Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Sáng nay, trong khuôn khổ là một phần của Đại Lễ hội Cầu nguyện của truyền thống Geluk, Tổ chức Quốc tế Geluk, tổ chức đại diện cho toàn bộ Truyền thống Geluk, đã dâng lời cầu nguyện cho sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một nhóm các vị Viện Chủ đội những chiếc mũ có mào màu vàng, mang theo những chiếc khăn Khata màu trắng và những bó hương; đã cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi chiếc xe golf đưa Ngài vào Sân bãi Kalachakra. Họ hộ tống Ngài lên khán đài và có sự tham gia của Gaden Tri Rinpoche, Sharpa Chöjé và Jangtsé Chöjé trong nhóm cuối cùng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào Hội chúng, chào mừng các Lạt ma lỗi lạc của Chư Tôn Giáo Phẩm, và an tọa trên Pháp tòa. Gaden Tri Rinpoche, Sharpa Chöjé và Jangtsé Chöjé chủ trì buổi lễ an toạ đối diện với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Lễ Trường Thọ hôm nay dựa trên lễ ‘Cúng dường Đạo sư Tâm linh’ (Lama Chopa). Buổi Lễ được bắt đầu với hơn 16.000 Tăng Ni, nhiều Vị trong số họ đến từ vùng Hy Mã Lạp Sơn, nhanh chóng tụng kinh phần nghi thức chuẩn bị tự phát khởi (tự quán tưởng). Khi nghi thức ấy đã được thực hiện xong, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu trước hội chúng.
“Thật tình cờ là hôm nay, vào ngày đầu tiên của năm mới theo lịch quốc tế, chúng ta lại vân tập tại nơi linh thiêng này, nơi các Tu sĩ từ ba trụ sở Đại học Viện, Ganden, Sera và Drepung, đang dâng lời cầu nguyện. Chúng ta cũng có được sự tham gia của các bậc Thầy của Sakya, Nyingma và các truyền thống khác. Chính vì Nhân Duyên giữa chúng ta nên mới có sự hội ngộ ở đây trong dịp này.
“Về phần tôi, tôi quyết tâm tiếp tục phụng sự Phật Pháp, đặc biệt là Truyền thống Phật giáo Tây Tạng, cho đến khi tôi ít nhất đến 100 tuổi. Như quý vị đã biết, tôi được thúc đẩy bởi lời cầu nguyện sau đây:
"Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ mọi đau khổ của thế gian."
“Người dân ở Tây Tạng đang gặp khó khăn, nhưng chính người dân của ba tỉnh - Amdo, Kham và U-tsang-, vùng Hy Mã Lạp Sơn, cũng như người Mông Cổ, Kalmykia, Buryatia và Tuva, là những người nhiệt thành nhất trong sự cầu nguyện cho tôi được trường thọ. Những mong muốn chân thành này sẽ đơm hoa kết trái. Tôi quyết tâm sẽ sống thật lâu; và trong giấc mơ tôi đã thấy những điềm báo rằng mình sẽ sống đến hơn 100 tuổi. Nghiệp duyên giữa chúng ta là điều kiện để cho điều này được xảy ra.
“Chúng ta vân tập ở đây, không phải để đi dã ngoại và vui chơi mà là để đặt nền tảng cho việc nghiên cứu, tư duy và thiền định để có thể thực hành Tam Vô Lậu Học từ năm này qua năm khác.”
Ngài nhận xét rằng Phật giáo vốn bắt đầu như một truyền thống của châu Á, và hiện nay đã thu hút được sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà khoa học ở phương Tây cũng như ở Trung Quốc đều mong muốn khám phá những điều mà Phật giáo đề cập đến sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ngài nói, Trung Quốc có truyền thống là một quốc gia Phật giáo, nhưng dưới hệ thống cộng sản, chính quyền đã tìm cách huỷ hoại nó. Tuy nhiên, gần đây, sự quan tâm phổ biến đối với Phật giáo ngày càng tăng. Đức Ngài cho rằng có những dấu hiệu cho thấy mọi thứ có thể đang thay đổi và sẽ dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Ngài tuyên bố: “Tôi vẫn khoẻ. Bộ não của tôi rất nhạy bén và tỉnh táo. Tôi vẫn có thể mỉm cười và sẽ tiếp tục như thế trong nhiều năm tới.
