Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham dự buổi gặp gỡ tại sân Chánh Điện để kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Bharat Tibbat Sahyog Manch (BTSM) - một Tổ chức Toàn Ấn Độ ủng hộ Chính Nghĩa Tây Tạng. Ngài đã được Tiến sĩ Indresh Kumar - người bảo trợ chính của tổ chức, cung đón tại cổng vào Dinh thự của Ngài, và sau đó đứng một lúc để các thành viên chụp ảnh với Ngài.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được tặng hoa và đèn, và được dâng một chiếc tilak trên trán như một phần của sự chào đón của người Ấn Độ. Sau đó, Ngài được cung đón theo truyền thống của người Tây Tạng bao gồm 'Chema Changpu'. Khi Ngài bước lên lối đi chính giữa, những người Tây Tạng trong trang phục truyền thống đã dâng những chiếc khăn lụa kata trắng lên cho Ngài. Đức Ngài đã dừng lại để xem các vũ công Tashi Shölpa từ Viện Biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng (TIPA). Trước khi an toạ, Ngài đã tham gia thắp nến trước bức chân dung của Sarasvati để khai mạc cho sự kiện này.
Nữ điều hành viên đã nói với khán giả rằng họ thật may mắn biết bao khi được có sự hiện diện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ở đó cùng với họ. Là một phần của sự chào đón chính thức đối với các vị quan khách chính, mỗi người được tặng một chiếc mũ Himachali truyền thống. Một tràng hoa vạn thọ khổng lồ đã được kết tạo ra và bao quanh cả nhóm.
Tổng thư ký quốc gia của BTSM - Pankaj Goyal - phát biểu trước tiên; ông đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng tiếng hô vang cổ vũ cuồng nhiệt ‘Jai Bharat, Jai Tibbat’. Ông chào đón các vị quan khách chính và các thành viên của khán giả. Ông đề cập rằng trong 25 năm tồn tại, BTSM đã thành lập các chi nhánh trên khắp đất nước Ấn Độ. Ông mô tả các thành viên đã tự hào như thế nào khi nhận được sự chấp thuận của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; và họ đã quyết tâm duy trì sự ủng hộ của mình đối với Tây Tạng như thế nào.
Trong số nhiều hoạt động của mình, BTSM đã đưa mọi người hành hương đến dãy Himalaya. Goyal đã thông báo rằng một ngày nào đó Tây Tạng sẽ được tự do trở lại và người dân Ấn Độ và nhân dân Tây Tạng sẽ cùng nhau ăn mừng tại Núi Kailash. Trong khi chờ đợi, một trong những mục tiêu của tổ chức là tuyển dụng thêm nhiều thanh niên làm thành viên của tổ chức.
Người bảo trợ chính - Indresh Kumar - đã phát biểu tiếp theo và đề cập đến các mối liên hệ lịch sử giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Ông hết lời ca ngợi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông nêu bật về sự kiện cuộc gặp gỡ này được diễn ra vào ngày Tam Hợp - Đức Phật Đản sanh, Đức Phật Thành Đạo, Đức Phật Nhập Niết Bàn - thật là cát tường biết bao! và thật vui mừng vì giáo lý của Đức Phật vẫn còn duy trì với chúng ta cho đến ngày hôm nay.
Quay trở lại với những câu chuyện truyền thống về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, ông nhận thấy rằng cái thiện cuối cùng sẽ chiến thắng nhờ vào tinh thần bất bạo động. Ông khẳng định rằng BTSM có lập trường bất bạo động trong các hoạt động của mình, đồng thời nói thêm rằng việc sử dụng bạo lực chỉ mang lại sự tác hại cho nhân loại.
Ông tuyên bố rằng điều quan trọng là phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về cách họ đối xử với Tây Tạng và người dân Tây Tạng. Ông cam kết rằng BTSM sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm khi tưởng nhớ đến tất cả những người Tây Tạng đã phải chịu đựng sự đau khổ dưới sự xâm lược mà Trung quốc đã chiếm đóng Tây Tạng. Ông đã trì tụng thần chú ‘Om mani padme hung’.
Ông ám chỉ đến các kế hoạch của BTSM nhằm truyền bá nhận thức về Tây Tạng và hứa sẽ tiếp tục hoạt động vì chính nghĩa của Tây Tạng. Để kết luận, ông tuyên bố rằng Tây Tạng đã từng là một quốc gia tự do và chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc. Ông kết thúc bằng một lời cổ vũ, "Jai Tibbat, Jai Bharat".
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mở đầu những nhận xét của mình với lời nói rằng, sau khi Ngài phải sống lưu vong, Pandit Nehru đã sắp xếp cho Ngài cư trú ở Dharamsala.
