Shewatsel, Leh, Ladakh, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe từ Shewatsel Phodrang vào thành phố Leh, nơi mà Ngài thực hiện chuyến hành hương đến Jokhang, ngôi chùa chính ở đó. Ngài được các quan chức chào đón ngay tại cổng và các Vị Lạt Ma cung nghinh Ngài bên trong Chánh Điện. Ngài đã kính lễ trước những hình ảnh thiêng liêng, cúi chào hội chúng và an toạ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với hội chúng, “Tôi đã đến được Ladakh rồi! Hôm nay, tôi đến Jokhang này. Tất cả chúng ta đều nương theo bài kệ sau đây trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”
“Tôi đọc điều này như một lời cầu nguyện mỗi ngày với mong muốn được phụng sự cho tha nhân. Chính Đức Phật đã tích lũy công đức và trí tuệ trong ba vô lượng A tăng kỳ kiếp vì mục đích phụng sự tha nhân. Ngài được thôi thúc bởi lòng vị tha và cuối cùng Ngài đã đạt được sự giác ngộ.
“Tất cả chúng ta đều có Phật tánh. Bản chất thực sự của chúng ta là không bị nhiễm ô; tuy nhiên - trong khi chờ đợi, chúng ta phải chịu những ô nhiễm tạm thời. Bản chất cơ bản của tâm là tịnh quang, trong sạch sáng suốt - trong sáng và tỉnh giác; và tất cả chúng ta đều có những phẩm chất ấy. Đó không phải là thứ chúng ta đạt được bằng sự nỗ lực, mà tất cả chúng ta đều sở hữu nó một cách tự nhiên. Tâm trong sáng của chúng ta đã bị che mờ bởi những ô nhiễm ngẫu nhiên, nhưng nhờ nương tựa vào lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể xua tan được chúng.
“Bằng cách loại bỏ những ô nhiễm trong tâm, Đức Phật đã thành tựu Thân Trí Tuệ Chân Thật. Và yếu tố cơ bản để đạt được điều đó cũng ở trong chúng ta. Tất cả chúng ta đều có bản chất cơ bản này và dựa trên nền tảng đó để đạt được giác ngộ.
“Khi chúng ta nói rằng “Con quy y Phật”, không phải như thể chúng ta đang tìm đến một ai đó ở một nơi nào khác, bởi vì tất cả chúng ta đều có một tâm thức trong sáng ở bên trong, mà bản chất thực sự của nó là không có phiền não. Sự thanh tịnh tự nhiên đó đã bị che khuất bởi những ô nhiễm tạm thời - sự nhiễm ô này sẽ ngày càng mỏng đi nếu chúng ta dấn thân vào thực hành Tam Vô Lậu Học. Cuối cùng khi chúng ta loại bỏ được những ô nhiễm che khuất tâm trí, thì chúng ta cũng có thể đạt được Pháp Thân mà Đức Phật đã thành tựu. Ý nghĩa thực sự của việc quy y Phật là thiền định nghiền ngẫm trạng thái kết quả mà chúng ta sẽ đạt được.”
Ngài đề cập rằng có nhiều truyền thống tôn giáo trên thế giới. Ngài nhớ lại rằng ở Lhasa có một cộng đồng người Hồi giáo - không những được chính phủ Tây Tạng công nhận mà còn được mời tham gia vào các hoạt động của chính phủ. Do đó - Ngài nói - ngay cả lúc ấy Ngài cũng đã có nhiều bạn bè theo đạo Hồi.
Ngài lưu ý rằng trong thời điểm hiện tại, có nhiều người ít quan tâm đến tôn giáo nhưng lại quan tâm đến truyền thống Tây Tạng. Trong bối cảnh này, Ngài đã trích dẫn một bài kệ từ phần cuối của ‘Đại luận về giai trình của Đạo Giác Ngộ’ của Jé Tsongkhapa.
Ở những nơi mà Giáo Pháp của Đức Phật chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã tàn suy;
Xin cho con soi sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy;
Cho hết thảy chúng sanh bởi tâm từ ái vĩ đại này!
“Ngay cả ở những nơi mà Phật giáo đã lan rộng và suy tàn, nó vẫn được đánh giá cao bởi vì nền tảng của nó là lòng từ bi. Nó được ngưỡng mộ ngay cả bởi những người không thực sự quan tâm đến tôn giáo.
“Cho dù chúng ta đang nói về những người theo Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo hay Kỳ Na giáo, thì tất cả chúng ta đều là con người. Ở đây trên trái đất này, chúng ta là anh chị em của nhau. Vì vậy, chúng ta nên nuôi dưỡng một trái tim ấm áp và một thái độ vị tha dành cho nhau. Đây là cách để xây dựng một thế giới hòa bình.
“Thật không may, trong thế giới ngày nay, chúng ta thường thấy có những thành kiến và chia rẽ nảy sinh giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta. Các tín ngưỡng khác nhau của chúng ta có thể áp dụng các quan điểm triết học trái ngược nhau, nhưng tất cả đều khuyên chúng ta nên tử tế và giúp đỡ lẫn nhau.
