Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến sân chùa liền kề Dinh thự của Ngài với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Ngài đã được dâng cúng ‘Chema Changphu’ truyền thống khi các nghệ sĩ từ Viện Nghệ thuật Biểu diễn Tây Tạng (TIPA) hát chào mừng Ngài vào ngày sinh nhật của Ngài. Đức Ngài an toạ bên dưới Chánh Điện ở nơi đầu sân - cùng với các thành viên trong gia đình của Ngài ngồi ngay phía sau Ngài và các thành viên của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA) thuộc các nhiệm kỳ tiền nhiệm và hiện tại - ngồi ở hai bên phía sau của Ngài.
Vị điều phối viên tiết lộ rằng, Thủ hiến Himachal Pradesh dự kiến sẽ tham gia cuộc gặp gỡ này với tư cách là Khách mời chính. Trong khi chờ đợi, cô thông báo rằng Sikyong Penpa Tsering sẽ giương cao lá cờ Tây Tạng trong khi các nhạc sĩ TIPA dẫn đầu phần trình diễn quốc ca Tây Tạng. Công chúng đã cùng tham gia và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giơ tay chào. Quốc ca Ấn Độ được hát ngay sau đó, và một lần nữa Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giơ tay chào Quốc Kỳ.
Vị điều phối viên đã mời Sikyong - Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong và Ủy viên Tư pháp thực hiện một nghi lễ cúng dường Mạn đà la dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một chiếc bánh bông lan được trang trí đã được dâng lên Ngài và Ngài đã cắt chiếc bánh ấy. Các lát bánh được phân phối đến cho các vị khách trong khi hội chúng đang hát bài ‘Chúc mừng sinh nhật Ngài’.
Trong bài phát biểu của mình để đánh dấu dịp này, Sikyong đã đề cập rằng tầm nhìn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có giá trị đối với toàn thể nhân loại. Để làm nổi bật những gì mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đạt được ở cấp độ toàn cầu, ông đã đề cập đến một số lượng lớn các quốc gia mà Ngài đã viếng thăm trên khắp thế giới, một số quốc gia đã nhiều lần chia sẻ những tư tưởng của Ngài về việc trưởng dưỡng trách nhiệm toàn cầu và phát triển tấm lòng nhân hậu.
Sikyong lưu ý rằng liên quan đến Tây Tạng, lần đầu tiên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trình bày Kế hoạch Hòa bình Năm Điểm tại Quốc hội Hoa Kỳ và xây dựng tầm nhìn của Ngài về Phương pháp Trung đạo tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg.
Penpa Tsering cũng nhận xét rằng chính sự tò mò và quan tâm đến khoa học của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã là điểm khởi đầu cho cuộc đối thoại giữa các bậc học giả Phật giáo uyên thâm và các nhà khoa học - bao gồm 35 cuộc hội nghị của Viện Tâm thức và Đời sống. Trong bối cảnh này, ông nhận xét, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh rằng động cơ từ bi nên là nền tảng của bất kỳ sự nghiên cứu khoa học nào để đảm bảo kết quả của nó không trở thành nguyên nhân gây hại cho chúng sinh hoặc môi trường.
Sikyong kêu gọi người dân Tây Tạng hãy coi nhiệm vụ thiêng liêng của họ là làm việc để hiện thực hóa tầm nhìn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, gạt bỏ chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa bè phái gây chia rẽ sang một bên; và củng cố sự đoàn kết giữa người dân Tây Tạng. Ông nói, đây sẽ là một sự cúng dường và hành động tỏ lòng tôn kính thực sự để vinh danh ngày sinh nhật của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Khenpo Sonam Tenphel - Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong - kể lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ khi Ngài chào đời ở Kumbum Taktser giữa những dấu hiệu cát tường, cho đến khi Ngài hoàn thành chương trình giáo dục chính thức ở Tây Tạng vào năm 1959; và nhờ đó Ngài đã được trao tặng văn bằng Geshé Lharampa (Tiến Sĩ). Năm 16 tuổi Ngài đã nắm quyền lãnh đạo nhân dân Tây Tạng, nhưng đến năm 1959 thì buộc phải rời bỏ quê hương. Trong thời gian sống lưu vong, Ngài đã cố gắng tái lập các trung tâm học tập của Tu viện và thành lập trường học cho trẻ em Tây Tạng. Nhờ đó mà cộng đồng người Tây Tạng lưu vong là một tập thể gồm những người có học thức.