Ngài tuyên bố: “Ấn Độ là một đất nước tự do - là nơi mà chúng tôi đã tìm được quyền tự do tôn giáo. “Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều có mặt ở đây, và Phật giáo đã được bắt nguồn từ đất nước này. Đây là lý do tại sao mà tất cả các cuốn sách trong Kinh tạng (Kangyur) và Luận tạng (Tengyur) đều bắt đầu bằng câu: ‘Trong ngôn ngữ của Ấn Độ, tựa đề của tác phẩm này là…’ Mối liên hệ đặc biệt giữa Ấn Độ và Tây Tạng đã có từ lâu. Đây là nơi bắt nguồn của những truyền thống sâu xa mà chúng ta đã duy trì.
“Vào thế kỷ thứ 7, Đức Vua Tây Tạng - Songtsen Gampo - đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc, điều này cho thấy được mối quan hệ lịch sử bền chặt giữa Tây Tạng và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tạo lại một dạng chữ viết của Tây Tạng, Đức Vua đã chọn dựa trên bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ với các nguyên âm và phụ âm của nó.
“Từ triều đại Songtsen Gampo đã có những Tăng Sĩ Trung Quốc hiện diện ở Tây Tạng. Nhưng đến triều đại của vị Vua sau này - Trisong Detsen - vì muốn đánh giá các phương pháp khác nhau giữa Trung Quốc và Ấn Độ đối với việc thực hành Phật giáo, nên Đức Vua đã tổ chức một cuộc tranh biện giữa bậc Đạo sư Ấn Độ - Ngài Liên Hoa Giới - và các nhà sư Trung Quốc. Ngài Liên Hoa Giới đã giải thích cặn kẽ về Tam Vô Lậu Học và v.v., trong khi các nhà sư Trung Quốc không có nhiều điều để nói. Đức Vua quyết định rằng phương pháp của Ngài Liên Hoa Giới đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, suy ngẫm và thiền định phù hợp với người Tây Tạng hơn là phương pháp của người Trung Quốc chỉ tập trung vào thiền định. Đức Vua đã yêu cầu các nhà sư Trung Quốc rời khỏi Tây Tạng.
“Thầy của Liên Hoa Giới là Ngài Tịch Hộ - một Đạo Sư vĩ đại của Đại học Nalanda ở Ấn Độ; trước đó Ngài đã được mời đến Tây Tạng. Chính Ngài là người đã thiết lập truyền thống Nalanda dựa trên lý luận và logic ở Xứ Tuyết. Ngài còn khuyên thêm rằng, vì người Tây Tạng có ngôn ngữ và chữ viết riêng, cho nên thay vì phải phụ thuộc vào tiếng Phạn hoặc tiếng Trung Quốc để đọc kinh điển, thì họ nên dịch sang tiếng Tây Tạng. Đây là cách mà Kangyur - những lời dạy của Đức Phật đã được dịch - và Tengyur - các bộ luận giải của các bậc Thầy kế tiếp đã được dịch - ra đời. Do đó, người Tây Tạng ngày nay vẫn giải thích giáo lý của Đức Phật theo Truyền thống Nalanda.
“Ngày nay, Phật tử và học trò từ nhiều quốc gia Phật giáo thường đến thăm viếng chúng tôi ở đây vì chúng tôi đã giữ gìn và duy trì toàn bộ giáo lý của Đức Phật. Hơn nữa, chúng tôi thực hành cũng như nghiên cứu. Chúng tôi trau dồi thiền tịnh cũng như thiền quán; và đọc kinh sách và luận giải dưới ánh sáng của logic và lý luận.
“Khi chúng ta tham gia vào cuộc tranh luận, đặc biệt là trong các kỳ thi, nếu người thách thức trích dẫn những dòng thánh thư để biện minh cho lời khẳng định của mình, thì người trả lời sẽ phải lấy mũ xuống để thể hiện sự tôn trọng trong khi anh ta cân nhắc những gì đã được nói. Tuy nhiên, nếu anh ta kết luận rằng câu trích dẫn không chứng minh được vấn đề, thì anh ta sẽ đội mũ lên và nói như vậy.
“Đối với tôi, khi còn là một cậu bé, tôi đã bắt đầu nghiên cứu về ‘Nhiếp Loại Học’. Sau đó, tôi chuyển sang các văn bản cổ điển, một vài trong số đó tôi đã thuộc lòng. Tôi đã nghiên cứu các kinh điển với các Thầy Giáo Thọ của mình và tranh luận về những gì tôi đã hiểu được với một nhóm trợ lý tranh luận. Hôm nay nhìn lại quá khứ, tôi cảm thấy thật là may mắn vì đã được gặp gỡ những học giả uyên bác như thế từ các trung tâm học thuật Phật giáo của chúng ta.