“Khi tôi đi du lịch đến những nơi khác nhau, tôi cố gắng đến viếng thăm những giáo đường của Hồi giáo địa phương, đền thờ Hindu và đền Kỳ Na Giáo, nhà thờ, v.v. Tất nhiên, tôi là một Phật tử, nhưng tôi thừa nhận rằng những truyền thống tôn giáo khác nhau này đều khuyến khích về giá trị của sự tử tế và giúp đỡ người khác. Ngay cả trong các truyền thống Phật giáo của chúng ta cũng có nhiều trường phái tư tưởng khác nhau như những người theo Kinh điển (Kinh Lượng Bộ); những người phân biệt (trường phái Phân biệt Thuyết); những Hành giả Du già (Du già Tông); những người theo Duy Thức (Duy thức Tông); những người theo chủ nghĩa độc lập (Độc lập Biện chứng Phái); những người theo Chủ nghĩa Hậu qủa (Quy mậu Biện chứng Phái), nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ là: tất cả đều là Phật tử.
“Điều rất quan trọng là chúng ta làm việc để duy trì sự hòa hợp giữa các tôn giáo và ghi nhớ rằng những người ít quan tâm đến tôn giáo vẫn có thể có được sự lợi lạc từ việc áp dụng đạo đức thế tục.
“Khi chúng ta được sinh ra, mẹ chúng ta đã chăm sóc ta và hầu hết chúng ta đều được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Đây là nền tảng để chúng ta lớn lên. Thật dễ dàng để nhận thấy rằng cơ thể của chúng ta được tồn tại là nhờ lòng tốt của mẹ. Do đó, thật dễ dàng để thấy rằng chúng ta nên sử dụng cơ thể của mình để phụng sự cho tha nhân. Ta nên giúp đỡ chứ không được làm tổn hại lẫn nhau; điều này được thúc đẩy bởi tình thương yêu và lòng bi mẫn.
“Tám tỷ người đang sống hiện nay - không những do mẹ họ sinh ra - mà còn sống sót nhờ sự chăm sóc của bà. Vì vậy, họ nên có thái độ tử tế đối với người khác. Gây tổn hại cho người khác là hoàn toàn không phù hợp. Rõ ràng là nếu chúng ta cười với nhau và giúp đỡ lẫn nhau, thì mọi người đều có thể hạnh phúc. Điều quan trọng là phải có trái tim nhân hậu và sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau.
“Chúng ta nói về hòa bình thế giới, nhưng để đạt được điều đó, chúng ta cần phải có một trái tim nhân hậu và có sự bình yên bên trong. Mặt khác, nếu chúng ta đầy ganh tị, kiêu hãnh, ngạo mạn, cạnh tranh và giận dữ thì không có cách nào chúng ta đạt được sự an lạc trong tâm hồn.
“Tất cả mọi người, bắc, nam, đông và tây, đều quan tâm đến hòa bình. Tất cả chúng ta đều giống nhau ở điểm này. Không ai thực sự muốn giết hại, áp bức và ức hiếp người khác. Điều chúng ta cần làm là nuôi dưỡng tinh thần bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau. Rồi chúng ta sẽ bình yên. Và khi chúng ta sắp từ giã cõi trần, nếu chúng ta được bao quanh bởi những người có tình cảm với mình thì ta sẽ cảm thấy thoải mái.
“Tất cả chúng ta đều tập trung ở đây trước bức tượng của vị thầy cao cả của chúng ta - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước sự chứng giám của Ngài, chúng ta nên cam kết cư xử với tấm lòng tử tế.
“Mọi thứ đang thay đổi, ngay cả ở Trung Quốc. Và điều chúng ta nên làm là tìm cách kiến tạo hòa bình trên thế giới, luôn nhớ rằng việc dựa vào vũ khí và bạo lực đã bị lỗi thời.
“Chúng tôi đã cải thiện thông tin liên lạc để tất cả chúng ta được kết nối tốt hơn. Chúng ta biết về nhau nhiều hơn trước đây. Và nếu chúng ta mong muốn chân thành đảm bảo sự hòa bình trên thế giới, thì chúng ta có thể thỉnh cầu sự giúp đỡ của vị thầy cao cả của chúng ta. Nếu những người có đức tin tôn giáo như chúng ta có thể sống hòa thuận như những người anh em một lòng cống hiến để thiết lập hòa bình trên thế giới, thì chúng ta có thể đạt được điều đó. Sự tham chiến và triển khai lực lượng quân sự là điều hoàn toàn đã bị lỗi thời.
“Tôi cũng thỉnh cầu Đức Phật rằng, nguyện cho chúng con có thể trau dồi tình yêu thương và lòng từ bi, giúp đỡ lẫn nhau; và thiết lập hòa bình trên thế giới. Cho dù quý vị theo Allah hay Chúa, thì tôi cũng đều cầu nguyện cho họ như vậy.
“Hãy nhìn xem, hôm nay bầu trời trong xanh và mặt đất quang đãng. Những người sống trong những môi trường như vậy thì nên coi nhau như anh chị em và nên tránh bị quấy rầy bởi những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta không nên ích kỷ. Chúng ta không nên xem thường hay chê bai người khác. Chúng ta nên làm việc vì hạnh phúc của họ. Chúng ta càng nuôi dưỡng một thái độ vị tha, thì những cảm xúc tiêu cực của ta sẽ giảm bớt. Đây là cách mà tôi thực hành. Tôi đã cầu nguyện trong nhiều kiếp để mang lại bình an và niềm vui cho người khác. Ngài - Đức Jowo từ bi là nhân chứng của tôi. Tôi cầu xin sự ban phước của Jowo Chenmo để tôi có thể tiếp tục thực hiện lời cầu nguyện cả ngày lẫn đêm không ngừng nghỉ.
"Cảm ơn."
Trước khi lên đường trở về Shewatsel, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ một số người Hồi giáo đã từng sống ở Lhasa. Sau đó, khi cuộc hành hương của Ngài kết thúc, Ngài rời Jokhang để trở về dinh thự của Ngài tại địa phương.