Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Sáng nay, dưới bầu trời mùa đông, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe ngang qua Đại học Magadh để đến địa điểm tiềm năng là Trung tâm Đạt Lai Lạt Ma về Trí tuệ Tây Tạng và Ấn Độ cổ đại. Ở đó, khi các Tăng sĩ của Tu viện Namgyal tụng kinh, Ngài đã cùng với Ngài Kiren Rijiju - Bộ trưởng Bộ Luật và Tư pháp Chính phủ Ấn Độ; Shri Sushil Modi - Nghị sĩ; Tiến sĩ Vinay Sahasrabuddhe - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) và Đại sứ Kumar Tuhin - Tổng Giám đốc ICCR, Ngài đã công bố đặt đá xây dựng. Ngài đã xem xét kỹ lưỡng mô hình kiến trúc của các tòa nhà được đề xuất trước khi an toạ trên khán đài.
Giám đốc lâm thời của dự án - Tempa Tsering, chào mừng tất cả mọi người hiện diện và chào đón những vị khách đặc biệt. Ông thông báo rằng Trung tâm được thành lập để đáp ứng tầm nhìn của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng nếu nhận thức về Trí tuệ Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là về hoạt động của tâm thức và cảm xúc, có thể được phục hồi và chia sẻ rộng rãi hơn, điều đó sẽ góp phần vào sự sáng tạo về một thế giới hòa bình hơn, nhân ái hơn. Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ bang Bihar và Chính phủ Ấn Độ vì sự hỗ trợ của họ. Ông tuyên bố rằng Trung tâm sẽ mở cửa cho tất cả những ai mong muốn tìm hiểu về Trí tuệ Tây Tạng và Ấn Độ cổ đại.
Trong bài phát biểu bằng tiếng Hindi, Giáo sư Samdhong Rinpoché nhớ lại rằng nhiều năm trước Vinobha Bhave đã gợi ý rằng sẽ đến lúc văn hóa Ấn Độ đóng vai trò dẫn đầu trên thế giới. Dự đoán của ông ấy đã bị bác bỏ rộng rãi, nhưng nhìn lại, có vẻ như ông ấy là một người có tầm nhìn xa trông rộng. Rinpoche tiếp tục nói rằng vì quan điểm duy vật gắn liền với khoa học và công nghệ đã không thể mang lại hòa bình và sự hài lòng cho thế giới, nên kiến thức và giá trị Ấn Độ cổ đại có thể lấp đầy khoảng trống này.
Rinpoche khẳng định: trong quá khứ, các trường phái tư tưởng Ấn Độ đã làm phong phú lẫn nhau khi họ tham gia vào việc trao đổi các ý tưởng dựa trên lý trí và logic. Truyền thống Tây Tạng đã giữ cho phương pháp này được tồn tại. Với việc thành lập Trung tâm này, những truyền thống này sẽ được khôi phục ở Ấn Độ.
Kumar Sarvjeet, MLA của Bodhgaya và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong Chính phủ Bihar đã phát biểu tiếp theo thay mặt cho Thủ hiến, Nitish Kumar. Ông đã thông báo với hội nghị rằng Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ tầm nhìn của Đức Ngài. Ông đã nói rõ rằng ông và Chính phủ Bihar sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp dự án thành hiện thực. Ông tiết lộ rằng Chính phủ và người dân Bihar, đặc biệt là người dân địa phương, rất biết ơn việc Trung tâm được thành lập ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Ngài Kiren Rijiju - Bộ trưởng Bộ Luật và Tư pháp trong Chính phủ Trung ương, người đến từ Arunachal Pradesh, đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, các vị trì giữ ngai tòa Sakya và các vị khách danh dự khác. Ông nói rằng bất cứ khi nào ông đến Bồ Đề Đạo Tràng và ngẫm nghĩ rằng 25 thế kỷ trước Đức Phật đã thực sự viếng thăm địa phương này, ông cảm thấy thật bình yên. Đây chính là điều khiến cho Bồ Đề Đạo Tràng trở thành một nơi linh thiêng và giờ đây Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã củng cố tình trạng đó bằng sự hiện diện của Ngài. Đức Phật đã chỉ cho thế giới cách để đạt được sự giác ngộ; và ở thời đại của chúng ta, thì đây cũng là điều mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm.
Ông nói: “Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã coi Ấn Độ là quê hương của mình và đã cam kết giúp vực dậy sự nhận thức về Trí tuệ Ấn Độ cổ đại. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến Ấn Độ để tỏ lòng kính trọng đối với Ngài ấy. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi Ấn Độ là Đạo sư và người Tây Tạng là các học trò, nhưng tôi nói rằng chính Ngài, một tông đồ của hòa bình, là Đạo sư của thế giới. Thay mặt người dân và chính phủ Ấn Độ, tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Ngài. Thật là một đặc ân cho chúng tôi khi có Ngài ở giữa chúng tôi ngay tại Ấn Độ này.
