những nơi mà Giáo Pháp trân quý tuyệt vời chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!
“Những nơi Phật giáo chưa truyền bá bao gồm Châu Âu, v.v. Trong quá khứ, những người sống ở những quốc gia đó chỉ chú ý đến truyền thống tôn giáo của họ, nhưng ngày nay, nhiều người đang quan tâm đến các truyền thống khác, đặc biệt là truyền thống tâm linh của Ấn Độ.
“Bản chất của Truyền thống Nalanda không phải là nghi lễ và cầu nguyện mà là khả năng chuyển hóa tâm thức. Chúng tôi thành lập Trụ sở Tây Tạng để mọi người có thể tìm hiểu thêm về nó. Tây Tạng không phải lúc nào cũng theo đạo Phật, nhưng đã trở thành như vậy vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8 khi các vị vua của chúng tôi có sự quan tâm đến Phật Pháp. Vua Songtsen Gampo đã ủy thác một hệ thống chữ viết Tây Tạng mới mô phỏng theo bảng chữ cái Devanagari. Do đó, khi Ngài Tịch Hộ đến Xứ Tuyết thể theo lời mời của Vua Trisong Detsen, thì Ngài đã có thể đề xuất rằng văn học Phật giáo Ấn Độ nên được dịch sang tiếng Tây Tạng. Và kết quả chính là bộ kết tập Kinh tạng (Kangyur) và Luận Tạng (Tengyur).
“Vua Trisong Detsen cũng đã tổ chức một cuộc tranh luận giữa Liên Hoa Giới - học trò của Ngài Tịch Hộ, và đại diện của các Hoà Thượng Trung Quốc. Đức Vua đánh giá rằng Liên Hoa Giới có thể đưa ra những lời giải thích sâu rộng về những điều Đức Phật đã dạy, trong khi Chư Tăng Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thiền định.
“Ngài Tịch Hộ và Liên Hoa Giới đã thiết lập một phương pháp học tập và rèn luyện liên quan đến việc phát triển sự hiểu biết bằng cách đọc và nghe, đào sâu sự hiểu biết đó thông qua sự suy ngẫm, sử dụng lý trí và logic, đồng thời đạt được kinh nghiệm về nó thông qua thiền định.
“Theo thời gian, các tu viện lớn ở Sera, Ganden, Drepung và Tashi Lhunpo đã trở thành những trung tâm học đường - nơi chư Tăng nghiên cứu các luận thuyết lớn và sau đó sử dụng logic để khám phá những gì họ đã học được qua các cuộc tranh luận. Ngày nay, Phật giáo phát triển mạnh ở một số quốc gia, nhưng chỉ có Phật giáo Tây Tạng mới có thể trình bày một sự giải thích toàn diện về những gì Đức Phật đã dạy. Hơn nữa, khi các nhà khoa học muốn tìm hiểu thêm về những gì Phật giáo đề cập đến sự hoạt động của tâm thức, thì họ luôn quan tâm đến truyền thống Tây Tạng.
“Chính vì chúng tôi dựa vào lý trí và logic mà chúng tôi có thể cống hiến sự đóng góp của mình cho phúc lợi của thế giới trong bối cảnh đạo đức thế tục.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến việc Ngài rất quan tâm đến vấn đề khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài thừa nhận rằng các truyền thống tâm linh khác nhau có thể áp dụng các lập trường triết học hoàn toàn khác nhau, nhưng điểm chung của tất cả các truyền thống là nhấn mạnh vào việc nuôi dưỡng một trái tim nhân hậu. Ngài lưu ý rằng Ấn Độ là một quốc gia mẫu mực, nơi mà tất cả các truyền thống tôn giáo lớn của thế giới cùng nhau phát triển. Ngài nhắc lại những gì đã được nói về các Khóa học Nalanda - ít đề cập đến việc mọi người trở thành Phật tử mà quan tâm nhiều hơn về việc họ có thể làm phong phú thêm sự thực hành và đức tin của mình với những gì mà họ có thể học được từ Truyền thống Nalanda.
Mặc dù các đại diện của Hạ viện Tây Tạng đã thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban khẩu truyền 'Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’ của Jé Tsongkhapa, nhưng Ngài tuyên bố rằng trong dịp này, Ngài muốn ban khẩu truyền ‘Xưng Tán Duyên khởi' của Jé Rinpoché. Ngài trích dẫn một bài kệ ở cuối tác phẩm này, trong đó Ngài Tsongkhapa bày tỏ ý định của mình:
“Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật,
Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài,
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại,
Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!” 53
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiết lộ rằng Ngài cũng cảm thấy vô cùng biết ơn và kính ngưỡng Đức Phật bởi vì nhờ nương tựa vào lời dạy của Đức Phật mà Ngài đã có thể trau dồi Bồ Đề Tâm Nguyện và Trí tuệ Tánh Không.
Ngài nói thêm: “Ngay cả khi còn thơ ấu, tôi đã có khuynh hướng không chấp nhận những gì mà mình đã được bảo. Tôi cảm thấy cần phải đặt câu hỏi và khảo sát nó. Là một người có tên là Đạt Lai Lạt Ma, tôi không thể sử dụng vũ khí thông thường, nhưng tôi có thể tranh luận. Và tôi có thể sử dụng trí thông minh của mình để khảo sát lời dạy của Đức Phật và giải thích nó cho người khác. Đặt câu hỏi và kiểm tra khảo sát là trọng tâm của Truyền thống Nalanda.
“Tôi đã nhận được sự trao truyền và giải thích về ‘Xưng tán Duyên khởi’ từ Khunu Lama Rigzin Tenpa.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố: “Duyên Khởi mô tả về Giáo lý của Đức Phật. Trong hai âm tiết của thuật ngữ Tây Tạng mô tả cho Giáo Lý này là 'ten-jung', âm tiết đầu tiên có nghĩa là “phụ thuộc” và âm tiết thứ hai là “phát sinh”. Điều này cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào thực tế. Mọi thứ đều phụ thuộc. Không có gì là độc lập. Mọi thứ phát sinh đều phụ thuộc vào các yếu tố khác. Vì không có gì là độc lập, cho nên mọi thứ xảy ra đều thông qua các mối quan hệ phụ thuộc.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thu hút sự chú ý đến hai bài kệ đầu xưng tán Đức Phật:
“Giáo lý này không thấy trong tác phẩm của những người khác,
Thế nên danh hiệu Bậc Đạo Sư là chỉ của riêng Ngài.
Đối với người khác, đó chỉ là sự tâng bốc rỗng toang dối trá;
Của một con cáo được ngợi ca như là con sư tử ấy mà!. 7
Bậc Vĩ Đại nhất của các Đấng Đạo Sư!
Bậc Vĩ Đại nhất của Chư Vị Bảo Hộ!
Bậc Diễn Thuyết tuyệt hảo vô song!
Bậc Hướng Đạo Sư tối cao vô thượng!
Con xin kính lễ bậc Thầy của Lý Duyên Sinh! 8
Ngài tuyên bố: “Tất cả chúng ta đều là đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cách tốt nhất để đền đáp lòng từ mẫn của Ngài là trau dồi tâm vị tha của Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tánh không. Đây là những điều mà tôi làm, và nhờ những sự thực hành này mà tôi cảm thấy thoải mái.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời một số câu hỏi của khán giả - và sau đó họ đã tập trung lại thành từng nhóm để chụp ảnh với Ngài.