“Quý Vị cũng nên cảm thấy hạnh phúc và quyết tâm tiếp tục thực hành Pháp. Người Tây Tạng chúng ta và những người láng giềng của chúng ta đã tuân theo Truyền thống Nalanda kể từ khi Ngài Tịch Hộ quang lâm đến Tây Tạng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho truyền thống này sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
“Tôi đã cố gắng hết sức rồi. Mọi người trên khắp thế giới đã trở nên quen thuộc với tên tuổi của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ biết những gì tôi đã nói về hòa bình và lòng từ bi; và tôi dự định sẽ tiếp tục nói về những phẩm chất này trong 15 năm tới hoặc hơn nữa.
“Tôi quán chiếu về tâm giác ngộ của Bồ Đề Tâm và ý nghĩa của tính Không bất cứ khi nào có thể. Và mặc dù Tây Tạng, Xứ Tuyết, đã trải qua thảm kịch nghiệt ngã, nhưng một trong những kết quả tích cực mà chúng ta đạt được đó là mọi người đã ý thức được về nền văn hóa và truyền thống của chúng ta. Hiện nay đã có sự thừa nhận rộng rãi hơn rằng Phật giáo Tây Tạng là một phần kho báu của nhân loại.
“Việc chúng ta vân tập ở đây hôm nay vào lúc bắt đầu một năm mới dường như là một dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Xin hãy cầu nguyện rằng mọi việc sẽ tốt đẹp. Tashi Delek.”
Vào thời điểm thích hợp trong nghi lễ, Gaden Tri Rinpoche, Sharpa Chöjé và Jangtsé Chöjé đã tiến lên phía trước, dâng một mandala tượng trưng cho vũ trụ lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi một nhóm nghệ sĩ Tây Tạng hát và nhảy múa trên sân bãi, và một nghệ sĩ violin người Mông Cổ chơi vĩ cầm ở góc của khán đài, Gaden Tri Rinpoché đã đọc lời tác bạch tưởng nhớ về cuộc đời của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và thỉnh cầu Ngài trụ thế trường thọ.
Tri Rinpoche tuyên bố: “Khi người Tây Tạng không có ai khác lãnh đạo họ, Ngài đã nhận trách nhiệm về Tây Tạng khi Ngài mới 16 tuổi. Sau này, khi sống lưu vong, Ngài đã đưa ra một hệ thống dân chủ.
“Ngài đã học rất nhiều dưới sự hướng dẫn của những bậc thầy thành tựu và vĩ đại. Ngài đã trở thành người bảo vệ toàn bộ Giáo lý của Đức Phật và đến lượt Ngài đã ban rất nhiều giáo lý vĩ đại. Ngài đã vượt trội hơn các bậc học giả uyên bác khác.
“Trước khi rời Tây Tạng, Ngài đã mở cuốn ‘Trí tuệ Bát Nhã 8000 dòng’ và đọc cuốn ấy cho đến khi Ngài đọc đến đoạn có nội dung: ‘Đừng nản lòng; hãy can đảm lên.’ Rồi Ngài rời Tây Tạng và đến Ấn Độ an toàn.
“Người tị nạn Tây Tạng phải chịu đựng sự đau khổ, một số người thậm chí còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn. Ngài đã chịu trách nhiệm thiết lập các khu định cư cho họ. Ngài đã tái lập các tổ chức Tu viện của chúng ta. Những điều này hiện đang phát triển mạnh mẽ và truyền thống của chúng ta đã được cả thế giới biết đến. Những người từ nước ngoài, đặc biệt là người Mông Cổ, đã có thể học hỏi với chúng ta trong các Tu viện của chúng ta giống như họ đã học ở Tây Tạng.
“Chính quyền Trung ương Tây Tạng dựa trên một hệ thống được bầu cử dân chủ. Ngài đã thành lập Nội các, Quốc hội và Cơ quan Tư pháp. Dần dần Ngài đã chuyển giao trách nhiệm của mình cho ban lãnh đạo được bầu chọn này.
“Ngài đã làm việc để thu hút sự ủng hộ cho mục đích của chúng ta. Người Tây Tạng ở Tây Tạng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng để giải quyết những khó khăn mà họ gặp phải, Ngài đã đề xuất và áp dụng Phương pháp Trung Đạo. Điều này bao gồm sự trao đổi và thảo luận giữa người Tây Tạng và người Trung Quốc thông qua các đại diện. Ngài cũng đã thu hút những người ủng hộ như Quốc hội Hoa Kỳ, v.v. cho mục đích của chúng ta.