“Tôi rất vinh dự được tham gia Lễ đặt đá thành lập Trung tâm Trí tuệ Tây Tạng và Ấn Độ cổ đại này. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng trí tuệ của Nalanda được nuôi dưỡng bởi các bậc Thầy như Ngài Long Thọ, Ngài Thánh Thiên và Ngài Nguyệt Xứng - một truyền thống dựa trên lý trí và logic, đã được duy trì ở Tây Tạng. Truyền thống này ít quan tâm đến tôn giáo mà quan tâm nhiều hơn đến khoa học tâm thức. Một trung tâm nghiên cứu theo hướng này đang được thành lập và mọi người từ khắp nơi trên thế giới sẽ có thể đến học tại đây.
“Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cam kết đề cao những giá trị nhân văn như tâm từ bi và lòng khoan dung, sự tha thứ và tính kỷ luật tự giác. Ngài cam kết sẽ nỗ lực bảo tồn văn hóa Tây Tạng và bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng.
“Chính phủ Ấn Độ cam kết hỗ trợ trung tâm này, điều này sẽ khuyến khích chúng ta hướng nội. Trung tâm sẽ là một tổ chức đẳng cấp thế giới, một món quà dành cho nhân loại, nơi có thể khám phá mối liên hệ giữa sự bình an trong tâm hồn và hòa bình thế giới.”
Sau đó Tempa Tsering đã cung thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trước hội chúng.
Ngài nhận xét: “Hôm nay, tất cả chúng ta vân tập ở đây vì lòng ngưỡng mộ đối với lời dạy của Đức Phật. “Tất cả chúng ta đều mong muốn hòa bình, vì vậy chúng ta cần trau dồi lòng từ bi và thực hành không làm điều ác. Phật Pháp không những chỉ tiết lộ sự hòa bình và hạnh phúc cho thế giới mà còn chỉ cho chúng ta cách để vượt qua đau khổ.
“Chỉ biết đắm mình trong sự mơ ước thôi là chưa đủ, chúng ta phải nhìn vào nguyên nhân của đau khổ, bắt nguồn từ thái độ ái trọng tự thân và những cảm xúc tiêu cực của chúng ta, và rồi ta đoạn trừ chúng. Hòa bình trên thế giới phụ thuộc vào việc mỗi cá nhân đạt được sự bình yên trong tâm hồn.
“Ngài Tịch Thiên đã trình bày tình huống này rất rõ ràng trong tác phẩm ‘Nhập Bồ Tát Đạo’ của Ngài.
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta." (8/129)
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân." (8/130)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
"Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên?" 30/7
Ngài tiếp tục: “Nếu quý vị có trái tim ấm áp nhân hậu và quyết tâm giúp đỡ người khác, thì điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho quý vị. Vì vậy, chúng ta có thể biết ơn Đức Phật vì lời dạy của Ngài.”
“Ấn Độ là vùng đất mà ở đó, nhờ các truyền thống cơ bản và lâu đời về 'karuna' (lòng từ bi) và 'ahimsa' (bất bạo động), nhiều truyền thống tâm linh khác nhau đã phát triển mạnh mẽ. Để đảm bảo hòa bình trên thế giới, chúng ta cần khuyến khích quan niệm bất bạo động hoặc không gây hại - ‘ahimsa’. Những người tị nạn Tây Tạng thật may mắn khi có thể đến sống ở một vùng đất đề cao tinh thần bất bạo động ‘ahimsa’ một cách rõ ràng.
“Tôi không còn gì nhiều để nói nữa. Tôi cảm ơn Chính phủ bang Bihar và Chính phủ Trung ương vì sự hỗ trợ của họ, nếu không có sự hỗ trợ đó thì dự án này sẽ khó thực hiện được. Chúng tôi vô cùng biết ơn.
“Chúng ta cần nghĩ đến lợi ích của tha nhân và không ngừng trau dồi một trái tim ấm áp nhân hậu; phục vụ người khác là một cách sống thiết thực và thực tế. Xin cảm ơn."
Karma Chungdak đã phát biểu lời cảm ơn. Trước hết, ông bày tỏ lòng thành kính tri ân lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã truyền cảm hứng cho việc thành lập Trung tâm Trí tuệ Tây Tạng và Ấn Độ cổ đại này; cũng như đã tham gia vào việc đặt viên đá nền tảng ngày hôm nay. Ông cảm ơn các đại diện của một số truyền thống tâm linh, Tăng ni của Tây Tạng vì sự tham dự của họ. Cuối cùng, thay mặt cho Tổ chức Hội Đạt Lai Lạt Ma, ông gửi lời cảm ơn tới Hon'ble Kiren Rijiju, vì đã đại diện cho Chính phủ Ấn Độ, và Kumar Sarvjeet, vì đã đại diện cho Chính phủ bang Bihar, cũng như Sikyong Penpa Tsering và Diễn giả Khenpo Sonam Tenphel, đại diện cho Chính quyền Trung ương Tây Tạng trong dịp trọng đại này.