“Ngày nay, vì tôi đã quá quen thuộc với việc đưa ra quan điểm phân tích, thế nên cho dù tôi có gặp gỡ các học giả thuộc tôn giáo khác; hay thậm chí là các nhà khoa học hiện đại, thì tôi vẫn cảm thấy mình có thể tự tin để giữ vững quan điểm của mình.
“Có thể thực hiện được việc phân tích điều tra là rất quý giá. Chúng ta không thể chỉ chấp nhận một cách mù quáng những gì mà chúng ta đã được dạy bảo, chúng ta cần phải xem xét lý do của mọi thứ một cách hợp lý.
“Khi tôi tham dự kỳ thi Geshé (Tiến Sĩ) ở Lhasa, tôi đã được thử thách tranh biện ở ba tu viện lớn Ganden, Sera và Drepung. Tôi đang mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình, nhưng bên dưới lớp vỏ bọc đó, tim tôi đập thình thịch một cách đầy lo lắng. Sau các kỳ thi của mình, tôi đã có thể bắt đầu thực hành sự kết hợp giữa thiền chỉ và thiền quán. Và điều này đã giúp tôi chuyển hóa được tâm thức của mình.
“Ở Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi trên ngai vàng cao, nhưng ở nơi lưu vong này, chúng tôi không có nghi thức như vậy. Tôi được truyền cảm hứng bởi bài kệ sau đây từ phần cuối của 'Đại luận về Giai trình của Đạo Giác Ngộ' của Ngài Tsongkhapa:
Ở những nơi mà Giáo Pháp Phật Đà chưa truyền tới;
Hoặc đã từng được truyền qua nhưng cũng đã lụi tàn;
Xin cho con được thuyết giảng rõ ràng - với lòng đầy bi mẫn;
Về kho tàng tuyệt hảo này - vì phúc lợi của tất cả chúng sanh!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về cách mà mỗi ngày, ngay sau khi thức dậy, Ngài liền thiền định về tinh túy của lời dạy của Đức Phật - tâm giác ngộ của Bồ Đề Tâm và quan điểm về tánh không. Ngài tuyên bố rằng có vài ngàn Tăng Ni tham gia nghiên cứu, quán chiếu và thiền định tại các trung tâm tu học được tái lập ở Ấn Độ. Ngài bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những gì họ đang làm, bởi vì đây là cách mà giáo lý được bảo tồn. Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa học tập và thực hành. Ngài động viên họ hãy tiếp tục thực hiện điều ấy.
Ngài nhận xét rằng, có một sự đổi mới mà Ngài có thể công nhận - đó là đã khuyến khích các Ni Sinh nỗ lực học tập và họ cũng đã trở thành những Geshémas (Nữ Tiến Sĩ). Trong các trường học Tây Tạng, Ngài cũng đã ủng hộ việc chuyển trọng tâm từ lĩnh vực tôn giáo sang lĩnh vực triết học. Ở những nơi mà trước đây chỉ có những Vị cố vấn về tôn giáo, thì giờ đây đã có những giáo viên triết học.
“Ở đây, trong cuộc sống lưu vong, chúng tôi không làm việc chỉ vì lợi ích của riêng mình. Bằng cách bảo tồn King Tạng (Kangyur) và Luận tạng (Tengyur), và nghiên cứu những cuốn sách có chứa nội dung về Kinh, Luận, chúng tôi đã duy trì được quan điểm về thực tế và khoa học về tâm thức để có thể mang lại lợi ích rộng rãi cho những người khác trong bối cảnh thuần túy thế tục. Và chúng tôi đã có thể làm được điều này nhờ sự hỗ trợ và khuyến khích hào phóng của Chính phủ Ấn Độ ở cả cấp trung ương và địa phương. Trong các trường học của chúng tôi, trẻ em được nhận một nền giáo dục hiện đại nhưng các cháu cũng có thể giữ cho các giá trị và truyền thống của chúng tôi được tồn tại.
“Tôi muốn nhân cơ hội này để cảm ơn Chính phủ Ấn Độ ở trung tâm, cũng như chính quyền địa phương, vì lòng tốt của họ đã dành cho chúng tôi.”
Tiếng vỗ tay đã vang lên khắp cả Hội trường.
“Bharat Tibbat Sahyog Manch này đang kỷ niệm 25 năm thành lập. Dưới sự bảo trợ của tổ chức này, mọi người từ khắp Ấn Độ đã ủng hộ Tây Tạng. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nơi để bảo tồn văn hóa của chúng tôi; và tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi.”
Trước khi trở về Dinh thự của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vui vẻ xem các nghệ sĩ từ TIPA ca hát và biểu diễn một vũ điệu có nguồn gốc từ vùng Kongpo của Tây Tạng. Các nam vũ công đã giương cung, trong khi các cô gái mang những ống tên. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lấy một trong những ống tên này và vẫy nó trong không trung trước mặt Ngài như một dấu hiệu của sự Cát Tường.