“Người Tây Tạng bên ngoài Tây Tạng đã có thể học tập và sau đó quay trở lại Tây Tạng và Trung Quốc để truyền bá những gì họ đã học được.
“Ngài cam kết thúc đẩy các giá trị nhân văn cho hạnh phúc, khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo, nỗ lực bảo tồn văn hóa Tây Tạng và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của Tây Tạng và nâng cao nhận thức về những lợi ích được tìm thấy trong kiến thức Ấn Độ cổ đại.
“Để đáp ứng nguyện vọng của Ngài, chúng ta đã thành lập một văn phòng dành cho Người nắm giữ Pháp Ngai Ganden. Chúng ta đã triệu tập các cuộc họp để tìm hiểu và thảo luận về các tác phẩm của Đức Di Lặc và các tác phẩm cổ điển khác. Ngoài ra, 50 Geshé (Tiến sĩ) và Geshé-mas (Nữ Tiến sĩ) đã tốt nghiệp trong năm nay. Chúng ta đã tạo cơ hội cho các học giả tham gia vào các nghiên cứu chuyên ngành và tham gia nghiên cứu, đồng thời chúng ta đã mở ra các cuộc thảo luận để thiết lập quan hệ với các tổ chức giáo dục khác.
“Chúng ta vân tập về đây tại Vajra-Asana (Kim Cang Toà), nơi Đức Ngài đã giảng dạy ‘Bồ Đề Tâm Luận’ và ban Quán đảnh về “Hai mươi mốt Taras”. Để tỏ lòng tri ân, chúng con đã trì tụng Thần Chú Manjushrinamasangiti và Guhyasamaja 3000 lần. Chúng con đã đọc ‘Tinh tuý của Hùng Biện’ 10.000 lần. Chúng con đã trì tụng hai triệu thần chú của các Bổn tôn trường thọ, hai mươi triệu thần chú Tara, hai mươi triệu thần chú sáu âm, mười triệu thần chú Vajra Guru, v.v. Trong số Cư sĩ có những người đã từ bỏ việc ăn thịt và uống rượu. Tiểu sử của Jé Tsongkhapa đã được xuất bản và chúng con đang dâng cúng lên Ngài những hình ảnh về Tara Xanh và bậc Tinh thông trường thọ Thangtong Gyalpo.
“Công đức của tất cả những hành trạng tích cực này chúng con xin dâng lên hồi hướng cho sự trường thọ của Ngài. Cầu mong người dân Tây Tạng tiếp tục được sự hướng dẫn và chăm sóc bởi hàng loạt hóa thân của Đức Quán Thế Âm. Kính thưa Đức Ngài, chúng con tha thiết thỉnh cầu Ngài trụ thế trường thọ.”
Một bức tượng của Đức Phật, một cuốn kinh và một chiếc Tháp đã được dâng lên Ngài, tiếp theo sau đó là một cây tích trượng, bảy biểu tượng hoàng gia và tám biểu tượng cát tường.
Thủ hiến bang Arunachal Pradesh - Pema Khandu; và anh trai của ông là Tashi Tsering, một MLA, đã dâng lên một cành, lá và hạt mà ngày nay được coi là cây cát tường để làm quà lưu niệm cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ nhắc Ngài rằng sau khi vào lãnh thổ Ấn Độ tại Khen Dze Mani ở quận Tawang của Arunachal Pradesh vào ngày 31 tháng 3 năm 1959, Đức Ngài đã cắm cây gậy của mình lên một tảng đá ở ‘Grong Kukpa’. Cây gậy đó đã phát triển thành một cái cây xinh đẹp và được tôn kính và cành, lá và hạt đều từ đó mà ra.
Thư ký của Tổ chức Quốc tế Geluk, Geshé Lobsang Gyaltsen, cựu Viện trưởng Tu viện Gomang, đã trình bày về khoản thu nhập và chi phí trước khi gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã ủng hộ và tham gia Lễ cầu nguyện Trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm nay.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nồng nhiệt chào đón chư Tôn Giáo phẩm của truyền thống Sakya và Geluk trước khi vẫy tay chào Hội chúng một lần nữa. Sau đó Ngài bước lên xe golf để quay về Gaden Phelgyeling.