Sau khi giới thiệu một mô hình dân chủ cho người Tây Tạng lưu vong, với cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên của một Kalon Tripa vào năm 2001, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bán nghỉ hưu. Sau khi điều này được lặp lại vào năm 2011, Ngài đã chính thức trao quyền hành chính và chính trị của mình cho các nhà lãnh đạo được bầu chọn.
Chủ tịch đã đưa ra quan điểm rằng Phương pháp tiếp cận Trung đạo do Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thiết lập nhằm cung cấp một giải pháp cho vấn đề Tây Tạng có lợi cho cả người Tây Tạng và người Trung Quốc. Ông nhận xét rằng, chưa nói đến việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, người dân Tây Tạng hiện nay thậm chí còn không được phép sở hữu một bức ảnh của Ngài - nhưng tinh thần của họ vẫn không hề bị lay chuyển. Ông báo cáo rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thường đề cập rằng người dân Tây Tạng đang sinh sống bên trong đất nước Tây Tạng - luôn ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của Ngài.
Tiếp theo chương trình, các cháu bé từ Trường TCV Day School ở McLeod Ganj đã trình diễn những ca khúc và các vũ điệu. Đối với những cháu còn quá nhỏ, trang phục, cử chỉ và động tác của các cháu rất thú vị đặc trưng của truyền thống Tây Tạng. Tiếp theo là màn trình diễn vũ điệu mang tên “Ánh sáng rạng soi khắp Thế gian” do các thành viên lão thành của Hiệp hội TOEPA thực hiện.
Tại thời điểm này, người điều hành đã cung thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trước hội chúng.
Đức Ngài trả lời: “Hôm nay, tôi muốn nói với tất cả bạn bè của mình rằng lời cầu nguyện hàng ngày của tôi là:
Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ mọi đau khổ của thế gian.
“Chừng nào còn có chúng sinh mong cầu hạnh phúc, thì tôi sẽ quay trở lại từ kiếp này sang kiếp khác để giúp đỡ họ.
“Do duyên nghiệp và những lời cầu nguyện tôi đã thực hiện trong quá khứ, nên tôi đã được sinh ra ở Amdo và kể từ đó tôi đã làm hết sức mình để giúp đỡ tất cả chúng sinh.
“Hôm nay, quý vị đang chúc mừng sinh nhật lần thứ 88 của tôi, nhưng khi nhìn vào gương, tôi cảm thấy mình vẫn như đang ở độ tuổi 50. Khuôn mặt tôi trông không già đi, không bị nhăn nheo vì tuổi tác. Hơn nữa, răng của tôi vẫn còn đầy đủ và tốt nên tôi có thể nhai các loại thức ăn và ăn uống tốt.
“Tôi sinh ra ở Tây Tạng và tôi mang danh hiệu là Đạt Lai Lạt Ma, nhưng ngoài việc phục vụ cho chính nghĩa của Tây Tạng, tôi còn phụng sự vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Tôi đã làm bất cứ điều gì có thể mà không đánh mất hy vọng hay để cho sự quyết tâm của mình bị lung lay. Tôi không tức giận đối với bất cứ ai, kể cả những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã áp dụng một thái độ khắc nghiệt đối với Tây Tạng. Thật vậy, Trung Quốc - trong lịch sử đã là một quốc gia Phật giáo như được chứng kiến bởi rất nhiều ngôi chùa và tu viện mà tôi đã thấy khi đến thăm vùng đất đó.
“Tôi tin rằng, kiến thức trong văn hóa và tôn giáo Tây Tạng có thể mang lại lợi ích cho thế giới nói chung. Tuy nhiên, tôi cũng tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo khác vì họ khuyến khích các tín đồ của mình trau dồi tình yêu thương và trưởng dưỡng lòng từ bi.
“Theo những chỉ dẫn trong giấc mơ của chính tôi và những dự đoán khác, tôi nghĩ rằng mình sẽ sống đến hơn 100 tuổi. Tôi đã phục vụ tha nhân cho đến bây giờ và tôi quyết tâm tiếp tục làm như thế. Xin hãy cầu nguyện cho sự trường thọ của tôi dựa trên nền tảng đó.
“Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, Mao Trạch Đông đã ca ngợi quan điểm khoa học của tôi, nhưng lại chỉ trích tôn giáo là chất độc. Tôi nghĩ mục đích của tôn giáo không chỉ là cầu nguyện mà còn là tham gia vào việc giúp đỡ và phục vụ người khác. Tôi tin rằng có sự cộng hưởng của điều này ngay cả trong lối suy nghĩ của người cộng sản; và đôi khi tôi tự hỏi, nếu tôi có gặp lại Mao Trạch Đông hôm nay thì tôi có thể nói chuyện với ông ấy về vấn đề này. Tôn giáo là sống một cuộc sống tốt đẹp để phụng sự cho tha nhân.
“Như tôi đã đề cập, có những dấu hiệu cho thấy tôi sẽ sống thêm 15 hoặc 20 năm nữa; và trong thời gian đó, có hy vọng về sự thay đổi trên thế giới - về việc loại bỏ vũ khí và sử dụng lực lượng quân sự. Rất mong mọi người cùng học cách sống trong hòa bình và hữu nghị.
“Kinh điển có gợi ý rằng cuối cùng thế giới có thể sẽ bị lửa thiêu rụi; nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, chúng ta cần phải học cách sống hòa bình và thân thiện hơn. Nếu bây giờ chúng ta thực hành tốt khi còn có thể, thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đưa thông điệp của mình đến các hệ thống thế giới khác.
“Tôi không quan tâm lắm đến cái tên Đạt Lai Lạt Ma, điều khiến tôi quan tâm hơn nhiều là được phục vụ tha nhân. Tất nhiên, tôi cần thức ăn và đồ uống để tồn tại, nhưng không cần nhiều những thứ khác. Mối quan tâm hàng đầu của tôi là phụng sự cho những chúng sinh khác - xin cảm ơn!”
Những trẻ em từ trường mẫu Mewoen Tsuglag Petoen đã trình diễn những ca khúc và vũ điệu tiếp theo. Một trong số các cháu đã thông báo rằng tất cả họ đều cầu nguyện cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trường thọ và họ cống hiến phần trình diễn của mình cho mục đích đó. Tiếp theo sau những trẻ em này là một nhóm phụ nữ, bạn bè và những người ủng hộ Tây Tạng hiền lành - đến từ Nhật Bản, những người đã cúng dường phần trình diễn du dương dịu dàng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ban nhạc diễu hành TIPA đã thông báo về sự xuất hiện của Thủ hiến Himachal Pradesh - Sukhvinder Singh Sukhu. Cùng với vợ và hai cô con gái, cũng như các thành viên trong chính quyền của ông, ông đã nồng nhiệt chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, dâng tặng Ngài một chiếc mũ và khăn choàng truyền thống của Himachal.
Được mời phát biểu tại cuộc gặp gỡ này, ông tuyên bố rằng trước hết ông muốn kính chúc Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một sinh nhật thật vui vẻ. Ông tiếp tục: “Kính thưa Đức Ngài! Ngài đã được biết đến với thông điệp nhất quán về lòng yêu thương và tình bằng hữu. Ngài đã mang lại cho tất cả chúng con niềm vui thật to lớn. Thật là một phước lành khi có sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng con trong nhiều năm hoạt động vì công lý cho người Tây Tạng và hòa bình trên thế giới.
“Nhân dịp sinh nhật của Ngài, tôi muốn kêu gọi mọi người cùng làm việc để thực hiện viên mãn tầm nhìn của Ngài về một nền giáo dục hoàn thiện hơn. Tất cả chúng ta nên noi theo tấm gương của Ngài và cố gắng sống một cuộc sống có ý nghĩa. Tôi đặc biệt khuyên các trẻ em nên chú ý đến những điều mà Ngài đã ban dạy.
“Kính thưa Đức Ngài, trong hơn 60 năm qua, Ngài đã được chào đón ở đây - tại Himachal Pradesh này!”
Bộ trưởng đưa tay ra và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nắm lấy bàn tay của ông. Họ cùng nhau đi bộ qua sân cho đến khi họ lên chiếc xe golf để đi đến hội trường -nơi mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thủ hiến và gia đình của ông - đã có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và thân mật.
Buổi lễ kỷ niệm kính mừng sinh nhật của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được tiếp tục suốt cả ngày trong sân chùa và cho mãi đến tận buổi tối tại TIPA.